Cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi
(CLO) Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm.
Vướng mắc khi giải ngân

Những năm gần đây tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm. Ảnh minh họa
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã chủ trì cuộc họp của giữa Ban Chỉ đạo và 6 nhóm ngân hàng tài trợ cho Việt Nam gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), nhằm tìm ra những giải pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018. Tỷ lệ giải ngân của 6 nhóm ngân hàng có xu hướng giảm, đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp nhằm giải ngân và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của 6 nhóm ngân hàng trên.
Trong số 80 tỷ USD có 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.
Năm 2018, tổng số vốn cam kết của sáu nhóm ngân hàng là 28,9 tỷ USD nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam.
Thời gian gần đây, tỷ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của 6 nhóm ngân hàng, trong đó tỷ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%. Nếu Việt Nam đạt được tỷ lệ giải ngân 21% trong năm 2018, sẽ giải ngân thêm được 1,8 tỷ USD, bằng khoảng 0,75% GDP của đất nước.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá Việt Nam là nước sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy vậy Phó thủ tướng đặt ra câu hỏi: “Tại sao năm 2017-2018, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này là rất thấp nếu so với tình hình giải ngân của các nước".
Đánh giá công tác giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam hiện vẫn chưa đạt được hiệu quả, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB cho biết, phía 6 nhóm ngân hàng phát triển đã đưa ra 6 công việc mang tính chất hệ thống còn có điểm hạn chế và hai bên cần phải giải quyết.
Những khó khăn, trở ngại cho việc giải ngân là thủ tục và quy trình, các quy định hiện tại của Chính phủ Việt Nam; mức độ sẵn sàng của các dự án; kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch phân bổ ngân sách đối với nguồn vốn ODA; các quy trình, thủ tục liên quan đến cho vay lại; các quy trình và yêu cầu liên quan tới giải ngân.
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp... Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, do đó làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu sự thống nhất trong phê duyệt các dự án cũng như điều phối các nguồn vốn tài trợ từ nhóm ngân hàng.
Theo ông Eric Sidgwick, điều này có thể thực hiện được khi đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuẩn bị đầu tư công trung hạn giai đoạn tới. Các nhóm ngân hàng rất mong muốn có cơ hội xây dựng khung hợp tác chung để hỗ trợ cho quá trình triển khai chiến lược đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2021.
Thực trạng trên đòi hỏi cam kết và nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan, đồng thời phải có những giải pháp để giải quyết từng nút thắt. Trong đó có việc 6 nhóm ngân hàng phát triển phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Giải pháp sử dụng hiệu quả từ nguồn vốn
Trong môi trường hiện nay và bối cảnh Việt Nam chuyển sang nền kinh tế có mức thu nhập cao hơn, cần có những giải pháp phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam. Để từ đó các khoản vay ODA và khoản vay ưu đãi sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cao hơn, đáp ứng hơn nữa nhu cầu của Việt Nam.
Để giải quyết tốt việc giải ngân, theo Phó thủ tướng Nguyễn Bình Minh là tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; rút ngắn thời gian khởi động thực hiện các dự án.
“Đây là vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta làm sao giải ngân để đưa dự án vào nhanh. Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn ODA nói chung và vốn vay ưu đãi, để hiệu quả thì phải thực nghiêm các luật và quy định,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy trình thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm đối với nguồn vốn nước ngoài trên nguyên tắc minh bạch hóa thông tin, trao đổi thường xuyên để bố trí vốn kế hoạch phù hợp.
Xác định rõ những hạng mục mang tính chi thường xuyên và chi đầu tư đầu tư phát triển để tạo thuận lợi cho việc xây dựng dự án, kế hoạch thanh quyết toán. Thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về thủ tục đầu tư, cắt giảm các điều kiện quá phức tạp, trùng lặp...
Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với các nhà đầu tư, nhà tài trợ thường xuyên kiểm điểm tình hình, đánh giá giải ngân các dự án, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Giai đoạn 2019 - 2020, huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nhận thấy rằng khả năng huy động bên ngoài vẫn còn nên Chính phủ đã chủ động đề xuất nâng nguồn vay vốn nước ngoài từ 300.000 tỷ đồng lên 360.000 tỷ đồng và Quốc hội đã đồng ý. Đó là cơ sở để cơ cấu lại danh mục đã ký kết để sử dụng nguồn vốn này.
Chính phủ đã phối hợp với các nhà tài trợ xây dựng khung hợp tác phát triển để xác định rõ khả năng huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, tỉnh xây dựng khung hợp tác cụ thể cho từng dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Lê Minh