Những tờ báo đặc biệt của một chặng đường báo chí cách mạng…

Thứ ba, 21/06/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong khoảng thời gian tròn 20 năm, từ năm 1925 khi tờ Thanh Niên được xuất bản cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, dòng báo chí cách mạng trước năm 1945 đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã là vũ khí đấu tranh sắc bén, góp phần đưa các phong trào cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Trong dòng chảy báo chí đặc biệt ấy, đã có những tờ báo mang những dấu ấn khá đặc biệt.

Tranh đấu - tờ báo được cho là chỉ xuất bản một số duy nhất

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã ý thức vai trò của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Bởi thế, bên cạnh việc rất nhiều tờ báo, tạp chí đã ra đời trước ngày 3/2/1930, ngay sau khi Đảng được thành lập, ngày 5/8/1930, thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí Đỏ đã được xuất bản, người sáng lập và chủ biên đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Và chỉ 10 ngày sau đó, ngày 15/8/1930, Báo Tranh đấu ra mắt. Tờ báo do đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng phụ trách Tổng Biên tập, đồng chí Trịnh Đình Cửu chỉ đạo Biên tập, in ở một cơ sở bí mật trong nước. Báo “Tranh đấu” khổ rộng 315x220mm, in bằng chữ bút thép trên giấy sáp.

nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 1

Nhà báo - nhà cách mạng Trần Huy Liệu - Chủ bút đầu tiên của báo Suối Reo.

Ngay từ trên trang nhất, số báo đầu tiên, trong “Mấy lời tuyên cáo”, tiêu chí hoạt động của Tranh đấu đã được khẳng định rất rõ: “Các đoàn thể và các phần tử cộng sản lẻ tẻ trong nước bây giờ đã thống nhất lại một đảng gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế mà các cơ quan Trung ương tuyên truyền của các đoàn thể xưa kia đã hết nhiệm vụ lịch sử và đã phải đình bản. Ngày nay, báo Tranh đấu này ra đời làm cơ quan Trung ương của Đảng để thống nhất, để hướng đạo tư tưởng và hành động cho cả toàn thể đồng chí và quần chúng lao khổ”.

Theo nhiều tài liệu, báo Tranh đấu số 1 có 4 trang, mỗi trang 3 cột. Ở trang nhất, mở đầu có Mấy lời tuyên cáo viết rõ về tiêu chí tờ báo, đồng thời Báo giải thích vì sao lấy tên “Tranh đấu?”: “Cái tên này không phải ngẫu nhiên do một cái chí hướng tốt, hoặc một cái ước vọng cao cả của Đảng mà chưa có căn cứ vào đâu, nhưng chính là cái tiêu biểu của sự thiết thực trong thời kỳ lịch sử ở xứ sở ta ngày nay.

Kìa, từ Bắc chí Nam, hàng nghìn hàng vạn người quần chúng công nông bị đế quốc chủ nghĩa, địa chủ, tư bản cướp cơm, giật áo, ngược đãi, tàn sát hằng ngày, đã cùng đường phải hô nhau lên đường tranh đấu thành thị, thôn quê; mà Đảng cộng sản đã trở thành một lực lượng phát động dẫn tạo quần chúng đấu tranh. Hoàn cảnh thực tại là hoàn cảnh sôi động đấu tranh, trách nhiệm hiện tại phải lăn lộn hoạt động cùng quần chúng đấu tranh. Bộ Trung ương vì ý nghĩa ấy mà lấy tên Tranh đấu cho cơ quan tuyên truyền này”.

Số báo đầu tiên này cũng  nhấn mạnh một số nhiệm vụ “trọng yếu” của tờ Tranh đấu đó là: “Tranh đấu sẽ tiến hành thành công cuộc thống nhất tư tưởng hành vi toàn Đảng; sẽ báo cáo, giải thích những án nghị quyết của Quốc tế Cộng sản và của Đảng, về phương pháp tổ chức quần chúng đấu tranh, sẽ hết sức bài trừ tư tưởng sai “biệt phái chủ nghĩa”; “Tranh đấu thỉnh cầu tất cả các đảng viên và anh chị em lao khổ giúp sức, làm cho tinh thần tranh đấu mỗi ngày một cao, tiếng gọi Tranh đấu mỗi ngày một lan rộng, nghe xa”

Tuy nhiên, điều đáng tiếc và cũng là chi tiết rất đặc biệt về tờ báo này là do sự kìm kẹp hết sức gắt gao của địch, không ai rõ được sau số 1, báo Tranh đấu có ra được số tiếp theo hay không.

Có nhiều ý kiến cho rằng Tranh đấu không tục bản. Cũng có thông tin cho rằng khi Đảng phát động cao trào quần chúng đấu tranh, địch điên cuồng đối phó, công tác hết sức bận rộn, biết bao việc trước mắt và lâu dài đòi hỏi giải quyết khẩn trương, lại bắt tay vào chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp vào tháng 10/1930, không có người chuyên trách biên tập và xuất bản nên báo Tranh đấu rất có thể đã phải ngừng xuất bản.

Thay thế báo Tranh đấu, tháng 1/1931, Trung ương Đảng cho ra Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản. Tuy nhiên, báo Tranh đấu đã trở thành một trang vàng ấn tượng trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam.

nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 2
nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 3
nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 4

Suối Reo - Đại diện tiêu biểu của dòng báo chí… viết tay

Tháng 2/1941, Hội nghị lần thứ nhất của những người cộng sản ở nhà tù Sơn La bí mật họp thành lập Chi bộ. Ngay từ những ngày đầu tiên, Chi bộ đã chủ trương phải đề ra nhiều hoạt động và hình thức đấu tranh nhằm đoàn kết, động viên anh em trong tù vững tâm chiến đấu.

Sáng tạo và nhanh nhạy, nhiều đảng viên của Chi bộ ngay thời điểm ấy đã cho rằng một trong những hình thức đấu tranh hiệu quả nhất là xuất bản một tờ báo, vừa giáo dục đảng viên nâng cao lập trường, ý chí chiến đấu vừa là vũ khí tuyên truyền, cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi nhà tù Sơn La.

Ý tưởng này ngay sau khi được đề xuất đã nhận được sự tán thưởng nhiệt thành của Chi bộ, chủ trương xuất bản một ấn phẩm báo chí được chấp thuận. Đó cũng là nguyên cớ ra đời của tờ báo mang tên Suối Reo - một tên gọi khá đặc biệt như lý giải của chủ bút đầu tiên Trần Huy Liệu: “Nơi đất Sơn La, chỉ có suối là vẫn đẹp, vẫn vui mặc dầu rất thường, đi đâu, ở đâu cũng thấy suối. Mùa đông suối lạnh, nhưng càng trong. Tờ báo lại bắt đầu xuất bản vào mùa đông giữa những đìu hiu của cảnh vật và màu xám của nhà tù”.

Tháng 5/1941, chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, Suối Reo chính thức được xuất bản. Báo phát hành mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nhiều nhất là hai số, khổ báo 20cm x 14cm. Lúc đầu đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm chủ bút, sau đó Chi bộ giao cho đồng chí Xuân Thủy phụ trách tờ báo.

Nhưng không chỉ ở cái tên, điều đặc biệt về Suối Reo chính là câu chuyện tờ báo được xuất bản hoàn toàn trong bối cảnh lao tù. Bởi được xuất bản trong lao tù nên đội ngũ nhân sự của quy trình xuất bản báo toàn bộ là các tù nhân. Đơn cử như chủ bút đầu tiên của báo là nhà cách mạng, nhà báo, nhà sử học Trần Huy Liệu. Các “phóng viên” cũng đều là các chiến sĩ cộng sản đang bị giam cầm trong nhà tù.

Cứ vào khoảng 20 giờ tối mỗi ngày, khi đèn điện các trại giam phải tắt hết, mới là lúc các “phóng viên tù nhân” âm thầm bí mật “tác nghiệp”. Cũng bởi xuất bản trong lao tù, giấy đã là thứ cực khó kiếm trong tù, có được mực, bút cũng đã là sự rất kỳ công (những người được phân công xuất bản Suối Reo đã vận động bạn tù đấu tranh đòi cai tù cung cấp giấy và bút, mực với lý do để viết thư gửi về cho gia đình), nên Suối Reo không được in ấn như các tờ báo thông thường mà được… viết bằng tay trên giấy tận dụng.

Chưa hết, giặc Pháp nơi nhà tù Sơn La cấm tất cả mọi hình thức tụ tập, kiểm tra rất gắt gao nơi ở của người tù thế nên để cùng nhau “tác nghiệp” là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Các “phóng viên” phải tranh thủ mọi lúc có thể, cặm cụi viết, vẽ, trình bày, thường đến tận 3 giờ sáng dưới ánh sáng ngọn đèn được mắc vào xó tường đã bịt hết ánh sáng không cho tỏa ra ngoài; hoặc tận dụng ánh sáng trăng, luôn có người canh cửa để báo động khi cần.

Người đứng viết, người ngồi, người để lên bàn tay, người đặt lên đầu gối, người kê lên sàn gạch, lên đống chăn đắp... Có những lúc cai ngục kiểm tra gắt gao, các “phóng viên” đã phải chui vào… nhà vệ sinh để tác nghiệp.

Vượt lên tất cả mọi khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm tới tính mạng, những người làm báo nơi ngục tù Sơn La đã thành công trong việc tạo dựng và duy trì tờ Suối Reo, biến tờ báo trở thành món ăn tinh thần bổ ích với khá nhiều chuyên mục được đánh giá là thú vị như xã luận đấu tranh, tuyên truyền chính trị, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ vui… là nguồn động lực, thắp lên niềm hy vọng, tin yêu về sự nghiệp cách mạng, không chỉ với các tù nhân mà cả với quần chúng yêu nước địa phương và cảm hóa cả những tên lính lệ, cai ngục nơi này.

Suối Reo chính là đại diện tiêu biểu cho dòng báo chí trong lao tù, dòng báo chí viết tay hết sức đặc biệt, đáng trân trọng và khâm phục. Dòng báo chí ấy, trước và sau Suối Reo còn có Con đường chính, Lao tù đỏ, sau đổi thành Lao tù tạp chí. Đời tù, tạp chí Vô sản, Đuốc đưa đường, Đường cách mạng; Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Hòn Cau, Ý kiến chung, Xuân tù, Phá tù… với “phong cách làm báo chưa từng có”, là “tài sản vô giá” và vô cùng độc đáo của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 5
nhung to bao dac biet cua mot chang duong bao chi cach mang hinh 6

Dân chúng - “tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Đông Dương”, tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản công khai

Trong dòng chảy Báo chí Cách mạng trước năm 1945, báo chí thời kỳ vận động dân chủ có thể coi là thời kỳ “thịnh vượng” nhất khi bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, tranh thủ khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương công khai xuất bản sách, báo chí để tuyên truyền cách mạng. Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương - là một trong những tờ báo ra đời trong bối cảnh như thế.

Đầu năm 1938, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đến Sài Gòn, trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản báo Dân Chúng. Sau 3 tháng khẩn trương chuẩn bị, ngày 22/7/1938, Báo Dân chúng ra số đầu tiên. Ngay từ số đầu tiên, sau khi in xong, dù chưa có giấy phép của nhà cầm quyền, báo Dân chúng vẫn được phát hành công khai, đồng thời phát miễn phí tới nhân dân Sài Gòn và khu vực lân cận và được nhân dân nồng nhiệt đón nhận.

Từ số 15, ra ngày 10/9/1938, Dân chúng mới chính thức được nhà cầm quyền cấp phép, trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản công khai giữa nội đô Sài Gòn. Tất nhiên, để một tờ báo cách mạng đậm tinh thần phản chiến như Dân chúng tồn tại được một cách công khai giữa Sài Gòn không phải là điều đơn giản. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, báo Dân chúng được cho là phải 4 lần thay đổi vị trí người quản lý, nhiều lần thay đổi nhà in để đảm bảo an toàn.

Cũng bởi được độc giả đón nhận nồng nhiệt nên số lượng phát hành của tờ Dân chúng không ngừng tăng lên, số đầu tiên in được 1.000 bản, số thứ hai tăng lên 2.000 bản, bình quân mỗi kỳ xuất bản khoảng 8.000 bản, đột biến như có số báo lượng phát hành lên đến 10.000 bản, thậm chí như số báo Xuân Dân chúng năm 1939 phát hành lên tới 15.000 bản.

Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản tháng 7/1939, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - thời kỳ ấy dù đang hoạt động bí mật ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên nhận và đọc tờ “Dân chúng” từ trong nước gửi ra - đã nhận định về tờ Dân chúng: “Dân chúng phát hành ở Sài Gòn từ tháng 7 năm 1938 là tờ báo đầu tiên đã bất chấp đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước... Dân chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Đông Dương vì số lượng phát hành của nó lớn hơn tất cả...”.

