Phản bác trái chiều sau phát ngôn của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn

09/12/2016 10:02

Sau khi bài báo “PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn lên tiếng” đăng tải thể hiện nội dung phát ngôn của ông Hoàn liên quan đến những nghi vấn có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) năm 2014, ngay lập tức báo NB&CL đã tiếp nhận những phản bác trái chiều cho rằng ý kiến mà ông Hoàn nêu ra là hết sức có vấn đề và nhiều bất cập.

(NB&CL) Sau khi bài báo “PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn lên tiếng” đăng tải thể hiện nội dung phát ngôn của ông Hoàn liên quan đến những nghi vấn có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) năm 2014, ngay lập tức báo NB&CL đã tiếp nhận những phản bác trái chiều cho rằng ý kiến mà ông Hoàn nêu ra là hết sức có vấn đề và nhiều bất cập.

Hàng loạt bất cập được “mổ xẻ”

Cụ thể, việc PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn khẳng định rằng không hề có hai bản xác nhận giờ dạy của hai Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và ĐH Công nghiệp TP.HCM, còn nếu có thì đó chỉ là bản cắt dán. Phản bác vấn đề này, một nhà giáo phân tích, nếu không có hai bản xác nhận giờ dạy này thì làm sao ông Hoàn có đủ điều kiện để Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (CDGSNN) ngành Sinh học thẩm định theo quy định (đạt đủ thâm niên đào tạo 3 năm cuối).

Ngoài ra, theo “Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2014” (trang 91, khoản 3 Điều 10) có ghi rõ: “Khi xác nhận thâm niên cho ứng viên, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học phải xác nhận rõ nhiệm vụ giao cho giảng viên thuộc diện biên chế và thỉnh giảng, ghi rõ tên môn học, trình độ đào tạo, khối lượng giảng dạy, nhiệm vụ hướng dẫn luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sỹ, đồ án hoặc khóa luận tốt nghiêp đại học…”. Vì vậy, nếu ông Hoàn trả lời khẳng định rằng không hề có hai bản xác nhận giờ dạy là hết sức có vấn đề và không đúng quy định.

Liên quan đến khối lượng giảng dạy, ông Hoàn cho rằng ba thâm niên cuối không thiếu một tiết nào cả và còn dư rất nhiều. Về vấn đề này, một nhà giáo thắc mắc: Trong sách “Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2014” (trang 90 và 91) nêu yêu cầu tối thiểu phải có 50% số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy, phần còn lại có thể quy đổi từ hướng dẫn khóa luận Đại học, luận văn Thạc sỹ, hướng dẫn thực tập... Như vậy, việc ông Hoàn thừa nhận trong năm học 2011-2012 (từ 15/9/2011 đến 15/9/2012) và năm học 2013-2014 (từ 15/9/2013 đến 15/9/2014) chỉ hướng dẫn luận văn thạc sỹ mà không trực tiếp giảng dạy trên lớp thì cũng đồng nghĩa với việc ông Hoàn không đáp ứng được tiêu chí về số giờ giảng dạy trực tiếp trên lớp. Bởi giờ quy đổi từ hướng dẫn luận văn thạc sỹ không được tính là giờ trực tiếp giảng dạy.

[caption id="attachment_137315" align="aligncenter" width="640"]3 Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS. PGS năm 2014.[/caption]

Đặc biệt, việc ông Hoàn trả lời rằng “Tôi thực sự không được biết những bài báo khoa học của tôi được chấm bao nhiêu điểm, bởi bản thân tôi như là người đi thi, các giáo sư mới là người chấm điểm các bài báo khoa học đấy, bao nhiêu điểm, hàm lượng khoa học như thế nào thì các giáo sư sẽ tính điểm”. Cách trả lời này quả thực hết sức nực cười vì bất kỳ một ứng viên nào cũng phải đọc kỹ và biết rất rõ các quy định xét chức danh PGS, nhất là cách tính điểm khoa học và Danh mục tạp chí được tính điểm cho từng năm theo quy định - một nhà giáo nhận định.

Vì vậy, 5 bài báo khoa học mà ông Hoàn đã gửi, nếu dựa theo quy định thì rõ ràng không đủ điểm khoa học, bởi chỉ duy nhất có 1 bài báo nằm trong danh mục tạp chí được tính điểm của ngành Sinh học năm 2014; đã vậy, bài này có chung hai tác giả nên nếu tính điểm tối đa là 0,5 điểm/2 người thì chỉ còn lại 0,25 điểm, tức không đạt theo tiêu chuẩn điểm bài báo khoa học (ít nhất 3 điểm quy đổi từ bài báo khoa học).

Đó là chưa nói đến việc trong 5 bài báo khoa học gửi Hội đồng CDGSNN lại có 2 bài báo trùng hoàn toàn nội dung và kết quả, vi phạm nguyên tắc công bố khoa học vì kết quả nghiên cứu chỉ được gửi đăng 1 tạp chí, không được phép gửi đồng thời 2 tạp chí.

Đã vậy, trong năm học 2012 – 2013 (thuộc thời gian 3 năm thâm niên cuối cũng là thời gian quan trọng để xem xét các tiêu chí PGS). Do bị Bộ Công Thương kỷ luật Cảnh cáo nên đương nhiên ông Hoàn bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” năm học 2012 – 2013 tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Do đó,  căn cứ Luật Giáo dục, liệu ông Hoàn có đạt được tiêu chuẩn nhà giáo không? Một nhà giáo đặt vấn đề.

Có hai tiêu chí chính để làm cơ sở để công nhận chức danh PGS. Một là, có đủ tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ nhà giáo, có thâm niên đào tạo trên 6 năm (trong đó đang có 3 năm thâm niên cuối), có đủ khối lượng giảng dạy hàng năm theo quy định (trong đó phải có trên 50% trực tiếp giảng dạy). Hai là, tổng số điểm tối thiểu của các công trình khoa học được quy đổi là 6 điểm, trong đó ít nhất 3 điểm quy đổi từ bài báo khoa học.

Đối chiếu với hai tiêu chí nêu trên, thì thấy những thông tin “mổ xẻ” trên cho thấy đang có những bất cập thực sự trong việc công nhận chức danh PGS.TS đối với ông Nguyễn Xuân Hoàn.

Chờ kết luận của Hội đồng CDGSNN!

Liên quan đến phát ngôn của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn khẳng định rằng không hề có hai bản xác nhận giờ dạy của hai Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp thực phẩm TP.HCM và ĐH Công nghiệp TP.HCM,  một PGS lâu năm trong ngành giáo dục cho rằng việc xác nhận khối lượng giảng dạy là quy định bắt buộc không thể không có. Bởi việc xác nhận khối lượng giảng dạy do thủ trưởng của một trường đại học ký sẽ chứng minh được là anh có tham gia đầy đủ các giờ giảng dạy của mình hay không. Mặt khác, điều này đã được quy định rất rõ trong tiêu chuẩn đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư hàng năm. Vì vậy, việc bất kỳ một PGS nào phát ngôn cho rằng không hề có bảng xác nhận khối lượng giảng dạy là “hết sức có vấn đề” cần phải xem xét lại.

Hàng loạt thông tin phân tích phản bác trái chiều về trường hợp của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho thấy có quá nhiều điều cần thiết phải làm rõ nhằm tạo sự minh bạch trước dư luận cũng như uy tín cá nhân của PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn.

Hiện tại, liên quan đến vụ việc, Hội đồng CDGSNN đã chỉ đạo Hội đồng ngành Sinh học xác minh, làm rõ những nội dung phản ánh trên để có kết luận trắng, đen rõ ràng trong thời gian tới.

Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chính Kỳ

nguyenhang