Cty CP Kinh Đô miền Bắc: Hành trình 10 năm và mục tiêu 7.000 tỷ đồng

03/04/2015 12:18

Cty CP Kinh Đô miền Bắc: Hành trình 10 năm và mục tiêu 7.000 tỷ đồng



Ông Trần Quốc Việt – Tổng Giám Đốc Công ty Kinh Đô Miền Bắc.


10 năm qua với những nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm chinh phục thị trường, Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc đã có được vị trí hàng đầu tại thị trường bánh kẹo miền Bắc, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt trên 30%, nhiều sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đây,  tạo niềm tin cho Kinh Đô đặt mục tiêu mới: Chinh phục thị trường rộng lớn Trung Quốc và cột mốc doanh thu 7.000 tỷ đồng/năm.

Mạnh dạn “xuất quân” ra phía Bắc

Ngày 15/12/2001 đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Tập đoàn Kinh Đô: thành lập Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc. Thời điểm ấy, quyết định này khiến không ít doanh nghiệp hoài nghi về sự thành công của Kinh Đô miền Bắc vì thị trường phía Bắc lúc đó đang thuộc về các thương hiệu lâu năm như Hải Hà, Thăng Long, đặc biệt là làn sóng thâm nhập của hàng Trung Quốc. Vì vậy, đã có ý kiến đề xuất nên tiếp tục xây dựng các đại lý, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị tại thị trường miền Bắc rồi hãy tính đến việc đầu tư quy mô xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, lãnh đạo Kinh Đô đã quyết định phải nhanh chóng thành lập công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc, xây dựng nhà máy sản xuất ở Hưng Yên. Nói cách khác, phải tạo được một “đại bản doanh” ở miền Bắc thì mới có thể hoàn thiện các bước từ sản xuất, tiếp thị, xây dựng các đại lý, cửa hàng đến xuất khẩu, mọi công việc phải được tiến hành một cách bài bản, có chiều sâu thì mới có thể từng bước khẳng định tên tuổi, thương hiệu rồi chiếm lĩnh thị trường được. Ông Trần Quốc Việt- Phó tổng giám đốc  Tập đoàn Kinh Đô, Tổng giám đốc Kinh Đô miền Bắc- cho rằng: “Thành lập năm 2001 với số vốn pháp định ban đầu là 10 tỷ đồng, năm đầu tiên đi vào hoạt động công ty chỉ đạt doanh thu 72 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,8 tỷ đồng. Đến năm 2011, doanh thu dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận là 150 tỷ đồng.  Con số này chứng minh cho sự phát triển mạnh mẽ của công ty qua từng năm và điều đó phản ánh rằng Kinh Đô đã đi đúng hướng trong chiến lược phát triển kinh doanh một cách bền vững và lâu dài. Trong suốt 10 năm mở rộng và chinh phục thị trường miền Bắc, việc nắm bắt kịp thời xu hướng, thị hiếu tiêu dùng, tận dụng tối đa cơ hội thị trường cùng với nền quản trị tốt là những yếu tố quan trọng giúp Kinh Đô miền Bắc liên tục tăng trưởng, giữ vững tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm”.

Sau 10 năm, tổng doanh thu của Kinh Đô miền Bắc đạt trên 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 600 tỷ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 300 tỷ đồng, diện tích nhà máy của công ty liên tục được mở rộng từ 2,3ha ban đầu lên 17ha. Đến nay, Kinh Đô miền Bắc đã xây dựng được hệ thống phân phối vươn rộng tới tất cả các tỉnh, thành phố, huyện thị của 28 tỉnh thành phía Bắc với hơn 20.000 điểm bán và 55 nhà phân phối, 110 điểm bán siêu thị và 10 bakery ở Hà Nội. Sản phẩm của công ty đã xuẩt sang nhiều nước và khu vực trên thế giới như Trung Quốc, Maldiver, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Lào, Hồng Kông…Đặc biệt, các sản phẩm của Kinh Đô đang được người tiêu dùng phía Bắc biết đến là một thương hiệu cao cấp, luôn được ưa chuộng và chiếm được niềm tin với khách hàng. Các sản phẩm đa dạng của Kinh Đô miền Bắc không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của nội địa mà còn đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính trên thế giới. Những điều này một lần nữa cho thấy việc “xuất quân” ra Bắc của Kinh Đô 10 năm trước là hoàn toàn đúng đắn.

3 giải pháp vượt qua khủng hoảng

Năm 2011, mặc dù kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về doanh thu, thị trường tiếp tục được mở rộng, doanh thu dự kiến đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2010, lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2010. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản biệt giữa Kinh Đô miền Bắc và nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo. Theo ông Trần Quốc Việt- Tổng giám đốc Kinh Đô miền Bắc- có được điều này là bởi công ty đã triển khai 3 giải pháp cơ bản nhằm đối phó với thời kỳ khủng hoảng. Thứ nhất là giải pháp “Thâm nhập sâu” (Penetration). Sức mua của thị trường có dấu hiệu giảm thì đội ngũ kinh doanh của công ty càng phải đầu tư, dồn sức nhiều hơn cho việc chiếm lĩnh thị trường. Bất cứ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất nhưng có khả năng bán được hàng đều phải tập trung khai thác. Thứ hai là giải pháp “tập trung” (Focus). Kinh Đô miền Bắc đã tập trung vào những mặt hàng, sản phẩm có khả năng đem lại doanh thu cao và có thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức, ưu tiên đầu tư cho những dự án tạo ra ngay ra doanh số trong thời điểm đó và chỉ tập trung vào những lĩnh vực cần thiết, tuyệt đối tránh đầu tư dàn trải, tránh những dự án quy mô nhưng chưa thể đem lại lợi nhuận ngay. Thứ ba là giải pháp “Quản trị” (Management). Với giải pháp này, Kinh Đô rà soát những hạn chế trong hệ thống quản trị, có thể tinh giảm những công đoạn không cần thiết, tiết kiệm được chi phí sản xuất đồng thời không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy 3 giải pháp trên đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Kinh Đô miền Bắc.

Mục tiêu 7.000 tỷ đồng

Có thể nói, chiến lược kinh doanh của Kinh Đô miền Bắc luôn tạo ra ấn tượng mạnh mẽ. Trong 10 năm tới, có 2 mục tiêu lớn của Kinh Đô miền Bắc khiến bất cứ ai cũng phải chú ý: Doanh thu năm đạt 7.000 tỷ đồng, phát triển thị trường xuất khẩu trong đó lấy thị trường Trung Quốc làm trọng tâm.

Nếu như đạt được mục tiêu thứ hai thì cái mốc doanh thu 7.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 750 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng 20 – 30%/năm trong 10 năm tới của Kinh Đô chắc chắn sẽ thành hiện thực. Những năm qua, công ty đã từng bước thâm nhập và bước đầu gặt hái được thành công tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong những năm tới, công ty tiếp tục mở rộng và củng cố vững chắc hệ thống phân phối tại thị trường nội địa, đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới theo hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đầu tư hơn nữa cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Nhà máy tại Hưng Yên sẽ được Kinh Đô xây dựng thành một tổ hợp sản xuất đồng bộ với nhiều chủng loại sản phẩm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu thị trường phía Bắc và đặc biệt là thị trường rộng lớn Trung Quốc.

Đây thực sự là chiến lược kinh doanh đúng đắn đồng thời cho thấy khát vọng, tầm nhìn lớn của Kinh Đô miền Bắc. Thị trường tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm, bánh kẹo luôn có sức tiêu thụ lớn cần nhanh chóng chiếm lĩnh tạo nền tảng để vươn ra thế giới. Câu chuyện của Kinh Đô miền Bắc đáng để nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở nước ta quan tâm.

Vĩnh Hoàng

minhmeo