Tạo nên một Hà Nội mang danh nghìn năm văn hiến, không thể thiếu hàng nghìn ngôi đền linh thiêng.
Theo biến thiên của thời gian nhiều ngôi đền chỉ để lại những “vết tích” truyền thuyết kì lạ, nổi tiếng có, vô danh có nhưng tựu chung đều hướng con người ta tới cái chân, thiện, mĩ. Dưới đây là một số ngôi đền như thế.
Đền nghề không thờ tổ nghề
Chuyện thờ tổ nghề hầu như nơi nào cũng có, nhưng thần nhân trong ngôi đền Đông Hương còn gọi là đền Hàng Trống này không phải là tổ nghề hát ca trù mà chỉ là một đào nương nhỏ bé, nhưng nàng có một tấm lòng nhân nghĩa hơn người.
Đền nằm trên gác hai của số nhà 82 phố Hàng Trống, Hà Nội. Theo văn bia và những cụ già quanh đền kể lại, một thời, đền là nơi trưng bày dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng.
Ngôi đền khi xưa cũng đã vài lần đã tổ chức hội thi đàn đáy, thu hút sự có mặt của nhiều thầy đàn các nơi như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Mảnh đất của đền trước đây nguyên là thôn Cựu Lâu, kéo dài ra tới khu vực phố Hàng Khay, Tràng Tiền bây giờ. Chuyện kể rằng một ca nương có tiếng của giá phường Cựu Lâu kết duyên với một vị quan thái y, và sinh được một cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Huệ. Huệ có tài ca hát, dung nhan sắc nước hương trời, lại có tư chất thông minh, nàng theo cha học hành làu thông kinh sử. Giọng hát và tiếng phách của nàng đã thấp thoáng trong các ngõ xóm bên mặt hồ lau lách… Danh tiếng của nàng vang dội khắp kinh thành, gây nên những vương vấn, bâng khuâng khiến bao kẻ ngẩn ngơ ôm mộng.
Năm 21 tuổi, một đêm hát ở phủ chúa, nàng lọt vào mắt xanh của chúa Trịnh Cương. Nhà Chúa cho vời nàng vào cung và rất được sủng ái, ban cho nàng danh hiệu Ngọc Kiều phu nhân.
Một năm nọ, kinh thành Thăng Long bị một đại dịch, theo phương thuốc của cha truyền lại, nàng đã tự bỏ tiền cân thuốc và cứu được rất nhiều người.
Về sau, nàng xuống tóc đi tu ngay trong chùa làng Cựu Lâu, sống cuộc sống yên tĩnh như vậy cho đến khi qua đời, thọ 71 tuổi. Vì những việc làm nhân nghĩa, nàng đã được nhân dân lập đền thờ với biệt hiệu Đông Hương thần nữ ngay tại mảnh đất trước đây chúa Trịnh Cương ban cho gia đình nàng, nay là số 82 phố Hàng Trống.
Danh tính, cuộc đời của nàng còn có một truyền thuyết khác. Nàng ca nương Nguyễn Thị Huệ bị hiến vào phủ chúa. Việc nhà chúa mê say nhan sắc chim sa cá lặn và tiếng hát trong trẻo của nàng làm cho bà Vương phi ghen tức. Bà Vương phi đã tìm cách thủ tiêu cô đào Huệ bằng cách dụ nàng uống rượu có pha mật công.
Nàng chết oan nhưng hồn không thể siêu thoát, nên về báo oán khiến bà Vương phi trở nên điên dại. Thấy nàng hiển linh, dân chúng tiếc thương lập đền thờ cúng và cũng để nói lên rằng, tài hoa nhan sắc là bất tử.
Về lịch sử ngôi đền, có rất nhiều những câu chuyện khác nhau và cả sự hoài nghi về cuộc đời nàng Huệ (có sử liệu viết nàng sống ở thời Lê, có công diệt giặc Minh…). Thời gian càng xa càng phủ lên cuộc đời nàng những làn sương mù huyền bí.
