(CLO) Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 24.5, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số100/2015/QH13. Nhìn chung các đại biểu đều tán thành với báo cáo giải trình, đồng thời cũng đưa ra những ý kiến đóng góp thêm cho dự luật, đặc biệt nhiều ý kiến khác nhau về các phương án liên quan đến việc chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi.
Xử lý hình sự đối với trẻ em là điều hết sức phải cân nhắc
Tại hội trường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Theo đó, còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án: Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật hình sự 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.
[caption id="attachment_164967" align="alignnone" width="780"]
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13[/caption]
Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng tình với phương án 2 là giữ như dự thảo do Chính phủ trình. Theo đó, đồng thuận với ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương, nhất quán về chính sách hình sự đối với trẻ em đã được quy định trong Bộ luật hình sự từ năm 1999, quan điểm sửa đổi bộ luật năm 2015 không vì một vài vụ án mà chúng ta thay đổi cả một chính sách hình sự lớn đối với trẻ em đã được tồn tại và ổn định lâu dài từ bộ luật năm 1999. Trẻ em đã chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều hết sức phải cân nhắc. Do đó, phải ưu tiên xử lý bằng các biện pháp khác mới đem lại hiệu quả tác dụng giáo dục và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Đồng quan điểm đó, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Nam Định: Trước hết, tôi xin nêu quan điểm của cá nhân tôi, tôi ủng hộ phương án 2 như trong báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu, lý do như sau: Mỗi chúng ta khi nghe đến những vụ việc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do người chưa thành niên vi phạm pháp luật gây nên thì đều rất bức xúc, thậm chí có ý kiến còn đề nghị mức hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít trong số các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, không mang tính phổ biến xảy ra trong xã hội mà do người chưa thành niên gây ra. Chúng ta không thể lấy số ít các vụ án không mang tính phổ biến để xây dựng chính sách chung cho toàn xã hội. Chúng ta không thể xây dựng chính sách pháp luật một cách cảm tính mà cần dựa trên yêu cầu của thực tiễn, trên các số liệu cụ thể và có thể chúng ta tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia, các cơ quan, hữu quan.
Ngoài ra, Đại biểu Bùi Quốc Phòng - Thái Bình cũng cho biết: Tôi đồng tình với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và một số ý kiến của các đại biểu trước tôi đã phát biểu, đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự giới hạn trong 28 tội phạm đã được liệt kê mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như Bộ luật hình sự năm 1999 quy định. Như vậy, nhằm đảm bảo tính nhân đạo trong xử lý đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và xu hướng chung của quốc tế. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 134, tội hiếp dâm Điều 141 và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản Điều 169, tôi đề nghị thực hiện sửa đổi theo phương án 2 là giữ nguyên như dự thảo luật do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên. Trong thực tiễn thì hiện nay đối tượng ở độ tuổi này vi phạm ngày càng có biểu hiện phức tạp, tuy nhiên xét dưới góc độ tâm lý, sinh lý thì ở độ tuổi này các em cần sự giáo dục hơn là sự trừng phạt. Việc hạn chế đưa các em vào vùng tố tụng sẽ tạo cơ hội tốt hơn đối với tương lai của các em.
Sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội
Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại có ý kiến trái chiều về vấn đề này, và cho rằng, cần phải giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bày tỏ ủng hộ Phương án 1, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận ý kiến: Pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng tái phạm sau khi thi hành án. Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội.
[caption id="attachment_164968" align="alignnone" width="780"]
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình đồng tình với phương án 2 như dự thảo Chính phủ trình[/caption]
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Trí Thức - Thanh Hóa cho rằng: Tôi muốn nói thêm về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi Khoản 2, Điều 12. Nếu về mặt tình cảm và tại khóa XIII thì tôi lại không nhất trí với quan điểm như phương án một. Tuy nhiên, chúng ta đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết và đảm bảo cho chính sách hình sự nhất quán của chính sách hình sự đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIII đã thông qua và Quốc hội khóa XIV đa số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã nhất trí. Trong thời gian rất ngắn mà chúng ta lại thay đổi sợ rằng người ta rất băn khoăn, cử tri sẽ băn khoăn cho nên đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, theo tôi nên giữ như phương án một.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, kết luận phiên thảo luận về dự án Luật này, ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Điều 12 về chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên ở độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng nên ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay vẫn tập trung vào hai phương án, với những lập luận lý lẽ từ những đại biểu Quốc hội, phía nào cũng có những lý lẽ hợp lý, thuyết phục. Vì vậy, đây là vấn đề lớn mà ý kiến còn khác nhau thì chúng tôi trong Đoàn Chủ tịch có hội ý sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào phương án đó. Phương án nào có đa số ý kiến thì chúng ta sẽ chọn phương án đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và bổ sung hợp lý các vấn đề mà đại biểu đã nêu.
Hà Vân