Tình người trong lũ dữ

09/11/2017 21:53

(CLO) Chúng tôi tìm về các huyện Bắc và Nam Trà My là những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nơi vốn yên bình với những ngọn núi cao và những tán rừng xinh đẹp với tiềm năng kinh tế rất lớn từ một sản vật quý giá đó là Sâm Ngọc Linh. Nhưng giờ đây là những vạt đường sạt lở, những ngôi nhà xiêu vẹo, với những đôi mắt đỏ hoe hiện lên trong mỗi người, nỗi tang thương như bao trùm lên làng quê hiền hòa này.

Những nỗi đau xé lòng

Gia đình anh Nguyễn Duy Lượng - chị Lê Thị Nga (thôn 2, xã Trà Giang). Hai vợ chồng làm lụng vất vả, tích cóp được một ít tiền cộng thêm vay ngân hàng hơn 60 triệu đồng để dựng căn nhà ngay sát sông Trường. Vợ chồng anh chị dọn vào ở chưa được một tháng, khoảng 15h30 ngày 5/11 một khối núi lớn phía bên kia sông đổ ập xuống dòng sông bình thường vốn yên bình làm chuyển hướng dòng nước dữ, nhà chị và 07 hộ dân sống gần đó. Hậu quả, chị Nga, anh Lượng bị thương nặng và  rất nhiều người hàng xóm của chị cũng bị thương, đang được điều trị tại các bệnh viện. Đau buồn hơn, bố anh Lượng là ông Nguyễn Duy Tứ đã mất tích đến nay vẫn chưa tìm được.

Nhiều ngôi  nhà ở  huyện Bắc Trà My  bị đất sạt lở vùi sâu

 Một cảnh tượng đau thương  ở xóm nhỏ ở tổ Đồng Bộ, thị trấn Trà My - nơi có hai gia đình bị đất sạt lở đè chết 5 người. Do mưa lớn kéo dài, lo sợ sạt lở đất trước nhà nên người thân trong gia đình chị Nguyễn Thị Đắc (SN 1972) bàn nhau đưa sang ở nhờ nhà anh Long hàng xóm cách đó khoảng 100 mét, tá túc cho an toàn.  Nào ngờ, khoảng 19h ngày 5/11, một khối núi lớn đổ ập xuống nhà anh Long, làm 5 người chết tại chỗ và 4 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng đang được điều trị tại BV Đa khoa Quảng Nam (một người bị chấn thương sọ não và một người bị cưa 1 chân, gãy xương sườn). Nhà cửa không còn, hàng xóm phải mang thi thể các nạn nhân xấu số về cơ quan thôn làm thủ tục mai táng.

Lễ tang người dân bị nạn sạt lở đất số ở  huyện Bắc Trà My  

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Nguyễn Thị Đắc, anh Nguyễn Thanh Bình, người có mẹ, em trai và vợ bị mất trong vụ sạt lở tại huyện Bắc Trà My. Là trụ cột chính trong nhà, cuộc sống gian khổ hơn mọi phần anh chỉ làm công thợ hàn cho người ta, đêm về anh tham gia công tác dân quân tự vệ với đồng lương ít ỏi lo cho mẹ già và vợ con. Từ nơi trực kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép của huyện ở Nước Oa, về đến nhà đã hay tin mình mất đến 3 người thân. Ngồi thẫn thờ trước thi thể của những người ruột thịt, anh Bình với đôi mắt thẫn thờ : “Tối đó không hiểu sao tôi nóng ruột lắm, nói với mấy anh em trong tổ là mai nhất định phải về nhà xem mưa gió thế nào. Vậy mà giờ đây, ngồi trước mẹ, em và vợ, thật chẳng biết nói thế nào” – anh nói trong nước mắt.

Huyện miền núi  Nam Trà My trong những ngày qua cũng đầy ắp nỗi tang thương . Mưa lớn, khiến ngọn đồi phía sau nhà anh Võ Văn Tư (thôn 3, xã Trà Don) đổ sụp xuống, vùi lấp hoàn toàn. Hậu quả, chị Hiền - vợ anh Tư tử vong tại chỗ (chị Hiền đang mang thai tháng thứ 2), anh Tư bị gãy hai chân; con gái đầu bị thương nặng. Khi vụ sập nhà xảy ra trưa 6/11 nhưng hoàn toàn không ai biết để báo về UBND xã. Đến sáng 8/11, người dân vượt đường lũ về cấp báo về các cấp chính quyền  huyện Nam Trà My, người dân địa phương vào hiện trường sập nhà để đưa cả gia đình anh Tư xuống Bệnh viện huyện Nam Trà My. Hiện nay, anh Tư vẫn đang được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My, nhưng do vết thương nặng nguy cơ bị hoại tử rất cao. 