Trong đền còn một bức hoành phi viết về nàng Huệ: “Khiến thiên chi muội” tức “sánh với em gái của trời”.
Không biết những câu chuyện truyền miệng thực hư thế nào nhưng gian miếu thờ quanh năm thơm ngát hương hoa.
Ông thần yêu trẻ con đi lạc
Tọa lạc ngay mặt tiền của con phố Hàng Bông sầm uất (số 2 Hàng Bông) và trên tầng hai của một tiệm cà phê. Và chẳng mấy ai để ý đây là một ngôi đền vì nó quá nhỏ bé. Diện tích đền chật hẹp chưa đầy 4m2. Nhiều người sửng sốt khi biết ngày xưa đây từng là một cái đình lớn. Đình có tên Kim Cổ rộng đến hơn 1ha của thôn Kim Cổ, huyện Thọ Xương khi xưa.
Thần nhân trong đền là ông tổ nghề tráng gương, dân gian còn gọi ông với cái tên trìu mến “ông Nhân Hậu” hay ông “ Phúc Hậu” vì ông là “chuyên gia” tìm trẻ đi lạc về cho gia đình chúng.
Đền chỉ mở cửa hai lần mỗi tháng. Từ ngày 29 cuối tháng đến mồng 1 đầu tháng và lần thứ hai 14 đến 16 (âm lịch). Ngày thường vào mỗi sáng, bà từ già Nguyễn Thị Kim Quy (77 tuổi) lại lụi cụi sang đền quét dọn và lên hương. Xong việc, bà Quy lặng lẽ đi về. Cửa đền lại đóng im ỉm cho đến những ngày lễ tiếp theo.
Những ngày lễ, đền chen chúc người. Họ cầu ông thần ngụ ở đền về nhiều đường, công danh, tài lộc, sức khỏe... Và đặc biệt kì lạ, có rất nhiều người Hà Nội đến đền cầu xin ông Phúc Hậu chỉ đường tìm đứa trẻ đi lạc: “Xin cụ tổ hiền gia ân làm phúc giúp trẻ con hồi tâm chuyển ý, biết chọn lối sáng mà thoát ra khỏi chốn u mê trở về nhà”.
Chị Xuyên ngồi bán đồ lưu niệm cho khách nước ngoài, hơn chục năm ngồi ở cổng đền kể, nhiều gia đình con bỏ đi hàng tháng trời, tìm trong tuyệt vọng, người ta mách đến đền khấn ông Phúc Hậu để mong tìm con, cũng có gia đình sau khi thấy con đến đây vái tạ.
Ngoài đền treo mấy tấm bảng sơn son thếp vàng: “Phúc hậu linh từ” và “Thiện phúc lộc”, đủ thấy vị thần nhân trong đền rất đỗi hiền từ.
Theo những sắc phong và tấm bia đá của đền ghi lại thì thần có danh tính là Trần Nhuận Đình sống ở thời nhà Trần (thế kỷ13-14). Ông đỗ tiến sĩ và ra làm quan triều Trần. Có thời gian, ông phụng mệnh nhà Vua sang Tàu học nghề tráng gương. Ông đem kĩ thuật tráng gương về nước truyền dạy cho nhân dân và trở thành ông tổ nghề tráng gương ở Việt Nam.
Tương truyền khi còn sống, ông biết mọi ngóc ngách của kinh thành Thăng Long xưa, biết cả những xó xỉnh mà lũ trẻ hay tìm đến. Khi gia đình nào có con cái đi lạc thường tìm đến ông. Không nề hà, ông thường đích thân đi tìm đứa bé.
Để biết ơn công lao của ông, thôn Kim Cổ lập đền thờ sau khi ông mất. Sau này, những gia đình có con cái đi lạc thường đến đền Nhân Hậu để cầu khấn. Trong đền còn lưu ba đạo sắc phong vị thần Nhân Hậu vào các đời vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định.
Theo TT&VH