Phóng viên văn hóa: Nỗi niềm người trong cuộc

Thứ hai, 17/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phóng viên văn hóa là ai? Hoạt động của các phóng viên văn hóa thường gắn với các nghệ sĩ thì liệu công việc tác nghiệp của họ có “nghệ sĩ” hay không? Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên làm mảng văn hóa để thêm hiểu về công việc của họ.

+ Giới làm báo thường đùa vui với nhau rằng cánh phóng viên văn hóa là ít phải chịu áp lực nghề nhất. Điều này theo anh/chị có đúng không?

- Nhà báo Trần Hoàng Hoàng (báo Quân đội Nhân dân): Ngoài áp lực chung của bất cứ người làm báo nào là sự nhanh chóng, chính xác, phóng viên văn hóa còn chịu thêm áp lực bởi lĩnh vực văn hóa rất rộng, có chiều sâu đòi hỏi phóng viên phải chịu khó tích lũy kiến thức, kinh nghiệm tác nghiệm, mối quan hệ với các chuyên gia, nhà quản lý.

Nhà báo Trần Hoàng Hoàng.

Nhà báo Trần Hoàng Hoàng.

Nhà báo Lộc Phương Lan (Thông tấn xã Việt Nam): Trong mặt bằng của đời sống hiện nay, phóng viên văn hóa, văn nghệ cũng giống như các nhà báo khác, phải đối diện với rất nhiều áp lực, trong đó, áp lực lớn nhất là về thời gian. Nhà báo cần phát hiện vấn đề và tác nghiệp nhanh, thông tin khách quan, trung thực, và chính xác, có tin bài gửi về cơ quan nhanh nhất. Nhà báo đi làm việc không tính theo giờ hành chính, đặc biệt với phóng viên văn hóa, số lần làm việc ngoài giờ hành chính có lẽ nhiều hơn, vì rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra buổi tối, như một buổi chiếu phim, ra mắt một vở kịch hay một chương trình ca nhạc, văn nghệ… hầu như đều diễn ra vào buổi tối và nhà báo phải đi làm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt gia đình và chăm sóc con cái, nhất là đối với các nhà báo nữ.

- Trần Minh Ước (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Quản trị viên Nhóm Phóng viên Văn hóa – Thể thao & Du lịch): Cũng như các ngành nghề khác trong xã hội, ngoài áp lực về kinh tế gia đình (cơm, áo, gạo, tiền) thì nghề báo nói chung và phóng viên văn hóa-văn nghệ nói riêng còn đối diện với nhiều áp lực trong chuyên môn cũng như các mối quan hệ gia đình.

Phóng viên Trần Minh Ước.

Phóng viên Trần Minh Ước.

Về vấn đề chuyên môn, áp lực lớn nhất có thể kể đến đó là việc tìm kiếm đề tài. Mỗi ngày, trên các trang báo in/báo điện tử có hàng trăm đề tài, chủ đề được phóng viên các báo khai thác và cung cấp đến cho độc giả. Vì thế việc lựa chọn và tìm ra đề tài thu hút độc giả là một việc không hề đơn giản, nó cần kinh nghiệm, sự nhạy bén và khả năng đọc lướt của mỗi phóng viên.

Về mối quan hệ trong gia đình, các hoạt động, sự kiện trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ thường diễn ra vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ. Do đó, thời gian dành cho gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng.

- Nhà báo Vũ Thành Công (báo Tiếng nói Việt Nam): Bên cạnh những áp lực chung của nghề báo, phóng viên mảng văn hóa đòi hỏi phải đi nhiều, hiểu biết sâu, rộng về những lĩnh vực đa dạng trên bình diện rộng. Độc giả hiện nay có kiến thức tốt, nếu viết hời hợt là sẽ bị chê ngay.

Nhà báo Vũ Thành Công.

Nhà báo Vũ Thành Công.

+ Nếu phải nói đôi lời về cái gọi là lợi thế và điểm yếu của một phóng viên văn hóa, các anh/chị sẽ nói điều gì?

