Nuôi dưỡng, phát triển di sản ca trù trên địa bàn Thủ đô Hà Nội

Chủ nhật, 24/12/2023 19:51 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 24/12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong ca trù. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nuôi dưỡng, phát triển di sản ca trù trên địa bàn Hà Nội. 

Ca trù là bộ môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời, với nhiều thể thức khác nhau. Hát nói là một kiểu thức của ca trù. Về phương diện hình thức, thơ hát nói đủ khổ, thiếu khổ, dôi khổ, có câu gối hạc dôi phách bắc, dôi phách nam, có kiểu thức gieo vần, đặt câu riêng, có mưỡu đơn, mưỡu kép, mưỡu tiền, mưỡu hậu…

Sáng tác hát nói tương đối khó, đòi hỏi người sáng tác phải nắm rõ thể thức, cách luật, có tu dưỡng về văn từ, hiểu biết về thơ ca cùng một số thủ pháp nghệ thuật của thơ ca truyền thống, biết dụng điển - dụng sự, có vốn cổ học nhất định, ngoài văn chương cũng cần có hiểu biết nhất định về âm nhạc… Có như vậy, người sáng tác mới có thể tạo tác được những tác phẩm hoàn chỉnh, trọn vẹn về hình thức, có giá trị về nội dung, nghệ thuật và đảm bảo yêu cầu diễn xướng.

nuoi duong phat trien di san ca tru tren dia ban thu do ha noi hinh 1

Tác giả Phạm Văn Ánh (bút danh Trường Phong) đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm "Quang âm thấm thoắt".

Sau gần 4 tháng phát động, ban tổ chức nhận được 135 tác phẩm dự thi của đông đảo người yêu nghệ thuật ca trù, trong đó có tác giả gửi tới 15 tác phẩm. Các tác giả dự thi thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, người trẻ nhất sinh năm 1995 (28 tuổi), người nhiều tuổi nhất là 2 tác giả sinh năm 1928 (95 tuổi). Đặc biệt, cuộc thi nhận được sự tham gia của tác giả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhiều tác giả không hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật song lại dành sự quan tâm đặc biệt cho hát nói trong ca trù.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định cuộc thi, nội dung, đề tài thể hiện rất phong phú, phản ánh các khía cạnh về Hà Nội, cuộc sống, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có các nội dung, hình tượng ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ, các danh nhân văn hóa, về mùa xuân, mùa thu, tình yêu Hà Nội, về sức sống và giá trị của di sản ca trù, phong cách hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội. Ngoài ra, còn có những nội dung nói về tình mẫu tử, tình yêu quê hương, đôi lứa, truyền thống văn hóa, đấu tranh giữ nước của dân tộc...

Các tác phẩm dự giải, phần đa là các bài đủ khổ, một số bài dôi khổ, không có bài thiếu khổ; có bài có mưỡu đơn, mưỡu kép, một số bài có câu gối hạc dôi phách bắc. Bên cạnh đó, còn có một số bài chưa đảm bảo về cách luật, như cách đặt câu, gieo vần.

Tuy nhiên có không ít tác giả có những bài, hoặc chùm bài chất lượng, chuẩn chỉnh về thể thức, cách luật, ngôn từ trau chuốt, điển trọng, trang nhã, hàm súc, vận dụng khéo léo nhiều thủ pháp của thơ ca cổ điển, như đối ngẫu, tập cổ, dụng điển… hợp với cung đàn nhịp phách; nội dung biểu đạt phong phú, nhiều bài có tính triết lí, thể hiện ý vị nhân sinh khá sâu sắc… cho thấy sự dụng công, điêu luyện của tác giả. Một số tác phẩm cổ nhã, tiệm cận được với các tác phẩm hát nói của tiền nhân. Đáng chú ý, các tác giả có các tác phẩm chất lượng tốt về cơ bản đều là các tác giả ở độ tuổi còn khá trẻ. 

nuoi duong phat trien di san ca tru tren dia ban thu do ha noi hinh 2

Các nghệ sĩ biểu diễn ca trù tại lễ tổng kết.

Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho tác giả Phạm Văn Ánh (bút danh Trường Phong) với tác phẩm “Quang âm thấm thoắt” (bài thứ nhất). Hai giải Nhì trao cho tác giả Lê Tiến Đạt (bút danh Châu Hải Đường) với tác phẩm “Cảm thu” và tác giả Nguyễn Quang Duy (bút danh Hy Nhân) tới tác phẩm “Nhớ Thăng Long” (kỳ I).

Ba giải Ba trao cho tác giả Đoàn Vĩnh Thắng (bút danh Nguyệt Sinh) với tác phẩm “Dạ vũ độc chước”, tác giả Nguyễn Minh Dũng (bút danh Thanh Tâm) với tác phẩm “Gặp xuân”, tác giả Đàm Quang Minh với tác phẩm “Giọng ca trù vạn điểm”.

Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Khuyến khích cho các tác giả; đồng thời, trao giấy khen và tặng thưởng cho 2 tác giả nhiều tuổi nhất là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Khướu và Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm; trao thưởng tác giả có nhiều tác phẩm tham gia chất lượng tốt cho tác giả Nguyễn Tiến Đạt và khen thưởng 6 tác giả tích cực hưởng ứng cuộc thi. 

Chủ tịch Hội đồng thẩm định mong muốn từ kết quả cuộc thi này, các cuộc thi tương tự sẽ được phát động, để ca trù nói chung và hát nói nói riêng ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ông đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu, tổ chức ghi âm, ghi hình các tác phẩm đạt giải cao, xuất bản, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới các câu lạc bộ ca trù để các ca nương, kép đàn biểu diễn trong các cuộc hát ca trù…

PV - Ảnh: tuoitrethudo

Bình Luận

Tin khác

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

(CLO) Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong gần một tháng với nhiều chương trình âm nhạc, thể thao và xúc tiến các hoạt động du lịch. Trong đó có không gian hoa, phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

(CLO) Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương năm 2024 sẽ điều chỉnh từ ngày 20/9-23/9 sang ngày 26 đến 29/10, với tổng kinh phí trên 4,1 tỉ đồng.

Đời sống văn hóa
Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

(CLO) Do yêu cầu tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều chỉnh quy mô Lễ hội Lam Kinh 2024.

Đời sống văn hóa
TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

(CLO) Chiều 19/9, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở ủng hộ việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đời sống văn hóa
Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa