Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (P.8)

12/09/2015 23:21

Lại nói việc ở thành Tống Bình. Kể từ khi hạ độc giết quân sư Quách Kiên, Trương Bá Nghi ngày một ngang ngược. Y tự cho mình là chủ đất An Nam nên tự tung tự tác không việc gì không dám làm.

Phùng Văn Khai

Hồi thứ mười:Thành Tống Bình, Bá Nghi đặt mưu gian

                       Châu Đường Lâm, Phan Đường hiến kế lạ

(CLO) - Lại nói việc ở thành Tống Bình.

Kể từ khi hạ độc giết quân sư Quách Kiên, Trương Bá Nghi ngày một ngang ngược. Y tự cho mình là chủ đất An Nam nên tự tung tự tác không việc gì không dám làm.

>>> Tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (P.7)

Phung Vuong 1

Phó tướng Trương Thành sau vụ việc Quách Kiên được y tín nhiệm phong làm Đại tướng. Trương Thành thân làm đại tướng nhưng lòng dạ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì biết Trương Bá Nghi tâm tính khó lường, việc giữ được mạng sống cũng không phải dễ dàng gì. Một hôm, khi đang đôn đốc đám phu phen gia cố góc thành phía nam thì có lệnh triệu tập của Trương Đô hộ sứ. Trương Thành vội vã vào nơi soái phủ. Trương Bá Nghi bệ vệ ngồi trên chiếc ghế chạm trổ rồng phượng phủ gấm đỏ không nói nửa lời. Trương Thành toan quỳ xuống thì Bá Nghi hất tay bảo:

- Đại tướng quân bất tất phải quỳ lạy, kẻo mai kia có kẻ sàm tấu về triều là ta lạm quyền sử dụng nghi vệ thiên tử ắt bị trách phạt. Chỉ cần Đại tướng quân dốc một lòng một dạ vì Trương gia là được rồi.

Trương Thành khúm núm đỡ lời:

- Bỉ chức được đại quan tin dùng là phúc ấm của tổ tông vậy. Mai này dù có nhảy vào núi đao biển lửa cũng không dám từ nan.

Trương Bá Nghi cười lên sằng sặc:

- Thì tổ tiên ngươi với tổ tiên ta chả là một đấy thôi, việc gì phải khách sáo. Ngươi nên nhớ họ Trương chúng ta, từ xưa đến nay đều luôn phải khom lưng cúi đầu ở đất Trung Nguyên đã hàng nghìn năm. Ngươi cũng phải nhớ rằng, xưa kia há chẳng phải Trần Bá Tiên cũng từng vô danh đó sao, cũng từng được cử xuống đây làm Đô hộ sứ đó sao? Thế mà biết mấy huân công, đánh đông dẹp bắc, bình định Vạn Xuân, lấy nước của Lý Nam Đế dễ như trở bàn tay. Họ Trần kia khởi lên từ vùng đất nào mà lừng lẫy đến vậy? Rồi họ Trần cơ mưu quyền biến, nhân loạn Hầu Cảnh mà thao túng triều Lương. Do có công dẹp được loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên được phong chức Tư không. Không những thế, họ Trần còn kết thông gia với Đại thần Vương Tăng Biện chủ trương việc phế lập vua theo ý mình khiến nội bộ triều Lương loạn lạc. Tiếp đó, họ Trần tàn ác xuống tay với cả Vương Tăng Biện rồi giết quách thông gia tiếp tục chơi trò phế lập vua để củng cố quyền lực chức tước, làm Thượng thư lệnh, Đô đốc kiêm Thứ sử Nam Từ và Dương Châu.

Đó là bên ngoài. Bên trong, quyền lực thực sự của cả vương triều đã nằm trong tay họ Trần đến bảy tám phần. Liên tiếp khuấy đảo như vậy, Trần Bá Tiên cậy vào võ công và thực lực, đến tháng 10 năm 557 đã ngang nhiên phế Lương Kính Đế, tự lên ngôi lập ra nhà Trần, xưng là Trần Vũ Đế. Nói thế để ngươi thấy họ Trương chúng ta cũng phải có khí phách của mình. Nay Đường triều tiếng là phân phong cho họ Trương nhưng thực ra là bắt họ Trương phải gánh vác việc nặng nhọc nơi cùng trời cuối đất, nơi lam sơn chướng khí, thực chất là làm con chó giữ đất cho Đường triều mà thôi. Nơi xa xôi vạn dặm giữ được mạng sống đã khó mà nếu có sơ suất gì thì cái họa tru di càng không tránh khỏi. Các đại quan ở Đường triều cũng không ưa thích gì Trương gia ta. Phải rất cẩn thận. Phải mưu cao kế hiểm mới có ngày mở mặt mở mày lên được.

