Tuyên ngôn văn học đầu năm: Thi ca có thể cứu rỗi thế giới
Tuyên ngôn văn học đầu năm: Thi ca có thể cứu rỗi thế giới
(Congluan.vn) - Trong một lần hàn huyên tâm sự, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bất chợt tuyên bố: “Thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới…”
Đầu năm, nhớ đến tuyên ngôn của ông và đọc lại những bài thơ cũ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 13/02/ 1957 tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học ở Cuba. Hiện ông đang giữ chức vụ : Phó tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi, Uỷ viên Hội đồng thơ , Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng thời, ông từng công tác ở tuần báo Văn Nghệ, Tuần báo Việt Nam (chuyên trang tuần Việt Nam - báo điện tử Vietnamnet.vn).
Bắt đầu viết văn từ năm 1983, Nguyễn Quang Thiều là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Ông nhanh chóng nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu thế hệ mình. Bên cạnh thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng ghi dấu ấn về văn xuôi, tiểu luận, dịch thuật và góp phần quan trọng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Thơ và truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều đã được in thành sách và được giới thiệu trên các tạp chí và báo ở các nước như Mỹ, Pháp, Úc, Ireland, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela. Colombia, Na Uy, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan…Ông quan niệm văn học : “Tôi viết rất nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là: có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới. Điều quan trọng nhất của thơ là tạo ra sự ám ảnh và điều tệ hại nhất là thiếu trí tưởng tượng. Hãy sống, hãy mơ ước và sáng tạo không ngưng nghỉ trong im lặng nếu không có lý do để than thở. Khi nhà văn sống đến từng nào thì họ sẽ viết đến từng đó”. Một số nhà thơ, nhà văn hóa đã nhận xét về Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Duy: Nguyễn Quang Thiều là một tác giả đa tài, sáng tác thơ, văn xuôi, làm báo và anh từng cùng làm với tôi ở báo Văn Nghệ, thuở đó tôi còn thấy anh vẽ tranh. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là Nguyễn Quang Thiều thi sĩ – một thi sĩ nổi bật trong làng thơ đương đại Việt Nam .Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nhà thơ Inrasara: Nhà thơ vừa xuất hiện đã tìm thấy giọng thơ riêng, là điều hiếm. Hiếm hơn nữa, khi giọng thơ đó có sức lan toả khá rộng. Với thế hệ đi sau ở miền Bắc, thơ Nguyễn Quang Thiều làm nên sự thể ấy .
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ 5 từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi
Đến nay, ông đã xuất bản khoảng 30 tác phẩm văn học, trong đó gồm thơ, văn xuôi và dịch thuật. Ông đã từng đoạt được các giải thưởng văn học lớn như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa. Giải thưởng Final cho tập thơ The Women Carry River Water của The National Literary Translators Association of America năm 1998 và hơn 20 giải thưởng khác. NB&CL trân trọng giới thiệu vài tác phẩm tiêu biểu của ông:
Bài hát về cố hương(hay là Bản tuyên ngôn về làng Chùa)
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt đẫm
Những ngọn gió hoang mê dại tìm về
Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức một mình
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng
Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi.
Thay lời nguyện cầu
Chúng ta thường chăm sóc những ngôi mộ bằng nỗi sợ hãi và tiếc thương
Nhưng ít người chúng ta nhìn thấy cỗ xe tang lộng lẫy
Trong tiếng trống tưng bừng
Làm thần chết cũng hết phiền muộn
Và tên tuổi chúng ta được khắc trên phiến đá lặng im
Lấp lánh và uy nghiêm
Như tên các vị thánh
Ít hơn nữa những người chúng ta
Tìm thấy âm nhạc tinh khiết trong buổi cầu hồn
Và gương mặt những nhạc công phường bát âm
Đắm say trong thế giới bí ẩn
Và càng ít hơn những người
Sau chén trà buổi tối
Ngồi trên tràng kỷ nghe bài điếu văn viết cho mình
Vang lên với một giọng trầm
Trong một tối mùa thu tuyệt đẹp
Và lúc đó ở bên ngoài cửa sổ
Khu vườn giàn giụa trăng
Họ đã nhìn thấy vẻ đẹp diệu kỳ
Trong những gì luôn đe dọa người khác.
Người thổi kèn rắn
Tựa tường, ngồi ngủ như đã quên thế gian
trên con đường ven biển. Chiếc kèn nằm bên đôi giày rách.
Những gì đã diễn ra khoảnh khắc trước đó
giai điệu cây kèn, điệu múa con rắn, sự quyến rũ của nỗi sợ hãi.
Không trí tuệ, không pháp thuật, không phải những đồng xu,
chỉ sự điên rồ chăng? Của cả hai ta, không lời nào để nói.
Không đánh lừa được ai kể cả kẻ đần độn, chỉ đánh lừa chính mình
Ôi hai ta, những kẻ biết được sự trống rỗng trong âm nhạc ấy, trong vũ điệu ấy
Cả nỗi hoảng sợ ấy cũng không có thực
Bi kịch đến quá sớm khi ngày chưa tàn
Trong chiếc giỏ nhiều màu không còn con rắn nào
Nhưng không vì thế mà mọi chuyện kết thúc
Vẫn tựa tường ngồi ngủ, hỡi người thổi kèn rắn, du khách đến rồi đi
Bóng tối phủ lên người tấm vải đen, người vẫn không thức dậy
Phải chăng chính nọc độc của kẻ trong cuộc đã tìm cách giải thoát cả hai
khỏi sự trống rỗng, dối lừa từng nhân danh những điều huyền diệu.
Một bài tập làm văn
H đang về nhà
Phía trên những vòm lá bất ổn
Treo một bầu trời
Những con chim vừa bay
Vừa xé rách những lông vũ
Và một con khóc
Và một con không đập cánh
Trôi tựa đám mây theo chiều gió
Và một con khác ngủ
Và con bay cuối đàn
Không nói gì
H của một chiều tháng 6
Quá nhiều bệnh viện trong ký ức
Câu chuyện của những cái xác trong nhà xác
Đang tập đánh vần một cái tên
H đang qua ngã tư
Chỉ còn một bước chân cuối cùng
Sẽ sang bên kia đường
Chợt con bay cuối đàn biến mất.
Và không nhìn thấy H.
0h17 phút
1. nhớ con chuột tri kỷ của những đêm hoang tàn và trống rỗng
chạy men theo hè phố lúc một giờ sáng
kẻ lạ mặt dùng ánh mắt thích dòng chữ vô hình lên trán
và tôi trở thành kẻ bị lưu đày trong giấc mộng chính mình
2. đứa trẻ đái ướt sũng tóc tôi rồi bỏ đi
vẽ vào bóng tối một vệt trắng nguệch ngoạc
3. Phấn ngồi bất động dưới bóng của một cái cây ngôn từ
một đám mây những con bướm lấp lánh bay quanh
Như một cậu học sinh trốn lại lớp sau giờ tan học
Phấn đang xoá hết những chữ quen thuộc trên tấm bảng đen
để tìm một từ vựng
Có khả năng làm trống rỗng tất cả
4. Hải Phòng đang chìm. Ôi Hải Phòng…
5. H khóc ở đâu đấy. không làm sao tìm được đôi mắt của H
Như những hạt giống chứa chiếc mầm ánh sáng
Gieo trên cánh đồng mù
Đang tìm cách phá vỡ những cái vỏ
6. Một tiếng gọi từ vùng thẳm sâu không có những cái miệng
Phấn từ từ đứng dậy vươn hai cành cây
Treo đầy những chùm quả tinh khiết
7. Một tấm lưới khổng lồ trôi trên những nóc nhà
Và một con Sơn ca đánh mất giọng nói
rúc sâu trong da thịt chúng ta.
17h 43’
Khi ngước lên thời gian đã biến mất
Nhưng tên bài thơ vẫn còn
Chẳng ghi lại điều gì trọng đại
Cả một ký ức buồn cũng không
Chỉ cảm giác một quen thuộc trôi nhẹ
Trên chiếc xe đẩy tróc sơn
H không thể nào rút chân ra nổi chiếc giày ám ảnh của mình
Một thói quen kích động H
Chiếc kim giây vừa chém một đường
Làm đứt buổi chiều này
Và một giọt máu
Từ từ đầy tròn
Như một nụ hoa sắp nở
nhật ký ghi dưới gốc cây gần quảng trường
Có một bài thơ tôi viết
Trong bóng tối
Của thành phố này
Đấy không phải là đêm
Tôi vẫn nhìn thấy những đám mây nặng
Bò trên những mái nhà thành phố
Và vẫn nhìn thấy
Một người đàn bà
Tắm trong một toilet không có rèm che
Kỳ cọ như tuốt hết da thịt mình
Và vẫn nhìn thấy
Cuộc làm tình ban ngày
Của những kẻ thất nghiệp
Trong chính công sở của họ
Và vẫn nhìn thấy
Nơi ngã tư một chiếc xe tải
Cán nát một cô gái
Nhưng bó hoa cô cầm trên tay
Vẫn nở nốt bông cuối cùng
Và vẫn nhìn thấy
Linh hồn những người đã chết
Xếp hàng trước cổng trụ sở Tòa án thành phố
Và vẫn nhìn thấy phía khuất con đường
Một người đàn bà băng qua
Với một cái bụng lớn
Chứa một đứa trẻ không rõ mặt
Và vẫn nghe rõ
Một tiếng nổ
Và nhìn thấy viên đạn
Chầm chậm khoan thủng một cái đầu
Bên cạnh
10h13’
Không có lý do gì cho sự ra đời của một bài thơ
Nhưng bài thơ đã bắt đầu viết
Bằng chữ đầu của một cái tên
Thường tuyệt vọng khi đi qua nơi này
Một ô cửa rụt rè mở
Và một tiếng rạn vỡ đâu đấy
Trên da thịt không ướp lạnh của H
H ngủ muộn. 10h13 phút chưa dậy.
Những sự sống trôi qua chiếc giường.
Những cái chết trôi qua chiếc giường.
Và H nhìn thấy trong giấc ngủ
Một tấm thân đàn ông nóng rừng rực
Trôi qua chiếc giường và dừng lại
ở một khoảng trên đầu
lúc 10h13 một người đàn bà khác
khỏa thân trong một chiếc giường
đặt ở giữa thành phố
bên một cái chết mặc trang phục Đại lễ
một ghi chép tháng Sáu
Vuông vải trắng khổng lồ trùm kín chúng ta
Ai đó tìm cách xé rách
Những con ong hợp kim sục vòi
Tìm kiếm chút mật
Trong những thân thể hoảng loạn
Chúng ta đang thuộc về một ngày cuối tháng 6
Một đám mây bay ở rất xa
Cất tiếng gọi
Chúng ta biết làm gì lúc này
Cuộc ái ân không thể kéo dài
Cuốn sách đã đọc hết
Đặt giữa chúng ta một chiếc bàn không có mặt bàn
Một đám mây bay ở rất xa
Cất tiếng gọi
Nhưng chỉ có một người trả lời
Với cái miệng giàn dụa
Thức ăn của bữa trưa
những con mồi
Đêm qua những con cá bơi quanh chiếc giường
Ngửi chúng ta rồi bỏ đi
Và bực dọc nói:
Chúng ta không bao giờ ăn những con mồi chết
Chúng ta có chết không ?
Một người thức giấc hỏi.
Nhưng chẳng có câu trả lời nào.
Ngoài bóng một bác sỹ tâm thần ghi bệnh án
In trên bức tường phía đông
Trên đầu chúng ta những con cá
Bơi lùi về qúa khứ
Chúng muốn xem lại hồ sơ những chiếc lưỡi câu
Nhưng chỉ còn lại một nhà kho mục nát
Trong đó một chiếc đồng hồ
Chạy từ lúc chúng ta chưa biết đền thời gian
Giữa bất tận những con mồi
Bầy cá nhắm mắt
Chỉ mở ra khi nghe lệnh
Nhưng một con không chịu nhắm mắt
Trong suốt cuộc săn tìm
Rời bỏ bầy quay lại
Và nói với một con mồi :
- Ngươi đã hết thời gian chết
0h7’
Chạy kiệt sức không ra khỏi cơn đau đầu
Tôi mơ trở về khu vườn ở Dedham tôi mơ chìm trong cỏ
những con bướm tháng Tư bay rợp mặt
Luôn luôn một hơi thở gấp phía sau
Nhưng không bao giờ lên tiếng
Đúng giờ phút này áp chặt vào ô kính một tấm thân trần truồng
Như ai đó dán một tờ giấy trang trí
Một tấm rèm bằng da người
Một ngôi sao phía xa
mặt chiếc nhẫn của H
Không. Đốm lửa đầu điếu thuốc
Tôi đang hút in trên kính.
Nhận ra không phải cơn đau đầu
Ai đó đặt một cái đầu nặng hơn
Vào trong đầu tôi
Và một cái đầu khác nặng hơn nữa
Vào trong cái đầu vừa đặt
lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ
Người hướng dẫn: Được dệt thủ công bởi một người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ
Người mua: Mua lại từ một ông già da đen Cuba ở Havana năm 1986
Chủ nhân: Quà tặng của con trai tôi. Được treo trên bức tường này 21 năm.
Lúc gần sáng tiếng những cành khô gãy
Những con nai cái mùa động đực
Chủ nhân bức thảm 87 tuổi tỉnh giấc uống trà nguội
Những con nai đực ngùn ngụt
Ngôi nhà như không bao giờ mở cửa
Một bà già đi tiểu lần thứ 5, nói:
“Mẹ đau lắm”
21 năm tấm thảm không thay đổi chỗ treo
Người đàn ông 50 tuổi thường trở về và đứng
Trong ngôi nhà nửa bóng tối
Tràn ngập tấm thảm tiếng hô hoán
Và phía sau tấm thảm
Một lưỡi dao lạnh lùng đợi
Và một cái chảo sùng sục sôi
Người hướng dẫn: Những ngón tay người đàn bà mù Thổ Nhĩ Kỳ giờ bị liệt
Người mua: Ông già da đen Cuba đã tự vẫn
Chủ nhân: Tôi chỉ nhớ gương mặt con trai tôi khi nó mở bức thảm ra
Có một người lúc nào cũng rét
Đứng nhìn tấm thảm
Hai bàn chân bị đông cứng trong vũng máu
Ở chân tường
Người hướng dẫn: (đã bỏ nghề)
Người mua: Hình như không phải tấm thảm tôi đã mua
Chủ nhân: Tôi nhìn thấy những người thân đã chết chạy nấp sau những gốc cây trong tấm thảm
Bây giờ là năm thứ 22.
(Trích từ những tập thơ Nguyễn Quang Thiều)
Phùng Hiệu (giới thiệu)
Ghi chú ảnh ; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Á - Phi tại lễ bế mạc đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á - Phi tổ chức tại Cairo, Ai Cập tháng 12/2012.