Doanh nghiệp Việt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
(NB&CL) Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tạo ra các chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đối với Việt Nam, dù chỉ là giai đoạn khởi đầu nhưng thực sự cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang trở thành cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn của các nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp là nơi nhận diện rõ ràng nhất làn gió mới này.
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank: Sacombank luôn chú trọng đẩy mạnh công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ
Hiện nay, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa trong dịch vụ ngân hàng cá nhân cùng sự bùng nổ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam đã và đang đặt các ngân hàng trước những cơ hội lẫn thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này cũng nói lên rằng, các doanh nghiệp cần phải tiếp cận một cách chủ động hơn trên nền tảng công nghệ số để các sản phẩm dịch vụ của đơn vị ngày càng có chất lượng cao hơn, an toàn và chính xác hơn.
Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Sacombank
Là một trong những ngân hàng Việt Nam được đánh giá cao về nền tảng công nghệ thông tin, Sacombank luôn chú trọng đẩy mạnh công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ, cho ra mắt nhiều sản phẩm với phương thức tiếp cận phù hợp, tính bảo mật cao, cung cấp các giải pháp thanh toán nhanh, công nghệ liên kết với các nhóm ngành như giải pháp thanh toán ứng dụng công nghệ không chạm, mã QR, ví điện tử… Đồng thời các sản phẩm dịch vụ mới cũng được Sacombank liên tục phát triển trên nền tảng hệ thống ngân hàng lõi hiện đại T24 của Temenos Thụy sỹ.Tất cả điều này đều nói lên rằng Sacombank luôn chủ động tiếp cận áp dụng công nghệ 4.0 vào điều hành doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả về chất lượng cũng như mang lại sản phẩm dịch vụ mới, tốt nhất cho khách hàng. Mặt khác, đây cũng là cách để chúng tôi nắm bắt cơ hội một cách chủ động và đón đầu, tránh nguy cơ bị tụt hậu, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
CEO Nguyễn Huy Du – Người sáng lập dự án đèn học thông minh - Công ty cổ phần phát triển giáo dục thông minh: CMCN 4.0 yêu cầu “nghĩ khác biệt và làm nhanh hơn”
Cuộc cách mạng nào cũng luôn tạo ra những thách thức và cơ hội, mỗi doanh nghiệp đều có những chuẩn bị cho riêng mình, ai chuẩn bị tốt sẽ thấy nhiều cơ hội hơn và ngược lại. Chúng tôi đã tự lùi lại gần 4 năm để chuẩn bị cho việc đón “cuộc chơi 4.0” tại Việt Nam. Khi bắt đầu, tôi thấy cơ hội và thách thức là ngang nhau, nhưng khi càng thêm sự chuẩn bị thì cơ hội chính là con đường mới mở ra rộng hơn và rõ ràng hơn.
Nói về thách thức, có lẽ xin chia sẻ về yếu tố con người với 3 điểm quan trọng. Đầu tiên phải nói đến là kiến thức nền của thời 4.0, tất cả đều nhờ qua internet và những cuốn sách dịch. Nhân sự làm việc được đào tạo trong thời 3.0, nên kiến thức đó bị lỗi thời, không thể áp dụng, chỉ dùng được chút ít kinh nghiệm của họ. Tiếp theo là tư duy cũ, thời 4.0 yêu cầu “nghĩ ngược lại và làm khác đi”, nhiều nhân sự không thể hiểu và bắt nhịp kịp điều cốt lõi này. Cuối cùng là tốc độ làm việc, họ quen sự thong dong tuần làm việc 40 giờ.
CEO Nguyễn Huy Du - Người sáng lập dự án đèn học thông minh - Công ty Cổ phần
phát triển giáo dục thông minh.
Đặc biệt nhất là thời 4.0 trong sản xuất “Made by” quan trọng hơn “Made in”, chúng tôi lựa chọn đúng sở trường của mình để đặt và tham gia đúng mắt xích phù hợp trong chuỗi cung ứng giá trị của doanh nghiệp. Bước đầu chúng tôi đã phát triển xong 2 trong 3 sản phẩm chiến lược là đèn học thông minh The Smart Light và bảng học thông minh Smart Desk. Nền tảng mạng dạy kèm kết nối gia sư thông minh uTeacher và học liệu thông minh uBASE cũng được công ty phát triển xong. Tất cả đang được chuẩn bị kỹ càng để đưa ra thị trường và đến tay người dùng trong thời gian sắp tới. Với mong muốn kiến tạo nên sản phẩm “Made by Vietnam” và khát vọng vươn ra biển lớn, mong rằng sự chuẩn bị gần 6 năm qua của một start-up như chúng tôi sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
Hữu Phương – Chính Kỳ