Inrasara - Khát vọng biển

03/04/2015 10:56

Inrasara - Khát vọng biển

(Congluan.vn) - Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm sinh năm 1957 tại làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông làm thơ từ năm 1978 và có hàng chục tác phẩm văn học giá trị, đặc biệt là văn học Chăm. Ngoài ra, ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, nhà thơ, nhà lý luận phê bình… Ông từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng nghiên cứu có giá trị cả trong và ngoài nước. BBT báo điện tử Congluan.vn trân trọng giới thiệu những bài thơ tiêu biểu của ông đến với bạn đọc.

Phùng Hiệu giới thiệu

Nhà thơ Irasara trong buổi ra mắt thơ Kiều Maily

KHÁT VỌNG BIỂN
                                          Inrasara


Chuyến đi hôm xưa những tưởng chuyến cuối cùng
Sao anh vội xế trưa, đang khi mặt trời đứng bóng!
Thiên kỉ mới mở mênh
anh thì xếp cánh
Hồn vô ưu rơi mất lối chim gầy
Bến bờ hun hút xa, bàn chân bước hẫng
Gió vô tình. Chí hãi chuyển dòng say

Anh quay lại phận gà ăn quẩn
Cối xay xưa đã rệu rã dáng bồng
Đồng xu cũ xài mòn năm tháng
Tự vỗ về sau khuếch tán mây suông

Như nỗi ngày xa mải mê đồng đất
Quên cả nắng trưa đang gọi bóng chiều
Giữa ngổn ngang trũng gò anh hì hục
Thâm canh đời cứ mấy đám ruộng sâu

Lẽ nào hôm qua sang mà mai sau mãi bạc
Phì nhiêu anh vay xin trả cánh đồng người
Hạt vụ này sẽ vãi tung sang mùa khác
Đất quay vạn đời đâu đã hết vòng tươi

Sóng lớp bàn tay lao xao vẫy anh về phía trước
Nhìn đăm đắm anh là những dáng buồm căng
Chắc đậm dòng sông anh chảy tràn biển khác
Chuyến hôm nay

chắc chi đã là chuyến cuối cùng.

Nhà thơ Irasara trong buổi Lễ hội văn hóa Chăm


Đứa Con Của Đất

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glang Anak *
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu **

Lớn lên,
tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em.

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt ***
trái tim đuitôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương !

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

Sài Gòn mùa hè 90

Những Dấu Chân Ơn Nghĩa

Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa / đốt rừng làm rẫy
yêu nhau / sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gởi Mĩ Sơn ở lại.

Rồi người Việt từ phương Bắc tới
lại yêu nhau / nên xóm nên làng

Trước đó
người Sa Huỳnh – không biết từ đâu / về đâu
gốm nung làm dấu chân ơn nghĩa.

Mốt mai

còn ai nữa đến trú.

Tháp Chàm Muôn Mặt


Chế Lan Viên trông dáng tháp gầy mòn
Sara ngó ra tháp nắng
Thu Nguyệt thấy dấu chấm than
một tháp mà có bao kiểu ngộ (và ngộ nhận).


Đôi lúc
nửa đêm
tôi nghe tháp mọc ngang trời.


Tháp Sah Inư sống đời độc thân
có lứa có bạn là Tháp Đôi
lũng Mỹ Sơn tháp ở đại gia đình
làm tam nhân hành thì Ba Tháp
đủ đầy cả thôi mà cứ muốn thất truyền.


Như giấc mộng như lóa mắt
tháp có mặt
như chớp xé như âm vang.


Tháp cho nhà báo đề tài viết báo
số Katê mỗi năm
(tuần chay nào cũng có nước mắt)
kiếm ít tiền xài
cho nhà khảo cổ cơ hội ăn theo
tên tuổi.


Vua Chàm xuống lệnh xây tháp
nghệ nhân (dĩ nhiên cùng vạn công nhân) xây tháp
họa sĩ Đàng Năng Thọ thì vẽ tháp
quần chúng Cham cứ đến Katê lên tháp cúng thần.


