Chuyện tái bản phóng sự "Việc làng" đã đến hồi kết thúc, quyền nhân thân của tác giả đã được bảo vệ
Những sai lệch xoay quanh chuyện tái bản phóng sự “Việc làng” năm 2014 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn do chúng tôi phát hiện và khiếu nại, đến nay đã tới hồi kết thúc.
(CLO) Những sai lệch xoay quanh chuyện tái bản phóng sự “Việc làng” năm 2014 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn do chúng tôi phát hiện và khiếu nại, đến nay đã tới hồi kết thúc.
[caption id="attachment_68393" align="aligncenter" width="600"]Tháng 12 - 2014, chúng tôi đã gửi Đơn khiếu nại đến Cục Bản quyền tác giả. Nhiều lần chúng tôi trực tiếp gặp và chuyển đến Cục Bản quyền tác giả các bộ hồ sơ. Sau đó, hai lần chúng tôi nhận được công văn (kèm theo Đơn khiếu nại của chúng tôi) của Cục gửi Nxb Hội Nhà văn, “đề nghị” và “yêu cầu” giải trình sự việc.
Ngày 20 tháng 04 năm 2015, chúng tôi nhận được công văn của Cục, có kèm theo văn bản giải trình của Nxb Hội Nhà văn, trong đó phía nhà xuất bản cho là không có sai phạm gì trong khi làm sách Việc làng – 2014 ngoài lỗi về “chính tả”, về “morát”.
Ngày 11 tháng 5 năm 2015, Cục Bản quyền tác giả gửi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, có gửi cho chúng tôi, cho biết Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã nhận trách nhiệm về những sai sót trong biên tập tác phẩm “Việc làng” nhưng Cục Bản quyền tác giả hoàn toàn không có ý kiến xử lý gì đối với việc chúng tôi tố giác là: “sách “Việc làng” in ra, đã không làm theo bản in năm 1941 của Nhà xuất bản Mai Lĩnh mà đã sao chép nguyên văn nội dung bản “Việc làng” vốn có nhiều sai sót, đã in năm 1996”.
Nhận thấy Cục Bản quyền tác giả giải quyết vụ việc không được thoả đáng, chúng tôi đã có văn bản phản hồi, nhưng không có hồi âm. Do đó, chúng tôi quyết định nộp Đơn tố cáo kèm theo toàn bộ tài liệu liên quan đến Ban Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhiều lần đã làm việc với Ban Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông, điều đặc biệt khác hẳn so với cách làm ở Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là, mặc dầu nhiều lần đề nghị nhưng chúng tôi chưa từng được phía Cục tổ chức cho chúng tôi được đối chất trực tiếp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn với sự có mặt của Cục Bản quyền, thế nhưng, ngược lại, ngày 5 tháng 10 năm 2015, tại Ban Thanh tra - Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có cuộc đối thoại trực diện giữa chúng tôi và Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tại đây, phía nhà xuất bản thừa nhận Nhà xuất bản và đối tác liên kết đã không in đúng bản thảo của Nhà xuất bản Mai Lĩnh năm 1941 và khi làm sách có những sai sót như trong đơn chúng tôi đã nêu. Ban Thanh tra Bộ đã lập biên bản cụ thể.
Cuối cùng, chúng tôi đã nhận được văn bản của Ban Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, chính thức cho biết: Cuốn sách “Việc làng” đang phát hành trên thị trường, in không đúng nội dung bản thảo đã được Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn ký duyệt. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyển thông đã xử lý vi phạm hành chính Công ty Cổ phần văn hoá và truyền thông Nhã Nam về hành vi nêu trên theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản.
Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị Nhà xuất bản Hội Nhà văn:
- Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm các khâu: biên tập, đọc, kiểm tra xuất bản phẩm trước khi ký quyết định phát hành, đảm bảo việc xuất bản đúng các quy định của pháp luật về xuất bản.
- Dừng phát hành cuốn sách “Việc làng” năm 2014, thu hồi, kiểm tra, chỉnh sửa theo nội dung bản thảo đã được Giám đốc Nhà xuất bản ký duyệt.
Khác hẳn với “cách làm thủ công, dò tìm bằng mắt thường” đã rất tốn công sức, mất nhiều thời gian, lại thiếu chính xác và không thật khách trong quá trình chọn lựa bản thảo để tái bản các tác phẩm văn học tiêu biểu, vừa qua, chúng tôi đã vận dụng tin học, đặc biệt là thành quả kỳ diệu và nhẩy vọt của “Lệnh Compare and Merge” của “Giao diện MS Word 2007” để khảo cứu văn bản và phát hiện các sai lệch khi tái bản “Phóng sự Việc làng”.
* Tin học chứng minh: phiên bản đăng báo lần đầu (năm 1940) trên báo Hà Nội tân văn và bản in thành sách lần đầu do Nhà xuất bản Mai Lĩnh (năm 1941) chính là mã nguồn (source cod), là tài liệu nguồn (source document) của “Phóng sự Việc làng”.
Đây là những “tài liệu mở”, những “tài liệu đầu tiên” do chính tác giả khi còn sống, đã trực tiếp “khai sinh” ra.Trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, “văn với báo vẫn đang còn là anh em sinh đôi, đều còn chưa chuyên hóa cao”, Ngô Tất Tố đã sớm biết dùng “kênh báo chí”, là phương tiện truyền thông có tính kịp thời cao, có sức lan tỏa nhanh rộng (so với xuất bản) để cho ra mắt “Việc làng”, sau đó, mới dùng “kênh xuất bản” để in thành sách.
Tin học đã đã hiển thị hai phiên bản đăng báo và in thành sách của Phóng sự Việc làng có xuất xứ từ một độc bản, chỉ với một nội dung duy nhất, đích thân tác giả đã công khai, hợp pháp công bố khi còn sống. Thật ngớ ngẩn, nếu đòi phải có “di bút” hay “di chúc” để chứng minh đây là tác phẩm của tác giả (!?). Các bản tái bản sau khi tác giả đã mất (sau năm 1954), đều không có tư cách được dùng để thẩm định bản gốc, không cho phép suy diễn là tác phẩm có bản này, bản khác, có “dị bản”, có “nhuận sắc”và không cho phép được “tự do sử dụng và chú giải” coi như không ai vi phạm ai, hoặc “với hậu thế, không có văn bản tác phẩm nào của nhà văn Ngô Tất Tố là chuẩn“(!?).
* Tin học hiển thị hơn 30 lỗi sai, in khác, bị cắt bỏ hoặc thêm bớt khi đối chiếu, so sánh nội dung “Việc làng - 2014” của Nxb Hội Nhà văn với sách “Việc làng 1941” do Nhà xuấ bản Mai Lĩnh làm mà phía Nxb Hội Nhà văn luôn luôn nhấn mạnh là đã tôn trọng và cho là khả tín nhất được dùng để làm sê ri sách “Danh tác Việt Nam”.
“Lệnh so sánh và hợp nhất của MS Word 2007” đã hiển thị: nội dung sách “Việc làng – 2014” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn hoàn toàn không giống với nội dung “Việc làng - 1941” của Nhà xuất bản Mai Lĩnh nhưng lại giống hệt nội dung “Việc làng" vốn có nhiều lỗi sai, in năm 1996.
[caption id="attachment_68402" align="alignnone" width="872"]* Tin học cho thấy sự khác nhau lớn nhất giữa “hai phiên bản nguồn” chính là sự cắt bỏ của kiểm duyệt, “Kiểm duyệt Pháp” chính là địch thủ số một, đã trắng trợn xâm phạm bản quyền tác giả ngay từ đầu.
“Hoạt động kiểm duyệt sách báo” đương thời cực kỳ tàn ác, nham hiểm và trắng trợn, nhưng lại sơ hở. Máy tính hiển thị rất rõ: ở các vị trí tương ứng trên hai phiên bản, kiểm duyệt Pháp cắt xén không giống nhau, ở bản này thì cắt bỏ nhưng ở bản kia lại để nguyên, kết cục là nội dung kiểm duyệt đã để nguyên ở bản này lại được dùng để xoá sạch mọi dấu vết cắt bỏ do chính kiểm duyệt đã làm ở bản kia.
Hợp nhất nội dung hai phiên bản đưa lại kết quả kỳ diệu: vượt khỏi "nanh vuốt" của kiểm duyệt, tác giả đã tự bảo vệ được bản quyền sáng tác, toàn toàn văn nguyên vẹn của phóng sự đã được bảo toàn và được chuyển tới tận tay bạn đọc, được lưu lại cho đời sau.
Đây là cách do Ngô Tất Tố trực tiếp làm, đã gợi ý và định hướng cho người đời sau, dễ dàng và tự nguyện nhận ra cách tiếp cận và thẩm định bản gốc của “Việc làng”. Đây là cách làm khách quan, có sức thuyết phục lớn, không phải là cách làm của riêng ai, càng không phải ai ép buộc gò bó cho ai.
Sau khi thu thập tài liệu, làm rõ các nội dung chúng tôi nêu trong đơn, Ban Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chức năng quản lý, giám sát chuyên trách cấp Nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, đã xác định rõ phải trái, đã kết luận phía nhà xuất bản và đối tác liên kết có sai phạm không phù hợp với Luật xuất bản. Ban Thanh tra Bộ đã công minh giải quyết đến cùng vụ việc là xử phạt hành chính, yêu cầu phải dừng phát hành và thu hồi sách “Việc làng” do phía nhà xuất bản và đối tác liên kết đã làm trong năm 2014. Đây là lời cảnh báo quyết liệt trước thực trạng làm sách xô bồ, hỗn loạn trong hoạt động xuất bản, đã gây nên nhiễu nhương, bức xúc trong xã hội.
Thế là những chuyện xoay quanh việc tái bản phóng sự "Việc làng” kéo dài hơn một năm đã tới hồi kết thúc, bản quyền sáng tác và quyền nhân thân của Nhà văn Ngô Tất Tố được bảo hộ, di sản văn học của người xưa đã được bảo tồn. Dùng tin học thay thế cho cách cũ “làm thủ công, dò tìm bằng mắt thường” tốn quá nhiều công sức và thời gian khi khảo cứu văn bản các di sản văn học chắc chắn ghi nhận bước chuyển biến kỳ diệu, nhẩy vọt về trình độ và hiệu quả.
“Vào Đông 2015 -2016”
Cao Đắc Điểm - Ngô Thị Thanh Lịch