(CLO) Luôn luôn là một chủ đề được nhắc đến trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, tình hình nợ công đang tiếp tục có những diễn biến mới. Hết năm nay dự kiến nợ công của nước ta khoảng 61,3% GDP, cuối năm 2016 ước khoảng 63,2% GDP. Dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Trong 5 năm tới, dự kiến Việt Nam phải vay trên 3 triệu tỉ đồng để bù vào bội chi và nợ gốc đến hạn.
Những năm gần đây, nợ công của Việt Nam liên tục gia tăng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. 10 năm trước, nợ công chỉ 22,3 tỉ USD, bình quân 268 USD mỗi người, thì trong một thập niên tổng nợ đã tăng hơn gấp 4 lần.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, nợ công “vẫn trong tầm kiểm soát”, nhưng cuối tháng 9/2015, báo cáo của một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư tính toán nợ công của Việt Nam hiện ở mức cao hơn, và còn cao hơn nữa nếu tính tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Bởi ngay cả khi không được Chính phủ bảo lãnh chính thức, một khi DNNN vỡ nợ thì Chính phủ cũng phải can thiệp bằng cách này hoặc cách khác. Chính vì vậy, nếu tính cả nợ của DNNN thì tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã trên dưới 100% GDP, chưa kể nợ đọng xây dựng cơ bản hiện chiếm khoảng 1,5% GDP.
Với thực trạng nợ công như vậy, không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của tương lai, mà hiện hữu trước mắt.
[caption id="attachment_57980" align="aligncenter" width="665"]
10 năm trước, nợ công chỉ 22,3 tỉ USD, bình quân 268 USD mỗi người, thì trong một thập niên tổng nợ đã tăng hơn gấp 4 lần. Ảnh: Internet[/caption]
Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 2/11, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng: Việc xử lý các vấn đề phát sinh về đầu tư còn yếu, xu hướng đầu tư có quy mô ngày càng lớn là có thật nhưng hiệu quả chưa cao, dẫn đến tăng nợ công và tăng bội chi ngân sách.
Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính, khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ. Và thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do nước ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Trong 2 năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, về góc độ này thì nợ công là đáng lo, khi ngân sách nhà nước dùng tới gần 3/4 để chi thường xuyên, tức chi ăn cho bộ máy; và trên 1/4 còn lại là chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ. Có nghĩa là chi đầu tư phát triển - nguồn nuôi dưỡng chính để trả lại nợ là không được đảm bảo. Vì không có tăng trưởng kinh tế, kéo theo khả năng trả nợ cũng bị thu hẹp. Đó cũng là nguyên nhân của sự vỡ nợ ở Hy Lạp, vì nước này không có khả năng trả nợ do không tăng trưởng kinh tế.
Trong một diễn biến khác, tuy sử dụng tỷ lệ nợ công 59,6% GDP của Bộ Tài chính để đánh giá tình hình, nhưng Báo cáo vừa công bố ngày 5/10 của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam nhận định, thâm hụt ngân sách tiếp tục tạo áp lực cho chính sách tài khóa, với mức dự kiến 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015 (tính cả trả nợ gốc).
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): "Điều đó thể hiện hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi cho đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu “ăn” vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách”.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, WB cũng đã cảnh báo rằng tổng số nợ công của Việt Nam đã vượt 110 tỷ USD và tình trạng mất cân đối tài khóa đã kéo dài nhiều năm.
“Đây là dấu hiệu của việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả, thậm chí có dấu hiệu của tham nhũng. Do vậy, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tránh đầu tư mang tính cắt cứ, đầu tư mang tính liên vùng. Xử lý dứt điểm sở hữu chéo, phân bổ lại đầu tư chi tiêu công, sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. Tăng cường các giải pháp kiểm soát tài chính, lành mạnh hóa thể chế tài chính của đất nước", đại biểu Trần Xuân Vinh nhận định.
[su_note note_color="#eafdf5"]Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 2/11, Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cho rằng: "Để nền kinh tế phát triển bền vững cần nâng cao chất lượng lao động, công khai minh bạch các chỉ số nợ công, nợ xấu. GDP tăng mà hiệu quả kinh tế thấp là dấu hiệu cho thấy những vấn đề tiềm ẩn của nền kinh tế[/su_note]”.
Giang Phan