Những người dẫn đường

Thứ sáu, 13/04/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tháng 4 này, HNBVN kỷ niệm 68 năm thành lập. Trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, HNBVN đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tự hào về thành tựu hiện tại, ăm ắp khát vọng cho tương lai, thế hệ hội viên HNBVN hôm nay vẫn dặn lòng không lãng quên quá khứ, lãng quên những con người đã đặt những viên gạch đầu tiên để tạo dựng nên “ngôi nhà chung” HNBVN tại chiến khu Việt Bắc 68 năm trước.

 

Nhà báo Xuân Thủy - Dấu ấn người mở đầu

Nói đến những con người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền móng cho “ngôi nhà chung” của giới báo chí Việt Nam, không thể không nhắc tới nhà hoạt động chính trị ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy. Lúc sinh thời, nhà báo cố Chủ tịch Xuân Thủy (1912 - 1985) (tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm) đảm nhiệm trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, lĩnh vực nào ông cũng đều hoàn thành xuất sắc và để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, xin mạn phép chỉ nói về ông trên tư cách một nhà báo, Chủ tịch đầu tiên của HNBVN.

Người con của Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, từ những năm đầu thập kỷ 30. Cách mạng không chỉ trui rèn làm nên một Xuân Thủy bản lĩnh, khí phách mà còn là “bà mối” mát tay đưa ông đến với nghề báo. Năm 1939, nhà cách mạng Xuân Thủy lần thứ hai bị đế quốc Pháp bắt và bị đày đi nhà tù Sơn La. Tại đây, cùng với niềm vui được trở thành đảng viên rồi được bầu vào cấp ủy Đảng trong nhà tù, ông được giao trực tiếp phụ trách tờ “Suối Reo” – tờ báo của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La. Ra tù và bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, ông được phân công làm tờ Đặc san Cứu quốc hải ngoại, rồi tờ Cứu quốc bí mật – cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ (tiền thân của báo Đại Đoàn kết ngày nay). Phụ trách báo Cứu quốc, nhà báo Xuân Thủy nhanh chóng đề ra một chiến lược mới cho việc phát triển của báo, trong đó luôn chú trọng đến nhiệm vụ chính trị quan trọng là tuyên truyền đường lối cách mạng, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh. Từ những thông tin mà báo Cứu quốc cung cấp, những chủ trương, đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng sớm đến được với nhân dân, được nhân dân đón nhận và tổ chức thực hiện rất hiệu quả, tạo nên sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng vào tháng 8/1945. 

Báo Công luận
Nhà báo Xuân Thủy 
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà báo - nhà cách mạng Xuân Thủy được Chính phủ phân công nhiệm vụ tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và báo chí. Trên cương vị là người tổ chức các hoạt động báo chí, ông đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,… Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông vừa trực tiếp điều hành hoạt động báo Cứu quốc, vừa giữ vai trò tổ chức, kiến tạo hệ thống báo chí của mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền. Về sự cống hiến của nhà báo Xuân Thủy, Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết: “Ông Xuân Thủy được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc địa phương ở khắp các Liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta”.

Không chỉ là một người làm báo, phụ trách báo chí, nhà báo Xuân Thủy còn là người có công lớn trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho kháng chiến. Theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Tổng bộ Việt Minh mở lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Nhà báo Xuân Thủy là người lãnh đạo chung và trực tiếp giảng bài.

Nhưng với các hội viên HNBVN, tên tuổi nhà báo Xuân Thủy còn gắn với một sự kiện lịch sử thiêng liêng: ông là người trực tiếp tổ chức và chuẩn bị mọi mặt đặt nền móng cho sự ra đời HNBVN.

Giữa tháng 4/1945, Đại hội báo giới với sự tham gia của hơn 200 nhà báo thuộc nhiều xu hướng chính trị xã hội khác nhau họp tại Hà Nội, quyết định thành lập Đoàn báo chí Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy là người tổ chức và chỉ đạo đại hội này. Ngày 27/12/1946, Đoàn báo chí Việt Nam - tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Xuân Thủy. Đầu năm 1947, Đoàn báo chí kháng chiến được thành lập do Xuân Thủy trực tiếp phụ trách.

Cách mạng vận động, đời sống báo chí cũng vận động theo. Tầm nhìn xa đã giúp nhà báo Xuân Thuỷ sớm nhận thấy rằng cần có một tổ chức chính thức được Nhà nước công nhận để những người viết báo trong cả nước có chỗ dựa vững chắc, hoạt động sẽ mạnh mẽ hơn. Từ suy nghĩ ấy, ông đã bàn với lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tổ chức thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Và hơn ba năm sau, ngày 21/4/1950, lần đầu tiên ở nước ta có một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo, lúc đó có tên gọi là Hội những người làm báo Việt Nam và đến Đại Hội 2 tháng 4 năm 1957 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam như tên gọi ngày nay. Mảnh đất Roòng Khoa, (Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên) đã trở thành “chứng nhân lịch sử” chứng kiến sự ra đời của “ngôi nhà chung” HNBVN. 

Hội nghị thành lập Hội (Đại hội I) họp vào tháng 5/1950 ở Sơn Dương (Tuyên Quang) đã bầu nhà báo Xuân Thuỷ làm Hội trưởng. Những năm sau này, mặc dù bận nhiều trọng trách ở Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc ngày nay) ông vẫn dành nhiều tâm huyết với trọng trách chủ trì công việc của Hội Nhà báo, với tổ chức HNBVN, suốt hai nhiệm kỳ cho đến tháng 9/1962 và cho tận tới những phút giây cuối cùng của cuộc đời.

Đỗ Đức Dục - Người lãnh đạo Hội nhiệt huyết

Người con ưu tú của mảnh đất Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), lúc sinh thời, được biết đến trên nhiều cương vị: nhà trí thức cách mạng, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Pháp; nguyên Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Phó Chủ tịch HNBVN… Nói về ông, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phùng Kiên - Viện Văn học từng khẳng định: “Hiếm có một trí thức nghiên cứu hoạt động ở tư cách nhà báo phê bình nào đã chạm tới những giới hạn xa nhất mà một nền văn học, như một hình dung về cộng đồng diễn giải, có thể đạt tới trong những thời điểm lịch sử cụ thể. Những bài viết phê bình của Đỗ Đức Dục đã cho thấy tầm nhìn của ông đạt đến những giới hạn xa nhất mà một trí thức có thể thực hiện được ở những hoàn cảnh cụ thể ngặt nghèo của Việt Nam thế kỷ XX.  Ông đã chạm tới nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ điều kiện nào, bằng sự trung thực trong công việc và trong học vấn. Đó trước hết đích thực là một thành tựu cá nhân của ông, nhưng hơn thế nữa, đó là những nỗ lực của một trí thức đích thực. Và cũng luôn hy vọng rằng, những giới hạn đó giờ đây sẽ ở lại phía sau chúng ta, nhưng chẳng vì thế mà Đỗ Đức Dục trở nên lạc hậu. Bởi vai trò trí thức quan trọng hơn nhiều những bài viết đó trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam”.

Báo Công luận
 Nhà báo Đỗ Đức Dục.

 

Nhưng trong khuôn khổ bài báo này, chỉ xin mạn phép nói về ông trên cương vị một nhà báo, một trong những người lãnh đạo đầu tiên của HNBVN.

Lúc sinh thời, chính Đỗ Đức Dục ví mình là “con dao pha của làng báo”, có lẽ bởi cái cái sự viết tinh, viết sắc và đặc biệt là khả năng viết nhanh, như ông từng chia sẻ “tôi” có khi phải viết ngay bên máy in để bổ sung tờ báo vào giờ chót, trước khi báo lên khuôn. Cũng bởi sự nhanh này mà theo thống kê chưa đầy đủ, Đỗ Đức Dục viết tới 83 bài trên báo Thanh Nghị (1941-1945) và 339 bài trên báo Độc Lập (1945-1988). Bài báo đầu tiên của Đỗ Đức Dục, đúng hơn có thể gọi là một “bài báo viết theo lối tài tử” bởi nó chẳng khác gì một truyện ngắn với nhan đề “Nga của tôi” đăng trên tờ Hà Nội báo (ra ngày 13/1/1937). Còn thật sự viết báo chuyên nghiệp, thật sự làm báo thì mãi đến ngày Đỗ Đức Dục tham gia báo Thanh Nghị năm 1942. Bài đầu tiên của Đỗ Đức Dục đăng trên báo Thanh Nghị tháng 3/1942 là bài “Án Tết”, một bài có tính chất phổ biến pháp luật. Cộng tác viết cho tờ Thanh Nghị được một thời gian, được nhóm trí thức đứng đầu tờ báo này, trong đó có Vũ Đình Hòe ngỏ lời mời, Đỗ Đức Dục thôi hẳn việc dạy học để vào làm Thư ký Tòa soạn cho báo Thanh Nghị. Từ khi làm Thư ký Tòa soạn cho Thanh Nghị, Đỗ Đức Dục viết về nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, nhất là xã hội và văn hóa, và ký bằng nhiều bút danh khác nhau: Như Hà, Trọng Đức, Tảo Hoài. Sau này khi về cho tờ Độc Lập, “con dao pha” Đỗ Đức Dục cũng xông pha trên nhiều địa hạt: nghị luận, phóng sự, tạp văn, phê bình văn học, đặc biệt những bài luận chiến sắc bén.

Không chỉ là người cầm bút, lịch sử báo chí Việt Nam còn ghi nhận Đỗ Đức Dục trên cương vị Giám đốc trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng (năm 1949)- trường viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyện kể rằng tại chiến khu Việt Bắc năm 1949, nhà báo Xuân Thủy là Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí kháng chiến nằm trong Mặt trận nên ông đã mở một trường đào tạo báo chí để bổ sung lực lượng cho những người viết báo cách mạng. Nhà báo Xuân Thủy đã đề nghị nhà báo Đỗ Đức Dục - làm Giám đốc trường. Trên cương vị này ông đã có nhiều đóng góp nổi bật. Lịch sử báo chí Việt Nam nói chung, HNBVN nói riêng cũng không thể không nhắc ông - người từng đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam (khởi thủy của Hội Nhà báo Việt Nam); Phó Chủ tịch HNBVN, khóa I, nhiệm kỳ 1950 – 1960. Bằng uy tín, trí tuệ, kinh nghiệm và sự tâm huyết, ông đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.

"Hoàng Tùng - một tầm cao báo chí"    

Nhắc đến nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Phan Quang từng nhấn mạnh, nhờ có bản lĩnh, tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, gắn bó với quê hương, sớm dấn thân vào nghề đáng yêu, đáng quý mà không ít gian nan là báo chí, kiên trì tự học nhằm bồi đắp kiến thức, lại được sự dìu dắt của Bác Hồ, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, nhà báo Hoàng Tùng trở thành một đỉnh cao trí tuệ, một tài năng tỏa sáng lâu bền của báo chí Việt Nam. Nhà báo Hoàng Tùng là chủ nhân của hàng nghìn bài báo, các bài báo của ông chủ yếu viết về xã luận, bình luận, đầy chất lửa, đanh thép, sắc sảo, lay động lòng người và mang đậm phong cách riêng. Bởi vậy, ông được mọi người trong làng báo nhận định là một nhà báo bậc thầy, cây đại thụ của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Lúc sinh thời, nhà báo Hoàng  Tùng được tín nhiệm nhiều trọng trách nhưng trong đó, có lẽ để lại nhiều dấu ấn hơn cả là gần 30 năm ông làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và 25 năm ông làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Với riêng Hội Nhà báo Việt Nam, sự gắn bó giữa cây bút lão thành với “ngôi nhà chung” của báo giới nước nhà còn lâu hơn thế, nói chính xác, ông, cùng với các nhà báo Xuân Thủy, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Thành Lê đã là những con người được bầu vào Ban chấp hành tại Hội nghị thành lập Hội (Đại hội I) họp vào tháng 5/1950 ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Ngày đó, nhà báo Xuân Thuỷ được bầu làm Hội trưởng, nhà báo Ðỗ Ðức Dục và ông được bầu làm Phó Hội trưởng, nhà báo Nguyễn Thành Lê được bầu làm Tổng Thư ký.

 

Báo Công luận
 Nhà báo Hoàng Tùng trong chuyến trở về  dự lễ khánh thành bia di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ngày 20/4/2005. 
Nhà báo Hoàng Tùng đã đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 3 và khóa 4 từ năm 1962 đến năm 1987. Dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo của nhà báo Hoàng Tùng, Hội Nhà báo Việt Nam thời kỳ này đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ, đội ngũ người làm báo yêu nước đã không ngừng được bổ sung, bồi dưỡng, lớn mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần không nhỏ về công tác tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, đồng thời mang đậm tính nhân văn, yêu chuộng hòa bình.


HNBVN cũng như giới báo chí cả nước đã chung vai sát cánh với toàn dân tộc trong hai cuộc kháng chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên Hội là Hội Nhà báo Việt Nam. HNBVN từ thời điểm ấy, cùng hướng tới mục tiêu: Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và theo kịp bước đi của thời đại.

Nguyễn Thành Lê - “Sự cống hiến không ồn ào”


Nhắc đến nhà báo Nguyễn Thành Lê, báo chí nói nhiều tới ông trên cương vị Phát ngôn viên, Trưởng ban Báo chí của đoàn Ðại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève và Hội nghị Paris. Trong thời gian dài đằng đẵng 4 năm tại thủ đô nước Pháp, ông đã làm tròn nhiệm vụ Người phát ngôn của Đoàn Việt Nam khi “ứng biến” tài tình trước vô vàn những câu hỏi đầy gai góc của giới phóng viên phương Tây.

Báo Công luận
Hội nghị Paris thành công có sự đóng góp công sức của những con người như nhà báo 
Nguyễn Thành Lê.  

Tuy nhiên, nói về nhà báo Nguyễn Thành Lê không thể không nói đến sự nghiệp báo chí và quãng thời gian lâu năm ông đảm nhiệm trọng trách Tổng thư ký HNBVN từ Đại hội I rồi Đại hội II. Nói về cây bút chính luận sắc sảo rất tâm huyết với báo chí, đồng thời là nhà hoạt động đối ngoại có uy tín của Đảng và Nhà nước ta, nhà báo Phan Quang từng viết rằng: “Bạn bè nói vui, ông là “cây vĩ cầm số 2” bên cạnh các nhà báo lớn Xuân Thủy - linh hồn của báo Cứu Quốc, và Hoàng Tùng - Tổng biên tập lâu năm báo Nhân Dân, giống như F. Engels bên cạnh Các Mác. Thời gian làm báo Cứu Quốc, ông là người cộng tác đắc lực của Chủ nhiệm Xuân Thủy; tại báo Nhân Dân, ông là một trong số Phó Tổng biên tập thường trực nhiều năm nhất. Đức tính nổi bật nơi ông là thái độ lao động nghiêm túc, cần mẫn, cố gắng làm hết mình bất cứ việc gì được giao. Như nhận xét của nhà báo Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê ít nói về mình, không vun vén cho cá nhân, chưa bao giờ suy bì hơn kém. Ông kính trên nhường dưới, chan hòa với cộng sự, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác cho dù người đó trình độ kém hơn ông. Tại báo Cứu Quốc, ông không chỉ là Chủ bút mà trong một thời gian dài là người chịu trách nhiệm chính… Hội Nhà báo Việt Nam thành lập, Chủ nhiệm Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng thì Chủ bút Nguyễn Thành Lê là Tổng Thư ký Hội. Với tư cách này, ông thay mặt Hội đón tiếp nhà báo Léo Figùeres, Chủ bút báo L’Avant-Garde, thực chất là phái viên của Đảng Cộng sản Pháp lần đầu tiên sang Việt Bắc tìm hiểu về cuộc kháng chiến của nhân dân ta… Sự cống hiến của Nguyễn Thành Lê vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam không ồn ào, song cũng không hề nhỏ”.

Hà Anh

 


Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị đôn đốc xử lý nghiêm vụ 2 phóng viên bị hành hung

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo Việt Nam có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những đối tượng hành hung các nhà báo xảy ra tại huyện Thanh Trì mới đây.

Công tác hội
Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

Chương trình “Đất nước trọn niềm vui”: Khơi gợi tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc

(CLO) Tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”, chương trình là dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2.

Công tác hội
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội