Nữ sinh 17 tuổi và màn diễn thuyết trên Quảng trường Nhà hát lớn chiều 17/8
Những ngày tháng 8/1945, tình hình ở Hà Nội lúc đó được đánh giá là
“căng như dây đàn”. Lúc đó, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim đề nghị Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ngày 17/8 để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, vận động đồng bào tham gia cuộc mít tinh của Tổng hội công chức chính quyền Trần Trọng Kim tại quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. Nhưng có một điều mà Chính phủ Trần Trọng Kim không thể ngờ là cuộc mít tinh sau đó đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng do Việt Minh điều khiển. Hàng ngàn người vào Bắc bộ phủ hô đả đảo phát xít, hoan hô giải phóng, hô hào dân chúng đi chiếm các công sở. “Chúng tôi được lệnh của Thành ủy là tất cả các hội viên cứu quốc tham gia mít tinh hết. Tham gia cuộc mít tinh không phải là để dự mà đi phá cuộc mít tinh đó, và biến nó thành cuộc mít tinh của mình” - ông Lê Đức Vân, cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại. Và trong ký ức của ông Lê Đức Vân thì “khi cuộc mít tinh vừa bắt đầu xong thì anh Lê Phan tiến lên cướp micro trao cho chị Trang Anh (thành viên của Đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) lúc đó mới 17 tuổi nói vo rất nhanh khoảng 5-10 phút rằng: Chính quyền bù nhìn đã tan rã, bây giờ mọi người hãy ủng hộ Việt Minh, tổng khởi nghĩa giành độc lập”.
Đại tướng Văn Tiến Dũng và phu nhân tiếp phu nhân của ngài Raul Castro.
Cuộc cách tháng tám mùa thu năm 1945 còn chứng kiến rất nhiều những gương mặt phụ nữ nổi bật: bà Trương Thị Mỹ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện Hoài Đức (Hà Đông), Phan Thị Nể là Phó ban chỉ huy khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An,bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu đoàn người vào chiếm thị xã Bến Tre, bà Trần Thị Nhường lãnh đạo khởi nghĩa Sa Đéc, ở Hải Dương, bà Ngô Thị Sâm chỉ đạo giành chính quyền huyện Cẩm Giàng, bà Bùi Thị Phương Diệm giành chính quyền huyện Ninh Giang, ở Hà Đông, bà Trương Thị Mỹ chỉ huy chiếm huyện Hoài Đức, ở Sơn Tây, bà Nguyễn Thị Hảo (Minh Nhã) được lệnh tổ chức việc khởi nghĩa Quốc Oai ngày 16/8/1945. |
Lý giải lý do vì sao lại có câu chuyện một nữ sinh mới chỉ 17 tuổi lại có cơ hội đứng lên diễn thuyết trong một sự kiện quan trọng như thế, bà Từ Ngọc Hoan (tức Hoan Thủy), từng là Trưởng ban liên lạc Phụ nữ cứu quốc thành Hoàng Diệu, em gái của bà Từ Ngọc Trang (tức Trang Anh) nhớ lại: Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã lệnh cho đội TNXP Hoàng Diệu lựa chọn một nữ diễn giả gan dạ, mưu trí, sẵn sàng hy sinh, cùng với một tổ đến cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức để ủng hộ Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim vào chiều ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Bà Từ Ngọc Trang, lúc đó mới chỉ 17 tuổi, được chọn làm đại diện cho lực lượng nam nữ thanh niên Thủ đô, đại diện cho Việt Minh tại Hà Nội, mặc chiếc áo dài màu hồng nhạt cùng tổ trưởng Thái Hy và Phan Lê (Lê Phan) trà trộn ngay sát bục diễn đàn. Rồi rất nhanh, đồng chí Phan Lê đòi Ban Tổ chức cuộc mít tinh đưa micro chuyển cho bà Trang đọc ngay lời kêu gọi nhân dân Hà Nội vùng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, ủng hộ Việt Minh. Giọng nói mạch lạc, trong trẻo của người con gái Hà Nội đã làm hàng vạn người có mặt tại quảng trường được tiếp thêm tinh thần sục sôi cách mạng. Một điều không thể không nói đến là gia đình bà Trang Anh - Hoan Thủy có 7 anh chị em thì hầu hết đều gia nhập Việt Minh, vào Đoàn TNCQ thành Hoàng Diệu, đều tham gia Tổng khởi nghĩa. Ngôi nhà của họ ở phố Hàng Đào trở thành nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ Đảng hoạt động bí mật như đồng chí Vũ Oanh, Mười Hương, Nguyễn Văn Phương… Đây cũng là điểm xuất phát của một số tổ Thanh niên cứu quốc (TNCQ), Phụ nữ cứu quốc, đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hoàng Diệu… đi rải truyền đơn, dán áp phích, đưa diễn giả đi diễn thuyết.