Người không học thấy tháp là tháp
người có học thấy tháp vẫn là tháp
thi sĩ thấy tháp là chim.


Đôi khi tháp nhớ nàng Apsara
tháp mong thần Shiva thăm hỏi
họ phố cả rồi
tháp thì ở lại.


Bóng của tháp như dòng sông ma
trườn qua đêm tối những triều đại
đánh thức kí ức các dân tộc
duyên nợ (hay cả không nợ nần gì) với tháp.


Mắt mở trừng vậy thôi - không nói
tháp ngậm im lặng màu tro
im lặng không mùa


Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi
thằng bạn tôi nhìn thấy. Bật nhớ.


700 năm tháp thét gào với bão
300 năm tháp lãng du thế giới cỏ cây
ngàn sau tháp chuyện trò cát bụi.


Rất nhiều tháp Chàm bay ở Sài Gòn, Tokyo, Kabul
bay qua Happy New Year, giữa Black and White
rất nhiều tháp xanh
bay đêm màu xanh, tôi thấy.


Ngọn tháp đổ
tiếng kêu dội vào thành đêm
dội vào trái tim con chim ngủ mê trong oanh liệt của lửa
lay dậy tế bào đôi cánh ngồi rũ
tiếng kêu giữa khuya.


Mùa hạ tháp ở trần nằm
mùa đông tháp ngủ đắp chăn lá cây
không cánh không tay - tháp đứng nắng

ngày mai tất cả cùng bay.


Tân lạc hậu cảm tác
(cảm tác từ Sài Gòn)

Và nỗi nhớ lại dậy lên với nắng
Cho niềm thương đành lịm tắt trong mưa
Em yêu ơi sương sớm đã giăng mờ
Mùa thu nhuộm cả một trời kỉ niệm

Sống cạn kiệt nỗi siêu hình lúng liếng
Đời vô thường anh dệt mộng và mơ
Tà áo dài bay tha thướt đôi bờ
Anh đã chết giữa một chiều rất Huế

Sông vẫn biết trăng trót mang tình bể
Sông có ngờ biển rất mặn và thơ
Tím môi em xa xót cả đợi chờ
Đường thì vắng sao tóc em cứ ngắn

Môi chưa ướt nghĩa là tình sẽ thắm
Hoa sữa nghiêng nghiêng nỗi nhớ nhung chiều
Dưới trăng vàng em tựa cửa cô liêu
Anh bỗng hiểu một tình yêu rất thực

Cà phê đắng heo may chiều du mục….


Trưa, ngồi uống bia hơi một mình tại quán A Sồi,
đọc hậu nhảm nhí tân thi trào, cảm thán
(cảm tác từ Hà Nội)


đêm cắt từng mùa trăng lập thể
sương siêu thực và em
thế giới nghiêng
xiên
miên
điên
em lăn vào anh
mềm như từng phiến thuỷ tinh vỡ

ngoài kia
người mù mang hoang tưởng đen đang hát vào thớ đất
có kẻ khát cơn tội lỗi đi về úp mặt vào sông
nước mắt chảy suốt mùa trăng huyền thoại
có kẻ không hiểu vũ trụ là gì
không biết được ta là ai
quánh đặc nỗi kiếp côn trùng
làm cuộc hành trình hoang hoải
đi tìm mình
tìm
mình

giữa đồng cỏ hư vô ngựa non tung vó
hí vang
bật nhớ
quay lại cắn nát nửa trái tim mình
khi không tìm thấy mình để là mình là chính mình

con dế buồn thèm khóc cuối đêm sương
lũ gián khua râu gặm mòn căn nhà cổ
đôi môi cài then từ mùa yêu năm ngoái
mỏng mòng mong
nhảm nhàm nham
cũ cù cu
mu


chỉ còn nắng thôi nôi ngự trị bảng màu
kết dính em vào anh
chết mấy mùa thu sắp đặt
chuột cống viễn du niềm sa mạc rét mướt
đêm cởi nút gồng mình
nhạc sóng sánh điên mê
giao hưởng tượng trưng chờ sáng.

minhmeo