(NB&CL) Thế giới những ngày qua lại một lần nữa rúng động bởi tiếng súng, bởi những mạng người vô tội đã đổ xuống, tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và ngay tại vùng đất vẫn tưởng chừng như bình yên nhất: thành phố Nice của nước Pháp. Phía sau những pháo nổ, súng đạn ầm ĩ, người dân chạy loạn khắp nơi, các tòa nhà đổ nát… là những vấn đề nhức nhối còn đọng lại.
Xử lý mạnh tay đối thủ
Sau cuộc đảo chính tối 15/7 với cán cân nghiêng một cách ngoạn mục về Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính. Ông Nigar Goksel, một nhà phân tích kỳ cựu về Thổ Nhĩ Kỳ của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết có hai kịch bản có thể xảy ra: Hoặc là ông Erdogan nhân vụ việc này cải tổ các thể chế ở Thổ Nhĩ Kỳ sao cho có lợi cho mình, hoặc là chớp lấy khoảnh khắc đoàn kết nhiều thành phần xã hội khác nhau phản đối vụ đảo chính để đầu tư thực sự cho pháp trị và hợp pháp hóa các hình thức bất đồng chính kiến. Lịch sử của chính ông Erdogan cho thấy kịch bản thứ hai ít có khả năng xảy ra. Cứ mỗi khi ông vượt qua được thách thức quyền lực, ông đều xử lý mạnh tay đối thủ.
[caption id="attachment_110498" align="aligncenter" width="600"]
Bức ảnh gây ám ảnh nhất về vụ thảm sát tại Nice tối 14/7.[/caption]
Trên thực tế, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/7 đưa tin giới chức nước này đã bắt giữ tổng cộng 103 tướng lĩnh và sĩ quan cấp cao sau khi xảy ra âm mưu đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Hãng thông tấn Anadolu cho biết, những nhân vật quân sự hàng đầu đã bị bắt trong các cuộc truy quét trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ. Đây dường như là một cuộc thanh lọc quy mô lớn nhằm vào các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sa thải khoảng 8.000 cảnh sát trên khắp đất nước, trong đó có nhiều cảnh sát ở Istanbul và Ankara, bị cáo buộc có dính dáng đến vụ đảo chính bất thành. Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/7 cũng bày tỏ quan ngại việc Tổng thống Recep Erdogan bắt giữ rất nhiều thẩm phán, công tố viên sau khi đập tan vụ đảo chính vừa qua, đồng thời cho rằng Chính phủ đã lên danh sách bắt giữ này từ trước. Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình hồi năm 2004 nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn xin gia nhập EU và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984. Tuy nhiên, sau vụ đảo chính quân sự vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại áp dụng hình phạt tử hình.
Tuy nhiên, những thanh trừng hay động thái của nhà cầm quyền không làm những bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ vốn ngấm ngầm từ trước, không những không giảm đi mà tiếp tục tiếp diễn. Việc ít nhất 42 trực thăng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất tích làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc đảo chính khác có thể xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ còn được xem là quốc gia có “lịch sử đảo chính” khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành 4 cuộc đảo chính vào các năm 1960, 1971, 1980 và 1997 để lật đổ chính phủ hoặc có những can thiệp lớn vào nền chính trị. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan là người không ít lần có những xích mích với quân đội. Mối quan hệ đó càng trở nên căng thẳng bởi sự thay đổi “xoành xoạch” trong chính sách đối ngoại của ông Erdogan gần đây.
Nỗi lo của “Trái tim châu Âu”
Cuộc tấn công bằng xe tải của một phần tử cực đoan ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Nice, Pháp tối 14/7 khiến 84 người thiệt mạng là vụ khủng bố đẫm máu thứ ba mà nước Pháp phải hứng chịu trong chưa đầy hai năm qua. Theo giới phân tích, nước Pháp chứa đựng những yếu tố “thu hút” sự chú ý của chủ nghĩa khủng bố, biến quốc gia này thành “tâm chấn” của châu Âu.
Neil Fergus, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tổng giám đốc tổ chức tư vấn Intelligent Risks, cho rằng nước Pháp là một mục tiêu lớn cho các cuộc tấn công thảm sát của IS bởi vì quốc gia này “là một biểu tượng của tự do, bình đẳng và các giá trị xã hội”. “Thủ đô Paris nói riêng và nước Pháp nói chung là trái tim trong học thuyết phẩm giá phương Tây”, ông nói. “Những kẻ khủng bố không thích điều đó. Chúng cũng căm ghét châu Âu, và Pháp được coi là tâm điểm của lục địa”.
Bên cạnh đó, một báo cáo mới đây của cơ quan tình báo nội địa DGSI cho thấy nước Pháp vẫn có vô số những lỗ hổng về tình báo, khiến lực lượng an ninh để lọt những phần tử gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khiến tổng cộng 147 người thiệt mạng. Báo cáo chỉ rõ, ngoài những hạn chế về khả năng giám sát tình báo đối với các đối tượng tình nghi, các cơ quan an ninh Pháp còn thể hiện sự chồng chéo, kèn cựa lẫn nhau, khiến các chiến dịch chống khủng bố không phát huy hiệu quả cao nhất. Trong vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan ở Paris, khi cảnh sát đặc nhiệm ngỏ ý mượn súng trường của quân đội để tấn công khủng bố, các binh sĩ Pháp đã từ chối thẳng thừng.
Thêm vào đó, chủ nghĩa khủng bố sản sinh tại quê nhà đang là một nỗi lo ngại lớn của nước Pháp. Tại Pháp, các nghi phạm khủng bố đều có gốc gác ở nước ngoài, tới Pháp định cư qua nhiều thế hệ, nhưng không hoàn toàn hòa nhập được với xã hội bản địa và luôn bị coi như những công dân hạng hai, hậu quả là tình trạng cực đoan hóa trong cộng đồng người có nguồn gốc Bắc Phi không hề giảm bớt, mà còn tăng lên. Trong 10 năm qua, ngày càng nhiều thanh niên Pháp gốc Bắc Phi đã rời bỏ đất nước, đi theo tiếng gọi của Hồi giáo cực đoan.
Tất cả những lý do đó đã khiến nước Pháp- Trái tim châu Âu- ngày càng chìm sâu trong mối nguy cơ khủng bố.
Hà Trang