Nhiều tháng qua, người vợ trẻ Phạm Thị Kim Trúc (SN 1990) ngụ KP1, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày ngày vẫn kiên trì vác đơn kêu oan cho chồng. Trong khi cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) vẫn cố buộc tội, dù tòa án đã ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Phá án từ dấu vân tay!
Theo như kết luận điều tra của CQCSĐT – Công an huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long: Vào khoảng 13g ngày 8/3/2013, Thành điện thoại cho Nguyễn Văn Quyên (SN 1983) ngụ KP1, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đi trộm cắp tài sản tại Vĩnh Long để lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Quyên đồng ý và đến gặp Thành và Ân (cả hai đến nay đều không thể xác định rõ họ tên và địa chỉ) tại bến xe Long Bình, TP.Biên Hòa. Vào khoảng 16g ngày 8/3/2013, Ân điều khiển xe ô tô tải trọng 1 tấn chở Thành và Quyên đến chợ Long Hồ vào khoảng 19g để vào cơ sở kinh doanh cây gỗ tạp của Đặng Văn Bé Tư (quốc lộ 53), cách kho vật tư nông nghiệp Phước Thành do Vương Phước Thành (SN 1958) làm chủ khoảng 1km.
Đến nơi, Thành và Quyên xuống xe, Thành cầm theo một sợi dây dù, bao nylon màu xanh (loại bao đựng 2 dạ lúa) và cây kéo đến tiệm mua hai cây thang loại cây tre mỗi cây dài khoảng 5 mét, mỗi người vác một cây thang đi bộ đến kho thuốc vật tư nông nghiệp Phước Thành (ấp An Phú A, xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), không có người trông giữ. Quyên và Ân đứng ngoài giữ bao nylon, còn Thành dựng thang vào vách tường phía sau kho thuốc, cầm sợi dây dù và cây kéo trèo lên mái nhà, dùng kéo cắt tole xong Thành kêu Quyên đưa cái thang còn lại dựng vào phía trong để xuống phía trong.
Vào được bên trong, Thành dùng sợi dây dù lần lượt cột vào 4 thùng Regent, 5 thùng Virtako, 1 thùng Amistartop, 2 thùng Nativo, 12 thùng Comcat để Quyên kéo lấy các thùng thuốc ra bên ngoài theo đường tole đã cắt. Quyên dùng móng tay và cây đinh đâm thủng băng keo và khui các thùng để lấy từng bịch thuốc cho vào bao nylon rồi mang ra bỏ lên xe Ân đang cặp quốc lộ 53 chờ sẳn. Sau khi lấy xong, Thành và Quyên để lại hiên trường hai cây thang, một sợi dây dù, các vỏ thùng thuốc không và một thùng thuốc comcat bên trong có 1.250 gói thuốc còn nguyên vẹn chưa qua sử dụng. Ân điều khiển xe qua quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ bán cho một thanh niên không rõ họ tên, địa chỉ được 10.500.000 đồng. Thành chia cho Quyên và Ân mỗi người 2.500.000 đồng, phần còn lại Thành lấy tiêu xài cá nhân.
Đến sáng 9/3/2013, Vương Phước Thành phát hiện nên trình báo công an. Qua khám nghiệm hiện trường, CQCSĐT đã xác định được dấu vân tay của Nguyễn Văn Quyên để lại trên các thùng đựng thuốc.
Ngày 3/7/2013, CQCSĐT Công an huyện Long Hồ tiến hành trưng cầu giám định tài sản. Với kết quả giám định tổng giá trị tài sản là 214.900.000 đồng nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam Nguyễn Văn Quyên.
Với những bằng chứng này, cơ quan điều tra xét thấy hành vi cùng đồng bọn lén lút trộm thuốc bảo vệ thực vật, mục đích chiếm đoạt tài sản để bán lấy tiền tiêu xài cá nhân của Nguyễn Văn Quyên đã phạm vào tội “trộm cắp tài sản” quy định tại khoảng 2 Điều 138 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tính đến nay, TAND huyện Long Hồ đã phải 3 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Dấu hiệu oan sai?
Trước đó, người vợ trẻ của Nguyễn Văn Quyên là Phạm Thị Kim Trúc cũng đã có đơn kêu oan cho chồng gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Chị Trúc đã đưa ra nhiều tình tiết cho thấy bản kết luận điều tra của CQCSĐT công an huyện Long Hồ có nhiều dấu hiệu oan sai.
Trong đơn kêu oan cho chồng, Chị Trúc cho rằng: CQCSĐT cần thiết phải làm rõ một số tình tiết quan trọng. Cụ thể, trong diễn biến phiên tòa ngày 27/3/2014, chủ kho vật tư nông nghiệp Phước Thành, ông Vương Phước Thành khai ký biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 9/3/2013 với 24 vỏ thùng bị mất là không đúng với biên bản khám nghiệm hiện trường của CQCSĐT. Bên cạnh đó, ông Thành cũng cung cấp cho tòa tờ hóa đơn không có giá trị cho số hàng này, và tòa đã bóc bỏ chứng cứ này của ông Thành nhưng CQCSĐT vẫn chưa làm rõ.
