Sau một tháng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ký ít nhất 23 sắc lệnh, 5 đạo luật, bổ nhiệm 9/15 bộ trưởng (Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng, Tư pháp, Y tế, Giao thông, Giáo dục, Cựu chiến binh và An ninh Nội địa), 4 bộ trưởng khác đã được thông qua ở cấp ủy ban (Nội vụ, Thương mại, Phát triển Nhà ở và Đô thị, Năng lượng) và 2 bộ trưởng chưa được các ủy ban thông qua (Nông nghiệp và Lao động), đề cử Thẩm phán Tòa án Tối cao Neil Gorsuch.
[caption id="attachment_151025" align="aligncenter" width="600"]
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 13/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)[/caption]
Ông cũng đăng khoảng 180 tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter, tiếp lãnh đạo các nước Anh, Nhật Bản, Canada và Israel, điện đàm với lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cuộc điện đàm đáng chú ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, ông Trump đã sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn từ chức và bổ nhiệm Trung tướng H.R. McMaster thay thế. Ngoài ra, ông Trump cũng đề cử Alexander Acosta, Trưởng khoa Luật của Đại học Quốc tế Florida đồng thời là cựu quan chức Bộ Tư pháp, thay thế Bộ trưởng Lao động được đề cử Andrew Pudzer (người buộc phải rút lui do không hội đủ sự ủng hộ của các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa).
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump mới chỉ bổ nhiệm được 3 Thứ trưởng cho 15 bộ thuộc nội các và khoảng 40 vị trí khác trong số 700 vị trí cần Thượng viện thông qua. Hội đồng An ninh Quốc gia thực tế chưa có cuộc họp chính thức nào.
Nhà Trắng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra của quốc hội về "mối liên hệ" giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.
Ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích ông Trump đến từ quốc hội, bao gồm cả những nhân vật quan trọng của đảng Cộng hoà như Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện John McCain. Trong khi đó, sắc lệnh cấm người dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vẫn bị tòa án "chặn lại".
Nhìn chung, dư luận báo giới đánh giá tân Tổng thống Trump chưa làm được gì nhiều trong 30 ngày qua. Ông Trump đã thất bại trong việc ngăn cản người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo, chưa tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể cho việc xây bức tường biên giới với Mexico và bãi bỏ chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ "Obamacare" - vốn là những điều mà ông Trump luôn cam kết trong quá trình tranh cử.
Các sử gia chuyên nghiên cứu về các đời Tổng thống Mỹ cho rằng ông Trump đang có sự khởi đầu tồi nhất trong nhiều năm qua, kém hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào của thời hiện đại. Chỉ khoảng 40% số người được hỏi ủng hộ những gì ông Trump đã làm, thấp hơn khoảng 21% so với điểm trung bình của những Tổng thống khác vào cùng thời kỳ.
Trong các ngày 16 và 18/2 vừa qua, ông Trump đã tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng và một cuộc vận động cử tri tại bang Florida. Tại các sự kiện này, ông Trump đều nhấn mạnh rằng ông đã phải thừa kế “một đống hỗn độn” từ chính quyền tiền nhiệm và đã làm được rất nhiều việc ấn tượng thời gian qua. Ông Trump cũng dành nhiều thời gian trong các sự kiện chỉ trích cộng đồng tình báo và báo chí để rò rỉ thông tin bất hợp pháp và đưa những tin tức bịa đặt, làm tổn hại đến người dân.
Nhiều nghị sỹ và báo giới cho rằng ông Trump vẫn chưa thoát khỏi trạng thái tranh cử để điều hành đất nước. Các sự kiện cho thấy ông Trump tức giận với truyền thông và tình báo, muốn tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri để tái khởi động các hoạt động của mình. Những phát biểu chỉ trích, coi báo chí là “kẻ thù của người dân” của ông Trump đã khiến nhiều nghị sỹ lo ngại. Các Thượng nghị sỹ Cộng hòa như John McCain, Lindsey Graham đều khẳng định "tự do báo chí là giá trị cơ bản của nước Mỹ". Ông McCain cho rằng việc tấn công báo chí thường là điểm khởi đầu của sự độc tài.
Về đối ngoại, tại Hội nghị An ninh Munich, trước các đồng minh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định Mỹ tin tưởng, ủng hộ mạnh mẽ và sẽ không thay đổi cam kết với NATO. Ông Pence cũng tuyên bố Mỹ cùng với Anh, Canada và Đức sẽ tiếp tục dẫn dắt sáng kiến mở rộng NATO để chống các nỗ lực "vẽ lại đường biên giới quốc tế" bằng vũ lực của Nga và buộc Nga phải chịu trách nhiệm./.
Theo TTXVN