Nơi tình yêu với quá khứ được đắp bồi

Thứ tư, 02/01/2019 14:46 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Quán thanh xuân”- chương trình được đầu tư kì công, tỉ mỉ, hứa hẹn lôi cuốn và hấp dẫn khán giả sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 6/1/2019. Trước ngày chương trình lên sóng, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với MC của chương trình, nhà báo Diễm Quỳnh- Trưởng Ban thanh thiếu niên (VTV6) Đài truyền hình Việt Nam.

Ai cũng có một thời thanh xuân

Đâu là lý do để những người làm chương trình cho ra đời chương trình mang một cái tên ấn tượng “Quán thanh xuân”?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Ai cũng có một thời thanh xuân rực rỡ của cuộc đời, quãng thời gian mà càng về sau khi đã trưởng thành rồi nhìn lại sẽ khiến mỗi người cảm thấy bồi hồi. Thanh xuân đến vào năm bao nhiêu tuổi không ai biết, nhưng kéo dài thanh xuân ấy đến lúc nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân mình. Với mong muốn tạo ra một nơi gặp gỡ của những người đã bước qua thanh xuân hay đang ở trong chính thanh xuân, để họ gặp gỡ bạn cũ, ôn lại những câu chuyện cũ, nghe lại nhạc xưa trong một không gian thảnh thơi và ngập tràn những rung động của ký ức, “Quán thanh xuân” đã ra đời.

Báo Công luận
Nhà báo Diễm Quỳnh (Ảnh: NVCC)

Không gian được bố trí mang hơi hướng hoài cổ, ban nhạc chơi trực tiếp, có phần ngẫu hứng chính giữa sân khấu, âm nhạc như một mạch xuyên suốt và duy trì không khí của chương trình, “Quán thanh xuân” là nơi đưa mọi người tìm về thanh xuân của mình, được cùng nhau sống trong những khoảnh khắc của một thời đã qua đầy kỉ niệm. Khán giả xem truyền hình vì thế cũng sẽ tìm thấy hình ảnh thời thanh xuân của mình thông qua đó. Bởi vì ai cũng có một thời thanh xuân.

Số đầu tiên “Mùa chim làm tổ” gợi nhớ cho khán giả đến một bộ phim rất nổi tiếng ở thập niên 70 của thế kỉ trước. Xin chị hãy chia sẻ đôi chút về ý tưởng cụ thể?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Tập đầu tiên khởi đầu năm mới có đề tài “Mùa chim làm tổ” về mùa cưới, mùa yêu, khoảng thời gian các cặp đôi tìm đến với nhau. Các cặp đôi khách mời của chương trình có thể gặp gỡ nhau vào đúng thời tuổi trẻ, họ cũng có thể gặp nhau khi đã không còn trẻ, nhưng tại thời điểm tìm thấy nhau, đó là lúc thực sự bắt đầu Thanh Xuân với một tình yêu đẹp, đầy ắp những ký ức bồi hồi. Các khán giả tới tham dự chương trình cũng sẽ cùng khoe những kí ức đám cưới của mình (những kí ức buồn vui, đủ đầy thiếu thốn, những món quà cưới...).

Những cặp đôi tham gia “Quán thanh xuân” số đầu tiên sẽ chia sẻ câu chuyện cá nhân, cũng như vẽ lại bối cảnh xã hội và thời thanh xuân của cả một thế hệ. Đó là vợ chồng Giáo sư Đặng Hanh Đệ, vợ chồng nhà văn Chu Lai và vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Những đám cưới diễn ra ở các thời điểm khác nhau, với những kí ức thanh xuân tuy khác nhau, nhưng tinh thần thanh xuân với tình yêu mãnh liệt và những cảm xúc mạnh mẽ là điểm chung khán giả có thể tìm thấy từ họ. Những cặp đôi này, vượt qua những khó khăn của chiến tranh, những chia cắt của bom đạn, của thiếu thốn đói nghèo, vẫn chọn gắn bó bên nhau. Đến sau cùng, thứ còn lại giữa họ là những kí ức thanh xuân và giá trị của gia đình. Những kỉ vật, kỉ niệm được các khách mời mang đến cũng mang theo trọn vẹn những cảm xúc tạo ra cả những nụ cười và giọt nước mắt: Chiếc đĩa than, đồng hồ con gà, lưu bút… những điều phổ biến trong quá khứ nhưng nay đã trở thành xa lạ, thậm chí khó có thể nhìn thấy trong cuộc sống hiện tại.

