Phục dựng điện Kính Thiên: “Giấc mơ” đã đến gần?

Thứ ba, 24/01/2023 16:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Và đến nay, chúng ta đã có thể mường tượng những hình hài đầu tiên về điện Kính Thiên. Câu chuyện phục dựng không gian thiêng này trong vòng 10 năm nữa có lẽ sẽ là hiện thực chứ không chỉ là giấc mơ”- tiết lộ ấy có thể khiến tất cả những trái tim yêu mến di sản rưng rưng xúc động.

Khát vọng nối lại mạch nguồn văn hóa Đại Việt    

Sau giai đoạn đầu tiên “nhận diện” di sản, từ năm 2011 đến nay, chỉ riêng khu vực Chính điện Kính Thiên, các nhà khoa học đã khai quật khoảng 8.372m2 và đã xuất lộ thêm nhiều di tích, di vật. Đây là nguồn tư liệu mới mẻ, mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục điện Kính Thiên.

phuc dung dien kinh thien giac mo da den gan hinh 1

Tái hiện nghi lễ ban quạt trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ trong không gian điện Kính Thiên.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nếu như 10 năm trước, các nhà khoa học còn “lần dò” chưa mường tượng rõ quy mô điện Kính Thiên như thế nào, không gian điện thời Lý, Trần hay Lê sẽ là quan trọng thì đến nay, các nhà khoa học đã xác định được không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và có được những hiểu biết khá cơ bản ban đầu về kiến trúc của nó.

“Kết cấu cơ bản của không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê chính là Đoan Môn - Đan Trì - điện Kính Thiên. Sân Đan Trì của Thăng Long ngày nay chính là sân Đại triều” - PGS.TS Tống Trung Tín nói.

Hiện tại, dấu tích về điện Kính Thiên dễ nhận thấy nhất là phần nền móng kiến trúc trung tâm cao hơn 2m, ở phía Nam là bậc thềm đá chạm rồng đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Dù hiện hữu như vậy, nhưng theo PGS.TS Tống Trung Tín, việc nghiên cứu chính điện Kính Thiên rất phức tạp do bị che phủ bởi các vật liệu kiến trúc qua các thời kỳ.

Trước thực trạng di tích bị vùi lấp trong lòng đất, bị phá hủy do thời gian và những biến cố lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài đã đề xuất phục dựng điện Kính Thiên để có thể hình dung đầy đủ về kinh đô xưa kia và phát huy giá trị của di sản. Đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên cũng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ hơn 7 năm nay.

Là người nghiên cứu lịch sử, tâm huyết với di sản, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trăn trở cho rằng, việc triển khai phục dựng điện Kính Thiên quá chậm trễ. Ông bày tỏ sự lo lắng khi “trái tim của Hoàng thành Thăng Long xưa” chỉ còn dấu tích trên những bậc thềm đá: “Chúng ta đã mắc nợ tổ tiên, nợ di sản thế giới này quá lâu”.

Còn TS. Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nhận định, điện Kính Thiên là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ và lan tỏa nhất của Hoàng thành Thăng Long. Việc nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên và chính điện Kính Thiên có ý nghĩa sâu sắc và đa chiều, khẳng định rõ hơn nữa giá trị di sản này. “Khi nào chưa phục dựng được chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt”, ông Sơn nói.

phuc dung dien kinh thien giac mo da den gan hinh 2

Một số hiện vật gốm và gỗ tìm thấy trong quá trình khảo cổ khu vực Hoàng thành Thăng Long - đây là cơ sở để nghiên cứu, phục dựng điện Kính Thiên.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, tư liệu để phục dựng không gian và chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ, đây là thách thức to lớn. Do đó, cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, truyền thống và kỹ thuật, vị trí dựng lập, tinh thần và cách thể hiện cùng những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản.

“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3 - 5 năm thì trong vòng 10 năm tới, chúng ta có hy vọng phục dựng được điện Kính Thiên” - TS. Nguyễn Văn Sơn kỳ vọng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học cũng cho rằng, chỉ nghiên cứu không thôi là không đủ mà phải có ý chí “làm bằng được” và phải chấp nhận không quá cầu toàn, nếu không thì “thêm 20 năm nữa cũng không xong”.

Từ những mảnh vỡ của lịch sử

Để có cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, diễn giải, ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu phục dựng, giúp truyền tải kết quả nghiên cứu đến ứng dụng thực tế rõ ràng hơn.

Mới đây, nhóm nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và đã đưa ra một báo cáo nghiên cứu, giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Theo đó, dựa trên tư liệu khảo cổ và các manh mối sử học, nhóm tác giả gồm PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và KTS. Nguyễn Quang Ngọc đã nghiên cứu, xây dựng, tái hiện lại hình ảnh khá chân thực về bộ mái, kết cấu các cấu kiện gỗ và tổng thể kiến trúc công trình này.

Nghiên cứu các loại ngói và hình thái bộ mái của điện Kính Thiên, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng, ở Hoàng thành Thăng Long có 3 loại ngói, bao gồm ngói men vàng, ngói men xanh và ngói đất nung. Độc đáo nhất trong số này là ngói hình rồng, nếu ghép ngói dọc thân sẽ được một con rồng hoàn chỉnh, kể cả sừng. Qua phân loại, chỉnh lý, so sánh, nhóm nghiên cứu đã phục dựng mô hình 3D bộ mái điện Kính Thiên với các loại mái rồng men vàng.

phuc dung dien kinh thien giac mo da den gan hinh 3

Đối với hình thái bộ khung đỡ mái, PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định, có tư liệu chắc chắn cho thấy kiến trúc thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng. “Đây là phát hiện rất quan trọng, được xem là chìa khóa để giải mã hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long”, ông Trí nói, đồng thời cho rằng đây cũng là cơ sở khoa học tin cậy trong việc phục dựng khung giá đỡ mái điện Kính Thiên.

Riêng về hình thái kiến trúc, nhóm nghiên cứu đã tham khảo bản vẽ của PGS.TS Tống Trung Tín để đưa ra hai phương án về mặt bằng kiến trúc. Theo đó, phương án 1, điện Kính Thiên có mặt bằng chữ “Công”, gồm 2 điện chính, mỗi điện 7 gian 2 chái, diện tích 1556,8m2, tổng công trình có 138 cột gỗ. Phương án 2, điện Kính Thiên có mặt bằng chữ “Nhật”, quy mô nhỏ hơn với diện tích khoảng 1.188m2 gồm 7 gian, 2 chái, tổng công trình có 60 cột gỗ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra phương án kiến trúc bộ mái chính điện là loại hình hai mái “trùng diêm yết sơn đỉnh”.

“Khi tiến hành phục dựng và sau khi bộ mái được hoàn chỉnh, chúng tôi vô cùng cảm phục tài năng và trí tưởng tượng tuyệt vời của các kiến trúc sư đương thời. Từ đây có thể nói không quá rằng, bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là một công trình nghệ thuật mái nhà đặc sắc theo quan điểm thị giác và cảm quan”, PGS.TS Bùi Minh Trí đánh giá.

Theo KTS. Nguyễn Quang Ngọc, hiện nhóm nghiên cứu đã tái hiện khá đầy đủ kiến trúc phần nổi của điện Kính Thiên. Khó khăn còn lại là sự hạn chế của tư liệu về diện mạo, quy mô và hình thái nền móng bởi lẽ khảo cổ học chưa khai quật khu vực nền điện.

phuc dung dien kinh thien giac mo da den gan hinh 4

Tuy nhiên, KTS Nguyễn Quang Ngọc cũng cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên phải rất thận trọng để đảm bảo công trình gần với nguyên gốc nhất. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã các dữ liệu hiện có, đồng thời tiếp tục khai quật, tìm ra những chứng cứ mới. Tất cả cần sự đầu tư nghiên cứu rất công phu, bài bản, phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu tin cậy để giải đoán, giải thích, đặc biệt là phải có những đầu tư nghiên cứu so sánh và phải thực hành theo tính chuyên nghiệp, có học thuật và khoa học cao. Các phương án cũng phải được thẩm định kỹ càng bởi các cơ quan có thẩm quyền, có sự tham vấn các nhà khoa học và lấy ý kiến của toàn xã hội.

“Từ những mảnh vỡ, những phần sót lại của lịch sử, làm sao để ghép chúng thành một bức tranh hoàn chỉnh không bao giờ là chuyện dễ dàng. Phục dựng điện Kính Thiên là ước mơ, là khát vọng của tất cả các nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân. Và đến nay, chúng ta đã có thể mường tượng những hình hài đầu tiên về điện Kính Thiên. Câu chuyện phục dựng không gian thiêng này trong vòng 10 năm nữa có lẽ sẽ là hiện thực chứ không chỉ là giấc mơ”, KTS. Nguyễn Quang Ngọc nói.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

400 ngôi nhà tại 'Làng du lịch tốt nhất thế giới' bị ngập trong biển nước

400 ngôi nhà tại 'Làng du lịch tốt nhất thế giới' bị ngập trong biển nước

(CLO) Do ảnh hưởng bão số 4, hơn 400 ngôi nhà tại “Làng du lịch tốt nhất thế giới” Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị ngập sâu trong biển nước.

Đời sống văn hóa
Tác phẩm về Nguyễn Bính đoạt giải lý luận, phê bình văn học 2023

Tác phẩm về Nguyễn Bính đoạt giải lý luận, phê bình văn học 2023

(CLO) Cuốn sách "Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã xuất sắc đoạt giải B tại Lễ tặng thưởng tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng cao năm 2023.

Đời sống văn hóa
Bị tố 'chặt chém' đoàn từ thiện, chủ nhà hàng ở Yên Bái nói gì?

Bị tố 'chặt chém' đoàn từ thiện, chủ nhà hàng ở Yên Bái nói gì?

(CLO) Sau bài đăng của một tài khoản trên mạng xã hội tố cáo nhà hàng Hiền Anh ở Yên Bái chặt chém đoàn đi từ thiện lũ lụt gây xôn xao dư luận. Chủ nhà hàng đã chính thức lên tiếng và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chức năng.

Đời sống văn hóa
Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc

Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc

(CLO) 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xuất sắc vừa được trao tại Nhà hát Hồ Gươm nhằm tôn vinh, khích lệ các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình có tác phẩm chất lượng cao và các cơ quan báo chí, xuất bản trong năm qua.

Đời sống văn hóa
Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

(CLO) Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong gần một tháng với nhiều chương trình âm nhạc, thể thao và xúc tiến các hoạt động du lịch. Trong đó có không gian hoa, phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang.

Đời sống văn hóa