"Ghế nóng" tại Bệnh viện ĐH Y dược Huế có thực sự thiếu người đủ tiêu chuẩn?
(CLO) Thời gian gần đây, tòa soạn nhận được 1 số phản ánh của bạn đọc về việc GS.TS Cao Ngọc Thành đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng hiện tại ông vẫn đương chức Bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế.

Bệnh viện Đại học Y dược Huế (Ảnh: Cái Văn Long).
Cụ thể người dân cho biết, GS.TS Cao Ngọc Thành (NS 1958), được Giám đốc Đại học Huế bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Huế, kiêm Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế từ tháng 9 năm 2009 đến năm 2018 (ngày 01/06/2018 là nghỉ hưu theo chế độ, gần 10 năm làm lãnh đạo). Tuy nhiên, đến nay ông Thành mới chỉ bàn giao, thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Huế, nhưng vẫn còn đương chức Bí thư đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế.
Theo tìm hiểu của PV được biết, Bệnh viện Đại học Y dược Huế được thành lập tháng 10/2002, trên cơ sở nâng cấp Trung tâm nghiên cứu y học lâm sàng của Trường Đại học Y dược Huế với 700 giường, đến nay Bệnh viện đã được công nhận là Bệnh viện Công lập hạng I thuộc Trường Đại học Y dược Huế (Đại học Huế) quản lý.
Liên quan đến phản ánh của bạn đọc về việc ông Thành đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện Đại học Y dược Huế, ngày 24/2/2019 phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc phỏng vấn (qua điện thoại) với PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế - Cơ quan chủ quản Trường Đại học Y dược Huế. Qua trao đổi, ông Linh cho biết: “Việc bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế là người phải có chứng chỉ quản lý bệnh viện do Bộ Y tế cấp nhưng ở Trường Đại học Y dược Huế và Bệnh viện Đại học Y dược Huế chưa có ai được cấp chứng chỉ đó, chưa có ai đủ điều kiện thay thế ông Thành nên buộc phải để ông Thành làm Giám đốc Bệnh viện”.
Tuy nhiên, một Lãnh đạo ở Trường Đại học Y dược Huế trả lời với phóng viên: “Ở đơn vị này có hơn 100 người có chứng chỉ quản lý Bệnh viện và rất nhiều người có đủ năng lực, điều kiện để ứng cử đảm trách chức vụ trên. Nếu Giám đốc Đại học Huế nói ở Trường và Bệnh viện không có ai được cấp chứng chỉ quản lý Bệnh viện để được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện là không đúng với thực tế”.

Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế. (Ảnh: Cái Văn Long).
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 6 Quy định về tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp của Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-BYT năm 2018 thì tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc và tương đương được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất: Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc tương đương trở lên; tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tương đương đối với đơn vị hạng I, hạng đặc biệt.
Thứ hai: Trình độ lý luận chính trị, quản lý: Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị. Có chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý đơn vị do Bộ Y tế quy định.
Thứ ba: Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: Đã giữ chức vụ quản lý cấp phó đơn vị hoặc tương đương ít nhất 01 năm; hoặc đã giữ chức vụ quản lý khoa, phòng và tương đương trở lên ít nhất 05 năm.
Như vậy, ở Trường Đại học Y dược Huế và Bệnh viện Đại học Y dược Huế có rất nhiều trường hợp đủ điều kiện để bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế.

Ông Cao Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế (Thứ 2 từ trái sang) nhận cờ thi đua của Chính phủ.
Bên cạnh đó, khi chiếu theo Khoản III, Điều 2 của Thông tư Số: 19/2001/TT-BTCCBCP ngày 25/4/ 2001 về việc hướng dẫn thực hiện nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ công chức đến tuổi nghỉ hưu cũng quy định: cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nếu được kéo dài thêm thời gian công tác thì thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Do đó việc Đại học Huế vẫn để cho ông Cao Ngọc Thành tiếp tục làm Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế trong khi đã đến tuổi nghỉ hưu với lý do không có nhân sự đủ điều kiện để thay thế khiến dư luận đăt nhiều dấu hỏi.
Báo Nhà báo và Công luận tiếp tục thông tin.
Cái Văn Long