Tuy nhiên, dù đã phải khôn khéo “cải trang” để qua mắt địch, dù liên tục phải thay đổi quản lý hay nhà in, nhưng những bài viết mang tinh thần chiến đấu mạnh mẽ - đả kích chính sách cai trị của đế quốc, thực dân; tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm, chính sách cách mạng của Đảng ta; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít… vẫn khiến chính quyền thực dân tức giận.

Ngày 7/9/1939, khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 sắp bùng nổ, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đã ra lệnh đóng cửa báo “Dân chúng”, tịch thu toàn bộ tài sản của báo và cho mật thám truy lùng Ban Biên tập cũng như những người đã từng là cộng tác viên của báo.

Như vậy, báo Dân chúng chỉ tồn tại trong khoảng hơn một năm nhưng Dân chúng đã ghi dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy báo chí cách mạng, đã là tờ báo thứ 3 của Đảng ta ra được nhiều số nhất ở thời kỳ trước Cách mạng tháng 8/1945 (khoảng 81 kỳ) đồng thời cũng là tờ báo của Đảng trước năm 1945 có số lượng in cao nhất (như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản), có nhiều bạn đọc nhất trên cả xứ Đông Dương ở thời điểm đó. Âu cũng là một chiến tích trong bối cảnh làm báo nguy nan lúc bấy giờ.

Việt Nam Độc lập - tờ báo được cho là có “tuổi thọ” cao nhất trước Cách mạng tháng Tám

Sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (từ ngày 10/5 19/5/1941) với nhiều quyết sách lớn được đề ra: Thành lập Mặt trận Việt Minh; mở rộng căn cứ địa đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp,... nhằm thiết thực phục vụ cho công tác tuyên truyền những nhiệm vụ cách mạng mà Hội nghị đã đề ra, đồng thời đáp ứng yêu cầu cần có một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cho Mặt trận Việt Minh, ngày 1/8/1941, báo Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt Lập), cơ quan tuyên truyền của Việt Minh tỉnh Cao Bằng xuất bản số đầu tiên. Báo do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp phụ trách.

Có một điều rất đặc biệt là ngày 1/8/1941, báo Việt Nam độc lập ra số đầu tiên, tuy nhiên, trên mặt báo lại ghi là số báo… 101. Lý do sâu xa sau này được hé lộ là tờ Việt Nam độc lập là sự kế tục lịch sử của những tờ báo bí mật đã ra đời từ trước đó. 

Từ tháng 8/1941 đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Trung Quốc (tháng 8/1942), Báo Việt Nam Độc lập ra được trên 30 số, 400 bản, mỗi tháng ra 3 kỳ, mỗi kỳ 2 trang. Trên 30 số báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người chỉ đạo trực tiếp tất cả các khâu xuất bản tờ báo, từ việc lên ý tưởng từng số, tác giả bài viết, tranh vẽ, sửa bài đến viết chữ ngược trên bàn đá, lo phương tiện in, địa điểm in và tổ chức phát hành. Từ tháng 9/1942, đồng chí Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo báo cho đến tháng 4/1945.

Báo Việt Nam Độc lập có thể nói là tờ báo mang đậm “phong cách báo chí Hồ Chí Minh”: ít chuyên mục, kiệm lời, có tranh minh họa, sử dụng rộng rãi các thể loại văn vần cho dễ học thuộc, dễ hiểu, nhớ lâu, phù hợp với trình độ quần chúng, dễ đi vào lòng người và thuận tiện cho việc truyền miệng… Nhờ vậy, Báo Việt Nam Độc lập đã được công chúng đón nhận nhiệt thành.

Trong giai đoạn gần 5 năm, với hơn 100 số báo, từ số báo 101 năm 1941 đến số báo 230 tháng 10/1945, báo Việt Nam Độc lập đã phản ánh trọn vẹn những diễn tiến của những tháng ngày cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa, làm tròn nhiệm vụ kêu gọi toàn dân đoàn kết, cổ vũ, động viên cho cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, tố cáo những tội ác dã man của phát xít Nhật - đế quốc Pháp; trở thành vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh…

Báo Việt Nam độc lập được xem là tờ báo có “tuổi thọ” cao nhất trước Cách mạng tháng Tám, tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản được hàng trăm số trong hoàn cảnh bí mật tại căn cứ địa Cao Bằng.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo