Công ty Vạn Phúc Holding trốn nợ?
Do việc áp dụng Luật Doanh nghiệp vào thực tiễn đang có những bất cập, nhiều doanh nghiệp (tập đoàn) mở ra hàng loạt công ty con hoạt động kinh doanh nhưng thực chất là nhằm trục lợi.
(NB&CL) Do việc áp dụng Luật Doanh nghiệp vào thực tiễn đang có những bất cập, nhiều doanh nghiệp (tập đoàn) mở ra hàng loạt công ty con hoạt động kinh doanh nhưng thực chất là nhằm trục lợi. Đơn cử như gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Vạn Phúc Holding (Công ty Vạn Phúc Holding) đã chây ì không trả khoản nợ đến hạn thanh toán cho Công ty cổ phần Bê tông, Xây dựng A&P (Công ty A&P) trong khi đã có phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam và đã có quyết định thi hành án của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.
Vụ việc Công ty Vạn Phúc Holding chây ì không trả khoản nợ đến hạn phải thanh toán cho Công ty A&P đặt ra vấn đề pháp lý về trách nhiệm của Cổ đông trong công ty cổ phần.
Được biết, Công ty Vạn Phúc Holding có vốn điều lệ là 108 tỷ đồng gồm có 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SAM SON (Công ty SAM SON) giữ 99,8% tổng vốn điều lệ, bà Đỗ Thị Hà giữ 0,1% tổng vốn điều lệ, ông Phan Trọng Hùng giữ 0,1% tổng vốn điều lệ. Trong đó, Công ty SAM SON có vốn điều lệ là 180 tỷ đồng, chủ sở hữu là ông Dương Anh Sơn.
Như vậy, nghĩa vụ của Công ty SAM SON sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Công ty Vạn Phúc Holding trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Ở đây, việc Công ty Vạn Phúc Holding chây ì thanh toán nhằm chiếm dụng vốn của đối tác (Công ty A&P) là trái pháp luật, việc không thực hiện phán quyết của trọng tài và Quyết định thi hành án dân sự thể hiện sự coi thường pháp luật, thiếu minh bạch và ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nếu Công ty Vạn Phúc Holding không trả được khoản nợ đối với Công ty A&P thì các cổ đông công ty phải chịu trách nhiệm về khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty mà ở đây là Công ty SAM SON.
Ông Nguyễn Huy Bích, Giám đốc sản xuất Công ty A&P bức xúc: “Đã nhiều lần chúng tôi cùng với Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội thúc giục phía Công ty Vạn Phúc Holding thực hiện quyết định thi hành án nhưng phía họ luôn tìm cách trốn tránh, không thanh toán số tiền nợ, điều này làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn để hoạt động của công ty chúng tôi”.
Để giải quyết việc tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán hiện nay, pháp luật có quy định rất rõ về cách thức lựa chọn giải quyết nhưng đa số các bên đều lựa chọn phương thức trọng tài thương mại (như trường hợp của Công ty A&P) hoặc khởi kiện ra tòa, nhưng pháp luật còn trang bị một cách thức nữa mà rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng đó là áp dụng trình tự thủ tục phá sản. Theo đó, khi mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán (hoặc cố tình chây ì không thanh toán các khoản nợ) thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán đến tòa án có thẩm quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Hân- Công ty Luật Minh Bạch cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản năm 2014 thì: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.
Như vậy, Công ty A&P có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Vạn Phúc Holding tại Tóa án nhân dân thành phố Hà Nội. Khi đó, Công ty Vạn Phúc Holding sẽ mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.
Khi doanh nghiệp mở thủ tục phá sản thì Thẩm phán sẽ có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Đây là một chế định mới để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan đến doanh nghiệp mở thủ tục phá sản, với chế định Quản tài viên sẽ tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và đem lại lợi ích thiết thực cho Nhà nước, các chủ nợ và các cổ đông, thành viên, chủ sở hữu công ty lâm vào tình trạng phá sản.
Được biết, ngày 26/12/2016, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội có văn bản 281/ QĐ – CTHADS Quyết định thi hành án dân sự, yêu cầu Công ty Vạn Phúc Holding phải trả cho Công ty A&P hơn 5 tỷ đồng tiền nợ. Tuy nhiên, tới nay đã hơn 3 tháng, vượt qua thời gian tự nguyện thi hành án nhưng Công ty Vạn Phúc Holding vẫn chưa có động thái gì về việc thanh toán các khoản nợ cho Công ty A&P. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về năng lực tổ chức thi hành án của Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội cũng như thái độ coi thường pháp luật của Công ty Vạn Phúc Holding.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Hoàng Dương