Nỗi khiếp đảm của ngư dân mang tên tàu giã cào

Chủ nhật, 24/06/2018 06:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian gần đây, tình trạng tàu giã cào đến hoành hành, tàn phá, làm náo động khu vực gần bờ biển khiến người dân vùng biển bãi ngang Hà Tĩnh luôn hoang mang, khiếp sợ trong mỗi chuyến ra khơi.

Báo Công luận
Cặp tàu giã cào cùng chạy song song kéo theo một tấm lưới mắt dày, gắn nhiều chì nặng để cào sâu xuống đáy biển đánh bắt tận diệt 

Những chiếc tàu giã cào không chỉ làm hỏng, kéo mất ngư cụ kiếm kế sinh nhai của ngư dân, loại hình đánh bắt tận diệt này còn gây mất an ninh trật tự, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Chúng tôi tìm về gặp anh Nguyễn Văn Nhin ở thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vào mùa vụ cá nam. Qua câu chuyện kể sau lần anh thoát chết trở về, khi bị tàu giã cào kéo chìm thuyền trong đêm tối khiến tôi cũng phải rùng mình. 

Giữa tháng 5/2017, anh Nhin mang lưới ra biển đánh cá cách bờ khoảng 3 hải lý. Giữa đêm khuya, khi anh đang kéo lưới, bất ngờ từ phía xa, hai chiếc tàu giã cào chạy song song với nhau lao tới cào hết lưới của anh, rồi cuốn luôn cả chiếc thuyền thúng đi theo. Anh vội vã lấy chiếc đèn pin bấm lia lịa về phía tàu giã cào để làm tín hiệu và cố sức gọi lớn cảnh báo, nhưng chiếc thuyền của anh vẫn bị kéo chạy theo tàu.

Chiếc thuyền thúng bị kéo một đoạn dài và bị lật chìm. Quá hoảng hốt, anh Nhin định vị hướng của con nước biển để bơi vào bờ. Sau một giờ vật lộn trên biển, tưởng kiệt sức thì may sao có thuyền bạn chài đánh cá gần đó kịp thời chạy đến hỗ trợ, nếu không thì không biết hậu quả sẽ như thế nào nữa?

“Khi ra khơi bám biển sợ nhất gặp thiên tai, mùa mưa bão gặp sóng to, gió lớn nhưng những vấn nạn do tàu giã cào mang đến nguy hiểm không kém khi trời yên biển lặng”, anh Nhin chia sẻ.

Báo Công luận
 Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tuần tra, phát hiện các tàu giã cào hoạt động sai quy định

Cùng chung nỗi bức xúc, ông Trần Chí Thanh ở thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: tháng trước tôi vay tạm người thân 16 triệu đồng mua lưới ghẹ về thay mới để ra khơi. Vừa buông lưới đánh xong, ngồi trên thuyền đang bưng bát cơm ăn tối, đột nhiên tàu giã cào lù lù chạy đến “nuốt chửng” cả ngư lưới và cuốn luôn chiếc neo, kéo thuyền tôi đi theo. 

Nếu không nhanh tay vứt bát cơm, chạy về phía mũi thuyền cắt dây neo và lao xuống khoang thuyền nổ máy chạy thoát khỏi gọng kìm của cặp tàu giã cào thì không chỉ hơn 25 tấm lưới bị cuốn đi mà chiếc thuyền mưu sinh của gia đình tôi cũng đã nằm ở đáy biển. Giờ khó khăn chồng chất, chưa biết vay mượn ở đâu để tái đầu tư ngư cụ bởi cuộc sống của cả gia đình trông vào đấy, không thể ngồi nhà ngóng biển như thế này mãi được”.

Báo Công luận

Chiếc tàu giã cào ở Nghệ An bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ ngay sau khi truy đuổi được 3 hải lý vào 15h ngày 13/5 thuộc địa phận bờ biển xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh 

 

Theo ông Nguyễn Văn Bê – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ngư dân xã ven biển bãi ngang Xuân Liên, chủ yếu tham gia đánh bắt gần bờ, ra khơi vào lúc chiều tối, sáng sớm hôm sau mới trở về. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, ngư dân trên địa bàn bị tàu giã cào từ địa phương khác kéo về phá hoại ngư lưới cụ, gây đắm thuyền.

Tàu giã cào có công suất gần cả trăm CV, vận tốc di chuyển lớn, hai tàu cùng chạy song song kéo theo một tấm lưới mắt dày với chiều dài khoảng 1.000 – 1.500m, sâu hàng chục mét, phía đáy của lưới được gắn nhiều chì nặng để cào sâu đến tận đáy biển, khiến không chỉ các loại hải sản mà ngư lưới cụ thả của người dân cũng bị cuốn mất.

Cứ mỗi lần ngư dân gặp nạn, nghiệp đoàn nghề cá đều có báo cáo, kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. “Đến mùa cá sinh sản là tàu giã cào lại kéo vào vùng lộng đánh bắt. 

Lượng cá gần bờ ngày một suy kiệt, cuốn luôn hoặc làm hư hại ngư lưới cụ của ngư dân ven biển, gây ra xung đột trên biển giữa các ngư dân với nhau”, ông Bê cho biết thêm.

Báo Công luận

2 tàu giã cào gồm 6 thuyền viên trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An cùng tang vật bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ vào 17h ngày 30/4 tại khu vực cách bờ biển xã Thạch Hải , huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh 1,5 hải lý

 

Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng cho biết, tình trạng các tàu giã cào vào hoạt động ở khu vực cách đất liền từ 2-3 hải lý đã có từ lâu, song việc tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm đang gặp nhiều khó khăn.

“Lực lượng Thanh tra thủy sản hiện chỉ được biên chế một tàu có công suất 500CV nhưng đã sử dụng hơn 20 năm, chỉ có 4 cán bộ biên chế theo tàu và không có công cụ hỗ trợ. Trong khi đó, có những tàu giã cào lên đến cả nghìn mã lực. Thấy lực lượng chức năng, họ bỏ chạy hoặc dùng tàu đâm thẳng để chống lại, nên việc dẹp vấn nạn giã cào rất khó khăn”, ông Hoàng cho biết.

Báo Công luận

Tàu giã cào có thể tận diệt mọi loại hải sản từ to đến nhỏ 

 

Đại úy Nguyễn Đức Trí, Hải đội trưởng Hải đội 2 (Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết, các tàu giã cào hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh chủ yếu đến từ địa phương khác. Khi phát hiện lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, các tàu giã cào thường không hợp tác và có hành động chống đối, như chạy lòng vòng không cho lực lượng biên phòng lên tàu; thả bỏ dây lưới xuống nước để cuốn chân vịt, gây hỏng phương tiện tuần tra. 

Thậm chí, các đầu nậu thu mua hải sản của các tàu giã cào trên địa bàn, mỗi khi thấy tàu tuần tra xuất bến là họ thông báo cho các chủ tàu giã cào… gây khó khăn cho hoạt động tuần tra, kiểm soát. 

Tuy vậy, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp của các đồn, trạm biên phòng ven biển, từ đầu tháng 5/2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 5 cặp tàu giã cào (10 tàu công suất lớn) và tịch thu nhiều phương tiện khai thác hải sản trái phép.

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ biển, song các lực lượng chức năng Hà Tĩnh vào cuộc quyết liệt và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Để tiếp tục hạn chế và chấm dứt loại hình đánh bắt tận diệt làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần có thái độ cương quyết, chế tài xử lý mạnh và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài và an toàn cho người dân vùng ven biển.

Trần Phong

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương