Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Nhiều “bất thường” trong công tác đấu thầu?

Thứ bảy, 16/10/2021 19:08 PM - 0 Trả lời

(CLO) Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng được giao hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị... Thế nhưng công tác đấu thầu vẫn tồn tại nhiều bất thường, có nguy cơ thất thoát ngân sách gây bức xúc cho dư luận.

Chủ đầu tư “ưu ái” cho nhà thầu quen mặt?

Theo phản ánh của bạn đọc, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng có sự “ưu ái” cho doanh nghiệp thân quen, tỷ lệ tiết kiệm nhỏ giọt, “thổi giá” thiết bị… có dấu hiệu gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

phong gddt quan hai ba trung ha noi nhieu bat thuong trong cong tac dau thau hinh 1

Theo phản ánh, ông Cấn Văn Đa – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ký nhiều gói thầu có dấu hiệu “bất thường”

Cụ thể, Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam có địa chỉ tại: Số nhà 31, ngõ 76, phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Công ty được thành lập ngày 18/06/2007, đại diện pháp luật là ông Vi Minh Tuân. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác.

Trong thời gian gần đây, Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam, đã trúng 05 gói thầu mua sắm trang, thiết bị về giáo dục tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng và UBND quận Hai Bà Trưng có tổng trị giá lên đến 82 tỷ đồng. Có thể nói, doanh nghiệp có dấu hiệu “thâu tóm” các gói thầu về mua sắm trong giáo dục tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng và UBND quận Hai Bà trưng chính là Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam.

Theo đó, ngày 14/1/2021, ông Cấn Văn Đa – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng ký quyết định 02/QĐ-PGD&ĐT, về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm trang thiết bị phục vụ xây dựng 03 trường chuẩn Quốc Gia công nhận lại năm 2020 (Trường THCS Đoàn Kết, Vân Hồ, Hai Bà Trưng). Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam, giá trúng thầu là 12.315.310.000đ (Mười hai tỷ, ba trăm mười lăm triệu, ba trăm mười ngàn đồng), nguồn vốn từ ngân sách của quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, giá dự toán của gói thầu là 12.445.579.000đ (Mười hai tỷ, bốn trăm bốn mươi lăm triệu, năm trăm bảy mươi chín nghìn đồng). Như vậy, sau công tác đấu thầu Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng tiết kiệm cho ngân sách chỉ đạt 1,05%. Một con số chỉ mang tính chất tượng trưng.

Ngày 27/1/2021, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng tiếp tục có quyết định số 16/QĐ-PGD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu Mua sắm danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 – 2021 (Không bao gồm mua sắm tập trung). Nhà thầu không ai khác, mà vẫn là cái tên quen thuộc Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam. Giá gói thầu là 4.216.915.000đ (Bốn tỷ, hai trăm mười sáu triệu, chín trăm mười lăm nghìn đồng), giá dự toán gói thầu là 4.306.405.000đ (Bốn tỷ, ba trăm linh sáu triệu, bốn trăm linh năm nghìn đồng). Tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu này đưa lại chỉ là 2,08%.

Ngoài những gói thầu nêu trên, Công ty Cổ phần H-PEC Việt Nam còn trúng hàng loạt gói thầu về mua sắm trang, thiết bị giáo dục có trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng do UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư, nhưng tỷ lệ tiết kiệm vô cùng eo hẹp, gây nhiều hoài nghi cho dư luận.

Nguy cơ thất thoát ngân sách vì giá cao “bất thường”

Thời gian gần đây, việc “thổi giá” mua sắm trang, thiết bị giáo dục ở một vài địa phương đã gây bức xúc trong dư luận. Từ những vụ việc như ở Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Sở GD&ĐT Điện Biên hay Sở GD&ĐT Quảng Ninh, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của ngành giáo dục nói riêng và những người quản lý vốn đầu tư công nói chung.

phong gddt quan hai ba trung ha noi nhieu bat thuong trong cong tac dau thau hinh 2

Danh mục sản phẩm hàng hóa trúng thầu tại đây có giá cao gần gấp hai lần so với thị trường

Theo phản ánh, tại gói thầu Mua sắm danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 – 2021, của Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng có nhiều mặt hàng mua sắm có dấu hiệu “nâng giá” gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Trong đó, có một số thiết bị có giá cao hơn nhiều so với giá trị trường. Đơn cử, tại danh mục sản phẩm hàng hóa trúng thầu, danh mục số 19 là mua đàn phím điện tử PSR E463 Yamaha (số lượng 8 chiếc), xuất xứ Trung Quốc có giá 12.000.000đ. Tuy nhiên, ngoài thị trường các mặt hàng nhạc cụ, cùng một mã hàng, xuất xứ và các đặc tính kỹ thuật thì đàn phím điện tử PSR E463 Yamaha có giá chỉ khoảng 6.800.000đ - 7.000.000đ. Như vậy, so với giá thị trường thì giá trúng thầu mặt hàng trên đã "thổi giá” gần gấp hai lần.

Tiếp đến, danh mục 25 mua thiết bị âm thanh PS-300/ HPEC (số lượng 11 bộ), xuất xứ Trung Quốc, giá ngoài thị trường khoảng 6.000.000đ nhưng Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam trúng thầu với giá 12.000.000đ. Ở danh mục 61, loa cầm tay nhãn hiệu Toa ER-1215 (số lượng 23 chiếc), xuất xứ Indonesia trúng thầu với giá 1.900.000đ, trong khi đó ngoài thị trường có giá khoảng 1.250.000đ. Đến danh mục 66 mua đầu DVD  DVP-SR760/Sony (19 chiếc), xuất xứ Trung Quốc giá trúng thầu 1.600.000đ, giá ngoài thị trường là 1.390.000đ. Bộ sa bàn giáo dục giao thông (số lượng 813 bộ) giá thị trường khoảng 300.000đ, giá trúng thầu lên tới 600.000đ.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác cũng có dấu hiệu “đội giá” khi so sánh giá với thị trường bên ngoài như: Ở danh mục 64, sản phẩm giá treo tranh có giá dự thầu tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng là 1.250.000đ, trong khi đó giá mua của các đơn vị khác chỉ là 480.000đ. Nếu mua 208 chiếc như trong hồ sơ trúng thầu thì sẽ thất thu tạm tính khoảng 160.160.000đ.

Tương tự, với 35 chiếc cột và lưới bóng chuyền hơi, giá dự thầu của Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng là 5.750.000đ, trong khi giá tại gói thầu “Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1” do công ty TNHH Thẩm định giá Chuẩn Việt mời thầu là 3.800.000đ, chênh lệch là 68.250.000đ.

Hay ở danh mục 58, tủ đựng thiết bị có giá dự thầu là 4.150.000đ nhưng giá khảo sát bên ngoài cùng thời điểm hiện tại chỉ là 2.068.000đ. Với số lượng mua là 45 chiếc, thì giá chênh lệch của riêng danh mục này là 93.690.000đ

Như thế, mới chỉ tính riêng một số mặt hàng bất kỳ trong tổng 66 danh mục, thì việc chênh lệch về giá đã lên đến 650.750.000đ (Sáu trăm năm mươi triệu, bảy trăm năm mươi nghìn đồng). Một con số gây “sốc” cho nhiều cán bộ đang hoạt động trong lĩnh vực quản lý vốn đầu tư công cho nhà nước. Tỷ lệ có nguy cơ thất thoát cho ngân sách nhà nước tại gói thầu này là vô cùng lớn.

phong gddt quan hai ba trung ha noi nhieu bat thuong trong cong tac dau thau hinh 3

Trụ sở làm việc của Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng có cùng địa điểm với đơn vị khác

Về những nội dung này, ngày 9/10/2021, bà Trần Thị Thu Hà – Phó Trưởng phòng, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, ký công văn số 426/PGD&ĐT, về việc phúc đáp nội dung của báo Nhà báo & Công luận.

Công văn có đoạn nêu: “Đối với việc tổ chức đấu thầu các gói thầu, Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng đã thực hiện đúng các qui định pháp luật về đấu thầu mua sắm như: Trình chủ trương, thẩm định giá; Trình, thẩm định, phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Phê duyệt Hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu qua mạng, đấu thầu rộng rãi; Thực hiện Hợp đồng… Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đơn vị đã thuê tư vấn đấu thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện các công việc như: Lập Hồ sơ mời thầu, lập báo cáo đánh giá lựa chọn nhà thầu, thẩm định Hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng qui định của Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP”...

Giải thích của Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng là đúng “qui trình” nhưng dư luận lại chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

Trước sự việc trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các cơ quan ban ngành tiến hành xác minh, kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời (nếu có) sai phạm, để tránh thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.

Lê Bá

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra