Báo chí Cách mạng Việt Nam: 95 năm đồng hành cùng dân tộc

Những cái tên đã đi vào lịch sử…

Chủ nhật, 21/06/2020 13:30 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong lịch sử 95 năm qua của nền Báo chí Cách mạng nước nhà, Báo chí Cách mạng trước năm 1945 đã góp vào đó những trang vàng ấn tượng nhất.

Nhiều tờ báo thời kỳ này cũng đã ghi tên mình vào lịch sử khi góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh cao trào cách mạng, góp phần đưa đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành lại nền độc lập cho dân tộc

Búa Liềm, Công hội Đỏ… tiếng nói của những tổ chức cộng sản

Theo diễn tiến phát triển của cách mạng Việt Nam trước năm 1945, nhiều nhà nghiên cứu đã chia báo chí cách mạng Việt Nam thành 4 thời kỳ: Từ năm 1925 khi báo Thanh Niên ra đời đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2/1930); Từ năm 1930 - 6/1936; Từ năm 1936 đến 1939; Từ năm 1939 đến cách mạng tháng Tám năm 1945.

Báo Búa liềm ra đời là cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Báo Búa liềm ra đời là cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thời kỳ 1925 - 1929 là thời kỳ chứng kiến sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Báo chí lúc này đã chính thức được nhìn nhận là vũ khí chiến đấu không thể thiếu trong các cuộc đấu tranh. Vì thế, các tổ chức cộng sản tìm mọi cách để có cho mình một cơ quan ngôn luận riêng.

Từ thực tế đó, nhiều tờ báo, tạp chí của các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời trong thời kỳ này: Tháng 6/1929, Báo Búa liềm ra đời là cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng; Tháng 8/1929, Báo Lao động và tháng 10/1929, tạp chí Công hội đỏ ra đời là cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay); Tháng 9/1929, Báo Đỏ ra đời là cơ quan ngôn luận của An Nam Cộng sản Đảng.

Còn nhớ thời kỳ đó, Nguyễn Đức Cảnh - Hội trưởng lâm thời Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ cũng là chủ bút đầu tiên của Tạp chí Công hội đỏ trong bài tuyên cáo, số đầu tiên của Công hội Đỏ đã nói “Vô sản giai cấp phải có báo chí của vô sản giai cấp”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời kỳ này, có khoảng trên dưới 50 tờ báo cách mạng được xuất bản và phổ biến rộng rãi tới các tổ chức cách mạng cơ sở. Nhiều tờ báo được in bằng phương tiện thô sơ (in giấy sáp, in thạch, in đất sét…), cỡ nhỏ, số lượng khoảng trên dưới 100 bản. Và Búa Liềm; Công hội Đỏ… đã thực sự là những cái tên tiêu biểu nhất cho báo chí thời kỳ này.

Tranh đấu - tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tranh đấu là một trong những cái tên đáng nhớ và đặc biệt nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng và báo chí cách mạng giai đoạn từ tháng 2/1930-6/1936 nói chung.

Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của ĐCSVN thống nhất. Cho dù trước đó, thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí Đỏ đã được xuất bản, mà người sáng lập và chủ biên đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Tạp chí Đỏ số 1 ra mắt bạn đọc ngày 5/8/1930, với khổ 13x19 cm, chữ đánh máy, in rônêô. Sau Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (tháng 10/1930) ít lâu, Trung ương Đảng xuất bản Tạp chí Cộng sản thay cho Tạp chí Đỏ.

Báo Tranh đấu (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam) - Số 1, ngày 15/8/1930.

Báo Tranh đấu (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam) - Số 1, ngày 15/8/1930.

Ngày 15/8/1930, Báo Tranh đấu ra mắt. Báo do Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in ở một cơ sở bí mật trong nước. Báo “Tranh đấu” khổ rộng 315 x 220mm, in bằng chữ bút thép trên giấy sáp.

