Cần 20 năm để biết "Giấc mơ có thật"
Ngày 26/3 vừa qua, Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức khởi công nhà máy THACO MAZDA - như một sự khẳng định tâm huyết và khát vọng về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(NB&CL) Ngày 26/3 vừa qua, Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức khởi công nhà máy THACO MAZDA - như một sự khẳng định tâm huyết và khát vọng về một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Núi Thành, các cơ quan báo chí và hàng ngàn cán bộ công nhân viên, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương đã chia sẻ những kỷ niệm trong ngày tháng 3 của gần 14 năm trước, chân thành tri ân những tập thể, cá nhân đã tin và ủng hộ THACO trong những bước đi đầu tiên đầy gian khó…
Đất và người Quảng Nam đã cho đi
Ông Trần Bá Dương kể, tháng 3 năm 2003, thời điểm chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng, cũng là thời điểm ông vui mừng nhận được chủ trương của Bộ Chính trị về thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai.
[caption id="attachment_160965" align="aligncenter" width="640"]THACO khi đó chỉ là một doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập được 5 năm, làm sửa chữa, buôn bán và vừa tập tành lắp ráp ô tô tải, đã đến với vùng đất đầy nắng gió này với một khát khao cháy bỏng: Sản xuất lắp ráp ô tô theo chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam vừa được phê duyệt vào cuối năm 2002, khát khao để đáp lại niềm tin, những gửi gắm, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ. Bằng niềm tin, kỳ vọng, sự hỗ trợ rất lớn ấy, THACO đã từng bước đảm đương vai trò động lực phát triển công nghiệp ô tô, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Nam…
Rồi, cũng trong ngày cuối tháng 3 ở xứ Quảng, trước sự chứng kiến của nhiều người quen thuộc, THACO lại đứng trước một thách thức mới: Làm sao để người Việt được mua xe tốt, rẻ, đồng thời phải phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để tạo việc làm, đào tạo nhân lực, giảm nhập siêu, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế đất nước… Cụ thể, THACO sẽ phải giải bài toán cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã đi trước từ 50 đến 70 năm, có quy mô về sản xuất và thị trường ô tô lớn hơn Việt Nam rất nhiều như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Cũng như 14 năm trước, THACO đã không chùn bước, không lựa chọn cách nhập khẩu xe nguyên chiếc nhờ hệ thống showroom, đại lý đã rộng khắp cả nước mà chọn cạnh tranh, theo đuổi sản xuất. “Nếu chọn nhập khẩu, chúng tôi sẽ đánh mất 9.000 lao động là kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề đang làm việc ở Chu Lai và hơn 40.000 lao động của các nhà cung ứng vật tư, linh kiện phụ tùng, vận chuyển và đặc biệt là công nghệ cùng với nhà xưởng, máy móc, thiết bị là những nền tảng cơ bản mà chúng tôi đã gầy dựng trong thời gian qua…”, ông Trần Bá Dương nói.
20 năm đeo đuổi
14 năm trước, năm 2003, THACO đặt chân tới Chu Lai và đầu tư nhà máy sản xuất xe tải, xe buýt. Với những thành công bước đầu, THACO mạnh dạn bước vào sản xuất lắp ráp xe con thương hiệu KIA năm 2007. Và chỉ 4 năm sau, doanh nghiệp này lại hợp tác với người khổng lồ Nhật Bản - Mazda và đầu tư, đưa vào hoạt động nhà máy Vina Mazda công suất 10.000 xe/năm vào năm 2012. Chính nhà máy này đã sản xuất lắp ráp hầu hết các mẫu xe của Mazda và được thị trường đón nhận. Chỉ trong 5 năm, nhà máy đã bán ra hơn 70.000 xe với doanh số năm sau gấp đôi năm trước, riêng năm 2016 đạt hơn 30.000 xe - một con số có lẽ không nhà nghiên cứu thị trường nào có thể đoán lường.
Trước những thành công liên tiếp ấy, cộng với việc “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035” đã được Chính phủ phê duyệt, “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” được Bộ Công Thương đưa ra, giữa bối cảnh hội nhập khu vực sâu rộng, THACO đã đề ra chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với ngành nghề chính là sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực. Nhà máy THACO MAZDA là một bước đi trong lộ trình ấy.
Nhà máy này có gì để kỳ vọng và hy vọng? Đầu tiên là qua các con số biết nói: công suất 100.000 xe/năm; tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng; đưa vào hoạt động tháng 4/2018… Thêm nữa, cùng với định vị là nhà máy hiện đại nhất của Mazda nói riêng và của ngành sản xuất lắp ráp ô tô khu vực Asean, THACO MAZDA có phải đã chuyển chở khát vọng và khả năng hiện thực hóa một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thực thụ?!
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Bá Dương từng nói, đại ý rằng, không dễ để một giấc mơ thành sự thật. Đi đúng hướng là một phần, nhưng THACO đã đi 20 năm… Và hành trình còn tiếp diễn.
Kiên Giang