Làng nghề tái chế nhựa Minh Khai được hình thành từ năm 1980, ban đầu chỉ có vài hộ đi mua gom phế liệu để sơ chế có thêm thu nhập; cho đến nay đã phát triển mạnh với khoảng 725 hộ sản xuất, kinh doanh.
Hoạt động sản xuất tái chế nhựa ở làng nghề Minh Khai đã thải ra môi trường khí thải, nước thải, rác thải độc hại, tích tụ, kéo dài nhiều năm. Cũng bởi thế, làng nghề này được liệt kê vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo người dân sở tại, hiện cả thôn có hơn 80% số hộ làm nghề tái chế nhựa, tạo công ăn việc làm cho hơn 6.400 lao động. Dù biết tình trạng ô nhiễm nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cũng không còn cách nào khác.
Qua đó, người dân cũng mong các cấp chính quyền có những chính sách tối ưu nhằm cải thiện tình hình trên…Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa tại làng nghề Minh Khai diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày.
Chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới 60 đến 65 tấn/ngày, không được thu gom, xử lý theo quy định mà được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường; nước thải phát sinh không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm…Bởi vậy, tình trạng ô nhiễm đang là vấn nạn đe dọa cuộc sống của nhân dân.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đi thị sát khu vực làng nghề Minh Khai, Hưng Yên. Dọc đường đi người dân nơi đây chất đầy phế liệu được tái chế tại chỗ. Ảnh Khương Trung.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cùng các cán bộ thuộc Tổng cục Môi trường đã đến thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để thị sát vấn đề tái chế rác thải nhựa gây ô nhiễm nghiêm trọng tại đây.
Sau khi cùng ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đi tham quan một vòng làng nghề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về thực trạng làng nghề của Hưng Yên hiện nay.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, điều thấy rõ nhất ở làng nghề này là tình trạng "ô nhiễm tất cả các thành phần, từ không khí đến nước thải".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thực trạng hiện nay cần sớm kiểm soát và có phương án để đưa các loại hình sản xuất này ra các khu chuyên biệt để các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được vấn đề ô nhiễm môi trường, nước, không khí, chất thải rắn.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, đây cũng điều kiện để kịp thời ngăn chặn các vấn đề ô nhiễm trước khi sự ô nhiễm gây ra những vấn đề về bệnh tật, ung thư đối với làng nghề như hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát làng nghề tái chế nhựa ô nhiễm tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Xây Dựng trình Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050.
Trong Quyết định này, đã nêu rõ những quan điểm, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể và đặc biệt đối với những làng nghề sản xuất thủ công gây ô nhiễm môi trường nặng, chính quyền cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để cho người dân ở những khu vực làng nghề và các doanh nghiệp hiểu biết về những mối nguy hại trong quá trình đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp thủ công hoạt động ngay trong khu dân cư, gây ra những tiềm ẩn nguy cơ báo động về môi trường, sức khỏe của khu vực xung quanh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên và trực tiếp yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường Hưng Yên thực hiện quan trắc môi trường để xác định mức độ ô nhiễm không khí tại làng nghề.
Đồng thời, cần có kế hoạch thanh tra, làm rõ việc chấp hành quy hoạch trong cụm công nghiệp sau khi đã di dời các cơ sở tái chế.
"Các nước trên thế giới cũng đã có chính sách cấm nhập khẩu phế liệu, đặc biệt là phế liệu nhựa. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ có đánh giá từng bước, có lẽ cần phải có những chính sách mạnh mẽ theo hướng cấm nhập khẩu phế liệu và định ra lộ trình thực hiện", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Mạnh Hoàng