PGS.TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh: Hiện thực cuộc sống làm nên chất thép và chất nhân văn trong “lửa báo” của tôi
pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 1

+ Năm tháng, thời gian… là thước đo về giá trị, sức sống của những tác phẩm báo chí. Những ghi chép, những bài chính luận sâu sắc, tầm cỡ của ông suốt hành trình hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn được nhắc đến bởi những đánh giá, nhìn nhận rất riêng… Thưa ông, đâu là điều quan trọng làm nên những tác phẩm chất lượng, có giá trị lâu bền đó?

- Có nhiều yếu tố, nhưng bằng trải nghiệm thực tiễn cuộc đời với hơn nửa thế kỷ làm báo thì tôi thấy cần phải nhấn mạnh mấy nhân tố cơ bản làm nên thành công những bài viết đọng lại trong lòng công chúng, đều xuất phát từ một chữ “yêu”. Trước hết là ở sự yêu đời, yêu cuộc sống của dân tộc, đất nước Việt Nam chúng ta. Mặc dù, trong mỗi giai đoạn lịch sử đều có những khó khăn, khắc nghiệt về thiên tai, địch họa, dịch dã, nhưng qua mỗi chặng đường ấy, cuộc sống của chúng ta vẫn tồn tại và đi lên, dân tộc chúng ta vẫn trường tồn và làm nên những giá trị lịch sử, được bè bạn thế giới ngợi ca. Thế thì, người viết báo phải yêu đời, nhìn cuộc sống, nhìn thực tiễn bằng con mắt ấy, chứ cứ nhìn vào khó khăn, tiêu cực, bi quan thì làm sao có được những bài viết truyền lửa cho người đọc.

Yếu tố thứ hai chính là yêu con người. Ở đây, thể hiện cụ thể bằng việc nhà báo đi tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, với những con người cụ thể. Mình đến đó với ý thức khám phá ở họ, họ đang suy nghĩ về cuộc đời, về đất nước thế nào? Những hành động của họ đang góp sức làm cho cuộc đời đẹp lên thế nào? Những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của họ với Đảng, Nhà nước? Đấy là những điều nhà báo cần trân trọng.

Thứ ba, phải yêu chính đất nước mình. Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới, nhưng dù đi đâu, tôi thấy nhiều bà con ta nơi xa xứ luôn nghĩ về quê hương, đất nước. Bởi vì, đất nước của mình tuy chưa phải là cường quốc, nhưng lịch sử anh hùng của đất nước trải qua hàng ngàn năm văn hiến và đặc biệt là từ ngày lập Đảng đến nay đang “thay da đổi thịt” rất nhanh. Nói như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế như hôm nay. Vậy nên, phải yêu, phải tự hào thì mới mang cái lửa, cái tự hào đó vào bài viết được.

Một điều nữa, đối với riêng tôi, đó là phải yêu Đảng và chế độ. Tất nhiên, hiện nay có một bộ phận “con sâu bỏ rầu nồi canh”, một số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhưng đấy là một bộ phận nhỏ, còn bao trùm lên là số đông đang đồng hành cùng Đảng. Tôi rất thấm thía câu nói của Bác Hồ: “Với tất cả sự khiêm tốn của một người cộng sản, chúng ta có quyền tự hào nói rằng Đảng ta thật là vĩ đại”. Vậy thì, mình phải nhìn trên tầm khái quát ấy để phân tích, đánh giá đúng bản chất. Riêng tôi, cũng phải thành thật nói rằng: Tôi biết ơn Đảng bởi vì có Đảng mới có tôi, có gia đình tôi hôm nay. Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân rất nghèo. Bố tôi năm tháng làm nghề lái đò oằn lưng chở khách qua sông. Tôi là con út, hai anh tôi phải đi làm tá điền cho địa chủ. Trước bối cảnh như thế, mà tôi được học, được trưởng thành đến bây giờ, hơn nữa còn được Đảng tin cậy giao cho những trọng trách như thế thì thử hỏi những ân nghĩa ấy, sao có thể nói hết? Cho nên, điều này cũng lý giải vì sao trong “Giữ lửa” tập 4 vừa xuất bản, tôi lại để bài “Mùa xuân và Đảng” ở trang đầu tiên của cuốn sách dày 560 trang, bởi tôi muốn thể hiện lòng tri ân, lòng tôn kính của tôi đối với Đảng.

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 2

+ Tôi rất xúc động khi nghe ông chia sẻ về tình yêu đặc biệt mà ông dành cho Đảng, cho Bác. Được biết, sau khi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ( hệ tập trung 2 năm), ông đã trúng tuyển kỳ thi tuyển Nghiên Cứu sinh để sang Viện Hàn lâm KHXH trực thuộc T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô học tập và nghiên cứu; sau đó ông trở thành Tiến sĩ báo chí hệ chính quy đầu tiên ở Việt Nam. Ông có thể cho biết, những ngày tháng đó đã giúp ông sau này vươn lên trong nghề nghiệp báo chí như thế nào?

- Cảm ơn bạn đã nhắc đến điều này để những kí ức về năm tháng đẹp đẽ ấy ùa về trong tôi. Nếu không có Đảng, tôi sẽ không được vào học trường Đảng chính quy hệ 2 năm của trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cao cấp (bây giờ là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Lúc ấy, trong số 120 người được tuyển vào lớp B10, tôi là người trẻ tuổi nhất và mới là cán sự bậc 4. Và rất mừng là sau đó, tôi cùng 9 người khác được sang học tập, nghiên cứu ở Liên Xô.

Và đó cũng chính là bước ngoặt cuộc đời “chắp cánh” cho tôi vươn xa hơn sau này. Bởi cái mà tôi gặt hái được lớn nhất trong thời kỳ đó chính là “phương pháp luận khoa học” về cách xem xét một vấn đề cụ thể, cách tiếp cận một vấn đề cụ thể bằng con mắt của nhà khoa học và cách phân tích, lý giải thực tiễn, thấu tình đạt lý, tìm ra bản chất của vấn đề. Từ phương pháp ấy, tôi đã vận dụng để giải quyết việc, thực hiện các trọng trách mà Ban Biên tập báo Nhân Dân đã giao cho.

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 3

+ Tôi vẫn rất thích nhận xét của nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng về ông: “Các chặng đường làm báo của Hồng Vinh gắn liền với quá trình cách mạng nước ta và công tác của ông: xuất thân là lính, tiến lên thành người chỉ đạo, ông vẫn sử dụng cây bút, viết mỗi ngày một tốt hơn, viết nhiều thể loại và nhiều đề tài khác nhau... Văn có linh hồn, sự kiện và con người có phong cách riêng”. Một nhận xét bao hàm cả về con người lẫn nghề nghiệp, của người từng là Thủ trưởng ngày nào của ông, điều ấy thật đặc biệt, thưa nhà báo?

- Tôi phải cảm ơn sự động viên, khích lệ của nhà báo lão thành Hoàng Tùng. Lúc ấy, tôi chịu sự lãnh đạo, dẫn dắt trực tiếp của nhà báo Hoàng Tùng với cương vị là Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Có thể nói, tôi trưởng thành được như hôm nay và được anh em mệnh danh là “Cây bút chính luận của Nhân Dân” chính là từ phong cách, từ cách viết, cách trang bị kiến thức, cách chữa bài của nhà báo Hoàng Tùng. Tất nhiên, các thế hệ Tổng biên tập báo Nhân Dân, tôi đều biết ơn trước sự quan tâm dìu dắt.

Kỷ niệm về ông như một thước phim quay chậm ùa về những ngày đầu tiên tôi “bén duyên” với báo Nhân Dân. Khi đồng chí Trưởng phòng tổ chức đưa tôi lên để giới thiệu, anh Hoàng Tùng có nói rất ngắn gọn như thế này: “Một là mình rất mừng vì đã được đón cậu từ trường Tổng hợp về với Báo. Nghe nói cậu học rất tốt, hơn nữa tốt nghiệp khoa lịch sử, nên đó là một thuận lợi với tờ báo. Nhưng cậu nên nhớ rằng, về đây sẽ không có một giáo trình, giáo án gì gọi là cách thức, phương thức, bước đi để làm báo đâu, mà cậu phải học từ trong thực tiễn đời sống, thực tiễn nghề nghiệp, học trong từng bài viết của những người đi trước. Thư viện ở dưới này, cậu xuống đấy, dành thời gian đọc các bài báo của các nhà báo nổi tiếng như Hồng Hà, Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Thọ, Trần Kiên,…Cậu xem rút ra được ở họ cách viết như thế nào, cộng với vốn sống thực tiễn, thì cậu sẽ tự rèn luyện, trưởng thành và có một lối đi riêng. Tôi có thể dùng hình ảnh là cậu tự nhảy xuống sông, xuống biển để bơi, vùng vẫy với nó và cậu sẽ trưởng thành”.

Đó cũng chính là câu đầu tiên tôi được dạy, nghe xong tôi vừa mừng vừa hoang mang, không biết mình có tồn tại, có bơi được hay không? Nhưng cho đến bây giờ chiêm nghiệm lại, tôi phải cảm ơn nhà báo Hoàng Tùng, ông nói rất thật về bản chất nghề nghiệp nhưng cũng chính là đã định hướng cho tôi. Quả thực, trong ngòi bút của tôi có chất chính luận, chất thép, chất nhân văn là ảnh hưởng rất lớn đồng chí Tổng biên tập Hoàng Tùng và sau này là một số đồng chí Tổng biên tập khác nữa.