“Đăng đàn” trong buổi mít tinh ngày hôm đó, còn có bóng hồng nữa là Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đảng viên Đảng Dân chủ, người con gái xứ Huế. Nếu nữ thanh niên cứu quốc Trang Anh hô vang báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi thì Nguyễn Khoa Diệu Hồng đọc lời hiệu triệu được viết sẵn.
Cô giao thông viên xinh đẹp và hành trình nghẹt thở với tấm mật thư
Khi Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa khai mạc ngày 13/8/1945 thì có tin Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân. Ủy ban khởi nghĩa gồm 5 người: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn, do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng trực tiếp phụ trách. Đúng 23 giờ ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ban bố Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa. Quân lệnh số 1 đã được đông đảo đồng bào, chiến sĩ đón nhận với một tinh thần phấn khởi cao độ, coi đó là “kim chỉ nam” là động lực để vùng lên Tổng khởi nghĩa.
Tuy nhiên, do điều kiện giao thông khó khăn, địch kìm kẹp cản trở liên lạc nên không phải địa phương nào trong cả nước cũng được tiếp nhận ngay bản Quân lệnh số 1. Khu vực Sài Gòn - Nam Bộ là ví dụ điển hình. Không nhiều người biết rằng để vào được với quân dân Sài Gòn - Nam Bộ, bản Quân lệnh số 1 đã trải qua một hành trình “nghẹt thở” và một trong những người lãnh trọng trách mang bản Quân lệnh vào Nam, bắt liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa là một cô giao thông viên trẻ trung, xinh đẹp tên Nguyễn Thị Kỳ (Cái Thị Tám).
Bà Hà Thị Quế (giữa) trong buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm tổng tuyển cử đầu tiên.
Đường vào Nam xa xôi, cách trở, nguy hiểm, tuổi mới tròn 22 chưa mấy khi xa nhà, nhưng nhận nhiệm vụ, cô gái xinh đẹp Nguyễn Thị Kỳ vẫn sẵn sàng. Cùng với
“đồng đội” là anh Lý Chính Thắng, một ngày tháng 4/1945, với mái tóc chải bồng, môi đỏ, má hồng, áo dài lụa màu, vòng vàng giả lấp lánh, Nguyễn Thị Kỳ lên đường. Trên tàu, Lý Chính Thắng và Kỳ đóng vai vợ chồng, quần áo, đồ dùng đều san ra để lẫn trong hai vali, riêng vali Kỳ xách còn có tài liệu, thư từ của tổ chức lót dưới lần đáy của vali.
Tuy nhiên, hành trình của cô giao thông viên Nguyễn Thị Kỳ và bạn đồng hành không hề dễ dàng. Mấy tên lính Nhật trên tàu thấy cô gái đẹp, mặc áo dài lụa, dáng vẻ con nhà quyền quý thì xán lại ngồi cùng, trêu chọc, sàm sỡ. Lúc đầu cô gái Bắc kỳ chỉ nhẹ nhàng tránh né nhưng càng lúc đám lính càng lấn tới thì cô dứt khoát gạt tay ra. Bị phản ứng, mấy tên lính Nhật xông vào tát Kỳ. Đến Tourane (Đà Nẵng), chúng bắt Kỳ giao cho sở hiến binh Nhật ở đây. Trong lúc nguy cấp, Kỳ trao chiếc vali hai đáy có thư của tổ chức cho Lý Chính Thắng. Hai người chỉ kịp hẹn tìm lại nhau tại một cơ sở bên sông Hương (Huế).
Nhưng gian nan vẫn chưa dừng lại ở đó, hội ngộ ở Huế nhưng cả hai đều đã lỡ tàu đành phải di chuyển bằng ôtô, vào đến Phan Rí (Bình Thuận) thì ôtô cũng hết chuyến. “Chẳng còn cách nào tôi hỏi Lý Chính Thắng có biết lái môtô không, tôi mua để anh chạy vào Sài Gòn. Nhưng anh ấy lắc đầu. Thế là đành thất thểu đi bộ” - bà Kỳ nhớ lại: “Sáng hôm sau, trong một quán ăn chúng tôi gặp một tên lính Nhật đeo gươm lệt xệt. Thấy tôi xinh đẹp, hắn lại tán tỉnh. Kỳ đành giả lả ngọt ngào với tên lính Nhật, kể lể hoàn cảnh rồi xin đi nhờ vào Sài Gòn. Tên lính không từ chối được cô gái đẹp, cả Kỳ và Lý Chính Thắng được cho đi cùng trên chiếc môtô ba bánh.Tối hôm đó cả ba người vào đến Sài Gòn, tìm gặp tổ chức để trao thư từ, tài liệu của Đảng”. “Không có gì vui sướng bằng. Mối liên lạc đứt đoạn hơn bốn năm đã được nối” - bà Kỳ hồi tưởng. Ngày 25/8/1945, cô gái xứ Bắc vui sướng hòa vào dòng người tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Báo chí về sau này nhắc nhiều về người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này, không chỉ với tư cách là một trong những chứng nhân lịch sử của Tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn mà còn trên một cương vị rất đặc biệt: phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng - vị tướng trận tài ba, thao lược xuất chúng của Quân đội ta. Đến với nhau từ những ngày cùng hoạt động cách mạng, họ đã cùng nhau đi vẹn tròn cả hành trình sống hạnh phúc.
“Bà tướng Việt Minh”
Ở chùa Nam Thiên, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang) từ lâu có tấm bia trên đó khắc: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế/Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”. Hai câu ấy viết về một người phụ nữ lừng danh đất Bắc Giang trong thời kỳ tháng Tám - bà Hà Thị Quế. Bà Hà Thị Quế (1921 - 2012) tên thật là Lương Thị Hồng, sinh ra tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Theo gia phả, bà Hà Thị Quế là hậu duệ của Trạng nguyên và nhà toán học Lương Thế Vinh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà nhuốm màu huyền thoại. Nổi tiếng là người thông minh, nhanh nhẹn, lại được người chú họ - một trong những Đảng viên đầu tiên của tỉnh Ninh Bình - bồi đắp về lý tưởng cách mạng, khi mới 14, 15 tuổi, Hà Thị Quế đã được tin cậy giao làm liên lạc viên (giao thư) cho cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 17 tuổi, Hà Thị Quế đã trở thành Bí thư đoàn Thanh niên phản đế và Hội Phụ nữ phản đế rồi làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc ở xã. Sau đó, bà được cử đi học lớp quân sự của Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng. Năm 1941, Hà Thị Quế được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Bí thư chi bộ xã. Năm 23 tuổi, bà được giao nhiệm vụ phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên và một phần huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang). Đây là hai trung tâm liên lạc nối liền các tỉnh từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh và là nơi có nhiều cơ quan đầu não của Trung ương đóng. Dân chúng ở vùng Yên Thế thời đó thường truyền miệng về bà Quế: “Đây là người đàn bà nhà Giời nên rất giỏi, nhảy qua nóc nhà, phi ngựa như bay, hai tay hai súng bắn trăm phát trăm trúng”. Ẩn hiện, cải trang liên tục để hoạt động cách mạng là thế nên giặc điên đầu tuyên bố: “Chúng ta là đàn ông, để thua đàn bà là không được. Tôi và các ông phải cùng nhau trị cho được tên “tướng Việt Minh đàn bà”, nếu không trị được sẽ đưa Nhật về diệt”.
Nữ tướng vùng Yên Thế - Hà Thị Quế.
Sau này trong hồi ký của mình, bà còn kể: quân Nhật đặt giải hai vạn bạc Đông Dương để bắt bà cho bằng được. Nhưng mưu đồ của chúng đã không thể thành hiện thực. Biến hóa khôn lường, bà Hà Thị Quế vẫn hoạt động cách mạng sôi nổi. Trong cuốn hồi ký, bà Hà Thị Quế ghi: “Tôi là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 15/4/1945, chúng tôi đã phối hợp vũ trang tiến đánh phủ Yên Thế lần thứ nhất...”. Ngày 18/8/1945, bà Hà Thị Quế cùng ban lãnh đạo cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Bởi vậy, nói tới cuộc Cách mạng mùa thu, nói tới vai trò của phụ nữ trong cuộc cách mạng này, không thể không nhắc đến “Bà tướng Việt Minh” vùng Yên Thế. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và phụ trách Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Năm 1961, tại Đại hội III của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hà Thị Quế được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Năm 1974, bà được bầu là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà là người đã phát động phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Phụ nữ 5 tốt”, khuyến khích phụ nữ thời chiến chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và phục vụ tiền tuyến. Cuộc Tổng khởi nghĩa và nổi dậy giành chính quyền năm 1945 ghi nhận sự đóng góp rất lớn của phụ nữ. Khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, chị em phụ nữ sôi nổi quyên góp tiền, trang bị vũ khí thô sơ cho dân quân tự vệ. Nhiều đoàn viên Phụ nữ Cứu quốc trẻ tham gia các đội tự vệ, dân quân tự vệ, dân quân và các đội cứu thương. Một số nơi, chị em được tuyển vào đội danh dự trừ gian hoặc đội tuyên truyền vũ trang giải thích chính sách khoan hồng của Việt Minh. Từ giữa tháng 8/1945, khí thế cách mạng trong cả nước sôi nổi, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra liên tiếp ở các địa phương. Trong lực lượng lãnh đạo tổng khởi nghĩa, nhiều nữ chiến sĩ cách mạng đã được giao trọng trách, nhiều cán bộ chủ chốt của Hội Phụ nữ Cứu quốc đảm nhiệm vị trí trọng yếu. Trước ngày khởi nghĩa, ở Nam bộ, các tổ chức Phụ nữ cứu quốc, Phụ nữ Tiền phong đã tích cực chuẩn bị mọi công việc cho tổng khởi nghĩa như may cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm; chuẩn bị thuốc cứu thương và chữa bệnh; chuẩn bị lương thực; thậm chí chuẩn bị cả vũ khí. |
Hà Anh