Thương vụ trăm tỷ và những dấu hiệu sai phạm bất thường tại trường HUFI?
Chỉ một tuần trước khi thôi chức Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), ông Đặng Vũ Ngoạn đã kịp thời hoàn tất thương vụ mua cho trường lô đất (ao + vườn tạp) diện tích 16.182 m2 với giá hơn 134,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, thương vụ này ngay lập tức đã bị nội bộ phản ứng và tố cáo bởi có quá nhiều điểm bất thường, kể cả dấu hiệu sai phạm.
(CLO) Chỉ một tuần trước khi thôi chức Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), ông Đặng Vũ Ngoạn đã kịp thời hoàn tất thương vụ mua cho trường lô đất (ao + vườn tạp) diện tích 16.182 m2 với giá hơn 134,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, thương vụ này ngay lập tức bị nội bộ phản ứng và tố cáo bởi có quá nhiều điểm bất thường, kể cả dấu hiệu sai phạm.
[caption id="attachment_156527" align="aligncenter" width="1134"]Thương vụ trăm tỷ và những điểm phi lý, bất thường?
Hồ sơ tố cáo của bà Nguyễn Thị Cẩm Hà (nguyên Phó Trưởng phòng Thanh tra giáo dục, Trường HUFI) gửi đến báo NB&CL cho thấy: ngày 23/6/2016, ông Đặng Vũ Ngoạn với vai trò Hiệu trưởng đã ký hợp đồng mua đất tư nhân với bà Nguyễn Thị Nguy (ngụ tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Tp.HCM). Theo đó lô đất thửa 512 có diện tích 16.182 m2đất nông nghiệp (mục đích sử dụng đất ao + vườn tạp), tờ bản đồ số 7, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Tp.HCM được mua với giá hơn 134,9 tỷ đồng.
Vấn đề là dù chỉ còn một tuần trước khi thôi chức Hiệu trưởng, ông Đặng Vũ Ngoạn vẫn quyết mua cho bằng được lô đất trên, bất chấp việc chưa được sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên điều bất ngờ đã xảy ra sau khi ông Ngoạn về hưu, đó là khoảng gần một tháng sau đó, ông Nguyễn Xuân Hoàn, trên cương vị mới Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường, đã đứng ra đàm phán với chủ đất và ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 000742 ngày 25/7/2016 giảm giá mua đất từ hơn 134,9 tỷ đồng xuống còn hơn 116,9 tỷ đồng - tức giảm 18 tỷ đồng.
Ngay lập tức câu chuyện về thương vụ đàm phán trên trở thành đề tài bàn tán âm ỉ trong nội bộ trường, bởi nó quá bất ngờ nhưng lại giúp trường không mất đi 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đây hàng loạt nghi vấn được đặt ra, đặc biệt là điều gì khiến chủ đất dễ dàng chấp nhận chịu mất 18 tỷ đồng chỉ sau một tháng? Liệu rằng, nếu không có cuộc đàm phán ấy thì 18 tỷ đồng kia sẽ lọt vào túi cá nhân, hay nhóm lợi ích nào?
Thêm một điểm bất thường khác, HUFI là trường công lập nhưng lại chấp nhận đi mua đất nông nghiệp (ao + vườn tạp) trực tiếp với tư nhân mà không phải thông qua bất kỳ một cơ quan nào với giá cao ngất ngưỡng như giá đất ở? Trong khi đó, nếu trường áp dụng theo Quyết định số 51 ngày 31/12/2014 của UBND Tp.HCM (ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn thành phố được áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2019) để thông qua phương án đền bù giải tỏa thì sẽ tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho trường. Vậy, động cơ gì khiến ông Ngoạn quyết chọn phương án mua trực tiếp với tư nhân- bà Hà đặt vấn đề?
Bất ngờ hơn, liên quan đến lô đất trên, công văn số 2592 ngày 27/6/2016 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM trả lời về việc xem xét chủ trương đầu tư xây dựng phòng chức năng của trường HUFI tại quận Tân Phú vô tình giúp lộ ra một vấn đề hết sức quan trọng, đó là: Trong tổng diện tích 16.182 m2 thì trường chỉ sử dụng được 6.411,23 m2 đất công trình dịch vụ công cộng (tương đương gần 40% diện tích). Còn lại 6.127,8m2 là đất cây xanh công viên, thể dục thể thao - khi nhà nước triển khai theo quy hoạch thì trường phải chấp nhận bàn giao theo quy định! Phần còn lại 2.718,67 m2là diện tích đường giao thông thì phải bàn giao lại cho Nhà nước - đồng nghĩa với việc trường mất đi khoản diện tích này!
Vì sao bỏ trên 134,9 tỷ đồng của trường ra để mua đất nông nghiệp với diện tích 16.182 m2 nhưng tự dưng chấp nhận mất không vài nghìn mét đất? Điều này là hết sức phi lý và cũng đồng nghĩa với việc gây thiệt hại kinh tế lớn cho trường! Cần phải làm rõ động cơ quyết mua đất của ông Ngoạn khi để trường bị thiệt hại mất không vài nghìn mét đất như thế này - bà Hà khẳng định!
Cũng theo bà Hà, từ vấn đề này cho thấy, liệu rằng lô đất “ao + vườn tạp” được mua - dù đã giảm được 18 tỷ đồng, nhưng đây có phải là giá trị thực cuối cùng hay chưa?
Chưa dừng lại đó, từ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số 01077/QSDĐ phần mục cập nhật chủ sở hữu mới cho trường HUFI đã thêm một lần nữa giúp phát lộ diện tích thực sự trường sở hữu không phải là 16.182 m2 như hợp đồng mua bán trước đó, ngược lại thực tế chỉ còn 15.257,7 m2!
Cụ thể tại Giấy chứng nhận QSDĐ số 01077, mục cập nhật chủ sở hữu mới được Văn phòng Đăng ký Đất đai (thuộc Sở TN&MT) ghi rất rõ: “Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng các phòng chức năng của trường theo Công văn số 3678/UBND-VX ngày 13/7/2016.
Theo bản đồ hiện trạng vị trí do Công ty TNHH Khảo sát Thiết kế ADEC lập ngày 15/01/2011 được phòng Tài nguyên Môi trường quận Tân Phú kiểm tra ngày 24/1/2011, khu đất thuộc một phần thửa 10, 13 tờ số 96 và một phần thửa 30 + một phần đường tờ 81 BĐĐC phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, diện tích 15.257,7m2.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM có văn bản số 451/2016/ĐHCNTP ngày 2/8/2016 cam kết không khiếu nại về diện tích đất giảm so với diện tích theo Giấy chứng nhận QSDĐ”.
[caption id="attachment_156526" align="aligncenter" width="1103"]Vì sao lãnh đạo trường lại có văn bản cam kết "không khiếu nại" khi diện tích đất giảm hơn 900 m2 so với diện tích ban đầu đã mua là 16.182 m2. Quá bất thường - bà Hà bất bình!
Lộ diện bóng dáng sai phạm - cần thiết thanh tra làm rõ!
Quay lại việc mua đất, một trong những cơ sở vững chắc giúp ông Ngoạn quyết mua cho bằng được để rồi dính tai tiếng đó là: “Chủ trương mở rộng phát triển Trường và Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường giai đoạn 2015-2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 901 ngày 23/06/2015.
Tuy nhiên, dù có thí điểm đổi mới và tự chủ thì quyền quyết định đầu tư xây dựng vẫn thuộc về Hội đồng Trường, hoặc nếu Hội đồng Trường chưa được thành lập thì thẩm quyền quyết định về đầu tư đối với trường HUFI thuộc về Bộ trưởng Bộ Công thương.
Theo bà Hà, thời điểm quyết định mua đất, Hội đồng Trường chưa được thành lập và cũng không có quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công thương mà chỉ do ông Ngoạn và một số người tự ý làm và thông báo chủ trương mua đất mở rộng trường trong một số cuộc họp.
Mặt khác, về trình tự thủ tục, việc mua đất cũng không tuân thủ nhiều quy định của pháp luật, như: Chưa có Dự án đầu tư- chưa lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; Nhận chuyển nhượng QSDĐ không tuân theo quy chế đầu tư xây dựng; Chưa được UBND TP.HCM phê duyệt phương án đền bù và phương án sử dụng đất; Không lập bản vẽ hiện trạng mới để tính diện tích đất chính xác theo lộ giới đường mới tại thời điểm giao dịch mà vẫn lấy diện tích đất trong bản vẽ cũ để đưa vào Hợp đồng chuyển nhượng…
Vì vậy trước hàng loạt sai phạm mang tính bất thường như thế này thì chỉ có thanh tra vào cuộc làm rõ, lúc đó mới "lòi" ra vấn đề - bà Hà khẳng định!
Trước hàng loạt thông tin ẩn chứa nhiều bất thường kể cả dấu hiệu sai phạm, phóng viên (PV) ngay lập tức liên lạc với ông Đặng Vũ Ngoạn và có cuộc gặp trao đổi trực tiếp tại trường.
Trước những câu hỏi của PV, ông Ngoạn rất điềm tĩnh nói: “Nay tôi đã không còn giữ chức vụ gì tại trường nữa, nên tôi không có trách nhiệm để trả lời vì vượt thẩm quyền. Về vấn đề này anh nên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo đương nhiệm của trường sẽ rõ hơn”. Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, ông Ngoạn nhanh chóng chào PV và tiếp tục công việc của mình tại trường.
Sau đó, PV liên lạc ông Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường HUFI, nhưng sau nhiều lần gọi điện, ông Hoàn vẫn không nghe máy. PV tiếp tục liên lạc với ông Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính để đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo trường về vấn đề trên.
Phản hồi với PV, ông Thanh hứa sẽ trao đổi cụ thể và xin ý kiến của ông Hoàn, sau đó sẽ liên lạc với PV để có buổi làm việc. Thế nhưng hơn 1 tháng trôi qua, sự việc vẫn rơi vào im lặng dù PV đã có thêm nhiều cuộc gọi nhưng tất cả đều không có tín hiệu hồi âm của lãnh đạo trường.
Có thể nói, cách ứng xử của lãnh đạo trường HUFI cho thấy họ né tránh cung cấp thông tin cho báo chí trước một vấn đề hết sức nóng và nhạy cảm liên quan đến trường.
Tại sao lãnh đạo trường HUFI lại né tránh báo chí trong bối cảnh đáng lẽ ra họ đang rất cần thông tin rõ ràng về vụ việc?
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát diễn biến vụ này để thông tin đến bạn đọc.
Chính Kỳ