Ngay từ  trên trang nhất, số báo đầu tiên, trong “Mấy lời tuyên cáo”, tiêu chí hoạt động của Tranh đấu đã được khẳng định rất rõ: “Các đoàn thể và các phần tử cộng sản lẻ tẻ trong nước bây giờ đã thống nhất lại một đảng gọi là ĐCSVN. Vì thế mà các cơ quan Trung ương tuyên truyền của các đoàn thể xưa kia đã hết nhiệm vụ lịch sử và đã phải đình bản. Ngày nay, báo Tranh đấu này ra đời làm cơ quan Trung ương của Đảng để thống nhất, để hướng đạo tư tưởng và hành động cho cả toàn thể đồng chí và quần chúng lao khổ”.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc và cũng là chi tiết rất đặc biệt về tờ báo này là do sự kìm kẹp hết sức gắt gao của địch, “Tranh đấu” được cho là không tục bản. Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1/1931, Trung ương Đảng cho ra Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản. Tuy nhiên, Tranh đấu đã trở thành một trang vàng ấn tượng trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng những năm 1930-1936 còn chứng kiến sự ra đời của tạp chí Bônsêvích, cơ quan lý luận của Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng vào tháng 3/1935. Đồng chí Hà Huy Tập được phân công chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsơvíc.

Có thể nói, với những tờ báo như Tranh đấu, Cờ vô sản, Tạp chí Cộng sản,  Bônsêvích… báo chí giai đoạn này đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.

Dân chúng - ấn tượng báo chí thời kỳ vận động dân chủ

Thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939) có thể xem là thời kỳ chứng kiến sự chuyển đổi về lượng rõ rệt nhất  của báo chí cách mạng trước năm 1945. Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, tranh thủ khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương công khai xuất bản sách, báo chí để tuyên truyền cách mạng.

Các tờ báo của Đảng, của Mặt trận Dân chủ và các đoàn thể ra đời ở hầu hết các tỉnh thành trong nước nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê nin và nâng cao nhận thức cách mạng cho quần chúng. Cũng nhờ việc được công khai xuất bản, báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn.

Nổi bật trong số đó Dân Chúng - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương đặt trụ sở tại số 43 đường Hamelin, sau này là đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đến Sài Gòn, trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản Báo Dân Chúng. Sau 3 tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 22/7/1938, Báo Dân chúng ra số đầu tiên.

Báo Dân chúng (Cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương) - Số 24, ngày 12/10/1938.

Báo Dân chúng (Cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương) - Số 24, ngày 12/10/1938.

Những số báo đầu tiên, dù chưa có giấy phép (từ số 15 nhà cầm quyền mới chính thức cấp phép cho báo “Dân Chúng”) nhưng Dân chúng vẫn phát hành công khai giữa Sài Gòn, đăng tải nhiều bài viết có tính chiến đấu mạnh mẽ - đả kích chính sách cai trị của đế quốc, thực dân; tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít… được đông đảo độc giả thời bấy giờ đón nhận.

Tuy nhiên, do “tính chất ngày càng nguy hiểm” của Dân chúng, ngày 7/9/1939, khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 sắp bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đã ra lệnh đóng cửa báo “Dân Chúng”, tịch thu toàn bộ tài sản của báo và cho mật thám truy lùng Ban biên tập cũng như những người đã từng là cộng tác viên của báo. 

Dù vậy, những người làm nên tờ Dân chúng cũng đã kịp lập nên một “chiến tích” ấn tượng khi đã là tờ báo thứ 3 của Đảng ta ra được nhiều số nhất ở thời kỳ trước Cách mạng tháng 8/1945 (khoảng 81 kỳ) đồng thời cũng là tờ báo của Đảng trước năm 1945 có số lượng in cao nhất (như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản), có nhiều bạn đọc nhất trên cả xứ Đông Dương ở thời điểm đó. 

Ngoài Dân chúng, báo chí cách mạng thời kỳ này còn khá nhiều những tờ báo ấn tượng khác. Đơn cử như tờ Le Travail (Lao Động). Nói về tờ Le Travail, không thể không nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người sáng lập và cộng tác với đồng chí Nguyễn Thế Rục, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, học viên Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cùng xuất bản tờ báo này.

Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Suốt những năm đó tôi làm hết các chân của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới viết bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa bản bông và không ít khi làm cả việc phát hành báo”.

Toà soạn báo Le Travail nằm tại số nhà 21 đường Henri donieans (nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội). Tờ báo ra mắt độc giả ngày 16/9/1936 và duy trì được 7 tháng với 30 số báo. Tới ngày 16/4/1937, tờ báo bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.

Trụ sở báo Tin tức – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Trụ sở báo Tin tức – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Cũng nhân nói về câu chuyện làm báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thời kỳ Mặt trận Dân chủ cũng là giai đoạn hoạt động báo chí sôi nổi nhất của Đại tướng. Cũng trong thời kỳ này, trước Le Travail, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khởi xướng ra tờ báo cách mạng công khai đầu tiên.

Đó là bộ mới của tờ Hồn Trẻ ra mắt ngày 6/6/1936, chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp do Leon Blum làm Thủ tướng lên nắm quyền. Gọi là bộ mới bởi trước đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc ấy còn là thầy Văn khi đang có ý định làm thủ tục xin thành lập một tờ báo thì phát hiện ra tờ báo Hồn Trẻ đứng trước nguy cơ phá sản, thế nên thầy Văn bàn bạc với đồng nghiệp góp vốn mua lại tờ báo này.

Cùng với những cây bút - nhà hoạt động cách mạng sôi nổi khác như Trần Huy Liệu, Hải Triều…  Võ Nguyên Giáp đã biến Hồn Trẻ trở thành tiếng chuông kêu gọi cổ vũ quần chúng cùng đứng lên đấu tranh cho dân chủ tự do.

Việt Nam Độc lập, Cờ giải phóng, Cứu quốc - góp phần cho ngày Độc lập

Khép lại 3 thập kỷ quá đỗi gian khó, quá đỗi hiểm nguy nhưng cũng rất đáng tự hào của báo chí cách mạng trước năm 1945 là báo chí thời kỳ cao trào cứu nước 1939-1945.

Từ chủ trương được đặt ra từ Hội nghị Trung ương (11/1939): dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc, nhiệm vụ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc, giúp toàn dân hiểu rằng “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không có con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”… được đặt lên vai báo chí và trong thời điểm lịch sử quyết định ấy, nhiều tờ báo đã nhanh chóng chứng tỏ được vai trò, sứ mệnh của mình.

Báo Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) - Số 2, ngày 26/8/1943.

Báo Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) - Số 2, ngày 26/8/1943.

Trước tiên phải kể đến tờ Việt Nam độc lập (còn gọi tắt là Việt Lập). Ngày 28/1/1941, Bác Hồ trở về nước, đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, tại đây, từ ngày 10/5 - 19/5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.

Hội nghị thống nhất nhiều quyết sách lớn: Thành lập Mặt trận Việt Minh; mở rộng căn cứ địa đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp...  Hội nghị cũng quyết định xuất bản một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cho Mặt trận Việt Minh, lấy tên theo mục tiêu của cách mạng là Việt Nam Độc Lập.

Ngày 1/8/1941, Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên, tuy nhiên lại được đánh số 101 với ý nghĩa kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng đã ra đời trước đó. Ngay trên số báo đầu tiên này, Việt Nam Độc Lập đã đăng bài xã luận cho thấy quan điểm, tôn chỉ mục đích của tờ báo: “Báo Việt - Nam Độc Lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây  đánh Nhật, làm cho “Việt Nam độc lập”, bình đẳng tự do! Kháng Pháp, Kháng Nhật! Thân Hoa! Việt Nam độc lập”.

Từ tháng 8/1941 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Trung Quốc (tháng 8/1942), Báo Việt Nam Độc lập ra được trên 30 số, 400 bản, mỗi tháng ra 3 kỳ, mỗi kỳ 2 trang. Trên 30 số báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người chỉ đạo trực tiếp tất cả các khâu xuất bản tờ báo, từ việc lên ý tưởng từng số, tác giả bài viết, tranh vẽ, sửa bài đến viết chữ ngược trên bàn đá, lo phương tiện in, địa điểm in và tổ chức phát hành. Từ tháng 9/1942, đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo báo cho đến tháng 4/1945.

Là tờ báo mang đậm “phong cách báo chí Hồ Chí Minh”: ít chuyên mục, kiệm lời, có tranh minh họa, sử dụng rộng rãi các thể loại văn vần cho dễ học thuộc, dễ hiểu, nhớ lâu, phù hợp với trình độ quần chúng, dễ đi vào lòng người và thuận tiện cho việc truyền miệng…, nhờ vậy, Báo Việt Nam Độc lập đã được công chúng đón nhận nhiệt thành.

Trong giai đoạn gần 5 năm, với hơn 100 số báo, từ số báo 101 năm 1941 đến số báo 230 tháng 10/1945, Việt Nam Độc lập đã phản ánh trọn vẹn những diễn tiến của những tháng ngày cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, làm tròn nhiệm vụ kêu gọi toàn dân đoàn kết, cổ vũ, động viên cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, tố cáo những tội ác dã man của phát xít Nhật - đế quốc Pháp; Hướng dẫn đồng bào tham gia cứu nước và tuyên truyền tích cực cho những hoạt động đầu tiên của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập…

Những bài viết đăng trên Việt Nam Độc lập những ngày tháng đó giờ đây đã thực sự trở thành chứng nhân về một thời kỳ lịch sử không thể quên của dân tộc. Đơn cử như bài viết “Giờ khởi nghĩa đã đến”, đăng trên số báo 226, ngày 20/8/1945, có đoạn “Ngày giải phóng của 25 triệu đồng bào đã tới!... Hỡi hết thảy đồng bào! Hỡi những ai biết yêu nước thương nòi! Hãy mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ đỏ chỉ đạo sao vàng năm cánh, mau đứng lên cướp chính quyền, thành lập một Chính phủ Lâm thời nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do Tân dân chủ. Lúc này ai còn do dự là đắc tội với quốc dân. Chúng ta phải tự quyết định sự giải phóng của chúng ta”.

Hay bài viết: “Kiên quyết chống mọi âm mưu xâm lược” đăng trên số báo 228, ra ngày 20/9/1945: “Đã 80 năm nay dân Việt Nam rên xiết dưới gót sắt của đế quốc Pháp... Bao nhiêu chiến sĩ trung thành, con yêu của đất nước đã hy sinh tính mạng. Cuộc chiến tranh càng thêm quyết liệt từ lúc có phong trào Việt Minh. Đến ngày nay chúng ta thấy rõ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ta đã thành công. Chính quyền đã lọt vào tay nhân dân khắp mọi nơi. Một Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập...”.

Báo Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) - Số 2, ngày 26/8/1943.

Báo Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) - Số 2, ngày 26/8/1943.

Nói đến những tờ báo có cống hiến lớn nhất trong việc thúc đẩy cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, không thể không nhắc tới tờ Cứu quốc và Cờ giải phóng.

Từ mong muốn có một phương tiện để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Việt Minh, kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ các tầng lớp trung gian, vạch mặt Việt gian và các tổ chức phản động tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật; đưa tin về tình hình thế giới chống phát xít, các địa phương trong nước đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, ngày 25/1/1942, Tổng bộ Việt Minh đã chính thức xuất bản báo Cứu quốc. Việc đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách đã cho thấy tầm quan trọng của Cứu quốc.

