(NB&CL) - Tiếp tục vệt bài giới thiệu các tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012, số báo này, NB& CL xin trích giới thiệu kỳ 2 của loạt bài viết: “Ngăn chặn nạn mua bán người ở miền núi phía Bắc” của tác giả Trần Huy- Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an.
Các bản làng giáp biên thường là những điểm mà đối tượng mua bán người thường nhắm đến để hoạt động.
Đường biên giới kéo dài, hoạt động thông thương của các tỉnh miền núi phía Bắc có thêm điều kiện để phát triển, đời sống kinh tế - văn hóa, tinh thần của người dân bản địa theo đó cũng được cải thiện. Tuy nhiên, đặc điểm tình hình này, nhất là việc hệ thống đường mòn tiểu ngạch chằng chịt, thời gian qua, nhiều đối tượng đã coi một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng… như là địa bàn "đẹp" để thực hiện hành vi phạm tội - mua bán người qua biên giới.
Nghe nhiều về sự hiểm trở, đường đi lại khó khăn của một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng… thế nhưng những ngày cuối tháng 11 vừa qua, có dịp đặt chân lên công tác tại những tỉnh này, tôi mới vỡ thêm nhiều điều. Nói là huyện trực thuộc, thế nhưng để từ trung tâm thị xã, thành phố (thuộc tỉnh), tôi cũng phải đi hết cả ngày đường, đơn cử như huyện Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên), Si Ma Cai (Lào Cai)… Đấy còn chưa kể điểm đến là các xã giáp biên giới.
Lẽ vì, theo chân Trung tá Sùng Khù Hừ- Đội phó Đội Công an phụ trách xã (Công an huyện Mường Tè - Lai Châu) xuống địa bàn Hua Bum - một trong những xã có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc (với khoảng 20km), tôi hơn một lần phải thở dốc vì những con đường "sợi chỉ" lắt léo, đổ dốc. Để lên được bản Pa Cheo, Nậm Nghẹ (xã Hua Bum), chúng tôi phải mất cả buổi. Và, có lẽ chính vì đường đi hiểm trở, đường biên kéo dài cùng hệ thống đường tiểu ngạch chằng chịt đã khiến tội phạm mua bán người "len lỏi", diễn biến ngày một phức tạp gây bức xúc dư luận như hiện nay.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Lai Châu, từ năm 2005 đến tháng 6/2012, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 89 vụ mua bán người với 161 nạn nhân. Và theo số liệu của Công an tỉnh Điện Biên đưa ra là 10 vụ mua bán người với 19 nạn nhân trong khoảng thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2012.
Theo đại diện Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an các tỉnh Lai Châu, Điện Biên… cho hay, với đặc trưng là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng chủ yếu là đồi núi, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên công tác quản lý, nắm địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác là địa bàn với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (Dao, Tái, Mông, La Hủ…), trình độ dân trí thấp, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, đặc biệt vẫn còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, đây là những điều kiện thuận lợi để các đối tượng hoạt động phạm tội.
Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Hà Duy Từ - Trưởng phòng 5, Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy (Bộ Công an)- cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến ngày một phức tạp, tính chất và thủ đoạn ngày một tinh vi hơn so với thời gian trước đây.
Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (thuộc các tỉnh phía Bắc) "nóng" hơn cả với hơn 60% tổng số vụ mua bán người. Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên… là những địa bàn mà lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm pháp nhiều hơn cả. Trong giai đoạn từ năm 2004 - 2010, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện hơn 2 ngàn vụ với 3.781 đối tượng có hành vi mua bán người. Đặc biệt, chỉ tính trong năm 2012, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 428 vụ, bắt giữ 724 đối tượng. Riêng trong đợt cao điểm tấn công tội phạm buôn bán người trong 2 tháng (từ ngày 20/7 đến ngày 20/9/2012) đã khởi tố 206 vụ, bắt 216 đối tượng, giải cứu 336 nạn nhân.
Qua các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người xảy ra trong thời gian qua, nhận định của Ban Chỉ đạo 130/CP của Chính phủ cho thấy, đối tượng phạm tội mua bán người nói chung và các đối tượng hoạt động trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người. Các đối tượng thường câu kết với những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, câu móc, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán.
Tứ đến, phải kể tới một số người từng là nạn nhân bị bán sang bên kia biên giới làm gái mại dâm hoặc lấy chồng hợp pháp, khi quay trở lại Việt Nam dưới dạng thăm quê hoặc trốn về lại câu kết các đối tượng khác để lừa nạn nhân bán qua biên giới (chủ yếu là biên giới Trung Quốc).
"Những đối tượng chuyên làm ăn buôn bán qua lại biên giới hoặc kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu, massage… ở dọc biên giới cũng là nhóm đối tượng cần phải lưu tâm. Bởi nhiều đối tượng thời gian qua do thông thuộc địa bàn hoặc lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý biên giới đã lừa nạn nhân ra nước ngoài bán"- Đại tá Hà Duy Từ cho biết thêm.