(NBCL) Tôi nhận được điện thoại của anh Phan Huỳnh Tiến, một người nặng lòng với dòng sông Nhuệ bao năm nay vào lúc 12 giờ đêm. Là một chuyên gia về cảnh quan đô thị, bao năm nay ước muốn dòng sông Nhuệ chảy qua làng mình sẽ thực sự là một dải lụa giữa lòng thành phố, anh Tiến rất vui khi cho biết: Chính phủ vừa có “lệnh” yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh việc cải tạo sông Nhuệ! Hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được “bơm ra” cho việc cải tạo dòng sông này... Chia vui cùng người bạn nhưng thú thật, tôi vẫn chưa dám tin sông Nhuệ có thực sự hồi sinh.
Khóc dòng sông quê Bao năm qua, Sông Nhuệ có một vị trí vô cùng đặc biệt. Trước kia, nó là ranh giới tự nhiên giữa Thăng Long phía Đông và xứ Đoài mênh mông phía Tây. Chỉ bước qua con sông đã thấy bao điều kỳ thú khác biệt. Từ kế sinh nhai đến món ăn thức dụng, từ phương ngữ lạ lùng đến thú chơi dân dã: “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”... Đầu nguồn Canh Diễn hoa trái đến bảy làng. La canh cửi, còn đó Vạn Phúc lụa là. Phú Đô Mễ Trì - vựa thóc Kinh thành xưa, cuối dòng có Uớc Lễ, Cự Đà một thời giàu có hào hoa nức tiếng. Sau năm 2008, sông Nhuệ nằm ở trung tâm Hà Nội, nhìn trên bản đồ, nó như một dải lụa giữa lòng thành phố.
[caption id="" align="aligncenter" width="500"]
Con sông Nhuệ trong ước mơ của bao người[/caption]
Nhưng, giờ đây, sông Nhuệ đang khiến bao người không khỏi bùi ngùi khi nhắc về nó. Ông Vũ Đức Tâm, nguyên là Đại sứ UNESCO Việt Nam tại Pháp đã dùng từ “khóc” khi nói đến dòng sông Nhuệ quê mình. Trong hồi ức đầy xúc động, ông Tâm nhớ lại: “Thuở học trò, mình vẫn thường được nghe và nhẩm theo một bài hát với những ca từ tha thiết, trữ tình: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ...”. Sau này lớn khôn hơn, mình mới biết đó là bài “Người con gái Việt” của nhạc sĩ Lân Tuất. Mình mới thấy mỗi dòng sông quê đều mang trong mình nó biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà bây giờ người ta gọi là văn hóa vật thể và phi vật thể...Quê ngoại mình ở làng Hữu Thanh Oai còn gọi là Hữu Châu, hay là Tó Hữu. Đây là nơi hợp lưu của dòng sông Nhuệ với sông Tô nên rất thuận lợi cho thông thương, buôn bán, quanh năm chợ họp đông đúc, thuyền bè tấp nập khiến cho làng phát triển hưng thịnh lắm. Rồi những sinh hoạt đời thường cũng gắn với con sông: tắm giặt, rửa rau, vo gạo, gánh nước tưới rau... Một mùa hè, mình còn theo “điếu đóm” cho một nhóm đo đạc, khảo sát dọc sông Nhuệ. Chuyến đi rất thú vị, ngày làm, đêm tìm một nhà dân cạnh bờ sông để ăn, ngủ, còn tắm giặt thì đã có spa thiên nhiên rộng rãi, mát mẻ. Mình vẫn nhớ cảnh quan đôi bờ sông, bãi mía, nương dâu, các loại hoa màu: ngô, đậu, khoai, sắn... trải ra mát mắt. Con sông Nhuệ tuổi thơ của mình đẹp là thế, gắn với bao kỷ niệm êm đềm là thế mà bây giờ, khi về quê tảo mộ, mình chứng kiến sông Nhuệ đang chết”.
Day dứt hơn, nhà báo Hải Đường, trong thư viết cho một người bạn đã đau đáu nỗi niềm: “Người ta đang đổ rác, xả nước thải vô tội vạ, người ta đang đóng cọc vào mặt dòng sông. Bèo và cỏ rác đang ken dày tầng tầng lớp lớp trên mặt sông... Nhiều khúc sông cá chết trắng xóa, bốc mùi xú uế. Nhiều khúc sông trẻ con có thể xắn quần lội qua. Khúc sông mà ngày xưa đứng trên bờ chúng ta vẫn nghĩ, bao giờ mới sang được bên kia. Sông cạn đi hay sự ứng xử của con người với môi trường cạn đi?... Hãy cứu lấy dòng sông quê ta. Hãy giữ lại những ngôi nhà ngói đỏ bên sông thấp thoáng bên lũy tre xanh và những chiếc vó bè vươn cao lấp lóa nước, lấp lóa nắng chiều...”
Quả thực, những nỗi niềm trên đều bắt nguồn từ thực tế đau lòng: Từ nhiều năm nay, sông Nhuệ đã chết! Theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện sông Nhuệ đang phải hứng chịu nguồn nước thải từ 700 đầu mối đổ vào với khối lượng 400 nghìn m 3 /ngày. Trong đó có nước thải của 8 khu công nghiệp, với gần 500 cơ sở và cụm công nghiệp; khoảng 360 làng nghề và các đô thị; khu dân cư; du lịch, khách sạn; nhà hàng; các cơ sở y tế. Hiện không có sinh vật nào sống nổi trên sông Nhuệ, riêng rau muống thả ở dòng sông này có tới trên 10.000 loại vi khuẩn gây bệnh.
Bao giờ cho đến bao giờ? Được biết ngay từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, câu chuyện cứu dòng sông Nhuệ đã được đặt ra cùng với việc cứu sông Tích, sông Đáy. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định phê -duyệt đề án cải tạo sông Đáy – sông Nhuệ. Thành phố Hà Nội cũng đã quyết định đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho việc nạo vét, khơi dòng, kè đê sông Nhuệ. Mới đây, sau khi đi thị sát, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí tiếp tục đầu tư, khẩn trương hoàn thành các dự án cải tạo hệ thống sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ (tập trung xử lý khôi phục lại dòng chảy, cải thiện điều kiện môi trường... Có thể thấy, Chính phủ đang khá “sốt ruột” trước việc cải tạo các dòng sông ở Hà Nội. Cuối năm 2008, trước tình hình ô nhiễm trên hệ thống sông Nhuệ - Đáy và ảnh hưởng của đợt mưa lớn bất thường gây ngập úng nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai các dự án cải tạo, khôi phục hệ thống sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ và xây dựng các trạm bơm Yên Sở, Yên Nghĩa, cụm công trình đầu mối Liên Mạc... nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường vùng ven sông, đồng thời nâng cao khả năng tiêu thoát nước cho trung tâm TP. Hà Nội khi xảy ra mưa lớn. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đến nay còn rất chậm, tình trạng ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ - Đáy chưa được cải thiện, việc tiêu thoát nước cho TP. Hà Nội khi xảy ra mưa lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.
[caption id="" align="aligncenter" width="1531"]
Ô nhiễm sông Nhuệ trầm trọng.[/caption]
Và, ngay cả cái cách cải tạo dòng sông Nhuệ mà Hà Nội đang triển khai cũng có nhiều điều chưa ổn. Theo TS.KTS Lê Quốc Hùng, Hà Nội quyết định đầu tư hơn 8.700 tỷ VNĐ (gần 500 triệu USD) nâng cấp sông Nhuệ giai đoạn 2010-2015. 7.800 tỷ đồng nạo vét đoạn Hà Đông - Liên Mạc, nâng cấp cống Lương Cổ, Nhật Tựu; trạm bơm Yên Nghĩa; Liên Mạc, Yên Sở II, Đông Mỹ, Ngoại Đô II và bơm tiêu vào sông Nhuệ, sông Châu. 600 tỷ đồng nạo vét đến Lương Cổ - Phủ Lý (dài 53km/74km); sông nhánh La Khê, Duy Tiên; cải tạo đê chính. Xây Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) Cầu Ngà, 15.000 - 20.000m 3 /ngày, ở Tây Mỗ 360 tỷ đồng. Rõ ràng việc đầu tư cho sông Nhuệ chưa đặt trong tổng thể nâng cấp thủy hệ Hà Nội (sông Nhuệ là phần không tách rời với sông Hồng, sông Tô và hệ thống đầm hồ liên quan). Đặc biệt cần loại bỏ các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung đắt đỏ, lãng phí, kém tác dụng. Thay vào đó là hàng trăm trạm XLNT tại nguồn, ngăn chặn không chỉ 35 miệng cống lớn mà hàng trăm cống nhỏ đang đổ thẳng nước thải vào sông. Cải tạo đê chính đồng thời kết hợp tái bố trí dân cư, dịch cư ven đê ra ngoài hành lang bảo vệ hai bên bờ sông. Không bố trí dân cư sát mép nước và không khuyến khích đầu tư nhà máy XLNT tập trung – Thực tế các nhà máy đã xây dựng tại Hà Nội rất đắt tiền nhưng không phát huy tác dụng. Đầu tư lớn thể hiện quyết tâm của các nhà quản lý. Nhưng bỏ ra 500 triệu USD mà không có biện pháp đồng bộ thì khả năng tái ô nhiễm lớn hơn. Lúc ấy lực đã kiệt, sông Nhuệ vô phương cứu chữa.
Sông Nhuệ chỉ lấy lại sức sống nếu được cung cấp đủ nước từ sông Hồng. Để giảm khối lượng nạo vét thường xuyên cần có bể lắng phù sa và xử lý nước sạch trước khi bơm nước vào sông. Để duy trì mực nước ổn định cần có nhiều hồ chứa bổ cập nguồn nước cho sông. Hạn chế độ dốc của sông cần có những đập chắn giữ nước. Điều quan trọng bậc nhất là 100% nước thải phải qua các trạm XLNT trước khi đổ vào sông. Cần tái bố trí các khu dân cư, nơi sản xuất ra khỏi hành lang bảo vệ sông. Ưu tiên bố trí các công trình công cộng, công viên giải trí sát mép nước. Các công trình này được giám sát môi trường khắt khe và phải trả phí “lợi thế cảnh quan” rất cao để đảm bảo nguồn thu, chi cho công tác bảo vệ môi trường. Có rất nhiều bài học đấu thầu khai thác cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Các nhà đầu tư khai thác cảnh quan để kinh doanh các dịch vụ giải trí, họ gắn bó lợi ích kinh doanh với bảo vệ môi trường thành mối quan hệ tương tác – bền chặt.
Thế mới biết, để cứu những dòng sông ở Hà Nội không phải là chuyện đơn giản, ngoài quyết tâm, kinh phí, cần phải nhìn xa trông rộng. Xin đừng bê tông hóa như đã làm với dòng Tô Lịch!
HÀ VĂN TOẠI