"Nơi ấy là chiến trường"

Chủ nhật, 21/04/2019 19:54 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng nay (21/4), buổi giới thiệu cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã diễn ra tại Nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền.

Cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường” được giới thiệu vào đúng Ngày sách Việt Nam (21/4), hòa trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019); kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), đã góp phần giúp công chúng nhiều thế hệ thêm tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, hiểu hơn về lớp thanh niên trí thức một lòng vì sự nghiệp chung của đất nước.

Báo Công luận

"Nơi ấy là chiến trường"- cuốn Nhật ký về một thời hoa lửa. Ảnh: Kinhtedothi

Cuốn nhật ký, ghi chép dày gần 500 trang, cảm nhận về một thời hoa lửa đã qua mà tác giả mang lại cho người đọc qua từng con chữ thật là sống động. Đó là những ghi chép rất tỉ mỉ, cụ thể nhưng vô cùng xúc động qua lăng kính của chàng thanh niên trí thức lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lời tựa của cuốn sách cũng giới thiệu rõ ràng: “Tác giả Phạm Quang Nghị đã tình nguyện đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khi còn rất trẻ. Ông vừa cầm súng, vừa cầm bút ghi lại những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của mình về gia đình, về đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết thật giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được toàn bộ sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính.

Vốn là sinh viên khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi tham dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn trước khi trở thành một phóng viên chiến trường, một người lính đi vào mặt trận, bởi lẽ đó những trang viết của ông dù thuộc thể loại nhật ký và ghi chép nhưng lại thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn và sự hy sinh với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp…”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong ngày ra mắt sách. Ảnh: HNM

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng hoa chúc mừng nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong ngày ra mắt sách. Ảnh: HNM

Trong buổi giới thiệu sách, tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ: “Trong suốt những năm tháng chiến tranh cho tới ngày rời thành phố Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc cản và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng kể cả ánh trăng sao hoặc không có nơi ngồi để viết, còn lại hầu như mỗi ngày tôi đều ghi nhật ký. Ngày ấy, tôi viết không hẳn vì thói quen (tôi đã thường xuyên ghi nhật ký từ những năm học cấp 3), cũng không hẳn vì đức tính cần cù, chăm chỉ. Nhật ký với tôi như người bạn tâm giao, chuyện không nói được với ai thì… nói trong nhật ký”. 

Tác giả cũng bày tỏ lý do thôi thúc ông hoàn thành cuốn nhật ký này: “Lẽ ra, tôi sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hay nằm yên ở đâu đó như nó đã nằm yên suốt gần nửa thế kỷ qua. Song thời gian khiến cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký đã bị hư hại hết sức nặng nề. Nhiều trang giấy đang tiếp tục bị mục nát, nhiều hàng chữ đã mờ hết mực…

Và cái điều thiêng liêng đáng nói hơn là những ký ức một thời về những sự kiện, con người, địa danh đã được ghi trong đó. Những điều đáng được kể lại, được nhắc tới, bởi có những địa danh đã đổi thay và những con người đã hy sinh. Cách tốt nhất để lưu giữ lại những ký ức vốn từ lâu đã thành của chung là tôi phải in ra những trang viết ngày ấy”, tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Tác giả Phạm Quang Nghị giới thiệu cuốn sách với các đại biểu, bạn đọc. Ảnh: HNM

Tác giả Phạm Quang Nghị giới thiệu cuốn sách với các đại biểu, bạn đọc. Ảnh: HNM

Xa nhà, xa quê, mang trong mình những khát khao cống hiến cháy bỏng, nhưng tình cảm của người chiến sĩ trẻ ấy vẫn luôn hướng về những người thân yêu. Mở đầu trang sách “Nơi ấy là chiến trường”, tác giả Phạm Quang Nghị dành dòng đầu tiên kính tặng mẹ và bạn bè, đồng đội, người thân, những vùng đất gian lao và anh dũng - nơi ông đã sống và chiến đấu trong những tháng năm chiến tranh vô cùng ác liệt.

Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi… Con gọi từ ngày xa nhà, cho đến hôm nay, từ đỉnh núi cao vời vợi, con tưởng tiếng gọi của con sẽ bay về quê hương, đêm nay sẽ đến tai mẹ. Mẹ thương của con ơi, mẹ cố sống chờ con, con sẽ về với mẹ”. Rồi, “Và còn em ta, đứa em gầy yếu thông minh. Anh ra đi, em có khỏe hơn không? Chắc em sẽ lớn lên nhỉ? Anh cầu mong em sẽ tiếp tục học hành và sẽ trở thành niềm an ủi của mẹ cha”. Chính tình yêu ấy đã giúp ông vượt qua biết bao mưa bom, bão đạn; vượt qua cái khốc liệt đến nghẹt thở của cuộc chiến; vượt qua những cơn sốt rét rừng khiến “Từng tế bào rung lên bần bật”, khiến “Hai lỗ tai cứ âm ỉ như nằm trên miệng tổ giun”. Lạ thay, sốt rét khiến tác giả cảm thấy thân thể “tàn tạ đi nhiều”, nhưng ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù lớn của dân tộc thì lại tỷ lệ nghịch với nỗi đau thể xác. Người chiến sĩ trẻ Phạm Quang Nghị viết: “Ta phải chiến thắng gian lao, phải đi tới đích”. Có lẽ ông đã nói lên tâm trạng của đại đa số những người chiến sĩ trẻ lên đường đi B thời điểm đó, trong đó có bản thân mình. Trong hành trang của người chiến sĩ trẻ, ngoài chút tư trang cá nhân là một quyển sổ, một cây bút và cả trời ước mơ, thương nhớ gửi về quê hương.

Rồi nữa, “Dốc hôm nay phải vượt đã nâng bước chúng tôi cao hơn tầm của ngàn vạn ngọn núi khác. Từ thế đứng trên cao, chúng tôi nhìn thấy Trường Sơn như sóng dồn bốn phía, mây xanh quyện đầy thung lũng, lững lờ bay. Đứng ở đỉnh dốc hôm nay, chúng tôi mê mải nhìn những cánh chim bay xa vời vợi, từ những ngọn núi mờ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng những mảng trời xanh thẳm một màu ước mơ”. Đoạn nhật ký trên được tác giả ghi lại vào đúng ngày 19/5/1971 - một tháng sau khi người chiến sĩ trẻ tên Nghị vào đến chiến trường B.

Bìa cuốn sách

Bìa cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường". Ảnh: HNM

Đọc những dòng nhật ký ấy độc giả chỉ thấy tràn lên một niềm lạc quan, yêu đời mà không hề thấy cái khốc liệt của chiến tranh hay nói cách khác là cái khốc liệt của chiến tranh đã được thi vị hóa, bởi một tâm hồn nồng nhiệt. Ấy cũng là bởi niềm tin, khát khao chiến thắng của người chiến sĩ trẻ và đồng đội - niềm tin ấy đã giúp chúng ta hiểu được tương lai tươi sáng của đất nước, của dân tộc. Dù rằng, ngày mai sẽ còn không ít chông gai. “Đường Trường Sơn có ai đo được. Không có chiều dài, không có chiều rộng. Đâu có giặc là cứ nhằm hướng đó ta mở đường. Ở đâu đi nhanh tới thắng lợi ta mở đường tới đích” - người lính trẻ Phạm Quang Nghị ghi lại cái cách mà mình và đồng đội vượt Trường Sơn đi giải phóng dân tộc.

Lễ ra mắt cuốn sách

Lễ ra mắt cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường" sáng 21.4. Ảnh: Báo Kinhtedothi

Đến dự và chia vui với tác giả tại buổi ra mắt cuốn sách, rất nhiều đại biểu, độc giả đã vô cùng xúc động khi đọc cuốn sách. Chia sẻ cảm nghĩ về cuốn nhật ký “Nơi ấy là chiến trường”, của tác giả Phạm Quang Nghị, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xúc động bày tỏ: “Tôi thấy kỳ lạ là lúc ấy anh Nghị mới ngoài 20 tuổi thôi mà có suy nghĩ sâu sắc về cuộc chiến, về trách nhiệm của lớp thanh niên trí thức với vận mệnh Tổ quốc. Cách ghi chép của anh công phu, tỉ mẩn, cụ thể, đó không chỉ là những thông tin tư liệu lịch sử quý báu cho thế hệ sau này mà còn là bài học cho những người làm báo học hỏi. Cuốn nhật ký cho thấy tấm gương trong trẻo của một thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức thời đó với trách nhiệm với Tổ quốc…”.

L.V

Tin khác

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

(CLO) Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ khai mạc ngày 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, tại TP Cao Lãnh.

Đời sống văn hóa
Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

(CLO) Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị không cấp phép cho các tàu du lịch trên biển đón khách du lịch xem chương trình Carnaval Hạ Long 2024, để bảo đảm an toàn.

Đời sống văn hóa
Phát hành bộ tem 'Hà Nội 12 mùa hoa'

Phát hành bộ tem 'Hà Nội 12 mùa hoa'

(CLO) Bộ tem “Hà Nội 12 mùa hoa” ứng với 12 tháng trong năm với các loài hoa được phỏng theo lời bài hát "Hà Nội 12 mùa hoa" của nhạc sĩ Giáng Son.

Đời sống văn hóa
Sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị cho mùa du lịch Sầm Sơn năm 2024

Sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị cho mùa du lịch Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Chuẩn bị cho năm du lịch 2024, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhất cho du khách khi tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Đời sống văn hóa
Trưng bày gần 150 tài liệu, hiện vật về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ

Trưng bày gần 150 tài liệu, hiện vật về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) và ký Hiệp định Gienève (21/7/1954-21/7/2024), sáng nay 25/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt".

Đời sống văn hóa