Báo chí và sứ mệnh hòa bình trong thời chiến:

Phóng viên chiến trường và nỗi đau chiến tranh

Thứ năm, 20/06/2024 11:25 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không ai sinh ra để trở thành nhà báo và hẳn cũng không nhà báo nào mới vào nghề nghĩ rằng mình sẽ là một phóng viên chiến trường. Đó thường là một sự tình cờ, thậm chí do hoàn cảnh và số phận sắp đặt. Những câu chuyện về các phóng viên chiến trường, dù ở bên nào chiến tuyến và từ quá khứ đến hiện tại, sẽ cho chúng ta cái nhìn về những khó khăn và mối nguy hiểm của báo chí trong chiến sự.

Bài liên quan

“Những người khốn khổ”

Hãy trở lại quá khứ để nói về hoàn cảnh ra đời của nghề phóng viên chiến trường. Thực tế, phóng viên chiến trường đã tồn tại cả nghìn năm nay. Có thể nói, công việc này khởi nguồn từ nhu cầu gửi thư từ về diễn biến cuộc chiến của bên tham chiến. Ngoài ra, những lời kể của các sử gia như Herodotus về Chiến tranh Ba Tư cũng tương tự như báo chí, mặc dù bản thân ông không tham gia vào các sự kiện. Thucydides - người vài năm sau đã viết lịch sử về Chiến tranh Peloponnesian, là người chỉ huy và là người quan sát các sự kiện, nên cũng có thể xem như một trong những phóng viên chiến trường đầu tiên trong lịch sử.

Tuy nhiên, phóng viên chiến trường thực sự đầu tiên được cho là họa sĩ người Hà Lan Willem van de Velde - người vào năm 1653 đã ra khơi trên một chiếc thuyền nhỏ để quan sát trận hải chiến giữa người Hà Lan và người Anh, trong đó ông đã thực hiện nhiều bản phác thảo ngay tại chỗ, sau đó đã phát triển thành một bức vẽ lớn mà ông đã thêm vào một báo cáo viết cho Tổng thống Mỹ.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 1

Bức ảnh phác họa trực tiếp về trận hải chiến năm 1666 tại De Zeven Provincien của họa sĩ Willem van de Velde được xem như một trong những tác phẩm báo chí thời chiến đầu tiên trong lịch sử.

Một trong những phóng viên chiến trường sớm nhất khác là Henry Crabb Robinson - người đưa tin về các chiến dịch của Napoléon ở Tây Ban Nha và Đức cho tờ The Times of London. Sau này, khi báo chí trở thành một nghề, thì việc đưa tin về các cuộc chiến cho các tổ chức tin tức thực sự phổ biến.

Và William Howard Russell - người đưa tin về Chiến tranh Crimea (1854 -1856), cũng của tờ The Times, được xem là phóng viên chiến trường hiện đại đầu tiên. Những bài báo từ thời đại này, tương đối dài và mang tính phân tích như những cuốn sách, phải mất rất nhiều tuần kể từ khi viết đến khi xuất bản.

Ngay từ những thời sơ khai, các phóng viên chiến trường đã cảm nhận được sự gian khổ và nguy hiểm trong nghề nghiệp, đồng thời định hình về nghề nghiệp này. Trong đó, ảnh hưởng của Russell rất lớn đối với giới phóng viên chiến trường sau này. Ông luôn đi thẳng vào các vấn đề của cuộc chiến. Thông qua việc quan sát chiến sự một cách khách quan và bao quát, ông đã phơi bày những sai lầm của các đội quân hay những sai lầm của các trận đánh. Ví dụ, những mô tả của Russell về quân đội Anh được tổ chức vụng về tại Balaclava, Inkerman và Sebastopol rất thẳng thắn và chân thực, khác xa những câu chuyện cường điệu về lòng dũng cảm như kiểu phim ảnh được tạo ra bởi những người cùng thời với ông.

Charles Page - một người Mỹ cùng thời với Russell, thì đã sớm nhìn thấy mặt khốn khổ và kém may mắn của công việc phóng viên chiến trường, thậm chí so sánh mình với người tàn tật, bởi phải chịu đựng quá nhiều nỗi bất công. Ông cảnh báo, phóng viên chiến trường “chắc chắn sẽ viết những điều xúc phạm ai đó”, đơn giản họ phải đứng giữa chiến tuyến, thật khó có thể làm hài lòng cả hai.

Trong cuộc chiến tranh Anglo Zulu năm 1879, một phóng viên chiến trường của tờ Natal Witness đã phàn nàn rằng người đời nghĩ “phóng viên chiến trường có thể là một vị trí thật vinh hạnh... nhưng một chút trải nghiệm thực tế về công việc này sẽ loại bỏ được rất nhiều độ bóng bẩy của nó”.

Đến khi báo chí và truyền thông đã phát triển trong kỷ nguyên hiện đại, các phương tiện truyền thông đưa tin về chiến tranh còn trở thành một đề tài lớn. Việc đưa tin về chiến tranh được đề cập rất nhiều về những khía cạnh khác nhau mà các phóng viên phải đối mặt trong vùng chiến sự.

Khi những quả bom đầu tiên rơi xuống Afghanistan vào tháng 10/2001, tờ Independent nêu bật những điều kiện mà các nhà báo phải trải qua, những người thậm chí mới đến đất nước này một tuần nhưng đã phải sống trong hoàn cảnh khốn cùng: “Các phóng viên sống bằng bánh mì, hành và nước từ máng xối” hay “Phóng viên nước ngoài chỉ có một nhà vệ sinh cho 45 người”.

Công việc không dành cho những “tay mơ”

Như vậy trong thời đại nào, phóng viên chiến trường cũng phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức khổ cực và nguy hiểm, đặc biệt trong thời hiện đại khi vũ khí ngày càng đáng sợ và vô tình hơn. Đó không phải công việc dành cho một “tay mơ” và cũng là công việc mà chẳng ai tự lựa chọn khi bắt đầu bước vào nghề báo.

Andrea Backhaus - một phóng viên chiến trường với hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết: “Hầu hết các đồng nghiệp của tôi chưa bao giờ quyết định chọn công việc này, nó chỉ xảy ra do hoàn cảnh”. Bản thân nữ nhà báo này là một minh chứng. Cô lúc đó đang sống ở Ai Cập thì sự kiện Mùa xuân Ả Rập bùng phát vào đầu những năm 2010. Sau đó, việc đưa tin về các cuộc nổi dậy và biểu tình đã thúc đẩy cô theo đuổi sự nghiệp phóng viên chiến trường, điều đã đưa cô đến các khu vực xung đột ở Ukraine và Palestine sau này.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 2

Một nhà báo đang tác nghiệp trực tiếp trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Maks Levin

Theo Backhaus, trong công việc của mình, cô phải đối mặt với đủ mối hiểm họa, từ việc bị nghe lén điện thoại, bị theo dõi trên đường phố và bị đàn ông tấn công thể xác. Đây là những mối nguy hiểm rất thực tế mà các nhà báo, đặc biệt nữ nhà báo, phải lường trước.

Để trở thành phóng viên chiến trường, nhà báo giống như các binh sĩ cần phải được chuẩn bị, thậm chí huấn luyện thật kỹ càng trước khi “ra trận”. Backhaus cho biết: “Việc huấn luyện trong môi trường thù địch là rất quan trọng, không chỉ vì nó dạy bạn phải làm gì nếu bị bắt cóc hoặc bị thương. Những bài tập nhập vai này giúp xây dựng khả năng phục hồi tinh thần, đồng thời cũng giúp bạn xác định xem liệu bạn có phù hợp với công việc này hay không”.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 3

Những người đưa tang 2 nhà báo Palestine Mohammed Soboh và Saeed Al-Taweel ở thành phố Gaza, vào ngày 10/10/2023. Ảnh: Arafat Barbakh/Reuters

Báo chí và gánh nặng chi phí trong thời chiến

Phóng viên chiến trường là một công việc rất cần thiết đối với báo chí và xã hội nói chung. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, với việc những gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook đang vơ vét doanh thu quảng cáo, trong khi sử dụng miễn phí nội dung của báo chí, thì báo chí chất lượng cao như đưa tin về chiến sự đã bị mắc kẹt trong một mối ràng buộc kép.

“Một vài năm trước, tờ New York Times ước tính rằng chi phí để đưa tin về một câu chuyện ở Baghdad là 10.000 USD mỗi ngày” - Jean-Francois Leroy, người đứng đầu giải ảnh Visa pour l’Image cho biết ngay từ hồi năm 2018.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 4

Một nhà báo trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Atalayar

Tiếp bước những phóng viên chiến trường thời xa xưa, Backhaus cũng cảnh báo rằng các nhà báo đưa tin về các cuộc xung đột phân cực ngày nay có thể phải đối mặt với sự lạm dụng từ cả hai phía, nếu việc đưa tin của họ không phù hợp với bên nào.

Farzana Ali - Giám đốc Văn phòng Truyền hình Tin tức Aaj ở Peshawar (Pakistan), cũng đồng quan điểm và cho biết: “Chúng ta có thể đưa tin và phát sóng các câu chuyện về nghèo đói, lạm phát... và cả chính trị, nhưng đưa tin về những người phải chịu trách nhiệm cho một cuộc xung đột là vô cùng khó khăn”.

“Việc tôi bị bắt là một ví dụ điển hình cho tờ báo và các đồng nghiệp nhà báo của tôi rằng họ phải hết sức cẩn thận về vấn đề an ninh khi đưa tin” - nhà báo người Myanmar, Naw Betty Han, chia sẻ về kinh nghiệm khi đưa tin về chiến sự đang diễn ra ở quê hương mình.

Bỏ mạng trên chiến trường

Điều tồi tệ nhất đối với một phóng viên chiến trường hiển nhiên là việc phải bỏ mạng trên chiến trường, điều như đã biết đã xảy ra gần như hàng ngày trong giai đoạn đầu cuộc chiến ở Gaza, cũng như tại Ukraine và nhiều vùng xung đột khác.

“Ai ở lại đến cuối cùng sẽ kể lại câu chuyện. Chúng tôi đã làm những gì có thể. Hãy nhớ chúng tôi” - bác sĩ Mahmoud Abu Nujaila đã viết nguệch ngoạc những lời từ biệt này bằng mực xanh trên bảng trắng ở Bệnh viện Al-Awda tại Gaza vào ngày 20 tháng 10 năm 2023, như thể nhắn nhủ các phóng viên rằng mọi người cần phải biết về những gì đã xảy ra ở cuộc chiến này.

Bị mắc kẹt ở Dải Gaza cùng với những người dân Gaza, các phóng viên Palestine đã phải chấp nhận hy sinh tính mạng để kể về những những nỗi thống khổ dưới bóng ma chiến tranh. Với việc các phương tiện truyền thông nước ngoài phần lớn không thể vào được Gaza, thì chính những bức ảnh, đoạn phim và bài báo của họ gần như là nguồn thông tin duy nhất giúp thế giới biết điều gì đang xảy ra ở nơi đây.

Kể từ tháng 10, nhà báo người Palestine Abu Dagga - phóng viên ảnh của tờ Independent Arabic ở Gaza, hàng ngày đều tự hỏi mình liệu đây có phải là lần cuối cùng của cô hay không. Tuy nhiên, cô vẫn không rời đi, mặc dù đã đưa ra quyết định đau lòng là gửi cậu con trai 12 tuổi của mình đến sống với cha ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

“Dù có cố gắng giải thích về sự kiệt sức về mặt tâm lý đến đâu, tôi cũng không thể diễn tả nó bằng lời… Tôi phải chụp ảnh những đứa trẻ dưới đống đổ nát” - Mariam Abu Dagga cho biết và hy vọng rằng những bức ảnh của cô có thể làm lay động các bên trong cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza và giúp cộng đồng quốc tế sớm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Giống như Abu Dagga - phóng viên ảnh địa phương Mohammad Ahmed luôn đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết ở Gaza. Ahmed nhớ lại, mảnh đạn đã đâm vào chân anh sau cuộc tấn công của Israel vào một tòa nhà ở Jabalya, phía bắc Gaza, vào ngày 17/12. Những đám mây bụi bay mù mịt, mọi người la hét điên cuồng. “Tôi bắt đầu hét lên rằng tôi đã bị thương. Không ai có thể nghe thấy tôi” - Ahmed nói. “Tôi nhìn thấy nhiều người nằm trên đường... nhiều mảnh xác chết nằm rải rác khắp nơi”.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 5

Nhà báo Polina Lytvynova đứng trước cửa một tòa nhà bị phá hủy ở Kharkiv, Ukraine, trong giai đoạn đầu của xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Claire Harbage/NPR

Kỷ lục về số nhà báo thiệt mạng trong năm 2023

Theo một thống kê tính đến ngày 29/04/2023 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), ít nhất 97 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trong chiến sự kể từ tháng 10/2023, 92 trong số đó là người Palestine. Điều này khiến đây trở thành giai đoạn nguy hiểm nhất đối với các nhà báo kể từ năm 1992, khi CPJ bắt đầu thu thập dữ liệu.

phong vien chien truong va noi dau chien tranh hinh 6

Nguồn: Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Đồ họa: CNN

Còn với nhà báo người Ukraine, Polina Lytvynova, thì việc trở thành phóng viên chiến trường cũng là một công việc bất đắc dĩ. “Tôi chưa bao giờ mơ được đưa tin về bất kỳ cuộc chiến nào. Và tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng cuộc chiến đầu tiên mà tôi đưa tin lại diễn ra trên chính đất nước mình. Và cuộc chiến này giờ đây không chỉ trở thành công việc mà còn trở thành cuộc sống của tôi” - cô chia sẻ.

