Nước xa không cứu được lửa gần

04/04/2015 00:00

Nước xa không cứu được lửa gần



Tăng trưởng kinh tế chậm trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao đang tác động lớn đến hầu hết tất cả đối tượng trong nền kinh tế. Người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao do thu nhập không theo kịp sức tăng của giá cả hàng hoá. Nhà sản xuất còn khốn khổ hơn nhiều khi chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng lại không thể tăng giá bán đầu ra tương ứng do khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. Hậu quả là, nếu trong chín tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 49.000 doanh nghiệp bị phá sản thì chỉ riêng ba tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến con số gần 12.000.

Sự sụt giảm của GDP quý 1/2012 nếu không sớm đưa ra các giải pháp để hỗ trợ sẽ có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục bị suy giảm trong các quý còn lại của năm 2012. Tình trạng lạm phát đình đốn này đang đẩy Chính phủ vào thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể tiếp tục đưa ra một gói kích cầu như năm 2009 được nữa. Khác với năm 2009, năm nay giá cả các hàng hoá cơ bản trên thế giới như dầu thô, kim loại, ngũ cốc, v.v... đều ở mức cao. Ở trong nước, các mặt hàng như xăng dầu, điện, than... vẫn có mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thế giới và khó tránh khỏi tăng giá trong thời gian tới. Chính vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa thể tạo đà giảm bền vững như mong đợi. Nếu lựa chọn tiếp một gói kích cầu nữa, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ cải thiện được đôi chút nhưng rủi ro lạm phát tăng mạnh trong năm tới là điều khó tránh khỏi. Để có thể hỗ trợ nền kinh tế lúc này, Chính phủ cần phải đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết căn nguyên gây ra tình trạng lạm phát đình đốn. Đó là phải giải quyết được tình trạng ách tắc của vòng quay vốn trong nền kinh tế, nhưng không gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước.

Sau 5 năm lạm phát cao, LS trên trời, sức khỏe DN đã quá yếu nhưng các giải pháp thì vẫn rất đủng đỉnh. Việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán để khơi vốn cho DN; xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy phát hành trái phiếu; sắp xếp lại các tập đoàn, DN nhà nước; sáp nhập để tăng sức khỏe cho NH... vẫn cứ dừng ở việc bàn, xây dựng đề án, xin ý kiến... Trong khi các nhà làm chính sách đều hiểu, ngay cả khi giải pháp được ban hành thì với độ trễ, cũng phải vài tháng sau DN, thị trường, nền kinh tế mới có thể hấp thụ được. Nước xa chữa lửa gần, liệu các DN có đủ sức khỏe để cầm cự đến ngày các giải pháp có được thực thi hay không. Câu trả lời là hiện thực nhãn tiền đau xót của các doanh nghiệp hiện nay.

K.A


minhmeo