Ngoài ra, chị Trúc đề xuất xác minh cuộc gọi đi và đến của chồng chị vào ngày 8/3/2013 là mấu chốt để kiểm chứng tính xác thực vụ việc. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa có kết quả xác minh, dù trước đó Viện kiểm sát đã ký văn bản yêu cầu điều tra bổ sung yếu tố này.
Chị Trúc còn đề nghị CQCSĐT cần điều tra làm rõ việc có dấu vân tay của chồng mình trên vỏ thuốc. Vì chồng chị Trúc là công nhân hằng ngày vẫn đứng chuyền đóng gói thuốc tại nhà máy sản xuất thuốc thực vật của công ty Syngenta. Do đó, việc để lại dấu vân tay trên các vỏ thuốc là chuyện bình thường. Bởi hầu hết các công nhân đứng chuyền đều rất ít đeo bao tay theo quy định. Mặt khác, chị Trúc tiết lộ chứng cứ ngoại phạm quan trọng của chồng mình là vào đêm 8/3/2013, Nguyễn Văn Quyên có mặt ở 10/1 tổ 2, KP1, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo luật sư Phan Ngọc Băng (Đoàn luật sư TP.HCM), trong kết luận điều tra của công an huyện Long Hồ có hàng loạt các mâu thuẫn vẫn chưa được CQCSĐT làm rõ. Điển hình, Nguyễn Văn Bé Tư khai rằng: Lúc 16g có một người đàn ông khoảng 50 tuổi đến hỏi mua thang rồi bỏ đi, đến 19g thì quay lại cùng người thanh niên gầy ốm cao 1,7m mua 2 cái thang. Trả tiền xong, người đàn ông đi trước còn người thanh niên vác hai thang đi sau… Lời khai này hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai mà CQCSĐT thu thập được từ bị can, thời gian không trùng khớp, sau khi mua mỗi người vác 1 cái và người mua thang cũng khống giống như mô tả. Bởi Quyên không cao đến 1,7m và người lại mập mập?
Bên cạnh đó, CQCSĐT cũng chưa xác định được số thuốc thực mất là bao nhiêu nên giá trị tài sản không xác định chính xác. Nếu chỉ dựa vào duy nhất lời khai, không có chứng từ chứng minh lô hàng của chủ kho để khẳng định số lượng bị mất là thiếu cơ sở, thể hiện sự chủ quan của cơ quan điều tra.
Trong việc định giá tài sản bị mất cắp cũng bộc lộ nhiều bất hợp lý, định giá tài sản không thể căn cứ vào khảo sát giá thị trường mà phải căn cứ vào hóa đơn mua bán hàng hóa theo đúng quy định. Địa điểm thực hiện việc định giá cũng có sự mâu thuẫn về địa điểm rất khó chấp nhận giữa biên bản định giá và kết luận định giá. Riêng việc trong hội đồng định giá lại không có Chủ tịch hội đồng định giá đã vi phạm quy định, khiến biên bản định giá mất giá trị pháp lý…
Ngoài ra, CQCSĐT vẫn chưa làm rõ việc vì sao bị cáo lại bỏ lại hiện trường một số thuốc? Trong khi suốt quá trình thực hành vi trộm cặp không gặp bất cứ trở ngại nào? Không chỉ có vậy, trong biên bản khám nghiệm hiện trường ban đầu lại không có tên của điều tra viên. Biên bản đã được đọc lại cho nhiều người cùng nghe thì không thể đổ lỗi do… sơ suất được!
Riêng lời khai của Vũ Thị Thanh Phương (quản lý trực tiếp của Nguyễn Văn Quyên tại công ty Syngenta) cũng chính xác hơn ban đầu nhưng CQCSĐT lại không xem xét. Đặc biệt, người trực tiếp quản lý Nguyễn Văn Quyên tại công ty Syngenta và nhiều công nhân khác đều khẳng định: “công nhân làm việc ở đây rất ít mang bao tay”. Vì vậy, với công việc đứng chuyền công đoạn đóng gói thì dấu vân tay của Nguyễn Văn Quyên để lại trên những bao thuốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có ít nhất 4 công nhân làm chung trong xưởng của Quyên xác định điều này. Ngay quản lý không nắm được thực tế chung này vì tác phong này không đúng với quy định của công ty…
Để tránh gây ra oan sai, cơ quan cảnh sát điều tra nên khách quan, công tâm xem xét lại toàn bộ diễn biến, tình tiết vụ việc, làm rõ những khuất tất trên.
Theo BVPL