Phát sinh nhiều chi phí, doanh nghiệp xăng dầu càng kinh doanh càng lỗ

Thứ sáu, 14/10/2022 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đề cập nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Phí nhập khẩu tăng cao, ai bù lỗ cho doanh nghiệp?

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: Theo Nghị định 95 đã rút ngắn lại việc xác định giá theo chu kỳ 15 ngày xuống còn 10 ngày, đây cũng đã là một bước tiến nhằm điều hành giá trong nước phù hợp với giá của thị trường thế giới. 

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chúng ta chưa đánh giá được hết trong khi giá thế giới có nhiều biến động, thay đổi lớn, liên tục trong năm 2022”.

phat sinh nhieu chi phi doanh nghiep xang dau cang kinh doanh cang lo hinh 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp.

“Năm 2022 là năm "dị biệt" nhất trong thời gian vừa qua và là năm rất khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lỗ”, ông Bảo nói.

Cũng theo ông Bảo, do lỗ triền miên, tâm lý của doanh nghiệp đảm bảo nguồn ở mức chỉ đủ hệ thống phân phối, những đại lý, thương nhân nhượng quyền, tổng đại lý có cam kết mang tính chất có hợp đồng chặt chẽ. Đâu đó, cục bộ ở những cửa hàng có hợp đồng lỏng lẻo thì khan hàng.

Trong khi đó, bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà cho biết: Thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. 

Vì vậy, bà Mai đề nghị Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.

Bà Mai nhấn mạnh: Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70 - 80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30 - 40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. 

“Đơn cử, quý I, chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp”, bà Mai nói.

Do đó, bà Trần Thị Tuyết Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.

phat sinh nhieu chi phi doanh nghiep xang dau cang kinh doanh cang lo hinh 2

Ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro cho rằng: Thời điểm đầu năm đến quý II, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý III vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành ủy là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng. 

“Lãi của chúng tôi trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán”, ông Thoại nói.

Đồng thời ông Thoại đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.

“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng này là tình hình sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, Liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được”, ông Phạm Văn Thoại đề xuất.

Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL  chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.

Năm ngoái, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. 

“Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài”, ông Thắng nói thêm.

Doanh nghiệp kiến nghị rà soát lại chi phí

Để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều cho rằng cần phải rà soát lại chi phí.

phat sinh nhieu chi phi doanh nghiep xang dau cang kinh doanh cang lo hinh 3

Doanh nghiệp kiến nghị rà soát lại chi phí.

Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí. 

Đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế. Vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn.

“Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.

Cũng liên quan đến chi phí, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho hay, chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Liên Bộ Công Thương - Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ. 

Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, ông cũng đề nghị các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đình chỉ dự án nhà máy lớn ở Đức

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đình chỉ dự án nhà máy lớn ở Đức

(CLO) Gã khổng lồ công nghệ Intel (Mỹ) đang tạm dừng xây dựng hai nhà máy sản xuất chip tại Đức vì công ty đang phải vật lộn để chống lại doanh số bán hàng giảm sút và thua lỗ ngày càng tăng, theo tuyên bố của CEO công ty ông Pat Gelsinger.

Thị trường - Doanh nghiệp
Viettel hỗ trợ chuyển đổi máy 4G miễn phí cho toàn bộ khách hàng

Viettel hỗ trợ chuyển đổi máy 4G miễn phí cho toàn bộ khách hàng

Chương trình chỉ áp dụng từ nay đến hết ngày 15/10/2024. Khách hàng đủ điều kiện sẽ nhận được tin nhắn mời đến các cửa hàng Viettel hoặc liên hệ với nhân viên Viettel trên địa bàn để được hỗ trợ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hơn 1 tuần sau bão Yagi, giá rau xanh vẫn 'nhảy múa'

Hơn 1 tuần sau bão Yagi, giá rau xanh vẫn 'nhảy múa'

(CLO) Dù bão số 3 đã qua hơn một tuần nhưng giá rau xanh tại các chợ truyền thống ở Hà Nội vẫn giữ mức đắt đỏ. Thậm chí, giá rau còn chênh lệch đáng kể theo từng ngày, từng quầy hàng trong một khu vực gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá vàng nhẫn tăng sát mốc 80 triệu đồng/lượng

Giá vàng nhẫn tăng sát mốc 80 triệu đồng/lượng

(CLO) Trong khi giá vàng miếng SJC tăng nhẹ 200.000 đồng/lượng, lên 82 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn cũng vọt lên sát mốc 80 triệu đồng/lượng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

(CLO) Trong số gần 1.200 ha UBND tỉnh Gia Lai cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thuê để trồng cao su, có nhiều diện tích đất bỏ hoang, cây cao su kém phát triển. Doanh nghiệp thì bỏ hoang đất, trong khi hàng trăm hộ dân vùng lân cận thuộc xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) lại không có đất sản xuất.

Thị trường - Doanh nghiệp