Nguồn vốn ODA: Sự ràng buộc và gánh nặng tương lai

25/08/2015 14:58

Nguồn vốn ODA rất quan trọng giúp Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong hơn 20 năm qua. Đến nay, các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam hơn 80 tỷ USD vốn ODA. Tuy nhiên, sử dụng nguồn ODA sao cho hiệu quả, không để thành gánh nặng về sau luôn được cảnh báo.

CLO - Nguồn vốn ODA rất quan trọng giúp Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong hơn 20 năm qua. Đến nay, các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam hơn 80 tỷ USD vốn ODA. Tuy nhiên, sử dụng nguồn ODA sao cho hiệu quả, không để thành gánh nặng về sau luôn được cảnh báo.

Những “quả đắng” từ ODA

Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT) chia sẻ, có một nguyên tắc mà ai cũng biết, vốn ODA luôn là một khoản vay mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai, kèm theo điều kiện cho vay là những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Vì thế, đồng vốn ODA luôn có hai mặt.

Thống kê cho thấy, ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức: ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%; ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%.

Từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

[caption id="attachment_38458" align="aligncenter" width="400"]150723_03 Nợ công và vốn vay ODA của Nhật Bản (2010-2014)[/caption]

Thực tế cho thấy, ODA thật sự rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhưng kèm theo đó luôn là những điều kiện rất gắt gao và những điều khoản ràng buộc. Vì thế, yêu cầu về hiệu quả sử dụng đồng vốn luôn là một đòi hỏi lớn từ trách nhiệm của người thụ hưởng.

Trong 20 năm qua, những dấu ấn trong việc huy động và sử dụng ODA của Việt Nam có những góc tối mà ta không thể không nói đến.

Lấy ví dụ, dự án chế biến dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.Hồ Chí Minh, vay vốn ODA Ấn Độ. Tuy nhiên, vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao không vận hành được. Còn dự án nhà máy động cơ xăng nhỏ, dự án dầm thép khẩu độ lớn, vay vốn ODA Pháp; dự án tàu hút bụng tự hành, vay vốn ODA Đức - không hiệu quả do sản phẩm không thích hợp với thị trường. Hay chương trình trồng bông, trồng cà phê Arabica, vay vốn ODA Pháp - thất bại do không nghiên cứu kỹ quy hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kém.

Kinh nghiệm sử dụng ODA trên thế giới cho thấy, ODA không phải luôn luôn có hiệu quả đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ lĩnh vực nào.

Sự ràng buộc và rủi ro

Theo ông Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế trung ương, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế: "Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu”.

Cùng quan điểm trên nhiều chuyên cũng cho rằng, ODA không phải là tiền cho không, đó là tiền vay, cho dù vay ưu đãi cũng phải trả nợ. ODA cũng không phải không có rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá.

[caption id="attachment_38463" align="aligncenter" width="665"]duong-sat-tren-cao-1433548744 Đường sắt Cát Linh - một trong những dự án sử dụng nguồn vốn ODA Trung Quốc. (Ảnh: Quang Thế)[/caption]

Đây là khoản tiền vay chịu nhiều ràng buộc, khi sử dụng ODA vay của nước nào, thì nhìn chung ta phải sử dụng các nhà thầu của nước. Người đi vay bị ràng buộc phải sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của chủ nợ.  Đó là chưa kể, người đi vay phải miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa phải mua từ nước cho vay, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật, phải chịu sự biến động của tỷ giá….

Bất kỳ một khoản viện trợ nào cũng có hai mặt. Khi một nước đem tiền thuế của dân đi cho hoặc cho nước khác vay với lãi suất rất ưu đãi thì nó phải hàm chứa nhiều mục tiêu. Họ tài trợ các dự án đường sá, hạ tầng, hành lang pháp lý… mục đích để các công ty của họ vào đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.

Chưa hết, khi nhận nguồn vốn ODA, nước nhận viện trợ cũng phải có vốn đối ứng để cùng thực thi dự án. Vì vậy, trong dự án ODA ở Việt Nam bao giờ cũng có tiền thuế của người dân Việt Nam. Nên nó hoàn toàn không phải “miếng bánh ngọt” từ bên ngoài đưa vào và đôi khi dùng vốn ODA còn đắt hơn cả vốn trong nước.

Đừng để gánh nặng cho tương lai

“Chúng ta phải chấm dứt hoàn toàn việc xem ODA là cái gì đó được ban phát rồi chia nhau. Đấy sẽ là cái họa cho hậu thế mà cháu con phải gánh", Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Lịch cảnh báo.

Còn Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược cho rằng, việc sử dụng các nguồn vốn ODA còn thiếu quy hoạch và sự huy động. Do vậy đã không có tầm nhìn dài hạn, thường là theo yêu cầu của các địa phương; cơ chế quản trị việc sử dụng nguồn vốn ODA còn bất cập do vậy tình trạng lãng phí, kể cả tham nhũng đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng.

“Bài học dũng cảm từ chối ODA của Đà Nẵng đã chỉ ra hiệu quả kinh tế cần phải lấy làm khuôn mẫu không chỉ riêng Đà Nẵng, mà Việt Nam phải “tốt nghiệp” tài trợ ODA, nghĩa là phải từ chối những ODA kém hiệu quả, chỉ lựa chọn và chấp nhận những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội cụ thể”, ông Lược nói.

Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN ( Bộ KH&ĐT) kiến nghị: “cần có chính sách công khai minh bạch các dự án ODA. Có như vậy chúng ta mới có thể sử dụng rất hiệu quả vốn vay ODA. Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao năng lực cán bộ và quy hoạch các dự án phát triển của mình. Nếu cứ quy hoạch tùm lum, vẽ dự án ra như hiện nay để rồi chạy tiền, xin vốn ODA cho cái này cái kia thì chắc chắn ODA sẽ chỉ làm nghèo thêm đất nước”.

Thanh Tân

thanhtan