Trương Thành vẻ mặt đầy xúc động khi thấy Trương Bá Nghi tỏ lộ ý chí gian hùng của mình. Y dè dặt cất lời:

- Trương đại quan nhân quả là nhìn xa trông rộng. Theo ngu ý của tiểu tướng thì chúng ta chỉ có một nước cờ duy nhất là tự cường ở cái đất chó ăn đá gà ăn sỏi này thôi. Đợi khi có thời cơ, có đủ binh hùng tướng mạnh, tất Trương đại quan nhân sẽ tung hoành trong thiên hạ, khai sáng họ Trương, lập lên đại nghiệp cổ kim chưa từng thấy mới thỏa lòng mong ước của mạt tướng.

Trương Bá Nghi bật dậy tiến tới vỗ vai Trương Thành:

- Khá lắm! Quả là ngươi rất hiểu những suy nghĩ của ta. Theo tin tức mà ta nắm được, Hiệu úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình kề sát đất của ta đây là kẻ dã tâm cũng không vừa. Tiếng là vâng mệnh Hoàng đế dồn quân trữ lương để sẵn sàng giúp đỡ Tống Bình khi có biến nhưng thực ra họ Cao chỉ muốn ăn tươi nuốt sống đất đai sản vật của ta. Hôm trước, y còn cả gan giả mệnh Hoàng đế đốc thúc ta việc cống nạp đồ sản vật. Cao Chính Bình cũng là mối lo trong xương tủy của ta. Mà ta không lý gì khởi binh đánh hắn được. Phía nam thì lũ giặc Chà Và bên ngoài giả vờ giả tảng thần phục xin thông thương Đường triều nhưng luôn mấy năm nay chúng chỉ tiến cống những thứ đồ vớ vẩn thực chất là thăm dò hư thực binh lực của ta để hễ có thời cơ là cướp đất cướp thành. Ngay vùng Đường Lâm kia có xa xôi gì mà nghe đâu viên tùy tướng họ Phùng của Mai Hắc Đế xưa đang cố kết lòng dân, trưng tập lương thuyền, an dân mở đất, luôn mấy năm nay thế lực đã mạnh lắm. Một dải thượng du châu thổ y chiếm được địa thế hiểm trở, lòng dân hướng về cũng là một mối họa trong xương cốt vậy. Đấy ngươi xem, Trương gia ta chỉ một sơ suất nhỏ ắt chết không có đất chôn. Không biết ngươi có cao kiến gì chăng?

Trương Thành càng nghe mặt mày càng tái xám lại. Trong lòng tuy y cũng không khỏi khiếp phục sự đoán định sâu sắc của Trương Bá Nghi nhưng y cũng thầm nghĩ chắc rằng Trương đại quan nhân đã nói ra tất đã có mưu sâu kế lạ để đối phó. Y mạnh dạn tâu lên:

- Trương đại quan nhân quả là thần thông, nhìn việc thấu suốt tám cõi. Mạt tướng tuy bất tài cũng xin hiến một kế nhỏ không biết có nên nói ra hay không?

Trương Bá Nghi nhìn thẳng vào mắt Trương Thành.

- Ngươi cứ nói. Ta với ngươi đã chẳng phải là cùng hội cùng thuyền cùng vinh cùng nhục hay sao. Mai kia thành việc lớn chẳng phải ngươi sẽ là trụ cột công thần của Trương gia hay sao mà còn rào đón như thế?

Trương Thành mạnh miệng nói:

- Bẩm Trương Đô hộ sứ! Theo ngu ý của mạt tướng, từ những đoán định của đại quan nhân, mạt tướng cho rằng, kế trước mắt không gì bằng phao tin giặc biển Chà Và khởi xuất binh thuyền chuẩn bị tiến đến vây đánh Tống Bình. Khi ấy, Trương đại quan nhân lập tức cho người đến châu Vũ Định xin binh mã quân lương của Cao Chính Bình. Họ Cao kia không thể không xuất binh vì quy ước của Đường triều. Và chắc chắn y cũng chỉ đưa những ngựa ốm lính già giúp Tống Bình mà thôi. Khi ấy chúng ta sẽ dùng kế mai phục mà giết quách họ Cao đi rồi phao tin họ Cao đã tử trận khi giáp chiến với giặc Chà Và. Tất yếu, những tinh binh mãnh tướng của châu Vũ Định sẽ vì Cao Chính Bình mà báo thù giết giặc Chà Và. Chúng sẽ tương tàn với nhau mà thế cùng lực kiệt. Lúc ấy đại quan nhân mở lòng làm phúc thu phục đám tàn quân tàn tướng của Cao Chính Bình thì làm gì mà Hoàng đế Đại Đường chả phong luôn cho đại quan nhân kiêm quản châu Vũ Định. Một mũi tên bắn ra được lợi năm bảy hướng như thế không biết có hợp ý đại quan nhân không?

Trương Bá Nghi vẻ mặt mừng rỡ nói:

- Ngươi quả là ái tướng của ta. Quả là diệu kế. Nhưng ngộ nhỡ, Cao Chính Bình xuất binh hùng tướng mạnh tiếng là nói giúp ta diệt giặc Chà Và nhưng bất thần đánh úp Tống Bình, cướp đất cướp thành, phao tin ta để mất thành vào tay giặc rồi mới nhân cơ hội đó một mặt dâng biểu xin Đường triều để y kiêm luôn chức tước của ta rồi mới chịu ra quân đánh giặc Chà Và thì sao?

Trương Thành suy ngẫm rồi nói:

- Theo ý mạt tướng, Cao Chính Bình sẽ không thể làm thế vì hai lẽ. Thứ nhất y không thông thuộc Tống Bình bằng chúng ta. Thứ hai y từ xa đến đường sá địa hình đều lạ lẫm tất phải dựa vào sơ đồ chỉ dẫn của ta. Khi ấy chỉ có thể ta mai phục họ Cao chứ không thể để họ Cao mai phục ngược. Tất nhiên Cao Chính Bình sẽ rất cáo già thận trọng nên việc có thành hay không còn phải do ý trời nữa.

Trương Bá Nghi trầm ngâm một lúc nói:

- Cũng không còn kế gì khác hay hơn. Chỉ có điều, khi ta phái Đại tướng quân đến cầu xin binh lực của hắn, Đại tướng quân phải tỏ ra đặc biệt nhún nhường mới mong hắn trúng kế của ta.

Được Trương Bá Nghi đích thân gọi là Đại tướng quân, Trương Thành cúi đầu chắp tay nói:

- Mạt tướng sẵn sàng lĩnh mệnh, muôn chết không từ.

*

*    *

Lại nói chuyện Phan Đường cùng Phan Anh và Phùng Hưng theo đường sông ngược lên Đường Lâm.

hinh p.8

Ba thầy trò dong duổi trên sông nước ngày đi đêm nghỉ. Chiếc thuyền gỗ nhỏ bên ngoài trông đơn sơ như những thuyền đánh cá của bà con vạn chài nhưng bên trong được bài trí khá tiện dụng. Ở giữa lòng thuyền kê chiếc bàn gỗ nhỏ vừa sử dụng vào việc ăn uống vừa để Phan tiên sinh lúc đọc sách lúc biên chép thơ ca từ phú. Phía đuôi thuyền, hai thiếu niên ăn mặc giản dị nhưng không giấu được vẻ mặt anh tuấn khoan thai sải từng nhịp chèo. Thuyền đã rời cửa sông Màn Trù khá xa, Phan Anh mới lên tiếng:

- Phùng huynh! Tiểu đệ thật khâm phục huynh không những côn quyền võ nghệ tinh tiến vượt bậc mà văn chất của huynh cũng xuất sắc uyên thâm. Nhiều lần được nghe huynh trò chuyện với thầy mà đệ thán phục quá. Tiểu đệ cùng ông nội vào đất Đường Lâm lần này rất mong được hiền huynh cùng các huynh đệ chỉ bảo thêm cho.

Phùng Hưng khẽ lơi tay chèo nhìn Phan Anh chậm rãi nói:

- Ta cũng như đệ đang ở cái tuổi chỉ thích chạy nhảy côn quyền mà không ưa đèn sách ngẫm ngợi. Nhưng chẳng may chúng ta sống ở thời giặc phương Bắc đang đô hộ dân ta mà muốn đánh đuổi chúng không chỉ dựa vào sức mạnh mà phải có cơ mưu sâu lạ. Ta thấy đệ cũng là người sâu sắc. Ở với đệ đã lâu ta biết chí của đệ cũng không phải tầm thường. Mai này vào Đường Lâm mong đệ tiếp tục sát cánh bên ta cùng huynh đệ Đường Lâm học hỏi luyện rèn. Ở đó cũng có nhiều bậc thầy đức độ, nhiều huynh đệ tài giỏi lắm.

Phan Anh nhìn Phùng Hưng nói rành rẽ:

- Cái chí của huynh mới là chí phi phàm của bậc đại trượng phu cứu nước cứu đời. Đệ tuy bất tài nguyện suốt đời theo huynh mưu việc nghĩa vì dân vì nước. Mọi việc từ nay trở đi đều theo huynh sắp đặt. Đó cũng là tâm nguyện của đệ vậy.

Phùng Hưng xúc động chỉ tay lên đàn chim lớn đang bay theo hình mũi tên ngang trời.

- Đệ thấy không! Sở dĩ đàn chim kia có thể bay được nghìn dặm, vượt qua mọi mưa to gió lớn chính là ở chúng biết hợp nhau bay thành đàn thành đội. Một con chim bay lẻ chẳng thể vượt núi băng rừng. Một người dù tài giỏi đến đâu cũng không một mình làm thành việc lớn. Trăm nghìn cây cối mới góp lên cánh rừng đại ngàn. Nghìn vạn lạch khe miệt mài góp nước đêm ngày mới trở thành sông dài biển rộng. Ta cũng như đệ, cũng thấy rằng để thành công ắt phải có được tấm lòng hướng về của nghìn vạn người dân, nhất là những tầng lớp ưu tú có tài văn võ. Xưa kia thời Hùng Vương sở dĩ được hưng thịnh là nhờ công sức của biết bao thế hệ vua sáng tôi hiền. Tiếp đó đến Trưng Nữ Vương sở dĩ vùng lên đuổi được giặc Bắc giành quyền tự chủ cũng là nhờ có nhiều tướng tài giúp rập. Tiếp đến công cuộc giành độc lập của Triệu Thị Trinh với câu nói nổi tiếng: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không thèm cúi đầu, khom lưng làm tì thiếp người” khiến toàn cõi Giao Châu chấn động, quân Ngô phải chịu nhiều tổn thất, những mưu mô xảo quyệt của Lục Dận nhiều lần bị đập tan khiến giặc phải thốt lên: Hoành qua đương hổ dị - Đối diện Bà Vương nan (Múa giáo đánh hổ dễ - Đối mặt vua Bà khó) đủ thấy khí phách kiên cường bất khuất của vua Bà. Tiếp đến Lý Bí trương cờ khởi nghĩa ở Long Hưng, chiêu mộ hiền tài bốn phương đứng lên giành lại độc lập. Ngay trong những ngày đầu đã có nhiều tướng tài hưởng ứng mà nổi tiếng là tù trưởng Chu Diên Triệu Túc và con trai là Triệu Quang Phục, Quảng Dương môn lang Tinh Thiều, lão đô vật Phạm Tu cùng hào kiệt nơi nơi kéo về Long Hưng gia nhập nghĩa quân. Nhờ có nhiều người tài giỏi giúp sức mà nghĩa quân nhanh chóng lớn mạnh, đi đến đâu giặc tan đến đấy. Thứ sử Tiêu Tư, một tên ác bá cầm đầu đám giặc Bắc đã phải tháo chạy về Quảng Châu. Nhà Lương tức tốc sai hai viên mãnh tướng Tống Quỳnh và Lư Tử Hùng xuất đại binh từ Quảng Châu sang tiêu diệt nghĩa quân hòng lập lại ách thống trị. Quân ta dưới sự chỉ huy của lão tướng Phạm Tu đã đón đánh giặc nơi biên giới khiến Tống Quỳnh và Lư Tử Hùng bị đại bại ở Hợp Phố. Thua binh chết tướng, giặc tháo chạy về nước chỉ còn ba bốn phần khiến Lương Vũ Đế buộc phải uống thuốc độc tự tử. Mới hay rằng, muốn mưu việc lớn đều phải có sự giúp rập của những bậc hiền tài. Ta nói như thế không biết đệ có hiểu không.

Phan Anh chăm chú lắng nghe. Đến khi lời dứt cũng là lúc đàn chim đã bay xa tít tận chân trời nhìn chỉ còn là những chấm nhỏ bèn nói:

- Đệ thật khâm phục hiền huynh không những có trí nhớ phi thường, học một biết mười mà ngay cả những điều căn cốt của đạo làm người, đạo làm tướng đều thông thuộc cả. Được góp chút sức mọn cho đại huynh quả không hối tiếc đã được cha mẹ sinh ra. Huynh cũng đã biết, cha mẹ đệ bị mất trong đám loạn quân ngày giặc Bắc chiếm Tống Bình. Mối thù đó ắt sẽ có ngày đệ phải gắng sức báo. Nhưng mối thù rộng lớn, mối thâm thù giặc Bắc bao năm cưỡi đầu cưỡi cổ dân ta mới là mối thù lớn bất cộng đái thiên. Mai này, dù công cuộc giành lại độc lập có trường kỳ gian khổ đến đâu, có vào sinh ra tử thế nào đệ sẽ một lòng cùng huynh, cùng các lão bá và huynh đệ khắp nơi đánh giặc đến cùng. Đệ tin rằng ngày ấy sẽ không còn xa nữa.

Trong lòng thuyền gỗ, Phan tiên sinh lắng nghe hai thiếu niên ở ngoài trò chuyện mà trong lòng tâm sự mang mang. Có lẽ nào, linh khí tổ tông trời đất đang dồn tụ vào những đôi vai, khối óc anh tuấn trẻ trung kia. Nếu quả thế, đúng là dòng họ Phùng, họ Phan, trăm họ muôn dân của An Nam sẽ sớm có ngày vùng lên cởi ách nô lệ đánh đuổi lũ giặc

Bắc khỏi bờ cõi non sông gấm vóc. Bất giác, Phan tiên sinh ngồi ngay ngắn, lấy bút mực, nghiêm nghị viết mấy câu thơ:

Vận nước thuận dòng sinh vương tướng

Thế nhà hưng thịnh xuất hiền nhân

Non sông gấm vóc liền rường mối

Xã tắc ngàn năm vững trụ đồng.

Sau một đêm cắm sào nghỉ ngơi trên thuyền gỗ, buổi sáng hôm sau, mặt trời còn chưa mọc, ba thầy trò đã nhổ neo nhằm hướng Đường Lâm chèo mải miết. Khi rẽ vào dòng Tích Giang, Phan tiên sinh chỉ thấy đôi bờ cây cối rậm rạp, khỉ vượn quăng mình nô rỡn tràn ra cả những lùm cây rùm ròa sát lòng sông, chim chóc náo nhiệt ồn ào đập cánh bên này bên kia hai bờ nước biếc. Thi thoảng có những loài chim sặc sỡ lao thẳng xuống mặt nước rồi đột ngột ngóc lên mỏ quặp chặt con mồi cánh xòe vẫy nước rào rào. Phan tiên sinh buột miệng:

- Quả là sơn thủy hữu tình. Ta vẫn nghe hai bên dòng Tích Giang nhiều chim quý thú lạ, núi Tổ Ba Vì hùng vĩ linh thiêng là nơi linh khí đất trời hội tụ quả không sai vậy.

Hai tay chèo thiếu niên nhịp nhàng mải miết. Chiếc thuyền gỗ như lướt trên mặt sông. Mồ hôi của hai chàng trai trẻ đã rịn ra bên ngoài tấm vải thô nâu buộc chéo hờ trên vồng ngực. Phùng Hưng dáng người chắc đậm, bắp chân bắp tay hằn rõ như một tráng sĩ thực thụ. Phan Anh mềm mại hơn nhưng thân hình cá trắm dày dặn hứa hẹn sau này sức lực hơn người. Đến gần trưa, Phùng Hưng trỏ tay về khoảng sông rộng phía trước, nơi có đến vài chục chiếc thuyền gỗ lớn nhỏ bập bềnh ẩn hiện trên sóng nước. Trên những thuyền gỗ ấy, thấp thoáng những tráng đinh đang nhảy từ thuyền nọ sang thuyền kia với dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Phùng Hưng chỉ tay nói lớn:

- Ắt hẳn có Vũ tráng sĩ ở trong đám kia rồi.

Phan Anh ngơi tay chèo, căng mắt nhìn về phía trước. Phan tiên sinh cũng rời lòng thuyền đi lên mũi khum tay che mắt nhìn về phía đám thuyền lớn nhỏ còn lờ mờ tít tận nơi xa hỏi:

- Phải chăng Phùng trại chủ đã mệnh lệnh cho Vũ tráng sĩ gấp rút đóng thuyền thành lập đội quân thủy chăng?

Phùng Hưng phấn chấn nói:

- Thưa thầy Phan, đúng là gia phụ đã có ý thành lập đội quân thủy từ lâu ở các bến sông, cả vùng thượng du và hạ du nên thường dùng thuyền giúp rập người dân vận chuyển lương thực, hàng hóa, sản vật hai bên bờ sông đã hàng chục năm nay rồi.

Phan tiên sinh trầm ngâm nói:

- Quả là Phùng trại chủ suy nghĩ sâu xa. Đuổi giặc Bắc, đuổi lũ giặc biển Chà Và ắt phải có thủy binh mạnh, thành thạo chiến đấu cả dưới nước cả trên bộ mới là kế lâu dài. Nước ta dân ta vốn trên bến dưới thuyền, thạo nghề sông nước, sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm cá. Thủy binh ta mạnh ắt Tống Bình không thể chịu được sự vây hãm dài lâu. Ta thì cơ động liên tục, tiếp tế không dứt, lương thảo chứa trong lòng thuyền khắp các vùng sông hồ, chúng dần dần cạn lương thiếu binh tất bại vong. Vũ hiền đệ lại là người tài giỏi, thành thạo các sông hồ luồng lạch thì phần thắng ắt nằm trong tay nghĩa quân. Để gặp Phùng trại chủ ta phải bàn thêm mới được.

Lời còn chưa dứt, chiếc thuyền gỗ nhỏ đã tấp sát vào một chiếc thuyền lớn được neo chắc chắn giữa khoảng sông rộng như một cái vụng. Đây là khúc quanh của dòng Tích Giang mà Vũ Khánh đã chọn làm bãi đóng thuyền đồng thời là nơi luyện tập cho lũ tráng đinh thạo sông nước.

Ba thầy trò chưa kịp leo lên thuyền lớn đã thấy Vũ Khánh không biết từ đâu xuất hiện. Vũ tráng sĩ tươi cười chắp tay cung kính nói lớn:

- Thay mặt Phùng trại chủ xin kính chào Phan tiên sinh cùng các công tử. Sáng nay, Phùng trại chủ cử tiểu đệ đón Phan tiên sinh ở đây. Mời Phan tiên sinh lên thuyền lớn.

Phan tiên sinh thong thả nhún mình lên chiếc thuyền lớn. Bộ pháp tiên sinh nhanh gọn lắm. Vũ Khánh đưa ánh mắt thán phục nhìn rồi tiến tới lần nữa thi lễ:

- Chúc Phan tiên sinh mạnh khỏe!

Phùng Hưng và Phan Anh cũng nhún mình rời khỏi thuyền nhỏ đứng sát phía sau Phan tiên sinh vòng tay thi lễ:

- Cảm ơn Vũ tráng sĩ đã ra bến đón mấy thầy trò chúng tôi.

Phan tiên sinh thư thái nói:

- Phùng trại chủ thật giỏi đoán việc, đã biết ngày này giờ này Phan mỗ cùng hai học trò tới đất Đường Lâm còn cử Vũ tráng sĩ ra tận bến sông đón về. Không biết Phùng trại chủ cùng các lão trượng, chư vị huynh đệ Đường Lâm có được an khang không? Việc xẻ gỗ đóng thuyền, trưng tập tráng đinh của Vũ hiền đệ đã được mấy phần rồi.

Vũ Khánh khẽ khoát tay ra hiệu cho các tráng đinh chèo chiếc thuyền lớn theo dòng sông Tích đi về phía Đường Lâm đoạn nhã nhặn mời ba thầy trò Phan tiên sinh vào trong khoang thuyền mới thong thả nói:

- Thưa Phan tiên sinh, thưa các công tử, nhờ ơn trời đất, Đường Lâm năm nay được mùa lớn, người dân nhà nhà no ấm, kho lẫm đầy chật, các vị bô lão trong vùng và Phùng trại chủ vẫn mạnh khỏe, an khang. Còn như công việc xẻ gỗ đóng thuyền, rèn luyện tráng đinh Phùng trại chủ giao cho tiểu đệ cũng chỉ mới tiến hành được có vài phần, rất mong tới đây Phan tiên sinh chỉ bảo thêm cho.

Phan Đường tươi cười chỉ ra ngàn ngạt thuyền bè trên vụng sông Tích Giang khoáng đạt nói:

- Vũ hiền đệ quả là quá khiêm nhường. Chỉ nhìn vào hơn trăm thuyền gỗ trên sông với hơn ngàn tráng đinh thuần thục khí thế vững vàng đủ biết tài năng của đệ. Hôm trước, đã được chứng kiến tài bơi lặn và thần lực của đệ khi xử lý đoàn cống sứ Chà Và ta không khỏi phục thầm. Quả Phùng trại chủ có phúc phận hơn người. Cũng thật may cho dân nước ta có được những người tài giỏi như Vũ tráng sĩ.

Vũ Khánh có vẻ hơi bẽn lẽn cười nói:

- Phan tiên sinh quá khen rồi. Tâm đức của Phùng trại chủ mới là lớn rộng sâu dày. Tiểu đệ chỉ đóng góp một chút sức mọn nhưng cũng xin cố gắng vì việc lớn của các đại huynh.

Chuyện trò thân mật, kẻ nói người cười, chẳng mấy chốc chiếc thuyền đã áp sát vào một bến nhỏ. Vũ tráng sĩ đứng dậy nói:

- Mời Phan tiên sinh và các công tử rời thuyền. Phùng trại chủ đang đợi Phan tiên sinh.

Phan tiên sinh cùng Vũ Khánh và hai thiếu niên vừa bước ra khỏi lòng thuyền chưa kịp lên bờ đã có tiếng cười và một giọng ấm vững cất lên:

- Xin kính chào Phan tiên sinh! Phan tiên sinh không quản ngại đường xa đến thăm tệ xá Phùng gia thật là hân hạnh quá.

Phan Đường giật mình nhìn lên thấy Phùng trại chủ cùng một vị lão trượng râu tóc bạc phơ đứng ngay sát mép nước từ lúc nào không khỏi xúc động chắp tay thi lễ:

- Phùng trại chủ đã ưu ái kẻ học trò áo vải này. Thật xấu hổ để trại chủ phải ra đón tận đây.

Phùng trại chủ trang nghiêm nói:

- Phan tiên sinh đến đất Đường Lâm là vinh dự của Phùng gia cùng muôn dân ở đây. Mời tiên sinh vào trong tệ xá ta cùng nói chuyện cho thỏa lòng mong nhớ.

Đoàn người bước lên bờ. Phan Đường tiến đến sát cụ già râu tóc bạc phơ thi lễ nói:

- Đây có phải là lão tiền bối Đỗ Anh Doãn chăng? Mấy bậc huynh trưởng cao niên đất Màn Trù, Chu Diên vẫn nhắc nhiều đến lão tiền bối.

Phùng trại chủ vội đỡ lời:

- Lão huynh đây là Đỗ Anh Doãn, huynh trưởng của Phùng mỗ. Người xưa thường nói, đất tốt lành chim đến đậu, người hiền đức tiếng vang xa quả không sai vậy.

Lão nạp Đỗ Anh Doãn ân cần tiến tới nắm bàn tay của Phan Đường xúc động nói:

- Lão nạp già rồi còn được các vị huynh trưởng đất Màn Trù, Chu Diên nhắc đến quả thật đáng xấu hổ. Lão cũng đã nghe Phùng trại chủ nói nhiều về Phan tiên sinh. Phùng trại chủ đã tin cậy phó thác gửi công tử để tiên sinh rèn cặp thành người quả là hồng phúc tương sinh giữa Đường Lâm và Màn Trù, Chu Diên. Nay tiên sinh đã đến Đường Lâm ta, lão nạp mong được tiên sinh dần dần chỉ giáo thêm cho.

Hai bên giao đãi, câu chuyện ngày một thân tình, nồng đượm. Đoàn người vừa trò chuyện vừa đi về tư dinh của Phùng trại chủ cũng là lúc mặt trời sắp sửa đứng bóng.

Sau mấy tuần trà, Phùng trại chủ đứng dậy trang trọng nói:

- Thưa Đỗ huynh, thưa Phan tiên sinh, Phùng mỗ nhờ ơn đức tổ tông may mắn được tiếp kiến các bậc hiền tài trong thiên hạ. Huynh đệ ta ở đây đều đã hiểu những tâm sự riêng chung việc nước việc nhà nên miễn cho Phùng mỗ phải nói nhiều. Luôn mấy hôm nay, Phùng mỗ và Đỗ huynh dự kiến khi gặp Phan tiên sinh sẽ xin cao ý của tiên sinh cho công cuộc đuổi giặc Bắc giành quyền tự chủ. Xin tiên sinh hãy vì dân vì nước mà chỉ giáo cho.

Phan tiên sinh sửa sang vạt áo cho ngay ngắn đĩnh đạc cất lời:

- Thưa Phùng trại chủ, thưa Đỗ huynh. Từ thượng cổ, dân ta nước ta luôn phải chịu cảnh lầm than xiềng xích của lũ giặc phương Bắc. Cũng không ít anh hùng hào kiệt nước Nam ta vùng lên đánh đuổi được chúng, hưng nước chăm dân giữ gìn cương vực. Từ thời Hùng Vương, tiếp đó đến thời An Dương Vương, tiếp đó đến thời Trưng Nữ Vương, tiếp đó đến triều đại Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế… thời nào cũng có những bậc anh hùng, vua hiền, tướng giỏi dựng nước, an dân. Nhưng lũ giặc phương Bắc xảo quyệt luôn muốn đô hộ dân ta. Dã tâm biến nước ta thành châu quận của chúng, biến dân ta là nô lệ cho chúng. Điều này nghĩ đến thật không sao cầm nổi nước mắt.

Bao nhiêu năm nay, Phùng trại chủ cùng các huynh đệ chắc chắn không một ngày nào không nghĩ đến việc giành lại quyền tự chủ cho dân cho nước. Cứ xem những việc Phùng trại chủ và các huynh đệ âm thầm gắng gỏi trong hàng chục năm qua đủ thấy cái tâm cái chí của Phùng trại chủ. Tiểu đệ tuy ở nơi thôn cùng xóm vắng lõm bõm câu chữ thánh hiền cũng hiểu được công cuộc lớn lao mà Phùng trại chủ cùng các huynh đệ đảm đương. Sau nhiều lần đàm đạo qua thư, gặp mặt, từ việc gửi gắm công tử đến việc tin cậy giao cho xử lý sứ bộ Chà Và, tiểu đệ thấy các bước đi của Phùng trại chủ quả là cao diệu. Thời thế hiện nay có mấy điều xin trại chủ quyết định cho. Thứ nhất, thành Tống Bình sau cái chết của Trương Thuận nhân tâm đã có biến động. Trương Bá Nghi tuy gian ác có thừa nhưng cơ mưu thì không bằng cha hắn tất tay chân sẽ nghi kị, li tán. Tiểu đệ cũng nghe nói viên Hiệu úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình vốn người đa mưu túc kế, giỏi cả văn lẫn võ hẳn lòng tham của nó khôn cùng. Theo quy định của nhà Đường, khi Tống Bình lâm nguy, ắt Cao Chính Bình phải đem quân tướng của châu Vũ Định tới trợ chiến. Trong lịch sử tương tàn của giặc Bắc, thường các tướng soái của chúng nơi biên viễn không bao giờ chịu nhún nhường nhau, chấp hành mệnh lệnh của triều đình mà chỉ chuyên tâm vào việc tranh giành quyền bính, cướp bóc dân bản xứ, vơ vét vàng bạc châu báu sản vật và lừa thế để chém giết lẫn nhau, củng cố quyền lực, thậm chí giết vua cướp nước như Trần Bá Tiên không phải hiếm. Vậy nên nếu trúng kế của Phùng trại chủ, giặc Chà Và xua binh thuyền vây đánh Tống Bình ắt Trương Bá Nghi phải cầu viện Cao Chính Bình. Khi ấy hành trạng họ Cao sẽ là khó lường nhất, bởi chắc chắn thực tâm của Cao Chính Bình là mượn gió bẻ măng, thừa cơ đoạt quyền phế bỏ Trương Bá Nghi để y thâu tóm đất đai quyền bính. Bề mặt chúng liên quân đánh đuổi giặc Chà Và nhưng bên trong chúng sẽ kẻ nào nuôi mưu kẻ ấy, rình rập để chém giết nhau mà thôi.

Từ suy đoán ấy, tiểu đệ cho rằng đây là thời cơ để Phùng trại chủ mở căn cứ lên các vùng thượng du, đặc biệt là vùng đất Phong Châu, nơi xưa kia thời Hùng Vương từng dựng quốc đô ở đó. Có được vùng đất ấy sẽ giải quyết hai vấn đề lớn binh lực và lương thảo. Tiểu đệ cũng biết Phùng trại chủ đang thực hiện chủ trương này nhưng do e dè quân Tống Bình bất ngờ tập kích Đường Lâm nên chưa dốc hết sức lực tiến về hướng này. Nay tiểu đệ mạnh dạn kiến nghị và xin được cùng công tử trưởng, các tráng đinh tiến lên thu phục các vùng đất thuộc Phong Châu.

Thứ hai, chắc chắn chỉ một hai năm nữa, Chà Và tất sẽ động binh vây đánh Tống Bình, khi ấy cục diện mới sẽ nảy sinh. Nếu quân tướng của Trương Bá Nghi đánh thắng quân Chà Và hắn sẽ có võ công đồng thời hặc tội Cao Chính Bình không xuất binh trợ chiến về Đường triều hẳn Đường triều sẽ cách chức Cao Chính Bình mà giao thêm châu Vũ Định cho Trương Bá Nghi cai quản. Nếu Cao Chính Bình sớm hiểu ra dã tâm của Trương Bá Nghi mà xuất binh, hai mũi giáp công binh tướng Chà Và thì quân Chà Và tất thua chạy. Khi ấy chắc chắn sẽ có một cuộc ác chiến một mất một còn giữa họ Trương và họ Cao. Cũng thật khó đoán bên nào thành bên nào bại bởi lũ giặc phương Bắc thường được giáo huấn bởi cùng một ông thầy nên chúng rất am tường các thủ đoạn xảo quyệt của nhau. Từ đó mà tiểu đệ mới đưa ra kiến nghị Phùng trại chủ trong năm tới tiến chiếm Phong Châu, hưng dân mở đất, tích trữ lương thảo, cố kết lòng dân; mặt Ái Châu, Hoan Châu, Diễn Châu tích cực trưng tập voi ngựa, chuẩn bị lực lượng, huấn luyện kỹ lưỡng đội tượng binh; ở Đường Lâm tiếp tục xẻ gỗ đóng thuyền, rèn luyện thủy binh đồng thời để giặc Bắc và giặc Chà Và tương tàn mới là kế vạn toàn.

Phùng trại chủ mặt đầy biểu cảm. Lão trượng Đỗ Anh Doãn luôn tay vuốt chòm râu bạc gật đầu. Từng lời từng câu Phan Đường nói ra thảy đều đi vào gan ruột của mọi người, đặc biệt là Phùng trại chủ. Vẫn biết những bậc kỳ tài ở nơi màn trướng có thể trù tính được sự mất còn cách xa ngàn dặm nhưng Phùng trại chủ cũng khá bất ngờ với suy tư sắc sảo, sự nhìn xa trông rộng của Phan Đường. Phan tiên sinh đã dứt lời mà mỗi câu mỗi chữ như vẫn còn văng vẳng. Phải một lúc, Phùng trại chủ mới cất tiếng.

- Thay mặt anh em huynh đệ chung mưu việc lớn ta cảm tạ Phan tiên sinh. Tiên sinh quả là thần thông hiếm có. Tiên sinh hiểu Phùng mỗ đây mười phần thì cũng dò được bụng giặc mười phần. Ta quả có lo nếu mở rộng về phía Phong Châu nhỡ khi Tống Bình xua binh tập kích Đường Lâm, Cao Chính Bình xua binh tập kích Phong Châu sẽ vô cùng khốn khó khi hai bề thọ địch. Nay tiên sinh phân tích rõ ràng mới thấy sự hiểm ác, mưu mô xảo quyệt của chúng cũng chính là điểm yếu của giặc để ta có thể lợi dụng. Ý ta nay đã quyết, cứ theo diệu kế của tiên sinh mà làm. Quả là ông trời đã ban tiên sinh cho công cuộc đuổi giặc Bắc vậy. Chẳng hay Đỗ huynh có cao kiến gì chăng?

Lão nạp Đỗ Anh Doãn liên tiếp gật gù vuốt chòm râu bạc trắng thán phục nói:

- Lão hủ quả thật già rồi, hồ đồ rồi! Phan tiên sinh đúng là người hiền mà ông trời ban cho Phùng trại chủ.

(còn nữa)

nguyenphap