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 4

+ Tôi quan tâm rằng, từng vừa một nhà quản lý giỏi vừa là nhà báo giỏi, vừa là lãnh đạo báo, vừa viết báo… trong từng ấy năm, cả những năm tháng khó khăn đến những năm tháng đổi mới, ông đã cân bằng nhiệm vụ chính trị và nghề nghiệp như thế nào để “mọi nhiệm vụ đều hoàn thành, mọi khó khăn đều vượt qua”?

- Để làm tốt công tác quản lý một cơ quan Báo ngang Bộ, đối với Đảng là ngang với một Ban của Đảng, trực thuộc chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ đã là rất khó và đòi hỏi thời gian. Nhưng là nhà quản lý báo chí không thể không trực tiếp viết bài, nhất là xã luận, bình luận. Làm như vậy khi chữa bài cho anh em, sẽ giúp việc biên tập chuẩn xác, từ đó nâng được tầm vóc bài viết. Trong lời giới thiệu cuốn “Đất nước qua những chặng đường làm báo”, nhà báo Hoàng Tùng đã nhận xét về tôi rất đúng “đi lên từ lính, đã làm rất nhiều việc, vừa làm quản lý, vừa là một cây viết”…, tôi rất mừng về sự khích lệ này.

+ Sức viết của ông thật đáng nể, vừa dẻo dai, bền bỉ vừa đa dạng, phong phú… Khi đọc những tác phẩm chính luận sắc sảo, phóng sự, ghi chép, phản ánh của ông, tôi nghĩ về tính chiến đấu, “chất thép” và chất nhân văn như hòa vào nhau, làm nên thứ chất liệu đặc biệt trong ngòi bút của nhà báo Hồng Vinh. Sự hòa trộn ấy khiến cho những tác phẩm của ông đầy sức sống. Vậy sự đan quyện ấy được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm báo chí của ông?

- Đi ra từ trong khói lửa chiến tranh, từ những khó khăn, gian khổ, thôi thúc tôi luôn nghĩ về sức mạnh Nhân dân, Tổ quốc mình, nên trong mỗi câu chuyện, mỗi cảnh sắc bắt gặp trên đường, mỗi cuộc gặp gỡ, tôi đều muốn gửi gắm niềm tự hào, tin tưởng về con người, về đất nước. Tôi phải cảm ơn cuộc đời, cảm ơn thực tiễn. Trong thời chiến, bom rơi đạn nổ, hai lần vào Trường Sơn làm nhiệm vụ phóng viên quân sự là một trong những điều giúp tôi làm nên chất “thép” và chất “nhân văn” trong các bài phóng sự cũng như phản ánh. Trong 4 tập Giữ lửa có trích những bài tôi viết về khí thế lao động mở đường, chiến đấu bảo vệ con đường Trường Sơn huyền thoại và sự hy sinh anh dũng của thanh niên xung phong, các lực lượng công binh, phòng không, không quân… Đó là những bài viết thể hiện rõ nét sự hòa quyện của chất thép và chất nhân văn.

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 5

Còn ở thời bình, tôi lại nhớ đến 3 lần ra Trường Sa. Bây giờ, đi Trường Sa vào tháng 4-5, trời yên biển lặng, đi tàu 3 tầng thì thuận lợi hơn nhiều. Nhưng với tôi, chuyến đi ra Trường Sa vào tháng 7/1982 đang là mùa gió chướng, tôi được nhận lệnh cấp tốc như một người lính ra đảo. Chiều hôm ấy, sau khi giao ban buổi trưa, đồng chí Phó Tổng biên tập Thép Mới gọi tôi lên phòng và nói rằng: “Hôm nay, đã thống nhất với anh Hoàng Tùng cử Hồng Vinh ngày mai bay chuyến bay từ sân bay Nội Bài vào sân bay Cam Ranh để Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đưa Hồng Vinh ra Trường Sa, trực tiếp phản ánh cuộc bầu cử Quốc hội khóa 8 ở Trường Sa”.

Tôi nghĩ rằng, mình đã thông qua đời lính ở Trường Sơn hai lần rồi thì việc đi tác nghiệp cấp tốc với tôi không có gì ngại cả. Hôm sau, bay vào đến Cam Ranh đúng 16h, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đón tôi xuống một cái tàu chở hàng 500 tấn của bộ đội chuyên tiếp tế hậu cần. Đang đi trong mùa gió chướng thì gặp một cơn bão bất ngờ, gió cấp 10 - cấp 11, tất cả mọi người nôn mửa hết, thậm chí ông Tham mưu trưởng hải quân vùng 4 tháp tùng tôi cũng vậy. Tàu phải chậm lại 6 tiếng mới vượt qua được cơn bão đó để đến với Trường Sa trước lúc bầu cử; chỉ một giờ. Tôi rất vinh dự là người thứ hai được bỏ lá phiếu trong cuộc bầu cử và tấm Thẻ cử tri đó hiện đang được đặt tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Có lẽ, trong đời tôi, đấy là một trong những kỷ vật thiêng liêng nhất.

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 6

+ Chất thép không chỉ ở tác phẩm báo chí, mà hẳn phải được nhen nhóm tại lòng người… Tôi cũng được biết: Có một ngòi bút Hồng Vinh rất cứng rắn trên hành trình đấu tranh với tiêu cực, sai phạm… Ở góc độ, báo chí giám sát và phản biện xã hội, quan điểm của nhà báo Hồng Vinh như thế nào, thưa ông?

- Người cầm bút không chỉ nhìn cuộc đời, phát hiện ra những suy nghĩ đẹp, hành động đẹp của các tầng lớp nhân dân ta để ngợi ca, mà tính chiến đấu, chất thép này còn được đặc biệt thể hiện ở góc độ phản biện xã hội, đó là một chức năng quan trọng của báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc biểu dương, cổ vũ, nhà báo phải thể hiện ý chí, tinh thần phản ánh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nói, ngoài mặt tích cực thì có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, người làm báo phải có tính chiến đấu trên mặt trận đấu tranh này. Ca ngợi những cái tốt, đồng thời phê phán, lên án cái tiêu cực.

Tôi nhớ mãi câu chuyện, tôi cùng với hai đồng chí ở báo viết về một vụ án buôn lậu với tít bài “Những điều không bình thường trong một vụ án buôn lậu”. Bài viết phê phán về việc một cơ quan chức năng bao che cho việc nhập lậu xe từ Trung Quốc, mà không đánh thuế, không xử lý sai phạm. Chúng tôi đã kiên trì, bền bỉ, có thể nói là nhờ tính chiến đấu, mà chúng tôi không nản lòng mặc dù bị họ đe dọa, nhắn gửi qua người này, người khác: “Nếu anh không rút lui thì thân phận của anh, gia đình anh không được yên đâu”. Rất mừng là nhờ bản lĩnh và sự kiên trì đó, bài phóng sự điều tra ấy được giải A của Giải Báo chí Toàn quốc (nay là Giải Báo chí Quốc gia). Sau loạt bài này, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã họp và đưa ra hình thức kỷ luật với một số người sai phạm.

(Còn nữa)

pgsts nha bao nguyen hong vinh hien thuc cuoc song lam nen chat thep va chat nhan van trong lua bao cua toi hinh 7

Tin khác

Ra mắt 'Kí họa trong chiến hào' của phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm

Ra mắt "Kí họa trong chiến hào" của phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm

(CLO) Trong số các ấn phẩm xuất bản nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của NXB Kim Đồng có một cuốn đặc biệt, đó là "Kí họa trong chiến hào" như là nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm.

Báo Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Báo Tuyên Quang thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, Báo Tuyên Quang phối hợp với tổ chức doanh nghiệp đến thăm, tặng quà chiến sỹ Điện Biên, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

'Dưới lá cờ Quyết Thắng': Những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên

"Dưới lá cờ Quyết Thắng": Những năm tháng hào hùng với ký ức không thể nào quên

(CLO) Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đã được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức và diễn ra tại 5 điểm cầu gồm: Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và thành phố Hồ Chí Minh vào lúc tối 5/5, được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1.

Cuộc đua xe đạp về Điện Biên Phủ 2024: Gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội

Cuộc đua xe đạp về Điện Biên Phủ 2024: Gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội

(CLO) Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ-2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân” hoàn thành mục tiêu kép khi đạt chất lượng cao về chuyên môn và dành kinh phí gần 15 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.

Khai trương Trung tâm Báo chí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khai trương Trung tâm Báo chí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Chiều nay, ngày 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tác nghiệp với niềm vinh dự và tự hào!

Đại lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Tác nghiệp với niềm vinh dự và tự hào!

(CLO) Trong không khí nhớ về những ngày hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, các nhà báo, phóng viên đã có mặt tại Điện Biên để gặp gỡ những nhân vật lịch sử, lắng nghe những câu chuyện ý nghĩa; thông tin kịp thời, nhanh chóng những sự kiện, chương trình đặc sắc chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Báo Nhà báo & Công luận ghi lại những chia sẻ của các đồng nghiệp đang tác nghiệp nơi đây.