Chuyện ba "ông lớn" và gánh rau của bà cụ

26/09/2015 06:38

Mấy ngày gần đây, dân tình lại được phen xôn xao vì vụ 3 "ông lớn" - Điện, Than, Dầu khí đòi tăn giá điện để bù khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá.

Mấy ngày gần đây, dân tình lại được phen xôn xao vì vụ 3 "ông lớn" - Điện, Than, Dầu khí đòi tăng giá điện để bù khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá.

Đại diện Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phân tích rằng khi giá 1 USD là 21.000 VND thì vay 1 tỉ USD sẽ tương đương 21.000 tỉ VND, còn bây giờ theo tỉ giá mới 1 USD đổi được 22.000 VND sẽ đồng nghĩa với việc nợ của doanh nghiệp sẽ tăng lên thành 22.000 tỉ VND, tức là tăng 1.000 tỉ VND.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lại đề nghị được tính “khoản lỗ” 1.200 tỉ đồng của doanh nghiệp này vào giá điện, với lý do rằng nếu tỉ giá mà không được tính vào giá điện thì không phân bổ đi đâu được. Còn theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì tỉ trọng điện của TKV chỉ chiếm 10% - 15% toàn hệ thống nhưng đã phát sinh khoản lỗ ngàn tỉ này. Nếu cộng tất cả số liệu của ngành điện thì khả năng khoản phát sinh lỗ do chênh lệch tỉ giá có thể gấp hơn 10 lần con số nói trên.

Tất cả đều đang trông đợi từ phía Bộ Công Thương. Bộ Công Thương trong cuộc họp giao ban trực tuyến ngày 3/9 mới đây trả lời rằng, sẽ tổng hợp và gửi ý kiến để trình Chính phủ với những kiến nghị của 3 “ông lớn” trên. Bộ cũng không phủ nhận về tác động của diễn biến tỉ giá vừa qua đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều ý kiến. Một số chuyên gia về kinh tế cho rằng, đây là kiến nghị bất hợp lý và đề nghị các doanh nghiệp xem xét tính toán lại. Phải có cơ quan kiểm toán độc lập chứ “không thể để ngành điện tự tính, tự công bố, tự xin điều chỉnh” như thế được (Tiến sĩ Lê Đăng Doanh).

tang gia dien

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8/9 vừa đăng một hình ảnh khá “đắt” khi “chộp” được khoảnh khắc một chị công nhân lầm lũi đi xe đạp ngang qua hai tòa nhà lớn - trụ sở của EVN (Bài “Ba “ông lớn” điện, than, dầu khí đòi người tiêu dùng gánh lỗ”). Nội dung bức ảnh dường như đã nói lên tất cả ý nghĩa bao hàm trong đó.

Nhân đây lại kể thêm câu chuyện của một bà cụ bán rau. Nghe thì có vẻ hơi “vô duyên” khi chẳng có chút ăn nhập gì với chuyện của mấy “ông lớn” nói trên, nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm. Cụ này quê ở miền Bắc, cả đời lo nuôi con cái ăn học rồi dựng vợ gả chồng cho các con. Đến lúc đâu vào đấy hết thì con cái cũng quên luôn cụ, đẩy cụ ra đường. Tủi phận, cụ mang đôi quang gánh coi như là “cần câu cơm” để lên Thủ đô mưu sinh. Cụ gói ghém, nhặt nhạnh từng đồng tiền còn sót lại rồi tìm thuê một căn phòng tồi tàn ở xa trung tâm thành phố. Cụ thu mua rau của một hộ dân gần đó rồi vào nội thành bán cho có lãi. Lãi lời chẳng biết bao nhiêu mà nhiều bữa đến cái bánh mì cụ cũng phải bẻ đôi để chia thành hai bữa, vì cụ còn phải lo chi trả đủ thứ tiền: thuê nhà trọ, điện, nước... Cụ chỉ biết có gánh rau, hàng ngày cuốc bộ hơn chục cây số oằn cả vai để nuôi thân già. Cụ nhớ mới tháng trước chủ nhà trọ kêu tăng giá điện vì “trên người ta tăng giá rồi”, vậy thôi chứ có biết EVN, PVN là cái gì, mấy tòa nhà lớn lớn của mấy ông điện lực, dầu khí cho dù có đi qua hàng ngày thì cụ cũng đâu có hay.

Quay lại chuyện của ba “ông lớn” vừa có đề xuất tăng giá điện để bù lỗ. Xét cho cùng nếu giá điện tăng thì chỉ có người tiêu dùng là phải gánh nặng nhất. Nhiều người băn khoăn hỏi rằng: Lỗ thì để dân bù, vậy lãi ai hưởng? Trong khi đó, điện lại là ngành “độc quyền”. Chẳng biết chị công nhân trên kia còn phải lầm lũi đạp xe ngang qua hai tòa nhà lớn của EVN thêm bao nhiêu lần để “kiếm cơm” chỉ vì vật giá ngày càng leo thang? Rồi lại tự hỏi không biết lưng của bà cụ ở tuổi thất thập kia phải còng thêm bao nhiêu nữa với những gánh rau nặng hơn chỉ để có thêm chút lời trả tiền điện cho chủ nhà?!

Lãnh đạo của một ngân hàng TMCP cho biết, lãi suất vay USD trung bình chỉ có 5%, lãi vay VND bình quân đến 10%, không biết mấy doanh nghiệp vay lãi bằng USD như EVN, PVN, TKV sẽ lời hay lỗ khi tỉ giá thay đổi như vừa qua. “Họ vay ngoại tệ thì chênh lệch lãi suất USD rất lớn so với lãi suất vay bằng VND. Doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều từ chênh lệch này, bởi đã tiết giảm chi phí và đưa vào lợi nhuận” (theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia). Trong khi đó, giá thành điện được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố như tỉ giá, giá nhiên liệu, sản lượng điện trong từng loại (thủy điện, nhiệt điện...) và giá bán điện cạnh tranh của từng doanh nghiệp chứ không riêng gì tỉ giá mà đổ hết lỗi rồi viện cớ tăng giá (theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long). Giả sử tỉ giá tăng mà ngành nào cũng đòi tăng giá thành sản phẩm như 3 “ông lớn” này thì người dân chắc... chết.

Thiết nghĩ, khi tỉ giá tăng, EVN, PVN và TKV muốn được bảo vệ theo cách tăng giá để bù lỗ, vậy ai sẽ lên tiếng để bảo vệ cho người tiêu dùng? Những người “dân đen” như chị công nhân hay bà cụ bán rau kia thấp cổ bé họng lắm!

Theo Duyên Dáng Việt Nam

giangphan