Nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 30km, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đã có truyền thống phát triển nghề làm bánh kẹo và miến dong từ những năm 1960. Theo thông tin từ cán bộ xã Dương Liễu, hiện địa bàn này có khoảng trên 3.000 hộ dân thì hơn 2.800 hộ làm nghề, tổng doanh thu hàng năm ước đạt trên 300 tỷ đồng. Cứ đến dịp Tết cả làng lại tất bật cho ra thị trường nhiều tấn miến dong phục vụ nhu cầu của người dân. Miến dong được làm từ tinh bột củ dong riềng. Không giống như mì sợi, tinh bột miến được sấy khô, không chiên qua dầu nóng nên chất dinh dưỡng được giữ nguyên. Vì vậy, miến dong rất được người dân ưa chuộng sử dụng trong những ngày Tết.
Tuy nhiên, bên cạnh nguồn lợi về kinh tế mà nghề truyền thống mang lại, thực trạng ô nhiễm, mất vệ sinh tại xã Dương Liễu đang ở mức báo động. Mỗi ngày, làng nghề Dương Liễu chế biến hàng tấn dong riềng và thải ra môi trường trên 13.000 m3 nước thải. Lượng nước thải này không qua xử lý mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường...
Chất thải từ làm miến dong đổ tràn lan ra đường
Đặt chân tới làng nghề, PV bị ám ảnh bởi mùi chua nồng, hôi thối; tận mắt thấy chất thải, nước thải đổ bừa bãi, đen kịt. Cán bộ xã cho biết, quy trình sản xuất miến dong còn thủ công, cá thể, chưa tập trung quy hoạch thành các cơ sở lớn, mà mạnh ai người ấy làm. Theo tính toán, 10 tấn củ dong riềng sẽ thải ra môi trường tới gần 7 tấn cặn bã và nước thải. Con kênh T2 chảy qua địa phận làng nghề từ lâu đã bị ô nhiễm trầm trọng, nước thải đen kịt bốc mùi hôi thối; những chất cặn bã đóng thành tảng, gây tắc dòng chảy.
Cô Nguyễn Thị Lan – một người dân sống trên địa bàn chia sẻ :“Chất thải của làng nghề tích tụ lâu năm ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm trên địa bàn xã. Nước giếng khoan khi đưa lên sử dụng có mùi thum thủm, dân không dám ăn chỉ sử dụng để sản xuất, tắm giặt,...Một số nhà có điều kiện thì thay đổi nguồn nước khác như nước mưa hay đầu tư hệ thống lọc nước hiện đại mới dám sử dụng để ăn uống”.
Miến phơi không đảm bảo quy trình VSATTP
Không chỉ ô nhiễm trong quá trình chế biến, sau khi thành phẩm ra những sợi miến nhìn thơm ngon, nhưng quá trình sấy khô cũng hết sức thủ công, người dân chủ yếu đem ra phơi nắng. Sản phẩm được phơi khắp mọi nơi, từ ngoài cánh đồng đến đường trong làng, ngay cả đến đường đê, đường quốc lộ cũng được tận dụng làm nơi phơi miến. Miến được phơi ngoài đồng ngay bên cạnh là những đống chất thải của gia súc bón cho cây, ruồi bọ bu kín. Miến phơi trên đường quốc lộ không chỉ mất vệ sinh, bụi bặm bám vào mà còn cản trở hoạt động tham gia giao thông của các phương tiện. Anh Nguyễn Mạnh Thắng – một hộ kinh doanh miến dong ở đây cho biết :“Hiện trên địa bàn, hoạt động sản xuất miến dong của các hộ dân chủ yếu là cá thể, thủ công manh mún chưa được quy hoạch. Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cùng với hệ thống sấy có giá thành cao nên đầu tư cá thể là bất khả thi. Dẫu biết là việc xả thải ra môi trường, phơi miến trên đường quốc là ô nhiễm, mất vệ sinh nhưng vì sinh kế nên các hộ kinh doanh vẫn phải làm”.
Theo cán bộ xã Dương Liễu, các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng sản xuất miến dong không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, như: kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, quy hoạch các điểm công nghiệp... Tuy nhiên kết quả thu được cho đến nay vẫn còn rất hạn chế.
Ngọc Hải