Ngụ ngôn về con lừa
Ngụ ngôn về con lừa
1. Truyện ngụ ngôn: Một bác nông dân dắt theo một con lừa ra chợ. Hàng hoá mua được, bác chất một đống to lên lưng con lừa rồi hỉ hả ra về. Trên đường về, gặp ít củi khô, bác dừng lại bốc lên cho lừa chở, nghĩ rằng vậy là thêm được ít chất đốt cho mùa đông tới. Đi một quãng, gặp đống đá bên vệ đường, bác lại chất hết lên lưng lừa, bụng bảo dạ “đá này về làm nền nhà tốt lắm đây”. Con lừa ì ạch lê từng bước. Trời nóng như đổ lửa, bác nông dân cũng mồ hôi nhễ nhại, liền cởi chiếc áo vắt lên lưng lừa. Nhưng lúc này, con lừa không thể chịu được nữa, ngã quỵ. Bực mình, bác nông dân gắt: “Đồ ăn hại, có mỗi cái áo mà cũng mang không nổi”.
2. Chuyện ở Thanh Hóa: Ông HLV Lê Thụy Hải chia tay đội LS Thanh Hóa là điều người ta đã đoán được từ trước vì ai cũng biết tính cách của Hải “lơ”; trong khi đó, giữa ban lãnh đạo đội bóng và vị HLV cá tính này xảy ra quá lắm chuyện vênh nhau.
Khi HLV Lê Thụy Hải về với Thanh Hóa, đội bóng này chỉ đạt ra mục tiêu trụ hạng cho mùa bóng V-League 2011. Nói như ông Hải, ông về Thanh Hóa vừa vì cái tình, vì thích vào chỗ khó và vì “người ta nghèo, người ta cần mình”. Khỏi phải nói dài dòng thì ai cũng biết, LS Thanh Hóa có được thành tích tốt như hiện nay (không chỉ chắc chắn đã trụ hạng mà còn ở nửa trên của bảng xếp hạng và vào đến bán kết cúp quốc gia) có phần đóng góp không nhỏ của ông Hải.
3. Cổ động viên xứ Thanh muốn lúc nào đội bóng của mình cũng đá thật bốc và phải thắng. Đó là lẽ thường. Nhưng trong cuộc đời này không phải cứ muốn là được và bóng đá lại càng như vậy. Lẽ ra những người làm bóng đá phải hiểu hơn ai hết điều quá ư đơn giản đó, giống như ai cũng hiểu con lừa kia quỵ xuống không phải bởi sức nặng của chiếc áo.
Ông Hải chí lý khi cho rằng, đội bóng khi đã hoàn thành mục tiêu thì sẽ giảm động lực thi đấu, dễ dãi với mình hơn- đó là một tâm lý thường có trong mỗi con người.
Con người ai cũng có một sự tham lam (có thể là tham lam tiền bạc, công việc…). Sự tham lam đó là cần thiết để tạo ra động lực cho sự phát triển, cho sự tiến bộ nhưng sự tham lam đó luôn cần phải được khống chế, điều chỉnh. Ai cũng hiểu cú ngã quỵ của con lừa trong truyện ngụ ngôn ở trên chính là bởi sự tham lam và ngu dốt của người nông dân, chỉ có chính người chủ đó là không chịu hiểu.
Thế Vũ