Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lệ,Bình Phước: Người mở đường cho du lịch Bình Phước
Phạm Thị Mỹ Lệ, Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lệ,Bình Phước: Người mở đường cho du lịch Bình Phước
Dấu ấn quê hương
Mỹ Lệ sinh ngày 8/3/1958, tuổi Mậu Tuất. Chị nói “Tuổi Mậu thật lắm long đong” và lấy ví dụ là chính cuộc đời mình. Xuất thân là cô thợ may nghèo khó, đến lúc lấy chồng cũng không khá giả gì hơn. Anh Hoa, chồng chị, vốn chỉ là tài xế xe đường dài. Vợ chồng đến 5 mặt con mà chưa thoát nổi cảnh cơm áo gạo tiền hàng ngày. Năm 1990 chị mon men làm hạt điều. Tỉnh Bình Phước (lúc đó còn là Sông Bé) vốn là thủ phủ cây điều, ưu đãi tối đa với những người tách chẻ hạt điều xuất khẩu. Năm 1993, chị thành lập xưởng chế biến hạt điều đầu tiên với 200 nhân công và giàn máy móc cũ kỹ. Trải qua nhiều sóng gió, có khi phải tính đến chuyện phá sản vì thiếu vốn, Công ty Mỹ Lệ đã từng bước đứng vững. Thành công, chị mở rộng sản xuất và bắt đầu đi lên cùng với ngành điều cả nước. Sau này để ghi nhớ “công lao” của cây điều, chị đã cho thiết kế hầu khắp mọi nơi hình ảnh trái điều, từ tượng Di Lặc tay nâng quả điều trong Lâm viên Mỹ Lệ đến sảnh đường, thậm chí phòng ngủ khách sạn Mỹ Lệ ở Phước Long đều có bóng dáng quả điều. Với chị, điều chính là hình ảnh sinh động nhất về quê hương Bình Phước. Đến nay, với ngành điều, Mỹ Lệ vẫn là thương hiệu hàng đầu trong các sản phẩm hạt điều chế biến có mặt hầu khắp các quốc gia trên thế giới.
Bình Phước vốn là tỉnh bán sơn địa, khí hậu khá lý tưởng cho du lịch sinh thái, nhất là cao nguyên Phước Long. Những năm đầu 2000, khi công việc chế biến hạt điều đã ổn, Mỹ Lệ bước sang đầu tư du lịch. Với một vùng đất được ưu đãi lớn từ thiên nhiên với đồi núi trập trùng, phong cảnh và khí hậu lý tưởng lại dồi dào truyền thống lịch sử, Phước Long như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Xung quanh núi Bà Rá là hàng ngàn ha đất rừng cây, thác nước mà tỉnh dành cho khai thác du lịch. Thế nhưng, để đánh thức nó đòi hỏi phải bỏ ra thật nhiều tiền của và công sức. Và quan trọng hơn phải có một “tổng đạo diễn” có tầm nhìn xa trông rộng. Trong lúc ngành du lịch quốc doanh tỉnh vẫn loay hoay với bài toán vốn thì Mỹ Lệ song hành bằng nguồn vốn tiện tặn được từ nhà máy hạt điều. Năm 2003 Mỹ Lệ xây dựng Lâm viên Mỹ Lệ rộng 60ha sau này trở thành khu du lịch sinh thái đẹp và hoành tráng nhất tỉnh. Năm 2004 Mỹ Lệ khánh thành Trung tâm giải trí và Nhà thi đấu đa năng. Ba năm sau, khách sạn tiêu chuẩn 3 sao đầu tiên của Bình Phước mang tên Mỹ Lệ với hơn 50 phòng, ra đời tại Thị xã Phước Long, cách trung tâm Đồng Xoài chỉ hơn 40km và cách TP.HCM khoảng 135km về hướng Đông Bắc. Chị Lệ tâm sự: “Quê hương tôi là Phước Long. Tôi mong muốn ai cũng có được cuộc sống tốt và dốc hết sức mình để thực hiện mong muốn đó”.
“Kính trọng cội nguồn chính là tự tạo phúc cho bản thân mình”
Tôi phải tranh thủ gặp chị ở mọi nơi, bởi hầu như không lúc nào chị không phải tiếp một ai đó. Lúc thì gặp gỡ đối tác tại văn phòng, khi tiếp đoàn khách trung ương viếng thăm. Thỉnh thoảng chị lên tận biên giới Campuchia để tiếp xúc cử tri hay gặp gỡ các nhà kinh doanh trong tỉnh để giới thiệu dự án mới. Chị luôn tất bật bởi làm việc gì cũng rất tận tâm, kể cả chuyện đám cưới một đứa cháu họ hay một món quà cho đối tác quen. Tôi hầu như không thấy chị dành thời gian cho riêng mình. Khi cánh phóng viên chúng tôi lần đầu gặp chị tại sảnh đường Khách sạn Mỹ Lệ là vào buổi tối, chị say mê chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện cuộc sống đến tận 23 giờ. Chúng tôi tỏ ra ái ngại vì chị phải đi hơn 15km nữa mới về đến nhà thì chị nói: “Hầu như đêm nào cũng vậy, tôi chỉ ngủ vài giờ rồi lại tiếp tục công việc”. Không những vậy, “nếp sống” này đã như là “gen” của cả những thành viên trong gia đình. Tiếp xúc bất kỳ nhân viên nào của Tập đoàn Mỹ Lệ, điều đầu tiên mà khách được nghe không phải là sự hoành tráng của các dự án mà tập đoàn đang triển khai mà là cách “đại gia đình Mỹ Lệ” đã làm để đạt được sự hoành tráng đó: Lao động.
Trong định hướng các dự án của mình, dường như hình bóng cội nguồn luôn ngự trị. Chị thường kể về Khu du lịch tâm linh dưới chân núi Bà Rá, nơi chị sẽ đầu tư dưỡng đường dành cho khách cao tuổi và người yêu thích sự tĩnh lặng.
“Họ sẽ có nơi ngồi thiền, tập dưỡng sinh và đi dạo thư giãn. Thế nhưng, điều tôi muốn gởi gắm nơi đây chính là lòng tin của con người vào sự may mắn. Nếu họ thực tâm muốn điều đó thì chắc chắn họ sẽ đạt được”. Mới đây nhất, vào hạ tuần tháng 11/2012 chị đã cho khánh thành Tượng thánh tăng Sivali- một thánh tăng xuất hiện vào thời Đức Thích Ca còn tại vị, theo dân gian mang lại sự may mắn – tại Lâm viên Mỹ Lệ. Chị nói “Việc gì cũng có cội nguồn, kính trọng cội nguồn chính là tự tạo phúc cho bản thân mình”.
Hùng Sơn