Nước lạnh và Lửa ấm

Thứ năm, 22/10/2020 09:04 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Những ngày qua, nhiều khu vực miền Trung không điện, không nước sạch, không lương thực, thực phẩm vì bão lũ chia cắt, nơi nơi vang lời kêu gọi ủng hộ lương thực, thuốc men, phao cứu sinh; khắp các thôn xóm, phố phường, làng bản nổi lửa xuyên đêm để nấu bánh chưng, bánh tét cứu trợ đồng bào trong nghịch cảnh.

1. Nước dữ ập về, lực lượng vũ trang đã vượt lũ, băng rừng tiếp cận hiện trường sạt lở, các vùng dân cư bị cô lập, lên tuyến đầu chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, đưa người dân đến nơi an toàn… Có những chiến sĩ mở đường cứu hộ đã đi mãi không về.

Và trong khoảnh khắc miền Trung đang “ngàn cân treo sợi tóc”, lực lượng chức năng mỏng, dàn trải, đã xuất hiện những cá nhân, những nhóm người có kỹ năng bất chấp nguy hiểm lao ra giữa dòng nước dữ để cứu giúp đồng bào.

Ngay từ 18 - 19/10, biết tin nhiều người dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đang mắc kẹt trong lũ cần cứu giúp mà lực lượng cứu hộ của chính quyền quá mỏng, người dân xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đã huy động 15 thuyền bơ nan (loại thuyền đánh bắt gần bờ của người dân miền biển), thuê, mượn xe ô tô chở hơn 10km để vào vùng lũ, tiếp cận những mái nhà đã ngập lên tới nóc.

Ngư dân Quảng Bình đưa tàu lên bờ tìm cứu nông dân - Ảnh: Danviet

Ngư dân Quảng Bình đưa tàu lên bờ tìm cứu nông dân - Ảnh: Danviet

Ông Nguyễn Văn Truyền - chủ tàu kiêm thợ máy là một trong những người lao vào dòng nước lũ đầu tiên. Thuyền của ông còn có thêm cụ Phạm Vi cầm lái, Nguyễn Chương cầm chầm, đứa cháu là Nguyễn Nhất đứng mũi và cụ Hoàng Văn Thiện dò đường con nước. Người dân vùng ngập sâu được ngư dân Hải Ninh tiếp cận, giúp dỡ mái thoát ra, được cung cấp bánh, áo ấm, nước lọc và đưa về nơi an toàn. Đưa được một đoàn người về, nhóm nghỉ 30 phút ăn rồi đi. Cứ thế, những thuyền bơ nan ngược xuôi vượt lũ, cứu giúp hàng ngàn đồng bào đang cận kề nguy hiểm.

Mình lặn nước biển mặn quen rồi, lặn gặp nước ngọt không quen, sốc lên mũi rất khó chịu. Nhưng không sao, vì việc nghĩa thì sá gì”, lời hồn hậu của một ngư dân.

Và đây không phải lần đầu chúng ta được thấy những “hiệp sĩ” làng biển. Bởi ở ngoài đại dương kia, cũng chính họ là những người hợp sức cùng lực lượng chính quy gìn giữ, bảo vệ cương thổ quốc gia, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.

2. Miền Trung tang thương vì bão lũ, hàng trăm ngàn hộ dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chịu cảnh ngập lụt, bị cô lập giữa mênh mông nước dữ. Và rồi trên cả nước, ngàn vạn bếp lửa cũng đang cháy rực.

Ở Đăk Nông, người dân địa phương đã cùng nhau làm 3.000 hũ muối mè, muối xả, muối đậu phộng để gửi về miền Trung. Nhưng khi biết bà con vùng lũ không có lửa, nước sạch và điện để nấu cơm, họ lại bàn nhau làm bánh tày (giống bánh tét thu nhỏ) để có thể bảo quản lâu, gửi về cho đồng bào ruột thịt.

Người dân Nghệ An nổi lửa nấu bánh chưng gửi vào vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Người dân Nghệ An nổi lửa nấu bánh chưng gửi vào vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Không chỉ Đăk Nông, mà hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên, chị em phụ nữ còn huy động cả chồng con cùng tham gia gói bánh. Xúc động nhất là những người già, đã vào rừng hái từng chiếc lá, tìm từng cọng dây. “Bà con được giúp đỡ mì tôm, sữa... rất nhiều, nên tôi nghĩ bánh chưng sẽ thuận tiện và có thể thay đổi món…”, một tình nguyện viên tại Đăk Lăk nói.

Ở Nghệ An, nghe tin dữ, người dân ở khắp các xã, huyện đã hè nhau góp tiền, góp gạo, góp lá, góp công,… để làm bánh chưng gửi vô cho đồng bào vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình bị nước lũ cô lập. Xứ Nghệ như đang vào ngày giáp Tết. Đàn ông thì người chẻ lạt, người rửa lá dong, phụ nữ thì đãi gạo, thái thịt, gói bánh… Những bếp lửa cũng rực đỏ thâu đêm, ấm cho ngày mưa bão, ấm cả lòng người.

Ở Hà Nội, nhiều hộ dân tại làng La Phù (huyện Hoài Đức) cũng cùng nhau gói bánh chưng cấp tốc để gửi về miền Trung, cùng nhiều đồ đạc, vật dụng thiết yếu khác. Trong các ngôi chùa nội đô, người dân cũng tập trung nấu bánh. “Bánh chưng dinh dưỡng gấp nhiều lần lương thực khác, bảo quản được lâu hơn”, ấy là lý do để họ quần quật sáng đêm.

Không biết bao nhiêu bánh chưng, bánh tét từ khắp các tỉnh thành đã theo xe, theo các đoàn cứu trợ về miền Trung. Nhưng những bếp lửa ấm tình chắc chắn sẽ giúp bà con miền Trung ấm bụng, vơi bớt đi lạnh lẽo, khổ đau do nước lũ.

3. Bên cạnh các cơ quan, đoàn thể, thì sự tang thương ở miền Trung cũng thôi thức bao người dân lao vào chung tay. Họ là thường dân, doanh nhân, nhà báo, luật sư, nghệ sĩ, đã đã đứng ra quyên góp tiền, thực phẩm, thuốc men, mua thuyền cứu hộ, áo phao,… phân phát cho đồng bào vùng lũ. Như ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung. Cô đã sớm ra miền Trung, vào vùng lũ, tận tay đưa tới cho đồng bào tiền, hàng cứu trợ.

Những cuộc phá rừng, những thủy điện “cóc” chằng chịt khắp các sông suối miền Trung - Tây Nguyên đã được chỉ mặt gọi tên, là một trong những căn nguyên làm lũ lụt, sạt lở thêm trầm trọng. Và lối ra cho nghịch cảnh miền Trung cũng đang được nhắc tới.

Căn nhà nổi ở miền Trung giúp người dân bảo vệ tính mạng và tài sản trong mùa lũ - Ảnh: Nhà Chống Lũ

Căn nhà nổi ở miền Trung giúp người dân bảo vệ tính mạng và tài sản trong mùa lũ - Ảnh: Nhà Chống Lũ

Báo chí, mạng xã hội đang hướng về xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, dù nước lũ ngập sâu nhưng ngôi nhà phao (1 trong 9 mô hình nhà an toàn của dự án Nhà Chống Lũ) hoàn toàn bình yên. Người dân khi nghe tin bão, sẽ chủ động mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác), sửa chữa gia cố nhà phao. Khi lũ về và rút đi, họ thong thả “vẫy tay chào lũ”, là điều kiện sống “trong mơ” đối với hàng vạn hộ dân vùng lũ.

“Nhà Chống Lũ” rất tiếc chưa được cơ quan hữu trách nào tính toán, phát động rộng rãi, khi mà nạn phá rừng chưa được ngăn chặn hiệu quả, việc phục sinh những rừng mưa nhiệt đới miền Trung - Tây Nguyên không thể ngày một ngày hai. Và tình trạng lũ lụt, sạt lở miền Trung cứ đến hẹn lại lên, ngày một nghiêm trọng hơn, bào mòn tài nguyên và nguồn lực của quốc gia, của các cơ quan, doanh nghiệp và từng hộ gia đình tới kiệt quệ.

Trên dải đất Việt lúc này, triệu triệu người đương điêu đứng vì dịch Covid-19. Qua những thước phim, chùm ảnh bà con đi cứu trợ, làm bánh, đốt lửa, toàn là những mặt người hằn sâu những khắc khổ, lo toan. Tất cả đều đã phải tự vá thân mình để thành chiếc lá lành, đùm bọc, che chở cho đồng bào mình trong nghịch cảnh.

Nếu tất cả chúng ta không dùng lý trí và hành động mạnh mẽ để ngăn chặn lũ lụt từ gốc, có giải pháp tương trợ đồng bào một cách căn cơ, lâu dài, thì khi bão lũ đi qua, tai ương vẫn chờ tới, bởi những bếp lửa chỉ có thể xoa dịu phần nào cái lạnh lẽo của nước lũ vô tình.

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn