Đạo diễn Trần Quốc Sơn - Người thổi làn gió mới trong phim tài liệu

30/12/2015 09:50

Với niềm đam mê, sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ, đạo diễn Trần Quốc Sơn (Hãng phim TFS) đang thổi một làn gió mới cho thể loại phim tưởng chừng khô cứng: phim tài liệu.

(CLO) Với niềm đam mê, sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ, đạo diễn Trần Quốc Sơn (Hãng phim TFS) đang thổi một làn gió mới cho thể loại phim tưởng chừng khô cứng: phim tài liệu.

>>> Phim tài liệu: "Nhạc sĩ – NSƯT Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi": Xúc động và thắp lửa tin yêu!

Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 vừa qua đã có 27 tác phẩm được trao giải Vàng. Trong đó có bộ phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” do TFS sản xuất, kịch bản và đạo diễn Trần Quốc Sơn đã chấm phá nhiều phong vị mới về phim tài liệu.

[caption id="attachment_73542" align="aligncenter" width="640"]san khau chinh Đạo diễn Trần Quốc Sơn nhận giải vàng thể loại Phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 vừa qua.[/caption]

Bộ phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” nói về cuộc tao ngộ thú vị giữa Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy (tức Bảy A – nay đã thành lão nông Bảy Lúa) với viên thiếu tá – cựu phi công không lực Hoa Kỳ Charlie Plumb. 48 năm trước, họ từng là kẻ thù “không đội trời chung” của nhau.

Năm 1967, trong cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm một tọa độ trên bầu trời miền Bắc cho hai phi đội chiến đấu giữa Mỹ và Việt Nam giao chiến. Trong khi phía Mỹ, Charlie Plumb cùng đồng đội từng tốt nghiệp Học viện Hải quân, sử dụng chiến đấu cơ F4, trang bị tên lửa hồng ngoại tự tìm mục tiêu thì phi công Nguyễn Văn Bảy chỉ học đến lớp 3, lại điều khiển Mig 17 chỉ được trang bị đại bác 37mm và bắn bằng mắt thường!

Thế nhưng, khi giao chiến, Nguyễn Văn Bảy đã bắn hạ một chiếc F4, còn Charlie Plumb bay thoát. Gần một tháng sau, máy bay của Charlie Plumb lại bị tên lửa mặt đất của ta bắn trúng trên bầu trời Hà Nội. Plumb nhảy dù và bị bắt làm “khách” của “khách sạn Hilton Hà Nội” – trại giam Hỏa Lò, nơi dành cho phi công tù binh Mỹ. Năm 1972, ông được trao trả theo hiệp định Paris, rồi tiếp tục phục vụ quân đội đến khi về hưu với quân hàm thiếu tá. Hiện tại, Charlie Plumb viết sách và đi diễn thuyết tại nhiều trường đại học ở Mỹ. Còn Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy sau khi nghỉ hưu năm 1990 với hàm đại tá, ông lại thích về quê hương Đồng Tháp làm một nông dân trồng cây, nuôi cá sau khi đã lo nhà cửa khang trang cho các con ở TP.HCM.

[caption id="attachment_73539" align="aligncenter" width="640"]SONY DSC Thiếu tá – cựu phi công không lực Hoa Kỳ Charlie Plumb hội ngộ cùng AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy (đội khăn rằn) tại Đồng Tháp.[/caption]

48 năm sau, khi chiến tranh đã lùi xa, họ mới thật sự biết mặt nhau trong buổi hội ngộ đầy bất ngờ ở một miền quê sông nước. Giờ đây, họ không còn ở hai chiến tuyến nữa. Ngày hội ngộ, cả hai bắt tay và ôm trầm lấy nhau trong không khí xúc động và thanh thản. Sự thanh thản của những người đã làm tròn nghĩa vụ với đất nước mình và vì có chung một suy nghĩ: chiến tranh mãi mãi thuộc về quá khứ…

Tuy cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong hai ngày ít ỏi nhưng “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” của đạo diễn Trần Quốc Sơn đã không chỉ khéo léo khắc họa được sự thú vị của cuộc hội ngộ đầy bất ngờ mà còn chấm phá được nhiều chi tiết sống động của quá khứ đạn bom đầy khốc liệt nhưng cũng không thiếu sự lãng mạn tình người, tính nhân văn cao cả. Đó là sự chia sẻ với nỗi xúc động vô bờ của gia đình phi công Mỹ Charlie Plumb khi chứng kiến giây phút ông được trao trả, trở về nhà với hình hài nguyên vẹn.

Và trên hết, qua nhân vật “huyền thoại sống” AHLLVT phi công Nguyễn Văn Bảy, lần nữa, chân dung, hồn cốt dân tộc Việt lại được khắc họa. “Đối với anh Bảy, bắn rơi một máy bay giống như nông dân cày xong thửa ruộng thôi” (lời trong phim của đại tá Lương Quốc Bảo). Đó là chân dung của một dân tộc anh hùng, không khuất phục trước kẻ thù nào nhưng đồng thời cũng là dân tộc hiền hòa, nhân ái, yêu chuộng hòa bình.

Sau khi trở về từ Quảng Bình (nơi vừa diễn ra Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 35), đạo diễn Trần Quốc Sơn đã giành cho báo Congluan.vn một buổi trò chuyện thân tình. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:

[caption id="attachment_73541" align="aligncenter" width="541"]huy chuong Đạo diễn Trần Quốc sơn[/caption]

PV: Cảm xúc của anh như thế nào khi “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” do anh viết kịch bản và kiêm đạo diễn đã giành được Huy chương vàng thể loại phim tài liệu?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Tôi thực sự cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận được giải  vàng vì bộ phim này đến với ê-kíp làm phim như một cái duyên. Khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi rất may mắn được gặp những huyền thoại của không quân Việt Nam và Hoa Kỳ. Chỉ đến khi hai nhân vật tìm gặp được nhau tại quê hương Đồng Tháp, chúng tôi mới được cho mình một kết thúc có hậu trong bộ phim. Sau đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ rằng mình đã làm được một tác phẩm có ý nghĩa.

Khi được xướng tên tại lễ trao giải Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35, tôi cảm thấy những nỗ lực của mình và ê-kíp làm phim đã được đền đáp. Giải thưởng này có lẽ tôi sẽ tiếp tục tặng cho tất cả những người yêu thương và luôn ủng hộ những đứa con tinh thần của Sơn.

PV: Cơ duyên nào anh phát hiện đề tài và làm bộ phim này? Trong quá trình làm phim chắc gặp không ít khó khăn?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Thiếu tá Plumb có đọc được cuốn “Không chiến trên bầu trời VN 1965 - 1975 nhìn từ hai phía” của trung tá không quân Nguyễn Sỹ Hưng (bản dịch tiếng Anh). Tác giả cuốn sách kể: “Charlie Plumb nhớ vào chiều ngày 24.4.1967 ở vùng trời đó, ông đụng độ 3 chiếc Mig 17, trong đó có 2 chiếc màu tối, 1 chiếc màu sáng. Ông nói có cách gì tìm được danh tính những người đó. Tra cứu tư liệu thì tôi biết đó là biên đội của Nguyễn Văn Bảy. Plumb quyết định sang VN gặp lại “cố nhân”.

Ban đầu, tôi chưa có sự xác định cụ thể về kịch bản kể chuyện, sau đó bất ngờ tôi nhận được một cuộc điện thoại của Trung tá phi công Nguyễn Sĩ Hưng thông báo về cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

Từ đầu năm 2015, chúng tôi phải tận dụng hết mọi khả năng có thể để tìm chất liệu, tư liệu cho phim. Tất cả những hình ảnh, nhân chứng chúng tôi quay ở Hà Nội, Đồng Tháp, TP.HCM, Thanh Hóa… Tại những nơi đây, chúng tôi đã thu thập được nhiều hình ảnh, nhiều thông tin, gặp nhiều nhân chứng đong đầy cảm xúc. Đoàn phim cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Thời gian ông Plumb lưu lại tại Đồng Tháp và TP.HCM chỉ vỏn vẹn 2 ngày mà rất nhiều cảnh quay phải thực hiện cho cuộc gặp gỡ quan trọng này. Ngoài ra, tư liệu về thời trẻ của 2 nhân vật chính rất khó tìm, phải liên hệ từ nhiều nơi và từ nhiều nguồn. Đặc biệt là cảnh gia đình vợ con ông Plumb xem truyền hình trực tiếp cảnh trao trả tù binh tại Phillipines. Cảnh quay này đã là một điểm nhấn quan trọng và mang lại nhiều xúc động cho người xem.

[caption id="attachment_73543" align="alignnone" width="640"]vdefbvdvd (FILEminimizer) Từ trái qua: Đạo diễn Trần Quốc Sơn, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy và thiếu tá – cựu phi công không lực Hoa Kỳ Charlie Plumb tại Dinh Độc lập.[/caption]

PV: Vì sao anh chọn làm phim tài liệu, một thể loại rất “kén” người làm mà không phải những mảng khác?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Tôi đã từng thử sức ở nhiều công việc khác nhau, Về nội dung thì từ các vấn đề chính trị, khoa học, rồi miền núi, dân tộc, biển đảo đến những lĩnh vực chuyên biệt như giáo dục… tôi cũng đã kinh qua. Trụ lại ở mảng phim tài liệu, tôi nghĩ đó là cái duyên.

Tôi đam mê làm phim tài liệu từ lâu rồi. Thích lắm! Nhưng đúng là tôi phải đến với nó bằng một con đường vòng. Trước đây, thấy các đạo diễn và biên kịch phim tài liệu toàn là các bác, các chú, mà ai cũng “đầy mình” các giải thưởng và danh hiệu, nên mình sợ, không dám tiếp cận. Giờ được làm phim rồi tôi cảm thấy tính tình, cách viết, cách suy nghĩ của mình phù hợp với phim tài liệu hơn cả.

PV: Mỗi một lĩnh vực bao giờ cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng, với phim tài liệu thì anh nghĩ như thế nào thưa anh? Kinh nghiệm của anh?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Trong thời gian du học ở Cộng Hòa Pháp năm 2000, tôi nhận thấy ở các nước phương Tây, phim tài liệu được đa số khán giả quan tâm. Họ xem phim tài liệu như một món ăn tinh thần ưa thích. Họ thường có sẵn những kênh riêng để phát thể loại này song song với các kênh giải trí khác. Còn ở Việt Nam, không thể trách khán giả được khi họ ít quan tâm đến thể loại này. Nguyên nhân một phần do những người làm nghề, khả năng thu hồi vốn thấp dẫn đến lý do các nhà sản xuất ở Việt Nam ngần ngại đầu tư vào phim tài liệu.

Theo đuổi công việc đạo diễn phim tài liệu này là cơ duyên, tuy nhiên để theo đuổi tới cùng thì cần có đam mê và nhiệt huyết. Tôi tìm thấy niềm vui trong sự vất vả của những ngày tác nghiệp, thấy hình bóng của mình và những người xung quanh trong các nhân vật mà tôi xây dựng. Có lẽ đó là một trong những yếu tố cơ bản để tôi không thể dứt bỏ dù sau những ngày tháng lăn lộn đi quay, tôi thường sa sút sức khỏe rất nhiều.

Tôi cho rằng, nếu có áp lực thì hãy để nó diễn ra trước đó. Còn khi đã bắt tay vào làm phim thì không nên để bất kỳ áp lực nào đè nặng và chi phối mình. Hãy coi mỗi bộ phim giống như một cuộc chơi nghề mà ở đó tôi cùng các đồng nghiệp của mình được sát cánh, được thỏa sức vùng vẫy trong thế giới hình ảnh và đời sống của các nhân vật. Tôi cũng chưa bao giờ quan niệm phân biệt phim tài liệu, ký sự hay phim điện ảnh. Phim nào tôi cũng làm bằng tất cả tâm huyết và sự tôn trọng với tác phẩm.

[caption id="attachment_73538" align="aligncenter" width="363"]anh 27 giai vang Danh sách 27 tác phẩm truyền hình đạt giải vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc vừa qua.[/caption]

PV: Hiện nay có khá nhiều đạo diễn làm phim tài liệu có thâm niên và tên tuổi, vậy anh có “thủ pháp” gì khác mọi người để làm nên thương hiệu của mình?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Mỗi sản phẩm truyền hình đều phải sáng tạo, tôi luôn tâm niệm điều này với bất cứ đề tài hay chương trình gì. Cái này càng đúng với phim tài liệu. Nếu xem nhiều, xem kỹ, khán giả sẽ thấy rõ mỗi tác giả phim tài liệu sẽ có một phong cách và thủ pháp riêng. Tôi có thể học hỏi được nhiều cái hay, cái chuyên nghiệp của các bậc cha chú. Tuy nhiên đã là người đi sau nếu tôi không tìm tòi, không tư duy, không mạnh dạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, điều tôi luôn đau đáu khi đặt bút viết kịch bản là phải khác. Khác người và khác cả chính mình.

Người làm phim tài liệu ở HTV có cái sướng là được lãnh đạo quan tâm, được khán giả, dư luận quan tâm. Tuy nhiên, TFS là Hãng phim ghi dấu ấn trong lòng khán giả với thể loại ký sự, phim tài liệu nên mọi thứ đều có chuẩn mực và quy định rõ ràng. Các đạo diễn phim tài liệu của TFS đều hiểu một trong những nhiệm vụ quan trọng của mình là phải đảm đương các đề tài truyền thống, làm cho hay mảng phim lịch sử, truyền thống này cũng là trách nhiệm của mỗi người chúng tôi.

Chúng tôi không thể mặc định đó là những đề tài khó hay để mà không tìm tòi kỹ lưỡng. Với những người trẻ như tôi thì càng phải cố gắng. Tôi tin, nếu có thời gian và được ủng hộ, kèm thêm tinh thần trách nhiệm cao, những phim tài liệu đề tài lịch sử, truyền thống vẫn có thể hấp dẫn như thường.

Tôi có một nguyên tắc hết sức đơn giản đó là đạo diễn phim tài liệu phải có hành trang vốn sống để cảm nhận rất nhanh mọi điều, không ngừng trau dồi nghề nghiệp cùng sự say mê và trách nhiệm công dân của nhà báo. Mọi giải thưởng sẽ qua đi nhưng phần thưởng lớn nhất với người làm phim tài liệu là tác phẩm sống trong lòng công chúng và trường tồn với thời gian.

PV: Anh có thể cho biết những phim tài liệu anh từng làm? Dự định sắp tới của anh là gì?

Đạo diễn Trần Quốc Sơn: Tôi đã thực hiện khá nhiều phim, trong đó tiêu biểu như: Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc; Người Sài Gòn và cá cảnh; Họa sĩ Trần Đạt - tốc họa; Vang mãi bản hùng ca,… Ngoài ra, tôi cùng với đạo diễn Hồ Ngọc Xum cũng đã thực hiện thành công phim truyện Bức họa tình yêu, sản xuất năm 2008.

Năm qua, tôi làm khoảng 7 tập phim tài liệu. Hầu hết là bám sát các sự kiện và dấu mốc lịch sử như: Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP.HCM; NSƯT Nhạc sĩ Thế Hiển – Nhánh lan rừng nở mãi; Cuộc gặp gỡ sau 48 năm… Tôi cũng thường nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự đồng cảm của các nhà lý luận phê bình, các nhà báo và khán giả sau mỗi phim phát sóng. Tuy nhiên, thật sự tôi vẫn chưa hài lòng lắm. Tôi đang ấp ủ và hy vọng sẽ có những phim thật giá trị vào thời gian gần nhất.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn Trần Quốc Sơn về cuộc trò chuyện này!

Nguyên Pháp

nguyenphap