Mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại
(CLO) Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc đầu tiên của Việt Nam về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra ngày 6/8.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%. Ảnh minh họa.
Theo báo cáo tại Hội nghị, bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào.
Bạo lực trẻ em xảy ra từ khi trẻ em còn rất nhỏ và các hình thức kỷ luật mang tính bạo lực trong gia đình là loại bạo lực trẻ em phổ biến nhất, ước tính 3/4 trẻ em từ 2-4 tuổi trên thế giới (xấp xỉ 300 triệu em) bị cha mẹ, người chăm sóc áp dụng các hình thức kỷ luật bạo lực về thể chất hoặc tâm lý.
Số liệu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy khoảng 90% trẻ em gái tuổi chưa thành niên từng bị ép buộc quan hệ tình dục nói rằng các em là nạn nhân của chính người thân hoặc người quen biết.
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao, tỷ lệ xâm hại thân thể dao động từ khoảng 10% (Trung Quốc) đến 30,3 % (Thái Lan).
Bạo lực, xâm hại trẻ em gây hậu quả trước mắt và lâu dài trong suốt cuộc đời. Nghiên cứu ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho thấy tống thiệt hại do bạo lực, xâm hại trẻ em gây ra, đặc biệt do các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ cao về sức khỏe, ước tính 206 tỉ USD, xấp xỉ 2% tổng GDP của khu vực này.
Tính đến cuối tháng 12/2017, Việt Nam có gần 26,3 triệu trẻ em. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục đạt nhiều tiến bộ: Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt khoảng 98,6%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân hiện nay toàn quốc đã giảm xuống còn 12,4%. Năm học 2016-2017, tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ đạt 27,7%, mẫu giáo đạt 90,9%, trong đó trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,7%; 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; năm 2017 có 1,9 triệu trẻ em được khai sinh miễn phí. Có 78 điểm vui chơi dành cho trẻ em ở cấp tỉnh, 465 điểm cấp huyện và 3.592 điểm cấp xã. |
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý.
Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%.
Ước tính toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, xâm hại cao.
Đặt trong bối cảnh chung của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với 75 quốc gia được thống kê trong báo cáo của UNICEF, Việt Nam xếp thứ 49 về tình trạng xảy ra bạo lực với trẻ em.
Trên thực tế, số lượng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn nhiều hơn do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, tố giác vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải.
Có thể nói, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em hiện nay là vấn đề nhức nhối, tính chất của các vụ xâm hại ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Minh Châu