Âm vang mãi những bài hát Nga

31/10/2017 14:25

(CLO) Trong số những quốc gia có ảnh hưởng văn hóa đến Việt Nam ta, nước Nga nằm trong Liên Bang Xô Viết (cũ) – vẫn thường gọi là Liên Xô – là đất nước đứng đầu. Đã từ rất lâu, người Việt Nam đã rất quen thuộc với nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh, đặc biệt là âm nhạc. Riêng các ca khúc Nga thì vô cùng phong phú, hấp dẫn mang âm điệu, ngôn ngữ rất gần gũi với người Việt Nam.

Điều này dễ giải thích. Bởi Nga là trung tâm của phe XHCN trong một thời gian dài. Đây cũng là quốc gia thu nạp nhiều nhất những lưu học sinh Việt Nam sang học trong mọi lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật. Riêng âm nhạc, nhạc viện mang tên người nhạc sỹ Nga nổi tiếng nhất mọi thời đại Trai-cốp-sky đã đón nhận nhiều sinh viên Việt Nam theo học, sau này trở thành những nhạc sỹ nổi tiếng, có nhiều đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc nước nhà như Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài… Rất nhiều cuộc giao lưu âm nhạc diễn ra giữa hai nước Việt và Nga trong suốt một thời gian dài ngay từ sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954) đến hôm nay. Đó là chưa kể Nga là nước có nhiều chuyên gia âm nhạc nhất từng giúp đỡ chúng ta trong việc giảng dạy, đào tạo và dàn dựng nhiều tác phẩm âm nhạc đồ sộ…

Tuyển tập những bài hát Nga được người Việt Nam yêu thích.

Riêng nền ca khúc Nga thì vô cùng phong phú và hấp dẫn. Đặc biệt là có âm điệu, ngôn ngữ rất gần gũi với người Việt Nam. Không một sinh viên nào của ta sang học ở Nga lại không biết một vài bài hát của sứ sở này. Ngay cả nhiều người chưa một lần đặt chân đến đất nước bạch dương cũng rất yêu thích và thuộc nằm lòng nhiều bài hát được ra đời từ nơi đây.

Ở Việt Nam, ngay từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người đã biết một số bài hát cực kỳ nổi tiếng của Nga như Ca-chiu-sa,Tổ quốc, Thời thanh niên sôi nổi, Đỉnh núi Lê Nin, Chiều hải cảng… Có lẽ có sự đồng cảm, đồng điệu sâu sắc giữa những anh bộ đội cụ Hồ đang cầm súng đánh giặc với các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong Đại chiến thế giới lần thứ 2. Đó là lòng yêu nước vô bờ bến và khát vọng đánh đuổi giặc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.  

Kachiusa là huyền thoại của âm nhạc Nga, cũng là bài hát thường cất trên môi những chiến sĩ Việt.

Con người ta, bao nhiêu sự kiện có thể quên nhưng những kỷ niệm tâm hồn thì sẽ nhớ mãi, có khi ám ảnh suốt cuộc đời. Tôi còn nhớ như in, đó là những năm  61 - 62 của thế kỷ trước, khi ấy tôi mới là một cậu bé ở tuổi vị thành niên, nhưng trái tim đã biết rung động trước một đôi mắt có “rặng mi dài xao động ánh dương vui”. Một lần, tôi rủ bạn nữ cùng đi xem chiếu bóng ở rạp Long Biên tại phố Hàng Chiếu (bây giờ rạp đã biến thành một kho chứa hàng, không còn chiếu phim nữa).

Ngày ấy mà rủ được bạn nữ đi xem riêng với mình kể như đã là một “chiến tích” oanh liệt, khiến đám con trai trong lớp phải lác mắt rồi. Lần ấy, rạp chiếu bộ phim Liên Xô có tên là Khát khá hay, được tuổi trẻ lúc đó rất ưa thích. Nhân vật chính của phim là Ma Sa- một cô gái xinh đẹp có tình yêu rất say đắm và lãng mạn. Nội dung, tình tiết phim tôi không còn nhớ rõ, nhưng có một bài hát do Ma Sa hát trong phim thì ngay sau khi xem xong đã để lại ấn tượng thật đặc biệt cho khán giả. Và cô bạn tôi khi ấy đã vô cùng thích thú bài hát này, đến nỗi sau đó tôi phải mua vé vào xem bộ phim một lần nữa để nghe lại bài hát cho thuộc, đặng sẽ hát cho cô nghe (Hồi ấy tôi là một chàng hát khá hay). 

Đó là bài Đôi bờ của nhạc sỹ Ăng-đờ-rây Y-kop-lê-vich, lời ca của Gri-gô-ri Mi-khai-lô-vich Pô-zhen-yan. Rất may là sau đó một thời gian, bài hát này bỗng trở nên nổi tiếng và có ai đó đã dịch ra tiếng Việt, mà lúc xem dĩ nhiên là nhân vật Ma Sa hát bằng tiếng Nga. Bài hát cực kỳ ngắn gọn, đựợc tổ chức ở thể một đoạn với 4 câu nhạc vuông vức, âm vực được khống chế trong quãng 10 là quãng lý tưởng để bất cứ ai cũng có thể hát được dễ dàng. Và giai điệu thì rất lôi cuốn. Chỉ nghe qua một lần, người ta cũng có thể nhập tâm và thuộc ngay: “Đêm dài qua dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới. Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời. Lòng em tin thắm thiết yêu anh với tình yêu thiết tha. Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa”. Tất nhiên lời bài hát hay hơn phần dịch ở trên nhiều. Dễ hiểu vì người dịch phải tuân thủ thanh điệu (các dấu) của tiếng Việt nên chỉ có thể dịch ý mà không thể chuẩn xác từng từ. 

Khi giai điệu bài hát này vẫn còn đang lan truyền khắp nơi thì tuổi trẻ Việt Nam lúc ấy lại được biết một bài hát Nga khác cũng rất quyến rũ. Đó là bài Chiều ngoại ô Maxcơva của V.Xalaviốpxêđôi và M.Matu xốpski: “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào. Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu. Ôi thân thiết những chiều ngoại thành bao trìu mến, Maxcơva bao lời hát ân tình...” Bài hát này cũng được ra đờitừ một bộ phim của Liên Xô (cũ) nhưng tác phẩm điện ảnh bình thường, không khiến ai còn nhớ. Chỉ đến khi ca sĩ nổi tiếng người Nga có tên Vla-đi-mia Kons-tan-ti-nô-vich Trô-sin thể hiện, bài hát mới lan tỏa khắp đất nước Xô viết. Bài này rất phù hợp và đặc biệt phát huy tác dụng với những ca sĩ có giọng nam trung (baryton) hoặc nam trầm (basse). Có thể nói đó là hai bài tình ca Nga đã in đậm dấu ấn trong tâm khảm ngươì Việt Nam lúc bấy giờ. Ai yêu âm nhạc không thể không thuộc lòng. Rồi hàng loạt các bài hát Nga nổi tiếng khác đã lần lượt đến với công chúng Việt Nam: Cuộc sống ơi ta mến yêu ngườiXibêri nở hoa, Hắc Hải của tôi, Cây thùy dương, Triệu bông hồng, Nghệ sĩ với cây đàn, Tiếng hát trái tim, Nụ cười, Chiều hải cảng, Vôn-ga xinh đẹp, Cuộc sống ơi ta mến yêu người...

Đặc điểm của bài hát Nga là luôn ngắn gọn, khúc chiết, có cấu trúc âm điệu giản dị, âm hình tiết tấu không rắc rối, âm vực không rộng. Ca khúc nghệ thuật nhưng mang tính đại chúng rõ rệt, dễ vào lòng người, phổ cập. Nếu ai có chút ít hiểu biết về nhạc lý sẽ thấy phần nhiều được các tác giả viết ở thể một đoạn và hầu như từ đầu đến cuối bài chỉ ở một “gam”, rất ít có sự ly điệu, càng không có chuyển điệu. Vậy mà nghe vẫn rất thú vị, không hề đơn điệu (monotone). Chủ đề nội dung thì luôn làm nổi rõ sứ mạng công dân của người Nga đối với Tổ quốc, đất nước. Những bài tình ca thì đằm thắm, nổi rõ một tính cách Nga nhất quán: Nồng nhiệt, đôn hậu, cởi mở, chân thành, luôn lạc quan. Có lẽ những yếu tố này đã rất gần gũi với tâm hồn người Việt Nam nên chúng ta nhanh chóng trở nên yêu thích và cảm thấy rất gần gũi, thân quen, gắn bó với những bài hát Nga.

Điều đặc biệt thú vị là có rất nhiều người Việt chúng ta dẫu chưa một lần đặt chân tới nước Nga nhưng luôn cảm thấy xứ sở này thân quen như quê hương mình vậy. Đó chính là một phần đáng kể nhờ ở sức sống của những bài hát vừa nhắc tới đã trú ngụ lâu bền trong tâm khảm công chúng Việt Nam.

Tôi có một người bạn Nga tên là Lút-mi-la Côp-sê-lôp-na. Chị đã nhiều lần sang Việt Nam, nói sõi tiếng Việt và khá am tường văn hoá dân tộc ta. Chị đặc biệt yêu thích âm nhạc Việt Nam, thuộc khá nhiều dân ca, đặc biệt là quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra, chị cũng hát được một số ca khúc mới. Chị đã có một so sánh giữa âm nhạc Nga và Việt Nam như sau:
Âm nhạc Việt Nam thì điệu đà, bóng bẩy, nghe rất thích nhưng khó hát, tập lâu mới được vì giai điệu lên xuống quá uốn lượn, nhiều khi lắt léo, cầu kỳ. Còn nhạc Nga thì dung dị, chất phác, rất dễ hát, càng hát càng thấy thích thú...”

Với riêng tôi, những âm điệu Nga là cả một thế giới kỳ thú, luôn khiến trái tim rung động và đánh thức trong tôi những xao động êm đềm gắn với bao kỷ niệm tâm hồn của một thời hoa niên dẫu đã lùi xa vào dĩ vãng nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn sức hấp dẫn và chắc chắn sẽ còn đi theo suốt cuộc đời./.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San

thanhduyenng