Cơ quan báo chí có Tổng giám đốc, Tổng biên tập?
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với nhiều điểm mới đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, còn Tổng Biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung của cơ quan báo chí là một điểm mới..
(NBCL) Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) với nhiều điểm mới đang được dư luận quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, còn Tổng Biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung của cơ quan báo chí là một điểm mới đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các ĐBQH cũng như những người làm nghề. Trước đó, trong những Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều Tổng biên tập đã cho rằng: Tổng biên tập thành Tổng giám đốc sẽ làm giảm sức mạnh chính trị của báo chí!
Tránh cồng kềnh?Một trong những quy định được cho là điểm mới trong dự thảo luật khiến nhiều ĐB băn khoăn là quy định về tổng giám đốc, tổng biên tập (TGĐ, TBT) cơ quan báo chí. ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng, quy định “cơ quan báo chí có TGĐ và TBT, TBT chịu trách nhiệm trước TGĐ, TGĐ chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản” chưa hợp lý, chưa rõ trách nhiệm của người phụ trách. “Nếu làm vậy phải coi lại luật Doanh nghiệp”, ông Minh nói.
ĐB Trần Du Lịch đề nghị duy trì mô hình hiện nay, chỉ truyền hình mới có TGĐ còn báo vẫn phải duy trì danh xưng lãnh đạo là TBT. ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) phản ánh ý kiến ghi nhận từ cơ quan báo chí cho rằng “quy định này hình như không có cơ sở” và đề nghị căn cứ đặc điểm của từng cơ quan báo chí để quy định. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) góp ý chỉ đối với các cơ quan truyền thông đa phương tiện mới cần cả TGĐ và TBT.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lập luận rằng, TBT là người “trưởng biên tập”, chịu trách nhiệm về nội dung và thường áp dụng cho cơ quan báo in, báo viết. Còn TGĐ chịu trách nhiệm cả về nội dung, kỹ thuật, tài chính, nhân sự. “Thực tế chỉ có phát thanh và truyền hình mới có TGĐ. Ví dụ Đài VTV có ông Trần Bình Minh làm TGĐ, còn như báo Hà Nội mới, làm gì có TGĐ, chỉ có TBT thôi. Chữ TBT này rõ lắm rồi, chỉ có biên tập nội dung", ông Nghị nói. ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP.HCM) cũng lo quy định gây “rối” nhưng tin rằng việc này sẽ phù hợp khi tới đây thực hiện sáp nhập các cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí có thể có nhiều tờ báo và người đứng đầu được gọi là TGĐ, còn TBT sẽ chỉ lo nội dung. Nếu cơ quan ít tờ báo, TGĐ có thể kiêm TBT.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay, dự thảo luật quy định cơ quan báo chí có TGĐ, Phó TGĐ, TBT và Phó TBT. Trong đó TBT, Phó TBT là người chịu trách nhiệm quản lý về mặt nội dung, còn TGĐ, Phó TGĐ là người lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhưng theo Bộ trưởng, có một số ý kiến cho rằng cần phân biệt các cơ quan báo chí đa phương tiện như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam với rất nhiều các cơ quan báo chí khác nhau. Các đài, cơ quan báo chí lớn thì nên có TGĐ, Phó TGĐ, dưới đó là TBT các kênh, tờ báo nhỏ bên trong. Còn các báo nhỏ, không phải báo chí đa phương tiện, thì chỉ nên có TBT và Phó TBT như hiện nay, đỡ tốn kém, đỡ cồng kềnh bộ máy lãnh đạo. “Ví dụ, tạp chí nhỏ lại cũng TGĐ, Phó TGĐ, dưới có TBT, Phó TBT thì quá cồng kềnh, không thực hiện được chỉ đạo về tinh giản biên chế”, ông Nguyễn Bắc Son nói.
Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã nhận được phản ánh từ các quan báo chí, Hội nhà báo, và chia sẻ lại với các đại biểu QH.
Lo loạn… Tổng biên tập?Ghi nhận nhiều quy định trong Dự thảo Luật Báo chí mới, trong đó có Điều 27 (dự thảo Luật) đã bao hàm các kết cấu tổ chức mới của cơ quan báo chí như hình thức tập đoàn và báo chí đa phương tiện. Việc luật hoá các chức danh cấp dưới người đứng đầu, dưới cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí là các nhân sự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm, các kênh, chuyên trang, chương trình trong một cơ quan báo chí là tăng thẩm quyền và trách nhiệm của họ, tạo hành lang pháp lý rộng hơn cho phát triển, cho quản lý... Tuy nhiên, Nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội (baodansinh.vn), thẳng thắn cho rằng: Không nên thay đổi cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập thành Tổng giám đốc như dự thảo Luật. “Tổng Biên tập hiện nay sẽ được gọi là Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng biên tập được gọi là Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc thì không phù hợp. Thứ nhất, nó biến cơ quan báo chí trong nhận thức của người đọc là một tổng công ty hay một công ty, là kinh doanh thuần tuý. Báo chí mất đi cái thiêng liêng, như bị hạ thấp sứ mệnh, và như vậy vô hình chung làm giảm sức mạnh của báo chí. Thứ hai, theo quy định này thì sẽ xuất hiện thêm có khi đến mấy ngàn tổng biên tập nữa, khéo... loạn tổng biên tập mất...”, ông Nguyễn Thành Phong phân tích.
Đồng quan điểm, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, TBT Báo Đời sống & Pháp luật cũng cho rằng không nên thay đổi cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí. “Nói gì thì nói người đứng đầu cơ quan báo chí không thể xa rời nội dung của tờ báo. Bây giờ có ông TBT dưới ông Tổng Giám đốc thì việc phân công trong công việc là rất khó khăn, chưa nói là còn phải làm lại hiệp thương, bổ nhiệm lại, thay đổi con dấu… rất tốn kém. Nếu cần tăng trách nhiệm của một số chức danh dưới TBT thì nên Luật hóa các chức danh Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, thư ký tòa soạn… trong Luật”, ông Thanh nói.
Cũng ủng hộ quan điểm là nên giữ nguyên tên gọi của người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng biên tập, Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong nói: “Gọi người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng giám đốc, Giám đốc sẽ có nhiều bất lợi, vì lúc đó báo chí mang nhiều tính chất thương mại. Trong khi báo chí không chỉ là cơ quan tuyên truyền mà còn có tính hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Từ phân tích trên, nhiều nhà báo, TBT đề nghị giữ nguyên cách gọi người đứng đầu cơ quan báo chí như Luật hiện hành là “Tổng biên tập”. Chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc chỉ dùng cho các cơ quan báo chí đặc thù như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…❏
Nếu đưa chức danh này vào các cơ quan báo chí thì biên chế sẽ phình to: Dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, cấp phó của người đứng đầu là phó Tổng Giám đốc/ Phó Giám đốc, đại biểu Thuận Hữu (Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng quy định như vậy là bắt chước nước ngoài, ở các nước báo chí tư nhân nên người đứng đầu tờ báo có thể được thuê về làm nên mới có chức danh tổng giám đốc. Trong khi đó ở Việt Nam là báo chí Nhà nước, có cơ quan chủ quản "quản" tất cả. Theo Luật mới, có thêm Tổng Giám đốc/ Giám đốc đứng trên Tổng Biên tập thì có nhiều tầng quản lý, mà trách nhiệm cũng phân tán. Nếu đưa chức danh này vào các cơ quan báo chí thì biên chế sẽ phình to ra.
Khánh An
Ông Đỗ Công Định, Phó Tổng biên tập Báo Thanh tra: Với các cơ quan báo chí in, báo điện tử, xưa nay, chức danh Tổng Biên tập/Phó Tổng Biên tập đã ăn sâu vào trong tâm thức của cả người dân lẫn người làm báo thì việc đổi thành tên gọi khác cũng cần được các cơ quan soạn thảo cân nhắc.Còn việc quy định chức danh Phó Tổng Biên tập (hoặc Tổng Thư ký Toà soạn) vào trong luật là người có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm về nội dung tờ báo, theo tôi, không nên. Cấp phó của người đứng đầu, theo quy định, chỉ thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn nhất định do người đứng đầu phân công. Việc để cấp phó này chịu trách nhiệm về nội dung là không nên vì có những vấn đề chỉ người đứng đầu mới quyết định được. Việc để cho Tổng Thư ký Toà soạn chịu trách nhiệm về nội dung tờ báo càng không được. Thực tế hiện nay vẫn có những biên tập viên hay Tổng Thư ký Tòa soạn/Thư ký Tòa soạn giữ quyền xuất bản, nhất là với báo điện tử, nhưng những vi phạm mà các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ ra đều cho thấy phần lớn do người đứng đầu không xử lý, không duyệt nội dung. Theo tôi, việc người đứng đầu ủy quyền xuất bản, ủy quyền tổ chức nội dung cho cấp phó là cần thiết và là thực tế vì người đứng đầu còn rất nhiều việc phải lo, nhưng chịu trách nhiệm về nội dung tờ báo thì không được. Với một cơ quan báo thì người đứng đầu chắc chắn phải là người chịu trách nhiệm về mặt nội dung”.
Ông Nguyễn Minh Quang- Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống: Điều này cũng có thể hợp lý trong một số trường hợp nhất định. Đối với một số cơ quan báo chí kết hợp nhiều loại hình báo chí như báo in, báo nói, truyền hình, báo điện tử thì có thể có chức danh người đứng đầu là tổng giám đốc, dưới họ là các tổng biên tập của các loại hình báo chí thuộc cơ quan đó. Còn các cơ quan báo chí thì vẫn nên giữ chức danh tổng biên tập.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Tổng giám đốc, Giám đốc phải chịu trách nhiệm chung, là người đứng đầu. Còn tổng biên tập thì chịu trách nhiệm về thông tin báo chí của một sản phẩm báo chí cụ thể. Như vậy quy định chi tiết hơn về trách nhiệm. Cụ thể, sẽ có rất nhiều Tổng biên tập trong một cơ quan báo chí như Đài truyền hình Việt Nam sẽ có rất nhiều Tổng biên tập. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh hơn trách nhiệm thông tin báo chí của Tổng biên tập. Người thực sự làm việc phải chịu trách nhiệm. Không thể ép một người không quản lý hết phải chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến tình trạng một là nhận trách nhiệm bừa hoặc oan, mà từ đó lại hạn chế quyền của người khác.
Đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai): Dự thảo luật cần nêu rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí với cơ quan chủ quản, phải có quy định việc liên đới trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan báo chí vì theo quy định như Dự thảo luật thì cấp quản lý cơ quan báo chí gồm tổng giám đốc hay giám đốc và tổng biên tập, như thế thì chưa phân định được trách nhiệm rạch ròi trong quá trình điều hành cơ quan báo chí. Đề nghị quy định rõ tổng biên tập chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung ấn phẩm.
Quy định này chỉ phù hợp với các cơ quan báo chí lớn- đa phương tiện
ĐBQH Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, còn Tổng Biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung của cơ quan báo chí.
[caption id="attachment_62974" align="aligncenter" width="450"]Theo Luật Báo chí hiện hành, người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập (riêng đối với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, người đứng đầu là tổng giám đốc). Người đứng đầu lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, nhiều cơ quan báo chí cùng lúc phát hành nhiều ấn phẩm, nhiều loại hình báo chí, cả báo in, báo mạng, báo nói và truyền hình, nên tổng biên tập khó có thể quản lý, bao quát được toàn bộ nội dung của các ấn phẩm chí, bởi vậy, Dự thảo Luật Báo chí đã tách ra theo hướng, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, còn tổng biên tập không phải là người đứng đầu, mà chỉ chịu trách nhiệm trướcTổng Giám đốc/ Giám đốc cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về nội dung thông tin đăng tải, phát sóng trên các ấn phẩm, chương trình phát thanh, truyền hình, báo điện tử do mình phụ trách.
Một cơ quan báo chí hiện nay thường hướng tới mô hình đa phương tiện, có nhiều loại hình báo chí. Nhiều ý kiến đồng tình với quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc/ Giám đốc, phụ trách chung về mặt tổ chức, thực hiện hoạt động báo chí. Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cũng có ý kiến cho rằng, một cơ quan báo chí nhỏ mà có cả Giám đốc và Tổng Biên tập thì bộ máy thêm cồng kềnh và Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng không phải người đứng đầu thì rất khó thực hiện công việc, khó quy trách nhiệm.
Theo tôi, quy định này phù hợp với các cơ quan báo chí lớn, đa phương tiện và trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng nói rõ Tổng Giám đốc là người đứng đầu cơ quan báo chí có thể kiêm chức vụ Tổng Biên tập. Đây là quy định tiến bộ, giúp quản lý báo chí tốt hơn. Sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận kỹ vấn đề này và các cơ quan báo chí cũng cần đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này.❏
Tổng biên tập hay Giám đốc?
Một lần giở tạp chí Nam Phong trước năm 1945 ra, tôi thấy đề trên trang bìa “Diecteur redacteur en chef (Chủ nhiệm kiêm chủ bút) Phạm Quỳnh, gerant (quản lý) Lý Văn Phúc (?)”. Như vậy là làm báo hồi đó có sự phân biệt giữa hai chức danh “chủ nhiệm” và “chủ bút” rồi. Hỏi thêm vài bậc tiền bối, tuy cách giải thích không giống nhau lắm, nhưng có thể hiểu na ná là chủ nhiệm là chủ báo, người có tiền và có vị trí nhất định để xin ra báo. Người ấy thuê một ông có chữ nghĩa làm chủ bút. Ông này thực hiện các chủ trương của nơi ra báo thông qua ông chủ nhiệm, chịu trách nhiệm về bài vở. Và ra tòa (chỗ này có người nói là chủ nhiệm) khi chạm đến pháp luật! Cạnh đó là ông quản lý, chuyên lo trị sự, phát hành, tiền nong, trụ sở... trăm thứ bà rằn. Nhắc lại chuyện xưa, vì thấy chức danh tổng biên tập thời nay nó bề bộn, ôm đồm quá, đâm ra thiếu chuyên nghiệp. Là người đứng đầu một tòa báo, ông ta phải quán xuyến chủ trương của cấp chủ quản, lo in ấn, bán báo, nhân sự, rành luật pháp để đối phó với pháp luật, đặng mà còn ra tòa... Ngần ấy việc thì không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc biên tập được. Gần như các tổng biên tập báo lớn đều chỉ đọc bài "đinh", những tin tức “gây gổ”, còn ba thứ thông thường “cốt no” đều phó mặc cho các ban chuyên môn. Quan trọng nhất là thư ký tòa soạn. Nói là làm “trung vệ dập” cho tổng biên tập thì không đủ, vì vị này đọc hết, nhẵn nhùi nhụi từ rao vặt, quảng cáo đến bài đinh, bài đánh đấm, thấy có “mùi khét” hay muốn làm đậm cái gì lên mới báo cáo lại. Nhiều thư ký tòa soạn giữ chân phó tổng, thực chất là làm tổng biên tập, sau này “sếp cả” hồi hưu thì lên thay. Nhưng vì chức danh chỉ là thư ký tòa soạn, không chịu trách nhiệm chính, dĩ nhiên không giữ quyền lực chính, nên ông “sếp phó” này hay giữ thế thủ, lấy chữ “an toàn” làm đầu, không dại gì mà mài nhọn bài vở cho bản sắc tờ báo đậm lên. Mùi vị của nhiều bản tòa, do đấy mà lờn lợt. Báo địa phương, nhiều báo ngành và những tờ không phải lo lắng bươn chải lắm hay mắc bệnh này.
Tất nhiên cái sự “nhợt nhạt” còn có khối nguyên nhân khác, nhưng cơ cấu là một trong những thứ tạo ra “đầu vị” ấy.Thực chất tổng biên tập đang làm công việc của giám đốc. Ba đầu sáu tay đâu mà vừa nghĩ tầm vĩ mô, chủ trương phương hướng cho tờ báo phát triển, vừa thông tỏ pháp luật, dùng người cho đúng nguyên tắc tổ chức, làm kinh tế cho tờ báo có chỗ tồn tại, lại vừa chiến đấu với các con chữ. Đành rằng nhiều người trong số họ có vai vế xã hội, như trong cấp ủy của địa phương hay của ngành, nhưng đã trông coi tờ báo với tư thế của người cán bộ chính trị, dễ cốt đúng hơn cốt hay, ít mạo hiểm phóng túng.Mà công việc của tổng biên tập lại hoàn toàn khác. Phải đọc ra trong chữ nghĩa những ý ngầm, dùng từ chính xác, tôn cái này lên, hạ ý kia xuống. Tổng biên tập là người trí thức tuân thủ các chủ trương của cơ quan chủ quản, trực tiếp là mệnh lệnh của chủ báo ngày xưa. So sánh này không hẳn chính xác, nhưng vai trò ông ta có lẽ giống thủ tướng một nước vậy, trong khi ông chủ báo giống một chủ tịch, tổng thống, tức một người điều hành, thực hiện, một người ra những ý tưởng. Rất nhiều tờ báo xưa người ta chỉ biết đến chủ bút, tài ba, nổi tiếng hơn ông chủ báo nhiều.
Không biết ở Mỹ, tổng thống đồng thời làm luôn thủ tướng thì thế nao, chứ ở ta, làm tổng biên tập mà không thể chuyên chú vào việc bài vở chữ nghĩa, tôi thấy nó thiếu chuyên nghiệp. Do vậy, mà một tờ báo nên có giám đốc, bên dưới là tổng biên tập, người quản lý và các bộ phận khác. Ôm đồm, kiêm chức nhiều quá, cái gì cũng phải lo thì làm sao tôn lên bản sắc của tòa soạn mình.❏
(Trích từ tập “Chữ văn chữ báo” của Trần Chiến do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2007)