Lytvynova đã làm báo ở Ukraine được 8 năm. “Cho đến năm 2022, tôi đã đề cập đến nhiều chủ đề - mọi thứ từ Cuộc thi Bài hát Eurovision 2017 ở Kyiv cho đến các vụ bê bối tham nhũng giữa các quan chức hàng đầu Ukraine. Tôi đã gặp những người hâm mộ bóng đá từ khắp nơi trên thế giới đến xem trận chung kết UEFA Champions League vào năm 2018” - cô chia sẻ. Tuy nhiên, kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra vào ngày 24/2/2022, những bài báo của cô chỉ còn là về các trận chiến, những sự kiện đầy chết chóc và ám ảnh. Tính mạng của cô cũng bị đe dọa hàng ngày.

Sự hy sinh thầm lặng

Chiến sự đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Giống như ở Gaza hay Ukraine, không ít nhà báo ở nhiều vùng chiến sự khác, dù tình cờ hay chủ động, cũng đã trở thành những phóng chiến trường. Trường hợp của nhà báo Eman Kamal El-Din ở Sudan là một ví dụ. Cô cho biết các tòa soạn ở thủ đô Khartoum cũng bị đánh bom trong cuộc nội chiến hiện vẫn chưa có hồi kết này. “Một số nhà báo đã bị tấn công và đàn áp trong khi đưa tin về các cuộc đụng độ” - Eman nói.

Nữ nhà báo cho biết thêm: “Với việc mất điện và nước ở khu vực này, tôi không thể có một ngày bình thường. Chúng tôi bị mắc kẹt giữa rủi ro và quyết tâm đưa thông tin nhiều nhất có thể. Trong các cuộc đụng độ, tôi đã đăng tải những tin tức nóng hổi cho tờ báo mà tôi làm việc về những giao tranh, máy bay và pháo hạng nặng”.

Salem Al-Hashemi - nhà báo người Sudan và phóng viên của Al-Arabiya tại Khartoum cho biết thêm: “Thật khó để chứng kiến sự tàn phá và xác chết trên đường phố trong lúc đang tác nghiệp. Hai bên tham chiến đều không hài lòng với tin tức và thông tin của chúng tôi. Đây là một tình huống đáng lo ngại đối với các nhà báo”.

Hơn bất cứ nhân chứng nào, các phóng viên chiến trường là những người hiểu nhất về nỗi thống khổ của chiến tranh. Họ vừa là người quan sát những điều tồi tệ nhất, chụp ảnh nó, quay phim nó, kể về nó và cũng phải chịu đứng chính nó. Song như nhà báo Saba Al-Jaafrawi ở Gaza từng nói: “Nếu không có các nhà báo, làm sao thế giới có thể biết về chúng tôi, biết chuyện gì đang xảy ra...?”.

Hoàng Anh

Bình Luận

Tin khác

Instagram hạn chế các tính năng của tài khoản dành cho trẻ em

Instagram hạn chế các tính năng của tài khoản dành cho trẻ em

(CLO) Instagram sẽ tự động chuyển tài khoản của những người dùng dưới 18 tuổi sang chế độ riêng tư để tạo ra môi trường an toàn hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên trên nền tảng này.

Báo chí - Công nghệ
Điện Kremlin phản đối việc Meta chặn các phương tiện truyền thông Nga

Điện Kremlin phản đối việc Meta chặn các phương tiện truyền thông Nga

(CLO) Quyết định của Meta về việc chặn tài khoản của một số phương tiện truyền thông Nga là không thể chấp nhận được, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Báo chí - Công nghệ
Những gì Financial Times học được từ việc thử nghiệm với AI

Những gì Financial Times học được từ việc thử nghiệm với AI

(CLO) Khi tờ Financial Times (FT) thành lập nhóm AccelerateAI vào đầu năm nay, họ đang cố gắng tìm hiểu, khám phá những cơ hội cũng như mối đe dọa mà trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cho tờ báo.

Báo chí - Công nghệ
Sam Altman rời Ủy ban An toàn của OpenAI, nhường quyền cho nhóm độc lập

Sam Altman rời Ủy ban An toàn của OpenAI, nhường quyền cho nhóm độc lập

(CLO) CEO của OpenAI, Sam Altman, đã thông báo rời khỏi Ủy ban An toàn và Bảo mật - một ủy ban nội bộ mà OpenAI thành lập vào tháng 5 nhằm giám sát các quyết định về an toàn quan trọng liên quan đến dự án và hoạt động của công ty.

Báo chí - Công nghệ
TikTok đối mặt với phiên tòa có thể quyết định số phận ở Mỹ

TikTok đối mặt với phiên tòa có thể quyết định số phận ở Mỹ

(CLO) TikTok và công ty mẹ ByteDance sẽ phải ra tòa vào ngày 16/9 trong một cuộc chiến pháp lý nhằm ngăn chặn đạo luật có thể cấm ứng dụng này ở Mỹ sớm nhất là vào ngày 19/1 năm sau.

Báo chí - Công nghệ