Ngay trên số báo đầu tiên, là thông điệp của tờ báo: “Cứu quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của muôn dân; Cứu quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ; Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến lên trên đường giải phóng dân tộc; Cứu Quốc nguyện làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu quốc về mọi phương diện, hãy kiên quyết tiến lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng”.

Và thực sự, những người làm Báo Cứu quốc đã làm hiện thực hóa trọn vẹn những “cam kết ấy” của mình. Bất chấp khó khăn gian khổ (có thời kỳ, để tránh tai mắt của mật thám Pháp, tòa soạn, nhà in Báo Cứu quốc phải đi vào hoạt động bí mật đồng thời phải liên tục di chuyển qua nhiều địa phương), thậm chí đã có những người làm báo và đọc Báo Cứu quốc bị kẻ thù bắt giam, đầy ải hết sức dã man nhưng Cứu quốc vẫn bền bỉ đến với độc giả, đem tiếng nói của Ðảng và Mặt trận Việt Minh đến nhân dân, động viên mạnh mẽ toàn dân đoàn kết nổi dậy giành chính quyền. Có thể nói, Báo Cứu quốc giữ một vị trí đặc biệt trong những tháng năm đặc biệt của lịch sử dân tộc.

Sau ngày Tổng khởi nghĩa, Báo Cứu quốc xuất bản công khai ở thủ đô Hà Nội, trở thành tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh.

Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bất chấp bom đạn và mọi gian nguy khổ cực, Báo Cứu quốc vẫn xuất bản đều đặn. Chúng ta có Báo Cứu quốc Trung ương, lại có Báo Cứu quốc ở khắp các liên khu kháng chiến. Ðó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Ðảng và nhân dân ta trong thời kỳ này.

“Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt gần 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta” - Người phụ trách báo đầu tiên - Tổng Bí thư Trường Chinh đã dành những lời tự hào nhất để nói về Cứu quốc.

Báo Công luận

Cũng xuất bản trong năm 1942, cũng dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trường Chinh là tờ Cờ giải phóng. Tổng Bí thư Trường Chinh đồng thời cũng là cây bút chính luận chính yếu của Báo. Với 33 số báo, Cờ Giải Phóng đã thành công trong việc phổ biến đường lối, chính sách lớn của Đảng, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng về tư tưởng và tổ chức, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa phát xít và bè lũ tay sai, tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa…

Tháng 11/1945, ngay sau khi báo Cờ giải phóng ra số báo 33, Trung ương quyết định xuất bản báo Sự Thật để tiếp tục nhiệm vụ của Cờ giải phóng.

Có thể nói, báo chí thời kỳ cao trào cứu nước 1939-1945, với những cái tên tiêu biểu như Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng... thực sự đã là những niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam.

Hà Anh

.

Tin khác

Phát động Cuộc thi “Em là phát thanh viên - năm 2024”

Phát động Cuộc thi “Em là phát thanh viên - năm 2024”

(CLO) Đây là chương trình do Đài Phát Thanh và Truyền hình Kiên Giang tổ chức, thông qua Cuộc thi, giúp các em học sinh có sân chơi bổ ích trong kỳ nghỉ hè. Đồng thời phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu để các em thực hiện ước mơ trở thành phát thanh viên, người dẫn chương trình; giúp các em thiếu nhi rèn luyện kỹ năng trình bày, tự tin hoạt động phong trào…

Nghề báo
Nâng cao sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước

Nâng cao sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước

(CLO) Sáng ngày 16/4, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học tổ chức Lễ ra mắt Chuỗi toạ đàm truyền hình internet và phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”.

Nghề báo
Gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ

Gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ

(CLO) Chiều 15/4, tại Hội trường Quân khu 2, tỉnh Phú Thọ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ.

Nghề báo
Báo Long An: Tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Báo Long An: Tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

(CLO) Chiều 15/4, Báo Long An tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Cung Phú Quốc làm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

Bổ nhiệm nhà báo Cung Phú Quốc làm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa

(CLO) Chiều 15/4, ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa dự Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa.

Nghề báo