Đường về huyện  Nam Trà My bị sạt lở và chia cắt nhiều ngày  

Vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh tang thương, mất mát khác như vụ sạt lở đè chết 04 công nhân ở đập thủy điện Nước Oa (Thủy điện Trà My 1, xã Trà Tân), ngập lụt ở Trà Dương, sạt lở ở Trà Đốc, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui…. Nhiều người hiện giờ vẫn đang tìm kiếm người thân, số khác chọn bệnh viện làm nơi “tạm trú” vì nhà cửa giờ đã không còn.

Tình người trong mưa lũ

Sau khi nhận được hung tin sạt lở núi, UBND huyện Bắc Trà My đã huy động gần như toàn bộ lực lượng chức năng để đến nơi ứng cứu. Từng thi thể được tìm thấy khiến mọi người không tránh khỏi đau xót. Thượng tá Trần Cao Thái - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết, khi nhận tin xảy ra sự cố, đơn vị huy động gần như toàn bộ lực lượng xuống hiện trường tìm kiếm, cứu nạn. Sau hơn 12 giờ đồng hồ vật lộn với bùn đất, thi thể cuối cùng cũng được tìm thấy. “Vì đây là khu vực đồi núi, dốc và trong điều kiện mưa gió, tối tăm nên công việc tìm kiếm rất khó khăn. Nhưng anh em không ai bảo ai, xem đó như là tìm người thân thích của mình” - Thượng tá Trần Cao Thái nói.

Trắng đêm vật lộn với bùn đất,  cầm chừng bằng những  gói mì tôm nhai vội để có sức . “Trời tối, không thấy đường, lại sợ lưỡi cuốc, lưỡi xẻng phạm vào thi thể nên chúng tôi chủ yếu vẫn là dùng tay không, để đào bới tìm kiếm. Thương lắm các anh ạ!” - chiến sĩ trẻ Nguyễn Quốc Hào chia sẻ.

Bà Đoàn Thị Thoa (thôn Đàng Bộ, thị trấn Trà My, Bắc Trà My) khi hay tin hàng xóm mình gặp chuyện không may, bà Thoa tất tưởi qua thăm rồi lặng người trước những thi thể lấm lem bùn đất. Cả ngày, ai đi qua đoạn đường đó, cũng thấy hình ảnh người đàn bà hơn 60 tuổi ôm thùng quyên góp, tiếng nói như bị che lấp bởi tiếng mưa, hay là bởi bà đã lạc giọng khi cả ngày luôn kêu gọi người đi đường dừng lại để ủng hộ một ít tiền ma chay. Chỉ biết rằng, nhờ đó mà bà đã quyên được mười mấy triệu đồng giúp cho gia đình 5 người xấu số. “Nghĩa tình hàng xóm, láng giềng chỉ giúp được đến đó thôi chú ạ. Khổ thân quá !” - bà Thoa kéo vội vạt áo, quệt ngang dòng nước mắt mắt nói với chúng tôi.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay đoàn y tế, quân sự huyện đã vào thôn 2, xã Trà Vân để khám và chăm sóc người bị nạn. Trường hợp bị thương nặng đưa về điều trị tại bệnh viện, cùng với các gia đình bị nạn lo tang lễ, chúng tôi đang làm hết sức mình để giải quyết nỗi đau thương này ”.

 Theo thống  kê từ UBND tỉnh Quảng Nam,do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, hoạt động của gió Đông trên cao, kết hợp với phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ, với hoàn lưu suy yếu của bão số 12,trong nhiều ngày qua tại các địa phương trên địa bàn Quảng Nam  đã xảy ra mưa rất to trên diện rộng,Mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn đều đạt đỉnh trên báo động III, gây ngập lụt trên diện rộng tại 82 xã, phường, thị trấn.  Các địa phương tổ chức sơ tán 4.814 hộ/10.620 khẩu đến nơi an toàn. Vùng hạ lưu nước về nhanh, mực nước các sông trên mức báo động III, đạt mức lũ lịch sử những năm 1999, 2009 nên đã gây thiệt hại tương đối lớn.

Ngập sâu ở phố cổ Hội An 


Cả tỉnh có 35 người chết, mất tích và bị thương; hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu và hư hỏng; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông

Đến nay, mực nước trên các sông đã xuống xấp xỉ báo động II, số hộ dân tại các nơi sơ tán đã quay trở về nhà an toàn, chỉ còn 100 hộ tại TP.Tam Kỳ (Tân Thạnh, Hòa Hương, An Phú, Tam Thăng, Tam Phú); 52 hộ tại Thăng Bình (Bình Nam); 230 hộ tại Quế Sơn (Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú).

Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính hơn 542 tỷ đồng. UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ 180 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các tuyến giao thông, công trình thủy lợi, các đoạn bờ biển, bờ sông bị hư hỏng nghiêm trọng; đồng thời hỗ trợ 500 tấn gạo và 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão.

Phan Văn Trung

maiphuc