Nhận diện, giải quyết mối quan hệ đa chiều giữa kinh tế, pháp luật và công tác quản lý

13/08/2019 22:21

(CLO) Ngày 13/8, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Pháp luật và Quản lý tổ chức hội thảo “Mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý trong phát triển xã hội”.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý, cuộc hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận giữa các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành và một số đại biểu là các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để bước đầu thống nhất nhận thức về mối quan hệ giữa kinh tế với pháp luật và quản lý trong phát triển bền vững và hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Từ đó đề xuất các khuyến nghị, phương hướng và giải pháp giải quyết mối quan hệ đa chiều, phức tạp giữa kinh tế, pháp luật và công tác quản lý.

Còn theo TS Phùng Thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế, Pháp luật và Quản lý, nền kinh tế nước ta với nhiều thành phần: Kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn. Đồng thời pháp luật cũng còn nhiều kẽ hở để xảy ra tiêu cực trong điều kiện kinh tế Việt Nam được mở với biên độ rộng nhất, thông thoáng nhất.

TS Phùng Thảo cho biết, chủ đề cuộc hội thảo chia làm 5 nhóm vấn đề, bao gồm: Nhận thức về vai trò kinh tế, pháp luật và quản lý trong phát triển xã hội; Vai trò quản lý xã hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước hiện nay; Mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý trong bối cảnh môi trường đổi mới hội nhập và thực trạng ở Việt Nam; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế, pháp luật và quản lý trong xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề kinh tế, trong đó tập trung làm rõ vai trò của kinh tế thị trường hiện đại. Về pháp luật, các ý kiến đã làm rõ vai trò của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, trong quản lý kinh tế - xã hội.

Các đại biểu, nhà khoa học cũng nêu lên những hướng tiếp cận khác nhau về mối quan hệ giữa kinh tế - pháp luật - quản lý; đánh giá thực trạng giải quyết các quan hệ đó ở nước ta từ thực tiễn đổi mới và hội nhập cũng như những vấn đề đặt ra cần được phát hiện để xử lý.

Các diễn giả tham gia hội thảo cũng trao đổi về những đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, các điều kiện nhằm nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ nêu trên. Trong đó, đã phân tích, lý giải đâu là khâu đột phá; Đâu là yêu cầu bức xúc, trước mắt, đâu là yêu cầu cơ bản, lâu dài…

Thế Vũ