(CLO) Chiều ngày 29/2/2016, ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, xác nhận, cháu Nguyễn Vân Trang (6 tháng tuổi) bị sốc sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem mũi 3, đã qua cơn nguy kịch.
Theo đó, khoảng 7h30’, ngày 21/2/2016, bé Nguyễn Vân Trang 6 tháng tuổi ở Khu 6A, phường Nông Trang, TP. Việt Trì, được gia đình đưa đến Trạm Y tế phường Nông Trang theo lịch tiêm chủng thường xuyên. Tại đây, trẻ được Y sỹ Quách Văn Lương khám phân loại và chỉ định tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 3 và uống vắc xin ngừa bại liệt lần 3 (OPV3).
Sau khi tiêm phòng cháu bé đã được theo dõi 30 phút tại trung tâm theo quy định và không ghi nhận phản ứng phụ sau tiêm, được mẹ bé đưa về đến nhà lúc 9h. Đến khoảng gần 10h cùng ngày trẻ được bón bột, khi ăn vài thìa có dấu hiệu tím tái và nôn. Đến 10h, mẹ bé thấy bé tiếp tục nôn, tím tái, co giật, gia đình vội đưa cháu đến Trạm Y tế phường Nông Trang. Sau đó, cháu bé được đưa vào Khoa nhi Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Phú Thọ, lúc 11h trưa. Tại đây, bệnh nhi được hồi sức tích cực và chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương hồi 19h, được nhập viện Nhi Trung ương hồi 20h45’ cùng ngày.
[caption id="attachment_84232" align="aligncenter" width="640"]
Cháu Nguyễn Vân Trang (6 tháng tuổi) bị sốc sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem mũi 3, đã qua cơn nguy kịch.[/caption]
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chuẩn đoán: TD Shock phản vệ sau tiêm phòng Quinvaxem mũi 3 suy đa tạng và được xử trí: thở máy, điều trị sốc, lọc máu liên tục, cân bằng nước điện giải, kháng histamine…
Ông Lê Quang Thọ, Phó Giám Đốc Sở Y tế Phú Thọ, cho biết: “Đến hiện tại, chúng tôi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Trang hoàn toàn tỉnh táo, tất cả các phương tiện hỗ trợ của cháu đã được bỏ ra, bé ăn được một chút, hết sốt hoàn toàn, nếu không có diễn biến đột xuất xảy ra, khả năng đến cuối tuần bé Trang sẽ được xuất viện. Đây là trường hợp tiêm vắc xin Quinvaxem đầu tiên của Phú Thọ bị sốc thuốc từ khi thực hiện năm 2010 đến nay và rất may mắn bé đã được cấp cứu kịp thời và không nguy hiểm đến tính mạng”.
Theo ông Thọ cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Phú Thọ đã thành lập Đoàn kiểm tra phản ứng sau tiêm chủng của tỉnh, đồng thời chỉ đạo các thành viên trong đoàn khẩn trương tiến hành quy trình điều tra phản ứng sau tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế để báo cáo Hội đồng tư vấn chuyên môn của tỉnh và đã có kết luận sơ bộ bé Nguyễn Vân Trang phản ứng nặng sau tiêm chủng nghĩ đến sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Quinvaxem lần 3.
Đến ngày 24/02/2016, Hội đồng tư vấn chuyên môn tỉnh Phú Thọ đã thống nhất kết luận: Cháu Nguyễn Vân Trang bị sốc sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem lần 3. Nguyên nhân gây sốc là do phản ứng cá thể quá mẫn với vắc xin.
Theo điều tra về vắc xin và thực hành tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Thọ, lô vắc xin Quinvaxem 1453330.01, HSD 27/07/2017 thuộc chương trình TCMR được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vận chuyển giao tại kho Trung tâm YTDP tỉnh Phú Thọ ngày 29/12/2015 với số lượng 12.00 liều, hiện còn 1.702 liều. Lô vắc xin OPV số lô 7881014, HSD 12/11/2017 thuộc chương trình TCMR được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vận chuyển giao tại kho Trung tâm YTDP tỉnh Phú Thọ ngày 27/10/2015 với số lượng 20.000 liều theo đúng các quy định, hiện còn 1.460 liều tại kho. Cả hai loại vắc xin này đã được cấp giấy chứng kiểm định chất lượng của cơ quan có thẩm quyền.
Trong tháng 1 và tháng 2/2016, toàn tỉnh Phú Thọ đã sử dụng 7.201 liều Quinvaxem và 17.980 liều OPV, đến nay chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng khác sau tiêm/uống vắc xin tại 277 xã, phường, thị trấn.
Ông Thọ cho biết thêm, Sở Y tế Phú Thọ vẫn tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn về lợi ích của tiêm chủng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Tuấn Mạnh