- Nhà báo Trần Hoàng Hoàng: Lợi thế của phóng viên mảng văn hóa là dường như không thiếu đề tài để viết, hoàn toàn có thể viết hay, bút pháp phóng khoáng hơn làm “mềm mại” tờ báo, tạo dựng được các chuyên mục hay. Nhưng điểm yếu là ít đề tài “nóng”, ít được xã hội quan tâm so với các mảng đề tài khác như chính trị, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên làm được đề tài “nóng” hay không phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố cần thiết là khả năng chuyên môn của phóng viên, không có chuyên môn vững thì khó làm “nóng” được vấn đề.

- Nhà báo Lộc Phương Lan: Phóng viên mảng văn hoá thường không phải đối mặt với những nguy hiểm như một số mảng khác. Tuy nhiên, phóng viên văn hoá có thiệt thòi là ở nhiều toà soạn, cơ quan báo còn chưa coi trọng mảng văn hoá. Thậm chí tôi đã từng nghe một Tổng biên tập nói rằng, ở toà soạn của họ, mảng văn hoá không quan trọng, nên phóng viên văn hoá có cũng được mà không có cũng chẳng sao... Điều này khiến cho các phóng viên theo dõi văn hoá thường bị xem nhẹ, và điều này, ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như nhiệt huyết khi làm nghề của phóng viên.

Nhà báo Lộc Phương Lan.

Nhà báo Lộc Phương Lan.

- Nhà báo Vũ Thành Công: Về mặt hình thức thì các vấn đề văn hóa có vẻ ít liên quan tới các vấn đề thời sự, nội chính, thế nên các vấn đề thường được xem là ít liên quan tới khái niệm “nhạy cảm chính trị”. Nhưng cũng chính vì  vậy mà các vấn đề trực tiếp của đời sống văn hóa ít được quan tâm đúng mức; bản thân các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa cũng ít có khả năng tạo ra tiếng nói xã hội.

- Phóng viên Trần Minh Ước: Phóng viên mảng văn hóa-văn nghệ có lợi thế nhiều hơn so với phóng viên các mảng khác. Hoạt động, sự kiện mảng văn hóa văn nghệ diễn ra liên tục, hàng ngày nên phóng viên có đủ số lượng tin/bài để nộp theo định mức yêu cầu của tòa soạn. Bên cạnh đó, thông tin và dữ liệu của các sự kiện, hoạt động cũng khá đầy đủ, phóng viên chỉ cần những tiếp cận cơ bản cũng có thể khai thác và xử lý thành tin bài.

Tuy nhiên, điểm yếu của phóng viên mảng văn hóa - văn nghệ đó là rất khó để tìm ra những đề tài độc quyền, mang tính nổi bật, có sức ảnh hưởng và thu hút độc giả.  Đồng thời, do lĩnh vực văn hóa-văn nghệ mang tính chất định tính nên các bài viết của phóng viên chịu sự tác động mạnh mẽ của yếu tố cá nhân (yêu thì viết khen, không yêu thì viết chê).

+ Có nhiều ý kiến cho rằng trên các chuyên mục văn hóa, ngày càng ít những bài bình luận sắc sảo về các vấn đề văn hóa, các bài chân dung thấu đáo về các nghệ sĩ thay vào đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều bài viết theo kiểu PR trá hình, hời hợt. Đây có phải là những nhận xét thực sự chuẩn xác, thưa các nhà báo?

- Nhà báo Lộc Phương Lan: Quả thực, hiện nay, những bài bình luận sâu và hay về các vấn đề văn hóa, câu chuyện văn hóa không nhiều, trong khi các kiểu bài PR hời hợt, đánh bóng, thổi phồng thái quá về một vài nhân vật trong giới giải trí… xuất hiện khá nhiều trên các mặt báo. Đặc biệt là một số bài báo có khuynh hướng câu view thiếu lành mạnh bằng cách đào bới quá sâu vào đời tư văn nghệ sỹ, hoặc dành khá nhiều bài viết tuyên truyền về lối sống thiếu lành mạnh của một số nhân vật… khiến cho công chúng ngán ngẩm. Tuy nhiên, đó chỉ là một số phóng viên của một số báo, trang thông tin, đó hoàn toàn không phải là phác thảo chân dung các nhà báo văn hóa hiện nay. Trên thực tế, vẫn có một đội ngũ đông đảo các nhà báo, phóng viên văn hóa nghiêm túc với nghề, nhất là ở những tờ báo lớn, họ vẫn đang tiếp tục làm rất tốt công việc của họ, lấy ví dụ như việc nhiều nhà báo cùng lên tiếng trong việc tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ di tích bị xâm hại, tuyên truyền, cảnh báo về những hoạt động văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một… góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo vệ văn hóa Việt Nam.

- Nhà báo Vũ Thành Công: Nhận xét này cũng có ý đúng. Khi xã hội phát triển nhanh, xu thế toàn cầu hóa về văn hóa tác động nên nhu cầu văn hóa của người dân mạnh mẽ, áp lực cuộc sống tác động lên nhu cầu văn hóa có xu thế giải trí nhiều hơn là đi tìm kiếm chân giá trị của văn hóa. Mặt khác người dân có quá nhiều sản phẩm văn hóa mới để trải nghiệm nhưng lại không có đủ thời gian để thẩm thấu các giá trị văn hóa. Do vậy, các bài viết có tính sắc sảo hay có khả năng cải tổ vấn đề xã hội vẫn có nhưng tần suất xuất hiện ít hơn.

- Phóng viên Trần Minh Ước: Trước đây, khi báo điện tử chưa xuất hiện, các thông tin, bài viết đăng trên báo in có sự lựa chọn và kiểm soát chặt chẽ vì hạn chế “đất diễn” nên phần lớn các bài viết được xuất bản đều là những bài có chất lượng, có chiều sâu.

Tuy nhiên, sau khi báo điện tử xuất hiện, các thông tin, bài viết có nhiều “đất diễn” hơn, nó không bị hạn chế về số từ, số trang như báo in trước đây. Mặt khác, các thông tin cũng được cập nhật liên tục từng phút, từng giây nên đã vô tình tạo ra nhiều bài viết PR hời hợt, cẩu thả. Thế nhưng không phải vì thế mà các bài viết chuyên sâu, có chất lượng bị giảm đi. So với thời kỳ trước, số lượng các bài viết này không giảm mà còn tăng lên, bị “trộn lẫn” với hàng loạt các thông tin khác.

- Nhà báo Trần Hoàng Hoàng: Viết báo khó tránh chuyện PR. Phóng viên văn hóa nào mà chẳng PR, khi thì đơn giản là thích một nhà văn nào đó, người này mới ra sách mới thì viết thôi; hoặc một ông anh đạo diễn mời đến xem phim mới ra rạp chẳng lẽ không viết bài điểm phim; rồi viết theo hợp đồng quảng cáo nữa… Vấn đề PR đến mức nào và ra sao? Trước hết nhà báo cần trung thực với bản thân. Nếu một bộ phim của người quen mà hay thì mình khen là đương nhiên; nếu dở mà không tiện chê bai thì chỉ có cách nói chung chung không khen mà cũng chẳng chê. Điều quan trọng nhất vẫn là trình độ văn hóa của phóng viên đến đâu. Không có nền tảng và hiểu biết thì biết lấy gì mà nhận định nếu như không phỏng vấn chuyên gia? Độ sâu sắc hay hời hợt của bài viết nhận định, bình luận tùy thuộc ở khả năng chuyên môn, kiến thức của phóng viên.

Có thể phóng viên không được đào tạo sâu về điện ảnh nhưng anh ta đọc rất nhiều sách báo về điện ảnh, xem nhiều phim, có sự so sánh đối chiếu và cả tìm hiểu thì tất nhiên anh ta không thể viết một bài điểm phim hời hợt được. Đã làm báo thì phóng viên văn hóa cũng như mảng đề tài khác phải đổi mới cách làm báo đa phương tiện, nhanh nhạy, nhiều mối quan hệ mới theo kịp thời buổi mạng xã hội và các phương pháp truyền thông mới. Tuy nhiên lĩnh vực văn hóa lại đòi hỏi chiều sâu để đưa ra những phân tích, đánh giá mới thuyết phục người đọc. Chính vì vậy, phóng viên văn hóa đòi hỏi nội lực, khả năng chuyên môn cá nhân cao.

Tử Hưng (Thực hiện)

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo