Viết về những người lính biệt động Sài Gòn, không thể không nhắc đến Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, người kiến tạo thần tình của nhiều trận đánh huyền thoại. Qua lời kể của nhà báo Bảo Trung - người đã từng có cơ hội gặp và viết bài về ông - thấy thêm nhiều điều thú vị về vị Đại tá này:
Năm 1988, nhân kỷ niệm 20 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Hội khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi viết về những kỷ niệm về thời khắc lịch sử đáng ghi nhớ này. Tôi nghĩ ngay đến một nhân vật mà khi nhắc đến trong những cuộc chiến khốc liệt, trí tuệ và sáng tạo trong nội đô Sài Gòn khi đó mà không ai không biết. Đó là Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - nguyên Phó tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Tôi tham gia cuộc thi này và đạt giải Ba khi viết về ông với bài ký “Gặp người chỉ huy những thiên thần ra trận”. Và tôi đã tìm gặp được người đã từng tạo nên những huyền thoại này tại tư gia của ông.
Tôi và ông gặp nhau trong căn nhà lộng gió của ông cạnh bờ sông Sài Gòn ở khu Thảo Điền (Thủ Đức). Cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở của ông và những khoảng lặng bất chợt trong ánh nhìn xa xăm, ưu tư của ông khiến tôi có cảm giác hơi thở bỏng rát của cuộc chiến, khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh vẫn chưa ngoai nguôi trong tâm khảm của ông. Tôi vào chuyện: Ông có thể kể lại trận đánh đầu tiên của mình. Tâm trạng của ông sau trận đánh khởi đầu cuộc đời binh nghiệp của ông?
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (phải) trong một buổi gặp gỡ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tá Nguyễn Đức Hùng chậm rãi hồi tưởng: Trận đánh đầu tiên của ông là được giao nhiệm vụ tấn công địch vào cuối năm 1946 tại Thị Nghè - Sài Gòn. Sau khi nhận được trái lựu đạn tự chế, vỏ bằng gang, ông quyết định tấn công vào nơi làm việc của cảnh sát và hội tề xã tại Thị Nghè. Địch truy đuổi sát nút, ông chạy vào căn nhà gần đó. Bà chủ nhà bằng một động tác nhanh và dứt khoát kéo ông vào nơi con gái bà đang ngủ, dặn ông nằm chung với cô gái, trùm chăn lại giả làm vợ chồng. Khi cảnh sát lục soát nhà, ông nghe bà chủ nhà nói với chúng:
“Đó là nơi ngủ của con gái tôi. Không có ai được vào đây cả”. Chính nhờ sự cưu mang, đùm bọc của quần chúng, tôi mới thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.
Sau sự kiện này, ông suy ra rằng, làm cách mạng phải dựa vào dân, quân và dân phải như cá với nước. Đây cũng là kim chỉ nam của ông và lãnh đạo của lực lượng vũ trang của ta về công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cho lực lượng biệt động Sài Gòn sau này.
Lực lượng biệt động Sài Gòn dẫn đường cho các cánh quân chủ lực tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất trong Tết Mậu Thân - 1968 - Ảnh: TTXVN
Cách thức chiến đấu của lực lượng biệt động khiến cho các cố vấn quân sự của Mỹ không hề tiên lượng, đoán định nổi. Phương châm tác chiến mà các lực lượng vũ trang nội thành tuân thủ là
“lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại”. Phương thức hoạt động và thủ thuật chiến đấu cụ thể là bất ngờ tiếp cận địch (bất ngờ mà biệt động tạo ra phải tính bằng giây). Tiếp đó là dùng khối nổ để tiêu diệt sinh lực địch hay hủy bỏ các cấu trúc vật chất hiện hữu của chúng.
Một trong những thành tố quan trọng nhất để hình thành sức mạnh của lực lượng biệt động là đội ngũ cài cắm trong nội thành. Họ chính là cánh tay nối dài của lực lượng biệt động gồm các chiến đấu viên và cơ sở tại chỗ. Đó là những người có công ăn việc làm ổn định giữa lòng địch. Bảo đảm các công việc như: liên lạc, trinh sát, cất giấu tồn trữ vũ khí lâu dài. Hỗ trợ, tham gia chiến đấu trực tiếp cùng các lực lượng phối thuộc của ta. Đây là đội ngũ đông đảo người tham gia nhưng có chọn lọc. Nhiều đối tượng, mọi lứa tuổi như học sinh, sinh viên, thiếu nhi, cụ già, các nhà tư sản dân tộc, binh lính ngụy…
Đơn cử, có một cơ sở là vợ của một thượng sĩ người Mỹ lái máy bay cung cấp cho ta một tập không ảnh toàn cảnh, chi tiết về sân bay Tân Sơn Nhất và vùng phụ cận. Không ảnh này đã định vị hiệu quả cho các cánh quân của ta phía Bắc đánh vào sân bay trong trận tiến công Mậu Thân (1968).
Đại tá Nguyễn Đức Hùng (1928-2012) đã ra đi vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 16/5/2012 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP. Hồ Chí Minh). Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào tháng 1/2012. |
Cuộc chiến ở nước ta là sự đối đầu giữa chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa. Đó là sự đối đầu giữa vật chất và ý chí. Giữa khối lượng vật chất khổng lồ của Mỹ và ý chí quyết thắng, sự thông minh, quả cảm của dân tộc Việt Nam.
Chính trị chính nghĩa - đó là câu trả lời xác đáng để có thể minh định rằng: tại sao chúng ta có thể chiến thắng một kẻ thù mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Bằng điểm tựa dựa trên những giá trị của chính nghĩa, chúng ta đã huy động được một lực lượng đông đảo bao gồm tất cả mọi tầng lớp xã hội từ miền Bắc tới miền Nam, kể cả trong vùng địch tạm chiếm, cả những đối tượng giữ trọng trách quan trọng trong hàng ngũ của kẻ thù đã tham gia vào một cuộc chiến toàn dân, toàn diện. Tạo nên một sức mạnh tổng hợp, có thể đương đầu với kẻ thù lớn mạnh hơn mình.
Sau những ngày thành phố Sài Gòn được giải phóng. Có một người lính vẫn lặng lẽ mỗi ngày đi qua từng ngõ hẻm, mỗi con đường mà ông đã gắn bó gần trọn quãng đời thanh xuân. Trong thẳm sâu ký ức, ông vẫn thấy thấp thoáng ở đâu đó từng gương mặt thân quen của đồng đội cũ. Họ mãi mãi ra đi mà không kịp đón ngày hội thống nhất của non sông. Đó là điều thực sự ám ảnh, day dứt tâm trí ông. Nhiều khi tạo cho ông một mặc cảm của người chưa hoàn thành xong tâm nguyện của chính mình. Đó là vấn đề thực hiện chính sách đối với một số đồng chí và cơ sở biệt động, nhất là đội ngũ biệt động tham gia cuộc chiến đấu năm 1968, bao gồm 5 đơn vị trực tiếp chiến đấu ở các mục tiêu: Dinh tổng thống, đài phát thanh, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh hải quân và tòa đại sứ Mỹ. Đặc biệt là trường hợp một tập thể 4 đồng chí sau cùng đã hy sinh ở Đài phát thanh bằng cách dùng khối thuốc nổ 20 kg hủy diệt đài và anh dũng hy sinh; cả một tổ gồm 15 đồng chí hy sinh ở trận đánh Đại sứ quán Mỹ. Sự hy sinh của các đồng chí Nguyễn Hoài Thanh ở Trường Tiểu học Bàn Cờ, Nguyễn Thị Rí (Tám A) và một đồng chí tên Ngoan trong trận đối đầu với lính Nam Triều Tiên ở đường Nguyễn Văn Thoại là hành động quả cảm, vô song. Cần sớm có chính sách thỏa đáng cho họ, bởi họ thực sự là những anh hùng. Tất cả những chiến sĩ đó hy sinh ở tuổi đời khi còn rất trẻ. Tất cả đều có cấp hiệu và số hiệu quân nhân, không lẽ qua cuộc chiến, tên tuổi và sự hy sinh của họ lại bị chìm vào quên lãng?
Thái Sơn (Ghi)