Âm nhạc xuyên suốt chương trình là những bản nhạc nhẽ trữ tình có thể gắn liền hoặc không trực tiếp liên quan tới chủ đề nhưng đều là những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, khơi gợi lại cả một không gian cảm xúc xưa cũ. Linh hồn của chương trình chính là ban nhạc - là những người bằng âm nhạc đưa mọi người trở về những ký ức đã nằm sâu trong ngăn nào đó trong lòng mỗi người. Âm nhạc ngẫu hứng, ban nhạc chơi live và cuộc trò chuyện ở phía dưới là 2 mạch diễn ra song song nhưng bổ trợ cho nhau. Có những tiết mục sẽ được chơi tuỳ biến theo nội dung câu chuyện. Ngược lại, những ca khúc được chơi bất ngờ có thể gợi lại cả một khoảng kí ức chung, tạo cảm xúc cho nhân vật khách mời. Nội dung – âm nhạc hòa quện vào nhau tạo ra một cảm xúc lắng đọng – chiều sâu cho chương trình.

Báo Công luận
Một buổi ghi hình của “Quán thanh xuân” (Ảnh: NVCC)

Từ ý tưởng mong muốn thực hiện ấy đến những việc bếp núc chắc sẽ rất bận rộn để có thể ra mắt được khán giả?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Chúng tôi đã mơ ước được làm chương trình này từ khá lâu rồi sau khi chúng tôi đã có những chương trình như “Khi người ta trẻ” - nói về câu chuyện của các thế hệ, nói về thời trẻ trung của mỗi người. “Quán thanh xuân” là sự pha trộn giữa âm nhạc và những câu chuyện quá khứ. Nhiều người đặt câu hỏi về chữ “Quán” vì nó gợi cảm giác hơi nhỏ bé, hơi dễ dãi, thiếu đi sự hoành tráng, quy mô. Nhưng vào giai đoạn này, chúng tôi cảm thấy khán giả đã được xem nhiều chương trình ca nhạc với quy mô hoành tráng, tầm vóc. Bản thân chúng tôi cũng đã sản xuất nhiều chương trình như vậy. Chúng tôi muốn tìm một hướng đi khác. Nó có thể bình dị, thong dong.

Điểm mạnh nhất của chương trình là cảm xúc mà chúng ta có được. Mọi người hãy thử tưởng tượng chúng ta xem chương trình như bước vào một không gian ấm áp, một quán cafe quen thuộc và ở đó vang lên những bài hát với những giai điệu thân quen mà không hiểu mình đã thuộc nó từ bao giờ. Những bài hát gợi lại về những quãng thời gian rất từ lâu mà mọi người đã trải qua.

Ekip làm “Quán thanh xuân” là rất lớn, có cả những bạn trẻ, cả những bạn đã làm nhiều năm. Việc va đập giữa việc tìm ra những câu chuyện quá khứ, tìm ra những đề tài hay khiến những người lớn tuổi thấy thân thương và những người trẻ tuổi thấy hấp dẫn. Đó là việc thường xuyên mà nhóm biên tập phải làm. Còn một khâu quan trọng nữa liên quan tới ban nhạc sống, bạn nhạc sẽ chơi live như thế nào, ca sĩ sẽ hát như thế nào để mọi người cùng cảm thấy hân hoan, rung động khi mọi người cũng nhau nghĩ về quá khứ và nói chuyện về quá khứ.

Một cơ hội để làm nghề

Diễm Quỳnh – Anh Tuấn đã “dắt tay nhau” từ cả 20 năm nay với chương trình đầu tiên gây ấn tượng với khán giả truyền hình là “Trò chơi âm nhạc”. Sự kết hợp trong “Quán thanh xuân” có thể coi như một sự tái xuất?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Tôi và Tuấn đã làm việc với nhau từ lúc cả hai còn rất trẻ, khi cả hai cùng dẫn chương trình ca nhạc quốc tế MTV. Những ngày tháng đó rất nhiều thích thú vì bên cạnh chương trình chúng tôi còn thường trò chuyện với nhau về sở thích chung là âm nhạc. Khả năng để dẫn đôi của 2 người dần trở nên ăn ý xuất phát chính từ sở thích chung đó. Chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác là 2 người dẫn đồng nghiệp mà luôn như 2 người bạn cùng trò chuyện và chia sẻ những thông tin trong kịch bản.

Chính vì vậy, trong lần tái hợp dẫn đôi này, chúng tôi có cảm giác như 2 người bạn được gặp lại nhau sau một thời gian dài. Tôi cũng có một chút áp lực vì không biết khán giả còn nhớ hai người bạn này không. Trong “Quán thanh xuân”, Anh Tuấn sẽ là một người nghệ sĩ - người chơi đàn.  Bản chất Anh Tuấn từ trước tới giờ vẫn luôn là một người nghệ sĩ song hành cùng công việc BTV, anh chơi đàn và tham gia nhiều ban nhạc từ khi còn trẻ. Tôi cũng rất thích nghe Anh Tuấn chơi đàn. Trong “Quán thanh xuân” 2 MC không cùng bước ra và chào khán giả như các format trước đây mà ở 2 vị trí khác nhau trên sân khấu. 

Lý do gì khiến chị mặc dù bận rộn trên vai trò quản lý (Giám đốc kênh VTV6) lại quyết định làm MC cho chương trình mới toanh này?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Nếu mà nói là bận rộn thì ở cơ quan mình ai cũng bận rộn cả nhưng đây thực sự là một cơ hội để tôi được làm việc với ekip sản xuất chương trình mà ở đó tôi được gặp gỡ những đồng nghiệp cũ, những nhạc sĩ, nghệ sĩ, những khách mời vẫn thường xuyên gặp nhau ở Đài nhưng không được trò chuyện. Đây thực sự là cơ hội làm nghề. Chúng ta sẽ luôn tìm được thời gian để làm các công việc mà mình yêu thích. Khi mà mình thích một công việc nào đó thì mình tìm được thời gian cho nó.

Báo Công luận

Diễm Quỳnh – Anh Tuấn hai MC của chương trình (Ảnh: NVCC)

Không chỉ giành cho người lớn tuổi

Với tư cách nhà sản xuất, chị dự đoán sự lan tỏa của chương trình đến khán giả như thế nào và chị mong muốn điều gì ở khán giả của “Quán thanh xuân”?

Nhà báo Diễm Quỳnh: Cũng rất khó đoán về sự lan tỏa, mọi người vẫn thường nói rằng bây giờ những người đã không còn trẻ nữa, bắt đầu nhàn rỗi, nhất là các bác lớn tuổi nghỉ hưu thì sẽ rất thích gặp nhau để nói chuyện về thời quá khứ. Tôi phát hiện ra rằng việc gặp nhau và trò chuyện về điều gì đó ấm áp không chỉ là nhu cầu của những người lớn tuổi và có nhiều thời gian, chính các bạn trẻ bây giờ cũng thích ngồi bên nhau. Thói quen ngồi bên nhau trò chuyện là một nhu cầu khi mà cuộc sống quá bận rộn, quá nhanh, quá gắn kết với điện thoại, mà không có sự gắn kết giữa con người với con người.

Ở một chương trình, một không gian mà mọi người có thể ngồi bên nhau thong dong trò chuyện sẽ phù hợp với nhiều người. Đề tài của chương trình nói về quá khứ nên càng với những người có độ lùi về quá khứ, có những tích lũy câu chuyện, tích lũy những trải nghiệm càng có nhiều điều để chia sẻ. Còn những bạn trẻ sẽ được lắng nghe nhiều hơn. Đến một ngày nào đó các bạn trẻ cũng tự nhận ra là họ có quá khứ của mình và cũng sẽ kể chuyện về quá khứ của mình. Và “Quán thanh xuân” không chỉ dành cho người lớn tuổi, đến khi nào bạn có đủ câu chuyện, có đủ kỷ niệm cũng có thể trở thành người của “Quán thanh xuân”. Hiện nay tôi thấy có những bạn học sinh, sinh viên trở về trường cũ, mọi người đều yêu quá khứ, chỉ cần ai có tình yêu với quá khứ thì người đó có thể tới với “Quán thanh xuân”./.

An Vinh (thực hiện)

 

havan

Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo